Ứng dụng tứ diệu đế trong đời sống hàng ngày
Chúng ta đừng nghĩ rằng Tứ Diệu Đế là một thánh điển để ta tụng đọc mỗi ngày, hoặc là một lý thuyết suông để tôn thờ lễ bái, mà Tứ Diệu Đế là một phép thực tập có thể giải quyết tất cả mọi khổ đau trong đời sống hằng ngày bằng bốn bước:
-
Nhận diện khổ đau: Khi có một nỗi khổ đang phát sinh trong thân và tâm ta nhận diện nó, chân thật nhìn nhận rằng ta đang có một nỗi khổ niềm đau. Để nhận diện được nỗi khổ thật không dễ, ta phải có đủ năng lượng chánh niệm tích lũy hàng ngày, luôn biết nhìn ngắm quán chiếu sự vật hiện tượng diễn ra trước mắt một cách chánh niệm khách quan, mà không bị cuốn vào trong niềm đau ấy. Hầu hết chúng ta luôn thiếu can đảm nhìn nhận sự thật rằng ta đang khổ, ta luôn dùng mọi lý lẽ để biện minh để trốn chạy sự thật khổ đau của mình, cái bản ngã tinh quái ấy luồn lách mọi hang cùng ngỏ hẻm trong tâm thức để ta không thể nhìn thấy bộ mặt thật của nó, nó khoát lên mình đủ vai diễn để chối bỏ sự thật ta đang khổ. Như một người say, bạn anh ta bảo: thôi anh say rồi, đừng uống nữa. Anh ta ngã nghiêng ngã ngửa mà miệng vẫn một mực nói: “tôi đâu có say, tôi đâu có say, ai dám nói tôi say nào”. Chúng ta là những gã say trong cuộc đời này.
-
Nhìn sâu tìm ra nguyên nhân của khổ đau: bất cứ một khổ thọ nào phát sinh đều có nguyên nhân của nó, có nhiều khi ta cảm thấy buồn một cách vô cớ, không có lý do, nhưng nếu đủ tỉnh giác nhìn kỹ nhìn sâu thì ta vẫn nhận ra nguyên nhân từ đâu, có lẽ do ta không đạt được điều như ý nên ta khổ, ta phải sống với người ta oán hận làm ta khổ, ta không được ở gần người mình thương yêu cũng làm ta buồn, nhớ nhung xa vắng tạo ra nỗi buồn man mát, cô đơn. Là một hành giả chúng ta không thể nói một cách mơ hồ như Xuân Diệu “Hôm nay trời nhẹ lên cao, tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn”, khi đọc câu thơ lên ta cảm thấy hay vì nó diễn tả được tâm trạng chung của mọi người, đa phần chúng ta thấy buồn buồn nhưng không đủ tỉnh giác, không đủ năng lượng chánh niệm để nhìn rõ nguyên nhân của nỗi buồn, chúng ta lại để cái buồn đó chi phối làm năng lượng của ta trì trệ, thiếu sinh khí. Có ba phiền não căn bản chi phối ta trong mọi hoàn cảnh đó là: tham sân si. Gốc rễ của mọi nỗi khổ niềm đau.
Tham có nhiều góc độ khác nhau: tham tiền tài vật chất, luyến ái sắc dục, danh vọng địa vị, tham ăn ngon, ham ngủ … (tài, sắc, danh, thực, thụy). Khi chúng ta rơi vào hoàn cảnh khổ đau ta nên ngồi yên lắng dịu tâm thức rồi xoay ngược lại nhìn vào thực trạng của mình một cách khách quan và gọi đúng tên các tâm hành đang phát khởi, tìm đúng nguyên nhân là đã giải thoát một nữa, đã nhẹ vơi đi nhiều rồi. Tham nó đi từ thô đến tế, lúc đầu chưa tu tập ta tham cho bản thân, nhưng sau khi tu tập một thời gian ta biết rằng không nên vị ngã mà phải vị tha, cái tham vẫn xuất hiện nhưng vi tế hơn, ta làm vì mọi người thuộc đoàn thể của ta, không thuộc đoàn thể này thì ta loại trừ, từ cái tham cho cái ngã riêng biệt hay còn gọi là ngã chấp ta vô tình rơi vào cái tham vi tế là cái tham dựa trên chấp vào đoàn thể của ta (ngã sở) Cái tham này rất khó thoát nó như cái lồng son cho bản ngã an trú, phải tỉnh giác chánh niệm lắm mới mở được chiếc lồng ấy mà bay cao bay xa. Con người thật là lạ, họ rất muốn tự do, kêu đòi tự do nhưng tâm thức lúc nào cũng có xu hướng phụ thuộc vào cái gì đó, nô lệ cho một đối tượng nào đó, như thế họ mới thấy an toàn, cho nên mới có khái niệm là “tự do trong khuôn khổ”. Quán chiếu sâu sắc thì đó chính là hạt giống tham sống, sợ chết, được tạo ra từ ngã chấp và ngã sở. Nó chi phối toàn bộ mọi hành vi suy tư, nói năng, hành xử. Thấy được nguyên nhân sâu sắc này ta sẽ ứng dụng lời Bụt dạy để chuyển hóa tham thành vô tham. Vô tham tức là trạng thái an lạc hạnh phúc, tức là diệt đế (chấm dứt khổ đau)
Cũng vậy hạt giống sân làm cho ta nóng giận bực tức, khó chịu, ta dễ nói những lời thô ác, dễ bạo động. Hạt giống sân hận nó tàn phá bao nhiêu là thiện hạnh mà ta đã gieo trồng. Nếu không biết cách lắng dịu tâm ý để sân hận phát khởi nó làm cho tâm trí ta mê mờ xúi giục ta có những hành động gây tổn hại đến người làm ta giận. Con người thời nay bị tưới tẩm hạt giống sân hận quá lớn nên mới xảy ra những tệ nạn xã hội, như đánh nhau, chém giết để rồi phải rơi vào vòng tù tội.
Hạt giống tham và sân có chung một nguồn gốc là sự si mê (vô minh), chấp thủ vào 5 uẩn cho rằng chúng là mình, nên khi có ai đó nói hay hành xử khiến cho ta cảm thấy xúc phạm, cảm thấy bị tổn thương thì ta sẽ hành xử không dễ thương với người kia như họ đã làm với ta. “Cái tôi” , “cái bản ngã” không đủ sáng suốt để hành xử thiện lành, hành xử như lời Bụt dạy. Năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) là không thật, vì si mê, sai lầm nên ta chấp vào đó và cho chúng là ta, và bằng mọi cách ta phải bảo vệ cho thân và tâm này.
-
Nhận diện hạnh phúc chân thật: Khi nhìn thấy khổ và nguyên nhân tạo ra khổ đau đồng thời ta cũng có thể nhận diện được trạng thái an lạc hạnh phúc. Có những hạnh phúc do sự thỏa mãn các giác quan mang lại, cái hạnh phúc đó chỉ là hạnh phúc tạm bợ, ngắn ngủi, nó như những giọt mật đọng trên đầu lưỡi dao, khi nếm mật ngọt ấy nếu chúng ta không cẩn thận lưỡi dao sẽ làm ta chảy máu, làm ta đau đớn. Vị ngọt của thế gian là như thế, vị ngọt của xuất thế gian thì đưa ta đến sự tịnh lạc, an ổn. Hạnh phúc chân thật chỉ biểu hiện là khi ta chuyển hóa được ba hạt giống căn bản phiền não tham sân si thành vô tham, vô sân, vô si, từ sự chấp ngã thành vô ngã. Lúc đó con người thật sự hạnh phúc tự do, họ như con chim phượng hoàng bay lượn trên bầu trời cao rộng, thảnh thơi, an bình ở mọi lúc mọi nơi. Ta có thể nhận diện được hạnh phúc chân thật có mặt trong đời sống hằng ngày. Chìa khóa của hạnh phúc là biết nhận diện những điều kiện hạnh phúc đơn giản, đôi khi ta cảm thấy nó bình thường, nó được gọi là xả thọ, là điều hiển nhiên tất yếu như có một đôi mắt còn sáng, đôi chân khỏe, thân thể tráng kiện, có một gia đình bình an, … những điều đó luôn có mặt cho ta nhưng vì ta thiếu chánh niệm nên không nhận thấy có những điều đó là ta hạnh phúc lắm rồi. Chỉ khi nào ta mất chúng đi lúc đó ta mới biết có một đôi mắt sáng thì hạnh phúc đến dường nào. Có một đôi chân khỏe mạnh, được đứng trên đôi chân của mình hạnh phúc biết bao. Chìa khóa để mở cánh cửa hạnh phúc là chánh niệm, chánh niệm giúp ta ý thức rằng ta có rất nhiều điều kiện hạnh phúc, chánh niệm sẽ chuyển hóa xả thọ thành lạc thọ. Do đó chánh niệm là suối nguồn hạnh phúc.
-
Con đường thoát khổ: Khi biết được nguyên nhân tạo ra nổi khổ niềm đau và nhận diện được hạnh phúc khi chấm dứt khổ đau, thì ta sẽ tìm ra con đường thoát khổ. Theo đạo Phật con đường đó là Bát Chánh Đạo gồm tám ngành: Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định. Chánh niệm là chìa khóa để mở cánh cửa ngục tù giải phóng tâm thức bước vào phương trời cao rộng. Con đường có tám chi phần này tương tức lẫn nhau, một chi phần chứa đựng các chi phần khác, nhưng con đường chánh niệm là con đường quan trọng để làm phát triển các chi phần còn lại. Thực tập chánh niệm sẽ chuyển hóa khổ đau thành hạnh phúc.
Ví dụ như trong gia đình xảy ra sự bất hòa, không hạnh phúc. Khi rơi vào hoàn cảnh đó, ta hãy bình tâm và chấp nhận rằng gia đình đang có sự bất hòa, vợ giận lẫy chồng. Nếu chúng ta là người con Phật ta sẽ chân thật nhận diện thực trạng là vợ buồn giận mình, tức là thấy được Khổ đế, và tìm hiểu nguyên nhân tại sao bà xã lại giận lẫy mình như thế, có phải do mình đã lỡ lời trách cứ ,không ái ngữ với cô ta, hay tại mình không chịu lắng nghe những điều cô ta nói một cách sâu sắc, hay là ta đã vô tình hành xử như thế nào khiến cô ta buồn… (đó là Tập đế). Nếu hiểu được nguyên nhân ta sẽ chuyển hóa thực trạng bằng cách đến bến vợ mà nhẹ nhàng nói cho cô nàng hiểu: ” Em ơi, chiều nay công việc ở văn phòng anh đầy ắp, nhiều vấn đề rắc rối làm anh mệt mỏi căng thẳng, về đến nhà em cằn nhằn đủ chuyện, lúc ấy anh không đủ chánh niệm để lắng nghe em mà còn quát mắng em, anh biết em cũng mệt mỏi vì công việc ở công ty, rồi về nhà còn phải chăm sóc gia đình nữa, em muốn anh giúp em một tay, nhưng lúc đó anh đã không nghĩ đến cảm xúc của em lại nói những điều khiến em buồn, anh xin lỗi em”. Nhiều ông chồng nghĩ xin lỗi vợ là hèn, nhưng thật ra xin lỗi nhau là một việc làm đẹp, bởi vì chúng ta vẫn giữ được lòng thương yêu và sự tôn trọng nhau như những ngày mới quen. Đó là một nghệ thuật giữ gìn ngọn lửa tình yêu trong nhau. Chỉ một câu nói nhẹ nhàng ái ngữ được phát xuất từ trái tim thương yêu cũng sẽ đánh tan sự nặng nề, làm không khí gia đình nhẹ nhàng hơn, vui hơn. Không phải lúc nào xảy ra bất hòa cũng dễ dàng tìm ra lý do của nó. Có khi vì tự ái, đôi bên không chịu thổ lộ lý do khiến mình buồn giận. Nếu để tình trạng giận lẫy kéo dài thì sẽ gây thêm nhiều bất ổn trong mối quan hệ. Ở đây nguyên nhân của sự không thổ lộ là tự ái. Để tránh khỏi cái tình trạng ấy, gia đình nên có quy ước với nhau nên lập ra “sổ tay hòa hợp” dành để ghi vào đấy những gì mà hai người cảm thấy không thể giáp mặt nói cho nhau nghe. Qua cuốn sổ này, đôi bên có thể cảm thông nhờ đó mà giải quyết êm đẹp mối bất hòa. Sự cảm thông, thương yêu, hòa hợp là Diệt đế. Phương cách giải quyết thông qua sự giải bày ái ngữ, hoặc qua “sổ tay hòa hợp” là Đạo đế.
Tứ diệu đế là một phương pháp có thể ứng dụng xử lý nhiều vấn đề trong bản thân, gia đình, và xã hội, trên mọi phương diện của cuộc sống hằng ngày. Đây là một phương thuốc tuyệt diệu chữa trị các nỗi thống khổ trên thế gian mà Đức Bụt đã trao tặng cho nhân loại. Nếu thực tập Tứ Diệu đế sâu sắc và miên mật thì cuộc sống của chúng ta ngày càng tươi đẹp hơn.