Ứng dụng khoa học công nghệ trong trồng nấm mối đen

Nấm mối được biết tới là món ăn ngon nhưng lâu nay chỉ có thể thu hái trong tự nhiên. Hiện với sự tiến bộ của KH-CN trong nông nghiệp, nấm mối có thể trồng quanh năm, đáp ứng được nhu cầu của

Thành công với mô hình thử nghiệm 
Năm 2020, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao Phú Yên (sau đây gọi tắt là trung tâm – thuộc Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phú Yên) đã tiếp nhận mô hình phát triển nấm mối đen do Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh chuyển giao. Qua hơn 1 năm nghiên cứu, triển khai, trung tâm đã hoàn thiện quy trình từ sản xuất phôi giống tới trồng, chăm sóc và thu hoạch nấm mối đen trong nhà. 
Kỹ sư Nguyễn Duy Triều, cán bộ trung tâm, cho biết: Nấm mối cần quy trình nghiêm ngặt hơn về các điều kiện như nhà trồng phải đảm bảo thông số kỹ thuật về ánh sáng, độ ẩm, nhiệt độ để tạo điều kiện cho nấm phát triển. 
Nấm mối đen từ khi sản xuất bịch phôi đến khi thu hoạch có tổng thời gian là 4 tháng, thời gian cho thu hoạch trong 2 tháng. Quá trình nuôi trồng bắt đầu từ việc phân lập quả thể nấm tươi, kiểm tra chất lượng giống trước khi cấy chuyển qua môi trường hạt, cấy giống hạt qua mùn cưa, ươm sợi tơ nấm và loại những bịch phôi không bảo đảm chất lượng. Sau đó chăm sóc và rải đất lên bề mặt bịch phôi, tạo độ ẩm phù hợp để hình thành nấm, cuối cùng là thu hái nấm. Nhiệt độ trồng nấm trong nhà dao động 24-280C, độ ẩm 86-92%. Nấm mối đen mọc đơn lẻ nên khi cây nào trưởng thành sẽ được hái trước, hái sạch gốc. Nấm cao khoảng 7-10cm, viền trắng nấm không còn nữa, cánh nấm chuyển sang màu đen là thu hoạch được. Hiện giá thu mua nấm mối đen từ 150.000-200.000 đồng/kg. 
Theo trung tâm, đơn vị đang phối hợp với Công ty TNHH Fam Việt, một nhà đầu tư trong Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phú Yên, tiến hành nhân rộng mô hình trồng nấm mối đen với quy mô 10.000 bịch phôi. Sau đó chuyển giao và nhân rộng mô hình này cho người dân… 
Nhân rộng mô hình 
Theo ông Nguyễn Văn Hưng, Trưởng ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phú Yên, sau khi nuôi thành công ban đầu, đơn vị đang chuyển giao cho doanh nghiệp để họ cùng phối hợp với nông dân. Song song đó, Công ty TNHH Fam Việt còn xây dựng chuỗi giá trị gia tăng. Cụ thể là doanh nghiệp cung cấp đầy đủ giống cho nông dân và các HTX, sau đó bao tiêu sản phẩm. 
Cũng theo ông Hưng, việc nghiên cứu, sản xuất thành công giống nấm mối đen cũng như hoàn thiện quy trình trồng giống nấm này sẽ giúp ngành Nông nghiệp có thêm loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp với sản xuất quy mô lớn và kinh tế nông hộ. Mặt khác, mô hình trồng nấm mối đen hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao vừa mang tính đột phá, vừa mở ra hướng sản xuất mới cho nhiều hộ nông dân với hiệu quả kinh tế cao, qua đó góp phần cung ứng nguồn nông sản sạch, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. 
Nấm mối đen hiện được nuôi trồng tại một số nơi trên cả nước vì giá trị dinh dưỡng cao cũng như mang lại nguồn thu nhập lớn cho người trồng. Loại nấm này có thịt bên trong màu trắng, vị ngọt, giàu chất xơ hơn nhiều loại rau và hạt cùng nhiều công dụng cho sức khỏe nên giá thành khá cao, khoảng 300.000 đồng/kg, gấp 3-5 lần so với các loại nấm khác như nấm bào ngư, nấm rơm… 
“Nuôi trồng nấm mối đen là một mô hình sản xuất mới, thực tế đầu ra sản phẩm ổn định, giá bán cao. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tuyên truyền đến mọi người dân có điều kiện để nhân rộng mô hình này, giúp nông dân phát triển kinh tế”, ông Hưng chia sẻ thêm.
 

LỆ VĂN – LÂM HOÀN
Nguồn: Báo Phú Yên