Ưu điểm, nhược điểm của các loại hình doanh nghiệp – Công ty Luật Quốc tế DSP

 

Hiện nay, doanh nghiệp là chủ thể kinh doanh phổ biến và đa dạng về các loại hình. Đặc biệt, khi Luật Doanh nghiệp năm 2020 cùng các văn bản hướng dẫn có liên quan ra đời thì các vấn đề về doanh nghiệp lại càng được quan tâm nhiều hơn. Việc lựa chọn loại hình doanh nghiệp trước khi tiến hành thành lập doanh nghiệp cũng được nhiều người cân nhắc vì mỗi loại hình lại có những ưu điểm, nhược điểm khác nhau. Vậy để có thể xác định được loại hình doanh nghiệp phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện sản xuất kinh doanh, Công ty Luật Quốc tế DSP gửi đến bạn đọc những phân tích về ưu điểm, nhược điểm của các loại hình doanh nghiệp thông qua bài viết dưới đây.

1. Doanh nghiệp là gì?

1.1. Khái niệm doanh nghiệp

Theo quy định tại khoản 10 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì: “Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh”.

1.2. Đặc điểm của doanh nghiệp

Dựa trên khái niệm doanh nghiệp, có thể rút ra được các đặc điểm của doanh nghiệp như sau:

Thứ nhất, là tổ chức. Theo đó, doanh nghiệp phải là tổ chức mà không thể là cá nhân. Tính tổ chức thể hiện qua việc có tổ chức điều hành, cơ cấu nhân sự, có trụ sở giao dịch hoặc đăng ký và có tài sản riêng để quản lý, kèm theo  tư cách pháp nhân trừ loại hình doanh nghiệp tư nhân.

Thứ hai, có tên riêng. Tên doanh nghiệp là một trong những cơ sở để khách hàng có thể phân biệt doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác. Tên doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Điều 37, 38, 39 Luật Doanh nghiệp năm 2020.

Thứ ba, có tài sản. Trước tiên, tài sản của doanh nghiệp phải có vốn. Vốn là điều kiện đầu tiên doanh nghiệp cần phải có khi muốn thành lập doanh nghiệp. Tuy nhiên, tài sản của doanh nghiệp không chỉ có duy nhất vốn mà còn có nhà xưởng, máy móc, lợi nhuận,…

Thứ tư, có trụ sở giao dịch. Theo đó, một doanh nghiệp chỉ có một trụ sở giao dịch gọi là “trụ sở chính”. Trụ sở giao dịch của doanh nghiệp không bắt buộc phải đặt tại một vị trí nhất định, nhưng phải được đăng ký địa chỉ.

Thứ năm, được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật.

Trong khi Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định doanh nghiệp “được đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật” thì Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định doanh nghiệp “được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật”. Theo đó, Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã có sự mở rộng về đối tượng được xem là doanh nghiệp, cả những tổ chức được thành lập trước nhưng đăng ký thành lập doanh nghiệp sau thì vẫn được xác định là doanh nghiệp. Ví dụ: những doanh nghiệp đã chuẩn bị xong nhà xưởng, nhân công,…đang trong quá trình chờ việc đăng ký, xác nhận pháp lý của nhà nước để có thể chính thức tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thứ sáu, nhằm mục đích kinh doanh.

Theo đó, đa số doanh nghiệp thành lập để thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư, cung ứng hàng hóa, dịch vụ,… nhằm mục đích sinh lời. Tuy nhiên, đối với trường hợp doanh nghiệp xã hội có mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng và sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận sau thuế hằng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu đã đăng ký. Vậy nên khái niệm doanh nghiệp hiện nay đã được sửa đổi theo hướng nhằm mục đích kinh doanh chứ không còn là nhằm mục đích sinh lời.

1.3. Có những loại hình doanh nghiệp nào?

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì có những loại hình doanh nghiệp sau:

– Doanh nghiệp tư nhân

– Công ty hợp danh 

– Công ty cổ phần

– Công ty trách nhiệm hữu hạn

– Doanh nghiệp nhà nước

Trong phạm vi bài viết này, Công ty Luật Quốc tế DSP sẽ phân tích về các ưu điểm, nhược điểm của Doanh nghiệp tư nhân, Công ty hợp danh, Công ty cổ phần và Công ty trách nhiệm hữu hạn – là những loại hình doanh nghiệp phổ biến nhất hiện nay.

2. Ưu điểm, nhược điểm của các loại hình doanh nghiệp

2.1. Doanh nghiệp tư nhân

Ưu điểm:

Thứ nhất, tài sản được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của Doanh nghiệp tư nhân không phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ sở hữu. Với tính chất như vậy nên toàn bộ vốn để thành lập Doanh nghiệp tư nhân chỉ do một cá nhân (là chủ sở hữu Doanh nghiệp tư nhân) đầu tư. Theo đó, chủ Doanh nghiệp tư nhân chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động kinh doanh của Doanh nghiệp tư nhân, tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ Doanh nghiệp tư nhân cũng là tài sản của Doanh nghiệp tư nhân. Vậy nên, tài sản được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của Doanh nghiệp tư nhân không phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho doanh nghiệp.

Thứ hai, dễ dàng tạo sự tin tưởng đối với các đối tác, khách hàng. Bởi lẽ chủ Doanh nghiệp tư nhân phải chịu tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp, đồng thời Doanh nghiệp tư nhân cũng ít chịu sự ràng buộc chặt chẽ bởi pháp luật như các loại hình doanh nghiệp khác nên Doanh nghiệp tư nhân cũng là loại hình được nhiều công ty lựa chọn hợp tác.

Thứ ba, là chủ sở hữu duy nhất của doanh nghiệp nên chủ Doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn có thể chủ động trong việc quyết định tất cả các vấn đề phát sinh liên quan đến hoạt động kinh doanh của Doanh nghiệp tư nhân mà không phụ thuộc vào ý chí của các chủ thể khác.

Nhược điểm:

Thứ nhất, rủi ro cao đối với chủ Doanh nghiệp tư nhân khi phải chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản thuộc quyền sở hữu của mình. Theo đó, Doanh nghiệp tư nhân là loại hình doanh nghiệp không có tư cách pháp nhân nên mức độ rủi ro đối với Doanh nghiệp tư nhân cao hơn so với các loại hình doanh nghiệp khác.

Thứ hai, gặp phải nhiều hạn chế so với các công ty như:

– Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.

– Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh của công ty hợp danh.

– Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.

2.2. Công ty hợp danh

Ưu điểm:

Thứ nhất, kết hợp được uy tín cá nhân, sự tin tưởng của nhiều người. Theo đó, công ty hợp danh là công ty đối nhân điển hình, thể hiện qua việc công ty chủ yếu quan tâm đến nhân thân, trình độ, uy tín các thành viên hơn, ít quan tâm đến phần vốn góp. Các thành viên hợp danh thường tin tưởng và muốn làm việc với nhau, một phần vì họ phải liên đới chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản của mình.

Thứ hai, số lượng thành viên ít nên việc điều hành, quản lý tương đối đơn giản hơn. So với các loại hình công ty khác thì Công ty hợp danh có số lượng các thành viên ít hơn bởi các thành viên tin tưởng nhau và có mong muốn gắn bó lâu dài với công ty. Bên cạnh đó, việc các thành viên tin tưởng, đoàn kết với nhau cũng là điều kiện thuận lợi để vận hành, quản lý công ty.

Thứ ba, dễ dàng tạo sự tin cậy của các đối tác kinh doanh. Tương tự như Doanh nghiệp tư nhân, đối với Công ty hợp danh thì các thành viên hợp danh cũng chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty, vậy nên thường được nhiều đối tác, khách hàng lựa chọn hợp tác kinh doanh.

Nhược điểm:

Thứ nhất, giống như chủ Doanh nghiệp tư nhân, các thành viên hợp danh cũng phải chịu rủi ro cao khi phải chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản thuộc quyền sở hữu của mình.

Thứ hai, lĩnh vực hoạt động ít đa dạng hơn. Với tính chất là công ty đối nhân, các thành viên hợp danh thường tin tưởng, gắn bó lâu dài với nhau, dẫn đến các lĩnh vực hoạt động của Công ty hợp danh thường là những lĩnh vực đặc thù, thiên về chuyên môn như công ty luật, công ty kiểm toán, thuế,…

Thứ ba, so với các loại hình công ty khác thì Công ty hợp danh là công ty duy nhất không được phát hành bất kỳ một loại chứng khoán nào. Điều này cũng dẫn đến việc huy động vốn của Công ty hợp danh thường khó khăn hơn so với các loại hình công ty khác.

Thứ tư, thành viên hợp danh khi rút khỏi công ty vẫn phải chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ của công ty hợp danh phát sinh từ những cam kết với công ty trước khi thành viên đó rút khỏi công ty.

2.3. Công ty cổ phần

Ưu điểm:

Thứ nhất, khả năng huy động vốn rất cao. Theo đó, Công ty cổ phần là loại hình công ty đối vốn điển hình thông qua việc Công ty cổ phần có quyền phát hành cổ phần, trái phiếu và nhiều loại chứng khoán khác để huy động vốn. Việc chào bán cổ phần để huy động vốn, cùng với việc Công ty cổ phần không giới hạn số lượng cổ đông góp vốn cũng là một trong những đặc điểm riêng có của Công ty cổ phần.

Thứ hai, mức độ rủi ro đối với các cổ đông thấp. Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 111 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì “cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp”. Không giống như chủ Doanh nghiệp tư nhân và thành viên hợp danh của Công ty hợp danh, các cổ đông của Công ty cổ phần chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản của công ty nên mức độ rủi ro đối với các cổ đông là không cao.

Thứ ba, Công ty cổ phần có phạm vi hoạt động đa dạng các lĩnh vực. Theo đó, cơ cấu vốn của Công ty cổ phần hết sức linh hoạt, số lượng cổ đông không hạn chế cùng với đó là việc cổ đông có thể tự do chuyển nhượng cổ phần nên Công ty cổ phần được xem là một trong những loại hình doanh nghiệp có phạm vi hoạt động đa dạng nhất, thu hút sự tham gia của đông đảo các đối tượng.

Nhược điểm:

Thứ nhất, việc quản lý và điều hành Công ty cổ phần tương đối phức tạp. Bởi Công ty cổ phần không bị giới hạn về số lượng cổ đông nên bất kỳ ai cũng có thể tham gia và trở thành cổ đông, những người này thường không quen biết nhau và thậm chí có thể có sự đối kháng về lợi ích, dẫn đến việc quản lý, điều hành doanh nghiệp trở nên khó khăn hơn.  

Thứ hai, Công ty cổ phần là loại hình công ty đa dạng và phức tạp hơn các công ty khác nên việc thành lập, tổ chức, quản lý, điều hành Công ty cổ phần cũng chịu sự điều chỉnh chặt chẽ bởi các quy định của pháp luật, tính ràng buộc về mặt pháp lý lớn, cộng với việc Công ty cổ phần có phạm vi hoạt động rộng lớn và phức tạp nên nhiều đối tác kinh doanh có phần e ngại, thiếu sự tin tưởng khi hợp tác với Công ty cổ phần.

Thứ ba, khả năng bảo mật trong kinh doanh và tài chính của Công ty cổ phần bị hạn chế do phải công khai và báo cáo với các cổ đông ở các cuộc họp thường niên. 

Thứ tư, quyền và lợi ích hợp pháp của các cổ đông hoặc nhóm cổ đông thiểu số của Công ty cổ phần không được đảm bảo. Thực tế, tại các Công ty cổ phần của Việt Nam, quyền lực của công ty tập trung chủ yếu vào các cổ đông lớn và những người điều hành quản lý công ty, cho nên đối với những Công ty cổ phần có Ban kiểm soát được lập ra mang tính chất hình thức hoặc không có Ủy ban kiểm toán nội bộ thì quyền lợi của các cổ đông nhỏ lẻ có thể bị xâm phạm hoặc ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, đối với Công ty cổ phần sẽ khó khăn hơn khi đưa ra một quyết định nào đó dù là về quản lý doanh nghiệp hay kinh doanh do phải thông qua Hội Đồng quản trị, Đại hội đồng cổ đông…, dẫn tới việc rất dễ bỏ qua những cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp.

2.4. Công ty trách nhiệm hữu hạn

Ưu điểm:

Thứ nhất, thành viên Công ty trách nhiệm hữu hạn chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp. Vậy nên mức độ rủi ro về tài sản đối với thành viên Công ty trách nhiệm hữu hạn thấp hơn so với chủ Doanh nghiệp tư nhân hay thành viên hợp danh của Công ty hợp danh.

Thứ hai, Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên thì số lượng thành viên của công ty là từ 02 đến 50 thành viên. Việc quy định như thế giúp Công ty trách nhiệm hữu hạn không bị quá phức tạp dẫn đến khó khăn khi quản lý, điều hành như Công ty cổ phần, nhưng vẫn đảm bảo mở rộng được phạm vi hoạt động của doanh nghiệp hơn so với những loại hình doanh nghiệp có ít thành viên như Công ty hợp danh hay Doanh nghiệp tư nhân, giúp Công ty trách nhiệm hữu hạn có đủ tiềm lực để hoạt động đa dạng các lĩnh vực. 

Thứ ba, chế độ chuyển nhượng vốn của Công ty trách nhiệm hữu hạn dù không được linh hoạt như Công ty cổ phần nhưng được điều chỉnh chặt chẽ bởi quy định của pháp luật nên có thể dễ dàng kiểm soát được sự thay đổi về các thành viên trong công ty, hạn chế việc những người lạ, có nhiều lợi ích đối kháng với các thành viên,…xâm nhập vào công ty.

Nhược điểm:

Thứ nhất, có sự hạn chế về số lượng thành viên, cộng với việc không được phát hành cổ phần nên phạm vi hoạt động không được đa dạng và rộng lớn bằng Công ty cổ phần, không thu hút sự tham gia của của nhiều thành viên mới.

Thứ hai, cũng giống như những loại hình doanh nghiệp khác, chế độ trách nhiệm hữu hạn một mặt giúp hạn chế rủi ro cho các thành viên nhưng đồng thời cũng khiến các đối tác, khách hàng của doanh nghiệp có phần thận trọng, e dè hơn khi quyết định hợp tác kinh doanh với Công ty trách nhiệm hữu hạn. 

Từ những phân tích trên có thể thấy, mỗi một loại hình doanh nghiệp đều có những ưu điểm, nhược điểm khác nhau. Vậy nên việc hiểu rõ về các loại hình doanh nghiệp là điều kiện thuận lợi để việc thành lập, quản lý, vận hành và phát triển doanh nghiệp được tốt hơn, từ đó góp phần xây dựng nền kinh tế vững mạnh.

3. Cơ sở pháp lý

Luật Doanh nghiệp năm 2020

Thông qua bài viết trên đây, bạn đọc đã phần nào nắm được các ưu điểm, nhược điểm của mỗi loại hình doanh nghiệp, trên cơ sở đó có thể chọn cho mình loại hình doanh nghiệp phù hợp để thành lập và phát triển, thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mình được tốt nhất. Mọi vướng mắc vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn qua Hotline: 089.661.6767 / 089.661.7728 hoặc gửi qua Email: [email protected] để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ tốt nhất từ Công ty Luật Quốc tế DSP.