Ứng dụng thành tựu khoa học vào sản xuất – Kết quả và kinh nghiệm bước đầu của Z131

CNQP&KT – Những năm gần dây, Công ty TNHH Một thành viên Cơ điện và Vật liệu nổ 31 (phiên hiệu quân sự là Nhà máy Z131) đã có nhiều giải pháp ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào sản xuất, trong đó có các loại vũ khí mới, hiện đại.

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng 4.0) với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, mà nòng cốt là công nghệ số, đã và đang làm thay đổi nhanh chóng mọi mặt đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Cách mạng 4.0 mở ra nhiều cơ hội phát triển, đồng thời cũng đặt ra những thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân.

Nhận thức vị trí, tầm quan trọng của Cách mạng 4.0, ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Nghị quyết ra đời thể hiện rõ trí tuệ, tầm nhìn, bản lĩnh, quyết tâm của Đảng, của hệ thống chính trị và toàn xã hội trong việc chủ động, tích cực tham gia Cách mạng 4.0.

Với chức năng là doanh nghiệp quốc phòng hoạt động trong lĩnh vực sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật phục vụ huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu của Quân đội; đồng thời tham gia sản xuất các sản phẩm kinh tế phục vụ phát triển kinh tế đất nước và xuất khẩu, Nhà máy Z131 nhận thức sâu sắc rằng, chủ động tham gia cuộc Cách mạng 4.0 có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của đơn vị trong giai đoạn mới. Do vậy, Đảng ủy, Ban giám đốc Nhà máy đã nghiêm túc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị. Trên cơ sở đó, phát huy trí tuệ tập thể và tinh thần sáng tạo, cụ thể hóa thành các kế hoạch triển khai thực hiện, sát với đặc điểm tình hình đơn vị và chức trách, nhiệm vụ được giao, góp phần đẩy mạnh hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nâng cao vị thế và thương hiệu của Nhà máy.



Sản xuất sản phẩm quốc phòng ở Nhà máy Z131. Ảnh: CTV

Là một trong những doanh nghiệp quốc phòng hàng đầu, nhưng không thể phủ nhận thực tế, Nhà máy Z131 vẫn còn gặp không ít khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ. Cụ thể là, trang, thiết bị công nghệ hiện có của Nhà máy đa phần là các thiết bị, máy móc vạn năng; một số ít mới được đầu tư (tương ứng với trình độ sản xuất của Cách mạng 2.0 là các máy vạn năng và Cách mạng 3.0 là các máy CNC thế hệ cũ). Công nghệ sản xuất nhiều sản phẩm, nhiều chặng còn thủ công, đơn chiếc. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ chuyên môn kỹ thuật đa phần được phát triển từ thực tiễn công tác, nhiều ngành nghề còn thiếu và yếu. Mặt khác, hệ thống quản lý và điều hành vẫn còn theo phương pháp cũ, nặng về hành chính, giấy tờ, văn bản.

Từ thực trạng nêu trên và bám sát quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 52-NQ/TW, để bảo đảm sự chủ động tham gia cuộc Cách mạng 4.0, Thường vụ Đảng ủy, Ban Giám đốc Nhà máy đã xác định một số vấn đề cần tập trung thực hiện và bước đầu đạt được kết quả như sau:

Một là, nghiên cứu các công nghệ tiên tiến của Cách mạng 4.0 và ứng dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo đó, Nhà máy từng bước đầu tư thiết bị hiện đại, tích hợp các công nghệ tiên tiến để giảm thiểu quy trình, thời gian, chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động. Kết nối với các hãng sản xuất qua mạng internet để thực hiện sửa chữa, bảo dưỡng nhằm giảm chi phí sửa chữa, bảo trì thiết bị.

Trong lĩnh vực sản xuất quốc phòng: Nhà máy đầu tư, đổi mới, cải tiến theo hướng tự động, bán tự động một số công đoạn sản xuất, giải phóng sức lao động và giảm độc hại cho công nhân. Cùng với đó, Nhà máy đã cải tiến thiết bị kiểm tra thông mạch, cách điện của sản phẩm quốc phòng; đầu tư hệ thống thiết bị bán tự động sơn vỏ thân đạn… Việc đầu tư, đổi mới trang, thiết bị công nghệ mới, đồng thời ứng dụng thành tựu của Cách mạng 4.0 vào sản xuất quốc phòng đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nhất là đối với các loại vũ khí hỏa lực mạnh, hiện đại do Nhà máy sản xuất.



Dây chuyền CNC phục vụ sản xuất của Nhà máy Z131.  Ảnh: CTV

Trong lĩnh vực sản xuất kinh tế: Nhà máy chủ động đầu tư các trang, thiết bị công nghệ hiện đại (thiết bị gia công bán tự động và tự động điều khiển), từng bước đưa rô-bốt thay thế công nhân trong dây chuyền sản xuất, kết nối các thiết bị đơn lẻ thành hệ thống dây chuyền tự động hoặc bán tự động, tối ưu hóa dây chuyền, kết nối số hóa để quản lý nhằm nâng cao năng suất. Nhà máy đầu tư dây chuyền mạ Cr-Ni bán tự động, cùng hàng trăm máy gia công cơ khí CNC kết nối hệ thống cấp phôi tự động; rô-bốt hàn, dây chuyền sơn, sấy tự động… Nhà máy cũng ứng dụng công nghệ in 3D vào các hoạt động nghiên cứu thiết kế, chế tạo các chi tiết xe ô tô CN-01 (vỏ hộp số, vỏ máy…) nhằm rút ngắn thời gian của quy trình nghiên cứu. Bên cạnh đó, Nhà máy nghiên cứu, cải tiến số hóa một số thiết bị vạn năng và tích hợp hệ thống cấp phôi tự động đồng bộ với các máy gia công để tăng năng suất lao động và giảm chi phí nhân công, như: cải tiến máy phay vạn năng thành máy phay tự động, đảm bảo tăng năng suất lao động gấp hơn 2 lần và giảm nhân công vận hành. Đối với sản phẩm kinh tế chủ lực là thuốc nổ công nghiệp, Nhà máy đã đầu tư dây chuyền thuốc nổ nhũ tương chất lượng cao với công nghệ, thiết bị từ các nước G7. Dây chuyền có mức độ tự động hóa cao, chỉ sử dụng 7 công nhân (dây chuyền thuốc nổ cùng loại trước đây cần đến hơn 20 người). Về kiểm soát chất lượng các sản phẩm kinh tế, Nhà máy cũng ứng dụng các thiết bị hiện đại, số hóa để kiểm soát tự động chất lượng sản phẩm theo hướng tích hợp máy gia công và thiết bị kiểm tra vào đồng bộ dây chuyền.

Nhà máy Z131 đầu tư dây chuyền mạ Cr-Ni bán tự động điều khiển cùng hàng trăm máy gia công cơ khí CNC kết nối hệ thống cấp phôi tự động; rô-bốt hàn, dây chuyền sơn, sấy tự động…            

Hai là, đổi mới, sáng tạo; rà soát, cập nhật để kịp thời điều chỉnh mô hình quản trị phù hợp với quy mô phát triển từng thời kỳ; xây dựng bộ máy hoạt động tinh gọn, hiệu quả. Nhà máy đã áp dụng những phần mềm quản lý tiên tiến, như: xây dựng chỉ số đo lường hiệu quả công việc cho các vị trí công tác (KPI); trả lương theo hiệu suất công việc của từng tập thể, cá nhân (3P); áp dụng phương pháp Kaizen- 5S (cải tiến liên tục); quản lý kế hoạch sản xuất, quản lý lao động, chấm công, tài chính, vật tư, cơ điện… mang lại hiệu quả thiết thực.

Ba là, xác định phát triển đội ngũ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là chiến lược dài hạn của Nhà máy. Trước hết là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hiện có, đồng thời coi trọng công tác tuyển dụng, có chiến lược “thu hút và dùng người tài” để bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho Nhà máy. Tiến hành các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, phát triển các kỹ năng mới cho từng cá nhân và tổ chức, trong đó, tập trung vào sự thành thạo năng lực chuyên môn, có năng lực ứng dụng, sử dụng ngoại ngữ, máy móc hiện đại, công nghệ thông tin, nghiên cứu thị trường, khách hàng; tham gia và sử dụng hiệu quả chuỗi cung ứng thông minh được tạo ra từ Cách mạng 4.0. Hiện nay, Nhà máy Z131 có 3 tiến sĩ cùng hàng trăm cán bộ có trình độ đại học, sau đại học, trong đó có nhiều người được đào tạo ở nước ngoài, với các ngành nghề, như: công nghệ thông tin; điện tử, tự động hóa; cơ khí – chế tạo máy…



Trung tâm điều khiển tự động dây chuyền sản xuất thuốc nổ nhũ tương của Nhà máy Z131.           Ảnh: TRẦN LÊ           

Bốn là, ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ mới trong Cách mạng 4.0 vào công tác quảng bá, giới thiệu năng lực, kinh doanh sản phẩm qua mạng. Nhà máy đã xây dựng website riêng, các video clip để giới thiệu về năng lực và quảng bá các sản phẩm kinh tế của Nhà máy.

Từ thực tiễn bước đầu ứng dụng thành tựu Cách mạng 4.0 vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của  Nhà máy Z131 thời gian qua, có thể rút ra một số kinh nghiệm đó là:

Thứ nhất, cần có chủ trương đúng, quyết liệt trong nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ tiên tiến của Cách mạng 4.0 nhằm nâng cao năng lực sản xuất, nhất là đối với nhiệm vụ sản xuất các loại vũ khí mới, hiện đại phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Quân đội; đồng thời tăng khả năng cạnh tranh đối với các sản phẩm kinh tế của Nhà máy. Cùng với đó, Nhà máy đã có chiến lược trong sản xuất kinh tế và lựa chọn sản phẩm mang tính lâu dài tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu; linh động điều chỉnh sản phẩm theo nhu cầu thị trường.

Thứ hai, có kế hoạch tập trung đầu tư cho các ngành cần thiết, như: công nghệ thông tin (tập trung phát triển hạ tầng), công nghệ phần mềm, số hóa… và cần tích hợp giữa các thiết bị với nhau. Thúc đẩy phát triển những giải pháp sản xuất và kinh doanh dựa trên số hóa.

Thứ ba, chuẩn bị tốt nguồn nhân lực có đủ khả năng tiếp thu thành tựu Cách mạng 4.0. Đẩy mạnh đổi mới giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó chú trọng  nâng cao trình độ công nghệ thông tin và ngoại ngữ. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật của Nhà máy phải làm chủ được các thiết bị, máy móc (đặc biệt là các thiết bị số hóa), chủ động nghiên cứu tích hợp thành hệ thống đồng bộ.

Thứ tư, coi trọng công tác đổi mới, sáng tạo; rà soát, cập nhật để kịp thời điều chỉnh, đổi mới mô hình quản trị doanh nghiệp phù hợp với quy mô phát triển trong từng thời kỳ.

Có thể khẳng định, với kết quả bước đầu và kinh nghiệm rút ra trong quá trình ứng dụng thành tựu của Cách mạng 4.0 vào hoạt động sản xuất, kinh doanh đã và đang từng bước làm thay đổi hoạt động của Nhà máy, nhất là trong nghiên cứu, sản xuất các loại vũ khí mới, vũ khí công nghệ cao. Từ những kết quả đã đạt được, tin tưởng rằng, Nhà máy Z131 sẽ có tiếp tục có bước phát triển mới, góp phần xây dựng, phát triển ngành CNQP Việt Nam tiên tiến, hiện đại trong thời gian tới.

Đại tá HOÀNG THANH SƠN

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Cơ điện và Vật liệu nổ 31