Untitled 1

Một số kết quả ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi trồng thủy sản tại Kiên Giang

(

00:00

| 06/11/2018)

Để phát huy tiềm năng, lợi thế về nuôi trồng thủy sản (NTTS), thời gian qua, ngành Nông nghiệp Kiên Giang đã quan tâm chỉ đạo việc ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) trong NTTS và bước đầu mang lại những kết quả rất đáng ghi nhận. Bên cạnh đó, việc ứng dụng KHCN trong NTTS của tỉnh cũng còn những tồn tại, hạn chế nhất định cần được khắc phục, tháo gỡ nhằm tạo động lực thúc đẩy sản xuất, phục vụ tốt cho mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trong thời gian tới.

Kiên Giang là tỉnh phía Tây của ĐBSCL, giáp các tỉnh An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang phía Đông Bắc; giáp Bạc Liêu, Cà Mau phía Nam; tiếp giáp nước Campuchia với đường biên giới dài 56,8 km. Diện tích tự nhiên toàn tỉnh là 6.348 km2 với 15 đơn vị hành chính. Biển Kiên Giang nằm gọn trong vịnh Thái Lan, vùng biển ngư trường rộng 63.290 km2, chiều dài bờ biển hơn 200 km, trên 140 hòn đảo lớn, nhỏ và hơn 100 cửa sông, kênh, rạch thoát nước ra biển. Nhờ có lợi thế về địa lý, điều kiện thổ nhưỡng cũng như nguồn nước đã cho phép Kiên Giang phát triển một ngành thủy sản khá toàn diện về nuôi trồng lẫn khai thác, đánh bắt thủy sản.

Ảnh 1. Diễn đàn KHCN trong thủy sản khu vực phía Nam do Tổng cục Thủy sản
tổ chức tại Kiên Giang ngày 31/10/2018.

Trong thời gian qua, nuôi trồng thủy sản (NTTS) của tỉnh có sự tăng trưởng mạnh và khá đều đặn. Hiện nay, với khoảng 240.000 ha (tôm nước lợ hơn 120.000 ha), Kiên Giang là tỉnh thuộc tốp đầu trong khu vực, với đa dạng loại hình canh tác (chuyên canh, luân canh, xen canh kết hợp), khu vực nuôi (cả trong nội địa lẫn ngoài bãi triều ven biển, ven đảo) và đối tượng nuôi (tôm sú, tôm chân trắng, tôm càng xanh, cua biển, cá biển, sò huyết, sò lông,…).

Định hướng trọng tâm trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp thời gian tới là đầu tư nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm thu hoạch và hiệu quả sản xuất. Trong đó, tỉnh xác định đầu tư cho khoa học – công nghệ (KHCN) là yếu tố quan trọng, làm đòn bẩy để thúc đẩy sản xuất, đạt được mục tiêu đề ra.

Với định hướng đó, ngành Nông nghiệp Kiên Giang đã quyết liệt trong công tác chỉ đạo và có những giải pháp nhằm khuyến khích, đẩy mạnh việc ứng dụng KHCN trong sản xuất nông nghiệp nói chung và NTTS nói riêng. Có thể nói, kết quả nổi bật trong sản xuất NTTS của tỉnh trong thời gian qua có sự đóng góp không nhỏ từ việc mạnh dạn ứng dụng KHCN của người dân cũng như doanh nghiệp. 

1. Một số kết quả ứng dụng KHCN điển hình trong nuôi trồng thủy sản

– Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang đã và đang ứng dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, xây dựng nhiều mô hình nuôi tôm sú, tôm chân trắng siêu thâm canh theo các hình thức ao lót bạt đáy – hai giai đoạn, biofloc,…(mật độ thả 300-500 con/m2); năng suất cao gấp 5,2-12,8 lần so với cách nuôi truyền thống (ao đất, lót bạt bờ). Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 450 ha/2.500 ha diện tích nuôi tôm theo các hình thức này. Với những ưu điểm vượt trội có được (kiểm soát tốt môi trường, dịch bệnh, sức khỏe tôm; năng suất, sản lượng cao; tiết kiệm nước sử dụng;…), mô hình này sẽ còn mở rộng hơn nữa trong thời gian tới. Đây là kết quả của việc chủ động nắm bắt, tiếp cận ứng dụng tiến bộ KHCN của người dân và doanh nghiệp cũng như định hướng của cơ quan quản lý chuyên ngành.

Ảnh 2. Mô hình nuôi tôm trong bể tròn tạo Trại thực nghiệm Ba Hòn
(Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang)

– Về chứng nhận vùng nuôi tôm công nghệ cao, Công ty Cổ phần Trung Sơn (xã Dương Hòa, huyện Kiên Lương) là đơn vị đầu tiên của tỉnh có vùng sản xuất nguyên liệu (chủ yếu là nuôi tôm thương phẩm và chế biến xuất khẩu) được công nhận Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (theo Quyết định số 230/QĐ-UBND ngày 25/01/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang).

– Về sản xuất giống tôm càng xanh toàn đực, thông qua đề tài khoa học “Sản xuất giống tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii) toàn đực tại tỉnh Kiên Giang”, Trung tâm Khuyến nông đã triển khai tại Trại Thực nghiệm và Sản xuất giống Thứ Sáu Biển, huyện An Biên.Tôm cái giả được mua từ Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II. Tôm giống sản xuất được có kích cỡ đồng đều, không dị hình dị tật, tỷ lệ tôm đực trung bình đạt 99,6%; được người nuôi đánh giá rất cao về chất lượng. Đây là hướng đi mới, đang đề xuất nhân rộng cho các cơ sở có điều kiện sản xuất trong tỉnh, nhằm tiến tới chủ động được con giống cung cấp cho người dân, giúp cho nghề nuôi phát triển bền vững.

– Trong nuôi cá lồng bè thương phẩm trên biển, tại Kiên Giang ghi nhận sự góp mặt của Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Trấn Phú với việc đưa công nghệ lồng Nauy (lồng tròn, vật liệu HDPE, đường kính 30m) về nuôi cá chim, cá hồng mỹ tại huyện Phú Quốc. Công suất thiết kế 1.500 tấn cá biển thương phẩm/năm. Sử dụng con giống nhân tạo chất lượng cao; thức ăn công nghiệp; sản phẩm thu hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường EU, Hoa Kỳ.

Ảnh 3. Khu nuôi cá lồng bè thương phẩm áp dụng lồng tròn Nauy
của Công ty Trấn Phú tại xã Gành Dầu, huyện Phú Quốc

Ảnh 4. Một trong các lồng nuôi (đường kính 30 m) theo công nghệ Nauy
của Công ty Trấn Phú tại huyện Phú Quốc

– Để chủ động việc giám sát, cảnh báo môi trường phục vụ hiệu quả cho sản xuất, UBND tỉnh đã thông qua và phê duyệt Dự án đầu tư hệ thống trạm QTMT nước tự động phục vụ NTTS kết hợp bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Kiên Giang với kinh phí thực hiện 70 tỷ đồng. Ngoài ra, thông qua hợp tác với Tổng cục Thủy sản, tỉnh cũng đang đặt hàng Tập đoàn VNPT thiết kế, cung cấp hệ thống thiết bị thông minh nhằm giám sát chặt chẽ biến động môi trường nước và sức khỏe tôm trong ao nuôi.

2. Những thuận lợi và khó khăn trong việc ứng dụng KHCN

Thời gian qua, việc ứng dụng KHCN trong NTTS của tỉnh Kiên Giang có những thuận lợi cơ bản như:

– Chủ trương xuyên suốt, đồng bộ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh là lấy KHCN làm nền tảng sản xuất; do đó, công tác chỉ đạo rất sâu sát và việc thực thi của ngành Nông nghiệp là khá quyết liệt trong việc ứng dụng KHCN nhằm thúc đẩy sản xuất theo hướng hiệu quả, an toàn, bền vững.

– Người dân, doanh nghiệp rất quan tâm và cũng khá mạnh dạn trong việc tiếp cận, đầu tư áp dụng công nghệ nuôi mới vào sản xuất (nuôi tôm lót bạt đáy, hai giai đoạn; cá lồng bè Nauy,…).

Bên cạnh đó, việc ứng dụng KHCN trong NTTS thời gian qua cũng còn một số khó khăn, hạn chế nhất định:

– Phần lớn việc tổ chức sản xuất NTTS còn mang tính nhỏ lẻ, sự liên kết chưa cao nên việc ứng dụng KHCN còn gặp nhiều khó khăn.

– Thiếu cơ chế, chính sách hoặc việc cụ thể hóa cơ chế, chính sách hỗ trợ ứng dụng KHCN đối với người dân, doanh nghiệp còn rất nhiều hạn chế. Đầu tư cho KHCN cần khá nhiều vốn; “Người tiên phong” ứng dụng KHCN, nhất là công nghệ mới, lần đầu áp dụng tại địa phương, thường có sự rủi ro, thách thức lớn hơn những “Người đi sau”. Do đó, nếu không có hỗ trợ, cơ chế khuyến khích thì những “Người tiên phong” không dám mạnh dạn đầu tư KHCN.

– Việc ứng dụng KHCN trong lĩnh vực sản xuất giống thủy sản (đặc biệt là giống cá biển, nhuyễn thể) của tỉnh còn rất hạn chế.

– Việc ứng dụng KHCN chưa mang lại sự khác biệt về lợi thế đầu ra sản phẩm (giá bán, thị trường tiêu thụ,…) so với sản phẩm thông thường, thị trường tiêu thụ (nhất là cá biển) chưa ổn định nên doanh nghiệp, người dân cũng chưa mặn mà.

– Việc đầu tư nghiên cứu ứng dụng KHCN được tỉnh rất quan tâm, nhưng trong điều kiện ngân sách còn hạn chế nên việc bố trí kinh phí thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu, ứng ụng chuyển giao KHCN trong NTTS còn chưa nhiều.

– Một số đề tài, dự án nghiên cứu KHCN nói chung và trong lĩnh vực NTTS nói riêng chưa quan tâm đến việc nhân rộng ứng dụng kết quả nghiên cứu hoặc nghiên cứu những vấn đề chưa phải cấp thiết của Ngành nên có khi gây lãng phí cho ngân sách Nhà nước.

3. Một số đề xuất, kiến nghị trong việc ứng dụng KHCN

Trong thời đại ngày nay, việc ứng dụng KHCN là nhu cầu tất yếu trong mọi lĩnh vực sản xuất. Tại Kiên Giang, để việc ứng dụng KHCN trong lĩnh vực NTTS ngày càng hiệu quả và đóng góp quan trọng trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh; có một số đề xuất – kiến nghị như sau:

– Cần cụ thể hóa đầy đủ các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư ứng dụng KHCN trong sản xuất NTTS tại địa phương, làm sao tạo ra được “môi trường” ứng dụng KHCN thật thuận lợi, bình đẳng, minh bạch, đảm bảo người dân cũng như doanh nghiệp có thể tiếp cận, thụ hưởng.

– Bố trí nguồn kinh phí dành cho nghiên cứu KHCN nói chung và trong lĩnh vực NTTS nói riêng nhiều hơn, để các đề tài, sản phẩm nghiên cứu đầy đủ hơn, có chất lượng hơn (nhất là các chương trình hỗ trợ nghiên cứu sản xuất giống cá biển (cá mú, cá bóp, cá hồng mỹ, cá chim,…), một số đối tượng nhuyễn thể có giá trị như: trai ngọc, hàu, tu hài, bàu ngư,…).

– Cần có cơ chế giám sát, hỗ trợ để đảm bảo các sản phẩm nghiên cứu KHCN từ các đề tài, dự án được mang ra ứng dụng rộng rãi, không để lãng phí nhiều như thời gian qua.

– Ngoài ra, cần đề xuất cơ chế đảm bảo các sản phẩm NTTS được tạo ra từ việc ứng dụng KHCN có lợi thế về mặt thị trường tiêu thụ so với các sản phẩm thông thường khác./.