Ứng dụng năng lượng gió
Thứ Ba 07/09/2010 , 09:39 (GMT+7)
Xin cho biết về khả năng ứng dụng năng lượng gió?
* Xin cho biết về khả năng ứng dụng năng lượng gió?
Bùi Đình Song, TP.Quy Nhơn, Bình Định
Theo TS Việt Kiều Đặng Đình Cung thì năng lượng gió có lẽ là nguồn lực đã được nhân loại khai thác sớm nhất. Gió đã được dùng để đẩy thuyền buồm từ thời tiền sử. Từ khi chúng ta lập quốc, ngư phủ Việt Nam đã dùng tàu buồm để ra khơi đánh cá quanh những hải đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cũng từ thời buổi đó, tàu buồm của người Philippines, Indonesia và Malaysia đã cập bến miền Trung giao thương với ta. Trước cách mạng công nghiệp, người ta đã biết dùng sức gió cho nhiều hoạt động kinh tế trên đất liền. Người Hà Lan dùng quạt gió làm cạn châu thổ sông Rhin để lấn biển mở rộng lãnh thổ của họ.
Vùng đồng bằng Bắc Mỹ đã được khai hoang nhờ những máy bơm chạy bằng sức gió mang nước cho con người, gia súc và đồng ruộng. Sau cách mạng công nghiệp, với sự phát triển của điện lực, người ta đã thử dùng những quạt gió để sản xuất điện. Nhưng chỉ từ những khủng hoảng năng lượng vào thập niên 1970 thì công nghệ năng lượng gió mới có những quạt lớn từ 1 MW trở lên. Những vùng ven biển, nơi mà 70% nhân loại sinh sống, và những vùng đồi núi là những nơi rất thuận tiện để khai thác sức gió. Vì gió thổi không đều và với tầm biến động lớn nên những quạt gió không thể chạy liên tục với công suất đều đặn.
Điều này không quan trọng mấy khi dùng sức gió để bơm nước nhưng đặt ra nhiều vấn đề kỹ thuật và kinh tế trong việc sản xuất điện. Nếu công suất những quạt gió trong tổng công suất mạng phân phối điện quốc gia quá cao (ước chừng 10%) thì mạng sẽ không có thể cân bằng được. Nếu quạt gió không liên kết với mạng phân phối điện quốc gia thì phải có biện pháp tích trữ điện hay phụ trợ bằng những phương tiện phát điện khác. Những biện pháp này làm tăng nhu cầu vốn đầu tư cho một hệ thống quạt gió. Cho tới nay, năng lượng gió mới chỉ đóng góp có 1,5% nhu cầu điện của nhân loại. Nhưng tỷ số đó tăng mạnh và, hiện nay, đã có 80 quốc gia trên thế giới có cơ sở sản xuất điện gió: 19% sản lượng điện của Đan Mạch, 13% của Tây Ba Nha và Bồ Đào Nha, 7% của Đức và Ái Nhĩ Lan…
Theo AWEA (Hội năng lượng gió Hoa Kỳ) thì, năm 2009, Hoa Kỳ đã lắp đặt 9.922 MW công suất điện gió, tăng 39% so với 2008 và nâng tổng công suất điện gió lắp đặt ở Hoa Kỳ lên hơn 35.000 MW (công suất tương đương với công suất của 35 lò phản ứng hạt nhân cỡ trung bình). Nước ta có trên 3.000 km chiều dài bờ biển và 90% lãnh thổ của ta là đồi núi. Có ý kiến nói rằng tổng công suất phong năng của ta ước đạt 513.360 MW, bằng hơn 200 lần công suất của Thủy điện Sơn La thì hơi quá. Nhưng chắc chắn địa thế của ta rất thuận lợi để khai thác phong năng. Nông nghiệp, hơn nửa tổng số lao động của cả nước, dùng sức con người và súc vật là chính. Vài nơi dùng động cơ máy nổ và máy điện. Đây là một thị trường lớn cho những máy bơm nước chạy bằng sức gió cần sớm khai thác.