Ứng xử hợp lẽ với cây xanh đô thị

Mấy ngày nay, đi qua những con đường quen thuộc ở quận 1 và quận 3, TP HCM, tôi lại thấy cây xanh lâu năm bị chặt hạ. Đây là những hàng cây cao vút quen thuộc với người Sài Gòn – TP HCM. Những hàng cây xanh trăm năm trên các tuyến đường Tôn Đức Thắng, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phạm Ngọc Thạch, Pasteur, Lê Quý Đôn, Huyền Trân Công Chúa… là ký ức một thời hình thành và phát triển của đô thị Sài Gòn – TP HCM, là kỷ niệm của biết bao thế hệ người dân thành phố.

Lợi ích nhiều mặt

Những năm gần đây, nhiều cây xanh trên đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ, nhất là 4 hàng xà cừ trăm tuổi trên đường Tôn Đức Thắng, bị chặt hạ để xây dựng hạ tầng giao thông. Nhiều tiếng nói của cộng đồng đã yêu cầu nhà quản lý cần có sự tính toán cân nhắc với việc triệt hạ cây xanh đô thị. Dù với lý do “hiện đại hóa” thì cũng không thể đánh đổi bằng việc làm ảnh hưởng môi trường và xóa bỏ dấu tích lịch sử của thành phố.

Gần đây nhất, vào tháng 5-2021 Hội Kiến trúc sư TP HCM đã tổ chức hội thảo khoa học về vấn đề cây xanh đô thị. Tất cả các tham luận, ý kiến của nhà khoa học, nhà quản lý đô thị đều nói đến sự cần thiết nhiều mặt của cây xanh, nhất là cổ thụ, đối với đô thị và con người. Có thể nêu lên một số lợi ích của cây xanh đô thị – nhất là cây lâu năm, từ đời sống hằng ngày của người dân đến việc đóng góp cho kinh tế vĩ mô.

Ứng xử hợp lẽ với cây xanh đô thị - Ảnh 1.

Những hàng cây lâu năm mang “hồn phố thị” trên đường Nguyễn Tri Phương, TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Với môi trường tự nhiên, cây xanh đô thị giúp hấp thụ CO2, sản sinh ôxy, giữ nước mưa, củng cố nền đô thị, điều tiết khí hậu bằng bóng đổ và làm mát, hấp thụ chất độc từ đất và nước, kể cả diệt khuẩn trong không khí… Hệ thống cây xanh tạo sự đa dạng sinh học về thế giới tự nhiên trong đô thị cả loài và cá thể, cung cấp thức ăn cho động vật sống trong đô thị…

Với xã hội và con người, cây xanh là yếu tố tăng cường chất lượng môi trường đô thị như giảm ô nhiễm và tiếng ồn; giúp cải thiện tinh thần và sức khỏe – nhất là sức khỏe tinh thần, rút ngắn thời gian phục hồi bệnh tật; tăng sự giao tiếp xã hội giữa con người, tạo sự tiện nghi và hạnh phúc… Cây xanh đô thị đóng góp cho kinh tế ở chức năng giảm năng lượng sử dụng trong công trình, góp phần tăng giá trị bất động sản – nhất là hiện nay, khi con người quan tâm hơn đến môi trường sống xanh và sạch, đồng thời làm đẹp cảnh quan đô thị, tăng giá trị du lịch từ văn hóa và môi trường…

Như một quy luật, đô thị càng hiện đại, mở rộng thì các yếu tố tự nhiên càng mất dần vì không gian dành cho thiên nhiên bị thu hẹp. Hệ sinh thái đô thị ngoài thành phần hữu cơ và vô cơ còn có thành phần thứ ba là những gì con người xây dựng nên. Ở xứ nhiệt đới hai mùa mưa nắng như TP HCM, cây xanh vừa là tự nhiên vừa là nhân tạo, trở thành gạch nối giữa con người với tự nhiên, giữ gìn và mang lại cho thành phố sự hài hòa, nhân văn và thân thiện.

Chặt hạ thì dễ, dưỡng cây mới khó

Những cây xanh lâu năm ở TP HCM được trồng từ trước năm 1954 và một phần trước 1975. Theo nhiều chuyên gia, đó là những loại cây thích hợp với các tiêu chí về cây xanh đô thị, như tạo bóng mát, thân cành có dáng đẹp, phù hợp thổ nhưỡng, phát triển nhanh, đều, không đòi hỏi quá nhiều nước tưới, ít bị sâu bệnh, rễ không có mùi kích thích chuột bọ và cây không có tính chất xâm lấn…

Trải qua một thời gian dài, cũng như con người, cây già đi và cũng bị “bệnh tật” do một phần chịu những tác động từ môi trường, như khí hậu ngày một nóng lên, nguồn nước ngầm cạn kiệt vì quá trình hiện đại theo kiểu “bê-tông hóa” khắp nơi…

Tuy nhiên, khoa học kỹ thuật phát triển đã đặt ra thêm nhiều tiêu chí khác về cây xanh đô thị, nhằm bảo đảm an toàn cho con người, cho môi trường và cho chính cây trồng. Bên cạnh đó là những biện pháp kỹ thuật mới trong ươm trồng, chăm sóc, chữa bệnh, di dời cây xanh trong trường hợp cần thiết, nhằm tăng cường khoảng xanh đô thị vì lợi ích của con người.

Vậy nhưng, cứ mỗi mùa mưa bão đến, nhiều cây xanh lại bị chặt trụi cành lá. Cây không kịp hồi phục khi thành phố bước vào mùa nắng gay gắt. Khi một cây phượng đổ trong trường học làm một học sinh thiệt mạng, người ta đã vội vã chặt cây xanh trong nhiều sân trường.

Ứng xử hợp lẽ với cây xanh đô thị - Ảnh 2.

Những hàng cây lâu năm mang “hồn phố thị” trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Dường như việc “chăm sóc cây xanh đô thị” chỉ là chặt cây mé nhánh đến trơ cành trụi lá, mặt đất cứ bị lớp bê-tông dày phủ khắp nơi, không còn gì có thể thẩm thấu để nuôi dưỡng bộ rễ đang ráng sức bám vào lòng đất. Lần nào sự việc xảy ra cũng có những kiến nghị, khuyến nghị phải hết sức cân nhắc, thận trọng về việc chặt hạ cây xanh trong thành phố; quan trọng nhất là phải chăm sóc cây hằng ngày để kịp thời phát hiện nguy cơ từ những cây sâu bệnh… Song, mọi dư luận của người dân và những ý kiến của nhà khoa học… đều không có tác dụng.

Lần này cũng vậy! Những người quản lý nói rằng các cây dầu trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm đang trong tình trạng già cỗi lệch tán, thân cong nghiêng vào phía trong, rễ nổi gây hư hỏng bó vỉa của vỉa hè; rằng đã có đầy đủ thủ tục thì mới đốn hạ để bảo đảm an toàn cho khu vực; rằng sẽ trồng lại các cây me chua tại vị trí cũ… Ngoài ra, họ còn cho biết một số cây xanh nằm dọc các tuyến đường Pasteur, Võ Thị Sáu, Nguyễn Thiện Thuật (quận 3), Hồng Bàng, Nguyễn Kim (quận 5), Trần Hưng Đạo (quận 1)… sẽ tiếp tục bị đốn hạ trong thời gian tới.

Có thể nói, tất cả dấu hiệu sinh học mà người quản lý đưa ra chỉ là hiện tượng. Bản chất của việc cây xanh hư rễ, nghiêng cành, sâu mục… còn là nguyên nhân kỹ thuật mà người làm quản lý chắc chắn thấy rõ. Đó là việc xây dựng các công trình hạ tầng, công trình ngầm, vỉa hè; là việc không thường xuyên chăm sóc “thuốc men” hoặc để cây bệnh nặng thì “khai tử” cho tiện. Nguyên nhân còn ở sự không đồng bộ từ quy hoạch đô thị đến xây dựng hạ tầng, phân cấp quản lý, bảo vệ cây xanh…

Trong khi đó, người dân thấy rõ một điều, trồng cây mà tiếp tục “bỏ mặc” thì bao giờ cây mới tỏa bóng mát? Và, nếu đó không phải là những loại cây lâu năm thì làm sao có thể trở thành một phần của “hồn phố thị”?