VAI TRÒ CỦA CÁC HOẠT ĐỘNG XÃ HỘI ĐƯỢC TỔ CHỨC TRONG TRƯỜNG THPT

TS. Phạm Kiều Anh – Hà Thị Hương

1. Đặt vấn đề
Nói về giáo dục toàn diện, Rabole (1494- 1553) nhà tư tưởng, nhà giáo dục thời kỳ Phục Hưng đã từng nhấn mạnh: Việc giáo dục phải bao hàm các nội dung trí dục, đạo đức, thể chất, thẩm mỹ,… ngoài việc học ơ nhà, còn có có các buổi tham quan các xưởng chợ, các cửa hàng, tiếp xúc với các nhà văn, các nghị sĩ, đặc biệt là mỗi tháng một lần thầy và trò về sống ở nông thôn một ngày. Có thể nói, quan điểm trên đã thể hiện phần nào vai trò của hoạt động xã hội (HĐXH) vào quá trình hình thành và phát triển nhân cách của con người. Khi tham gia vào hoạt động này, HS có cơ hội thể hiện khả năng vận dụng  những tri thức đã học để giải quyết các vấn đề do thực tiễn đặt ra; biết điều chỉnh hành vi đạo đức, lối sống cho phù hợp, biết được truyền thống đấu tranh cách mạng… Các em cũng có nhiều cơ hội rèn luyện cho mình kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ứng xử có văn hóa, những thói quen học tập, lao động, kỹ năng tự quản, tự tổ chức, điều kiển, nhận xét, đánh giá, hòa nhập và thực hiện một số hoạt động tập thể có hiệu quả khác. Trong bài viết này, chúng tôi tập trung xem xét giá trị của các HĐXH đối với sự phát triển nhân cách HS THPT.

II- Nội dung
2.1. Khái niệm hoạt động xã hội
Khi nghiên cứu về sự phát triển của con người, các triết gia, các nhà khoa học có sự thống nhất với nhau trong quan điểm: con người phát triển được như hiện nay là nhờ các hoạt động. Thông qua hoạt động mà con người phát triển nhận thức, kinh nghiệm, hình thành trật tự xã hội, tạo nên đời sống xã hội của loài người. Nói một cách khác, con người hình thành và phát triển mọi mặt thông qua những HĐXH cụ thể. Cho đến nay, có nhiều người nghiên cứu về loại hoạt động này và cũng có nhiều quan niệm khác nhau về nó.  Tuy nhiên, có thể nhắc tới hoạt động này như sau: HĐXH là hoạt động được triển khai trong thực tế của đời sống xã hội. Những hoạt động đó gắn liền với những nhiệm vụ, yêu cầu và theo đúng tôn chỉ và pháp lý của xã hội. Tham gia vào hoạt động đó, HS tự giác, tích cực học tập, độc lập tham gia góp phần phát triển xã hội về nhiều mặt như bảo vệ môi trường, giữ gìn về sinh môi trường, góp phần xóa đói giảm nghèo, phòng chống AIDS và các tệ nạn xã hội…. Với quan niệm đó, có thể nhắc tới một số HĐXH có thể tổ chức ở trường THPT như: Hưởng ứng ngày môi trường thế giới; Mùa đông ấm Kim Quan năm 2012 (Trường THPT Kim Quan);Buổi tư vấn hướng nghiệp năm học 2016-2017 (trường THPT Vĩnh Viễn, Thành phố Hồ Chí Minh)… Khi tìm hiểu về hoạt động này, chúng tôi nhận thấy nó được thực hiện nhằm hướng tới các mục đích dưới đây:

Tham gia HĐXH nhằm giúp thanh thiếu niên có cơ hội mở rộng mối quan hệ: Một điều dễ nhận thấy nhất là bạn sẽ có thêm nhiều bạn mới khi tham gia các HĐXH. Bởi hầu hết các hoạt động này, đều là do hội, nhóm tổ chức và có rất nhiều thành viên. Trong đó các thành viên có cùng mục đích và sở thích giúp đỡ cộng đồng, vì thế tham gia các hoạt động này, con người với con người gần nhau hơn. Hơn nữa, nó cũng tạo điều kiện cho con người có cơ hội tiếp xúc với các doanh nghiệp, tổ chức tài trợ… tạo ra những cơ hội tốt cho mỗi cá nhân. Đặc biệt, các cá nhân khi tham gia còn có cơ hội giao lưu với các bạn trẻ là người nước ngoài nhằm: Trao đổi văn hóa, kết nối quốc tế, học hỏi kinh nghiệm và ngôn ngữ…

Không chỉ có vậy, khi tham gia các HĐXH, mỗi thành viên tham gia có thể nâng cao trình độ học tập: Khi tham gia các hoạt động này với anh chị lớn tuổi hơn, các cá nhân HS sẽ có cơ hội học hỏi kinh nghiệm những người đi trước. Từ những bài học được đúc rút trong những hoạt động thực tiễn, các em sẽ từng bước tích lũy cho bản thân những bài học về cuộc sống, cách ứng xử, cách giải quyết các vấn đề, cách thể hiện và bảo vệ chính kiến của bản thân. Đó chính là những kỹ năng thiết yếu, thường được con người sử dụng trong cuộc đời.

Các nhà tâm lý học, khi khảo sát các HĐXH còn cho rằng việc tham gia các HĐXH còn giúp mỗi cá nhân có thể xả stress. Điều này được thể hiện ở mục đích thực hiện các HĐXH- thực hiện chúng nhằm mục đích mang đến nụ cười, chia sẻ khó khăn với những người kém may mắn, những người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội. Như vậy, tham gia vào các HĐXH, con người có điều kiện thực hiện những việc tốt, có thể thể hiện khả năng, hiểu biết, thái độ và tình cảm, thể hiện ý thức trách nhiệm với cộng đồng.

Khi hành động trong những công việc thực tế, HS cũng sẽ được rèn luyện kỹ năng sống: Các kỹ năng như: lên ý tưởng, xây dựng đề án chương trình, thực hiện các công việc truyền thông, tổ chức những nội dung cụ thể theo chương trình…sẽ giúp mỗi HS biết định hướng công việc, cách thực hiện cho bản thân. Thông qua những hoạt động này, HS có điều kiện bồi đắp kỹ năng sống cho bản thân. Những chỉ dẫn, những cách xử lý tình huống phát sinh trong những hoàn cảnh thực tế của những người đi trước sẽ giúp bạn thêm tự tin và không còn bỡ ngỡ khi gặp phải các sự cố bất ngờ trong cuộc sống.

2.2. Một số hoạt động xã hội thường được tổ chức ở trường THPT
2.3.1. Rèn đức luyện tài
Là hoạt động được tổ chức nhằm hình thành phẩm chất đạo đức cho HS, định hướng cho chủ thể học tập có ý thức, có hành vi ứng xử phù hợp với lợi ích xã hội, giúp HS lĩnh hội được một cách đúng mức các chuẩn mực đạo đức xã hội. Thông qua những hoạt động cụ thể, chủ thể học tập có cơ sở bồi dưỡng tình cảm đạo đức, tính tích cực và bền vững và các phẩm chất ý chí để đảm bảo theo đúng các yêu cầu đạo đức, rèn luyện hành vi đạo đức để trở thành công dân có ích của xã hội. Hoạt động này thường được các trường phổ thông tiến hành cao điểm trong tháng 3 – tháng dành cho đoàn viên thanh niên. Thông qua các chương trình/ hành động cụ thể, mỗi HS sẽ tự ý thức trách nhiệm, biết làm chủ bản thân để phấn đấu theo yêu cầu được nêu ra. Việc rèn đức luyện tài có thể được xem xét ở các tiêu chí như: học tập tốt, có thành tích lớn trong công tác học tập, công tác đoàn hoặc đạt được thành tích cao trong các kỳ thi cấp tỉnh, cấp quốc gia; cá nhân HS có những hành động, việc làm có ý nghĩa, có tính giáo dục trong cộng đồng xã hội….

2.3.2.Thi nghề
Là một hoạt động được nhà trường kết hợp với các trường dạy nghề tổ chức nhằm kiểm tra nhận thức và năng lực thực hiện làm nghề cho HS. Nội dung thi nghề hiện nay thường là toàn bộ chương trình, nội dung một nghề phổ thông nhưng cũng gắn liền với những công việc, nghề nghiệp hiện nay mà con người thực hiện trong thực tế cuộc sống. Mục đích của việc tổ chức các cuộc thi nghề là nhằm giúp HS biết vận dụng những kiến thức đã học vào tạo ra những sản phẩm theo yêu cầu xã hội. Từ đó, các em nhận thấy mối liên hệ giữa kiến thức với thực tế cuộc sống. Hơn nữa, thông qua các cuộc thi nghề, HS sẽ có ý thức trong việc định hướng và lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với tiêu chuẩn, năng lực của bản thân các em trong tương lai.

2.3.3. Hoạt động tình nguyện
Theo Từ điển Tiếng Việt (Hoàng Phê – 1998): Tình nguyện là tự mình nhận lấy trách nhiệm để làm (thường là việc khó khăn, đòi hỏi phải hy sinh), không phải do bắt buộc. Như vậy “Tình nguyện” chỉ hoạt động có tính tự giác cao độ, không quản ngại khó khăn, gian khổ của cá nhân, tập thể vì lợi ích của xã hội, cộng đồng.
Trong trường THPT, mục đích tổ chức hoạt động này nhằm phát huy mạnh mẽ tinh thần tình nguyện trong HS, góp phần tham gia phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, giải quyết các vấn đề khó khan của cộng đồng; tạo môi trường để các em rèn luyện, cống hiến, trau đồi thực tiễn, gắn bó, chia sẻ với nhân dân; đẩy mạnh công tác đoàn kết; phát triển, củng cố và nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đoàn, Hội, Đội. Cũng vì thế, trong vài năm trở lại đây, phong trào được tổ chức toàn diện, rộng khắp với nội dung hoạt động phong phú, hình thức đa dạng nhằm thu hút đông đảo HS tham gia. Hiện nay, ở các trường THPT, ba hoạt động trên được tiến hành khá cụ thể, rõ ràng và thu được những hiệu quả nhất định trong việc giáo dục HS trở thành người công dân có ích, giúp các em có thể hòa nhập cộng đồng và là người hữu ích cho xã hội tương lai.
Trên đây là ba hoạt động tiêu biểu được hầu hết các trường THPT tổ chức nhằm giáo dục HS. Mỗi hoạt động được tổ chức trong những thời điểm khác nhau của năm học. Và mỗi hoạt động khi được triển khai lại có những tiêu đề riêng theo quan niệm và mục đích giáo dục HS trong từng trường cụ thể. Tuy nhiên, trên thực tế, các HĐXH không chỉ có thể tổ chức trong trường học mà nó còn có thể được triển khai ở các địa phương, ở chính trong thực tế đời sống xã hội.

2.3. Vai trò của hoạt động xã hội trong giáo dục học sinh trung học phổ thông
Dự thảo phát triển chương trình giáo dục phổ thông tổng thể xác định: chủ trương đổi mới căn bản toàn diện giáo dục phổ thông được thực hiện đồng bộ ở tất cả các khâu của quá trình giáo dục. Trong đó, một trong những điểm khác so với trước đây là: xét về hình thức giáo dục, việc giáo dục chủ thể học tập không chỉ đơn thuần thực hiện trên lớp mà còn phải thực hiện thông qua nhiều hình thức khác, đặc biệt là phải đa dạng hoá hình thức tổ chức học tập, coi trọng cả dạy học trên lớp và các HĐXH, trải nghiệm sáng tạo, tập dượt nghiên cứu khoa học. Coi trọng sự phối hợp chặt chẽ giáo dục nhà trường, giáo dục gia đình và giáo dục xã hội. Nhận định này chứng tỏ tầm quan trọng của các HĐXH đã với quá trình hình thành nhân cách và năng lực của chủ thể học tập.

Mục tiêu chính của giáo dục hiện nay là phát triển theo hướng xã hội hóa. Xã hội hóa trong trường hợp này có thể hiểu là sau quá trình đào tạo,những nội dung tri thức khoa học phải thể hiện và gắn liền với thực tiễn và là tiền đề cơ bản để giải quyết những nhiệm vụ nảy sinh từ thực tế đời sống, từ thực tế lao động sản xuất… Như vậy, HĐXH tạo ra cơ hội và điều kiện cho HS giao lưu với người khác, là quá trình nhận thức và chấp nhận những khuôn mẫu và chuẩn mực xã hội thích nghi với các chuẩn mực ấy và chuyển chúng thành những giá trị của chính bản thân mỗi người.

Nhờ các HĐXH, tính tích cực của chủ thể học tập được hình thành bồi dưỡng và phát triển một cách cụ thể theo quá trình vận động khi tham gia hoạt động. Tính tích cực được thể hiện rõ nét qua sự thay đổi ở các phương diện kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và thái độ tham gia hoạt động mà HS đã thu nhận và đạt được. Trên cơ sở đó, HS thể hiện ước vọng, khẳng định giá trị, bộc lộ lý tưởng về cuộc sống , các em còn có điều kiện thâm nhập cuộc sống xã hội, ý thức ngày càng đầy đủ và sâu sắc rằng mình là một thành viên của xã hội, gắn bó với cuộc sống xã hội.

HĐXH còn làm cho người học có điều kiện vận dụng những điều đã học trong nhà trường  vào thực tế cuộc sống ở những mức độ khác nhau. Không chỉ có vậy, chủ thể học tập còn có điều kiện và thu nhập được nhiều giá trị đa dạng của cuộc sống xã hội; phản ánh được cuộc sống thực của xã hội. Khi tham gia các HĐXH giúp cho các em có cơ hội trực tiếp đóng góp sức lực, trí tuệ, tiền của… của mình vào sự phát triển xã hội tùy theo năng lực và điều kiện của mình. Từ đó, hình thành và phát triển xúc cảm, tình cảm tích cực của một thành viên của xã hội (hài lòng vui sướng về sự đóng góp của mình, mong muốn được đóng góp nhiều hơn, thấy tự hào và càng thêm yêu quê hương đất nước…). HĐXH giúp cho các em có cơ hội mở rộng các quan hệ xã hội như quan hệ với người khác, với những các tổ chức xã hội, cơ quan những cơ sở sản xuất, những đoàn thể xã hội… Như vậy HĐXH giúp cho các em phát huy được ý thức và năng lực tự giác; làm quen với các hoạt động gắn liền với cộng đồng.

3. Kết luận
Tổ chức các HĐXH trong trường THPT cũng là một trong những hướng tới của giáo dục hiện nay. Mục đích  của việc tổ chức các hoạt động này là nhằm góp phần giúp HS mở rộng các mối quan hệ; tích lũy kinh nghiệm học tập và kinh nghiêm sống; có cơ hội phát huy tài năng; xả stress, giúp cho các em hăng hái học tập, có điều kiện để thể hiện thế mạnh của bản thân. Mặt khác, cũng tạo điều kiện cho GV và HS hiểu nhau hơn Thông qua các HĐXH, HS có thêm kiến thức về con người, về xã hội ngày càng phong phú, càng mở rộng; kỹ năng giao tiếp, ứng xử có văn hóa với mọi người ngày càng đa dạng, càng sâu sắc và nhuần nhuyễn hơn, bộ mặt văn hóa đạo đức của con người cùng ngày hoàn thiện hơn.
 
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2017), Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông, NXB Giáo dục Việt Nam
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công  văn số: 2267/THPT v/v hướng dẫn thi và cấp chứng nhận nghề phổ thông.
3. Đảng Công sản Việt Nam (2015), Nghị quyết 29 TW Đảng về đổi mới căn bản và toàn diện, giáo dục Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia.
4. Kim Nam (Sưu tầm và tuyển chọn), (2015), Giáo dục toàn diện cho thanh niên, học sinh – Những giải pháp quan trọng, hữu ích và cần thiết, NXB Thanh niên.
5. Hoàng Phê (2003), Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng.
6. https://diendan.hocmai.vn/threads/van-8-ren-duc-luyen-tai.209721/
7.https://www.facebook.com/notes/vvc-trung-t%C3%A2m-t%C3%ACnh-nguy%E1%BB%87n-qu%E1%BB%91c-gia/nh%E1%BB%AFngl%E1%BB%A3i-%C3%ADch-c%E1%BB%A7a-ho%E1%BA%A1t-%C4%91%E1%BB%99ng-t%C3%ACnh-nguy%E1%BB%87n/378306238889667/
8. http://muadongamphutho.blogspot.com/ 
9. https://www.youtube.com/watch?v=Va-hQFyQXkk&t=2s
Bài đăng trên Tạp chí Giáo dục số đặc biệt, tháng 6/2017