Ung thư vú, đừng vội cắt bỏ “núi đôi”
Ung thư vú, đừng vội cắt bỏ “núi đôi”
Nhiều bệnh nhân phải cắt bỏ vú khi tuổi còn trẻ, trong đó có cả những thiếu nữ đôi mươi, chưa lập gia đình.
Sợ di căn, bệnh nhân xin cắt bỏ ngực
Cầm trên tay kết quả cho thấy bị ung thư vú giai đoạn 2, bệnh nhân H.T.L.H – 23 tuổi, ở Hà Nội – chết lặng vì cú sốc quá lớn với một cô gái vừa tìm được một công việc sau gần một năm rời cổng trường đại học. Với khối u gần 3 cm, cô được chỉ định phẫu thuật khối u, điều trị bảo tồn tuyến vú tiếp tục theo dõi bệnh. Tuy nhiên, với tiền sử có mẹ bị ung thư vú, các bác sĩ tiên lượng bệnh nhân H. cũng có thể phải cắt bỏ tuyến vú nếu khối u di căn hoặc không đáp ứng tốt với kết quả xạ trị, hóa trị.
Bác sĩ Nguyễn Minh Khánh, Khoa Ngoại vú Bệnh viện K trung ương, cho biết năm 2016, cả khoa đã tiếp nhận hơn 2.400 lượt bệnh nhân ung thư vú điều trị. Trong số này có nhiều bệnh nhân phải cắt bỏ vú khi tuổi còn trẻ, thậm chí cả cô gái mới trên dưới 20 tuổi, chưa lập gia đình hoặc chưa có con. Có nhiều nguyên nhân nhưng theo bác sĩ Khánh là do bệnh nhân phát hiện bệnh muộn, khối u to hoặc di căn lan tỏa nên phải cắt bỏ vú. Hơn nữa, do ngực của phụ nữ Việt Nam khá nhỏ vì thế khối u dù chưa lớn cũng đã chiếm gần hết diện tích vú nên phải cắt bỏ đa số tuyến vú.
Nhiều bác sĩ cho biết có một tỉ lệ không nhỏ bệnh nhân ung thư vú nằng nặc xin cắt hết tuyến vú mặc dù các bác sĩ khuyến cáo chỉ cần cắt một phần, bảo tồn được vẻ đẹp tự nhiên cho chị em. Nhiều chị em cho rằng cắt bỏ tuyến vú giúp người bệnh có cảm giác yên tâm rằng ung thư đã được loại bỏ hoàn toàn, nguy cơ tái phát thấp hơn và người bệnh không cần xạ trị nhiều lần sau phẫu thuật. Tuy nhiên, cắt bỏ tuyến vú mất nhiều thời gian để phục hồi và để lại nhiều tác dụng phụ. Hơn nữa, loại bỏ vĩnh viễn một vú sẽ khiến người bệnh cảm thấy tự ti, mặc cảm về diện mạo mới của mình.
Thăm khám cho bệnh nhân ung thư vú tại Bệnh viện K trung ương
Phụ nữ mắc ung thư vú ngày càng trẻ
Theo thống kê, mỗi năm trên thế giới có khoảng 1,7 triệu ca ung thư vú mới, chiếm khoảng 12% tổng số ca mắc mới và 25% tổng số ung thư ở phụ nữ. Tại Việt Nam, ung thư vú là loại ung thư có tỉ lệ mắc mới cao nhất ở phụ nữ. Ước tính có khoảng 28,1 ca ung thư vú/100.000 phụ nữ. Tuy nhiên, theo bác sĩ Khánh, điểm khác biệt ở Việt Nam so với đỉnh cao các nước phát triển là tuổi mắc ung thư vú trẻ hơn nhiều. “Đối với các nước đỉnh cao mắc ung thư vú thường ở độ tuổi 60-65 tuổi nhưng ở Việt Nam thì thường gặp ở phụ nữ khoảng 40-50 tuổi, ngày càng trẻ hơn. Có một số em ở độ tuổi ngoài 20 đã mắc ung thư vú” – bác sĩ Khánh nói.
PGS-TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K trung ương, cho biết ung thư vú hiện nay là một trong những bệnh có tỉ lệ chữa khỏi cao, trong đó việc tầm soát và phát hiện sớm ung thư vú có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Càng phát hiện sớm, việc điều trị càng đơn giản, hiệu quả điều trị càng cao, chi phí điều trị càng ít nhưng đáng tiếc, hầu hết trường hợp ung thư vú đều đã ở giai đoạn muộn mới nhập viện.
Theo PGS Thuấn, nếu được phát hiện ở giai đoạn đầu, có thể chữa khỏi bệnh tới gần 90%, ở giai đoạn 2 tỉ lệ này là 60%, sang giai đoạn 3 khả năng khỏi hẳn thấp, đến giai đoạn 4 thì thường việc điều trị chỉ để kéo dài cuộc sống, giảm bớt các triệu chứng đau đớn. Hiện có rất nhiều ứng dụng tiến bộ trong chẩn đoán, sàng lọc và điều trị bệnh ung thư vú trên thế giới đã được áp dụng ở các cơ sở điều trị ung bướu chuyên sâu tại Việt Nam. Trong sàng lọc, bên cạnh các biện pháp khám lâm sàng, chụp nhũ ảnh đã tiến hành chụp cộng hưởng từ để phát hiện sớm ung thư vú cho các đối tượng có nguy cơ cao – các trường hợp tiền sử gia đình người phụ nữ có mẹ hoặc chị em gái mắc ung thư vú.
Để phát hiện sớm căn bệnh, PGS Thuấn khuyến cáo phụ nữ từ 40 tuổi trở lên nên đi khám sức khỏe định kỳ và nên khám tầm soát phát hiện ung thư vú để nếu có mắc bệnh thì có thể điều trị kịp thời, đúng phương pháp. Nếu phát hiện bệnh, cũng đừng quá lo sợ khối u di căn mà vội vàng cắt bỏ “núi đôi”. Tùy theo từng trường hợp cụ thể, các bác sĩ chỉ định điều trị phẫu thuật ung thư vú, nạo vét hạch hay kết hợp các phương pháp bảo tồn tối đa mô vú lành, giúp chị em tự tin hơn, đồng thời ít gây biến chứng cho người bệnh. Theo bác sĩ Khánh, ngay cả với những bệnh nhân phải cắt bỏ tuyến vú, các bác sĩ cũng có nhiều kỹ thuật để tạo ngực thẩm mỹ cho bệnh nhân, như dùng mô mỡ, da bụng hoặc cơ lưng đắp ngực, đặt túi silicon… để nâng cao chất lượng sống cho phụ nữ ung thư vú.
Dấu hiệu nhận biết ung thư vú
PGS Trần Văn Thuấn khuyên chị em nên thường xuyên tự kiểm tra ngực, nhìn, sờ để phát hiện màu sắc, khối u bất thường, tốt nhất là sau sạch kinh 5 ngày. Các dấu hiệu của ung thư vú: một bên vú dày chắc hơn bên kia; tụt núm vú; da vùng vú bị lồi lõm, co kéo bất thường; thay đổi màu sắc trên da của vú; chảy dịch 1 bên vú (màu trắng); đau hoặc đỏ vú; có hạch nách.