Ứng dụng đa phương tiện trong truyền thông

Ảnh minh họa

Trong những năm gần đây, truyển thông đã phát triển nhanh chóng cùng với sự phát triển của công nghệ, tầm quan trọng của truyền thông ngày càng được chú trọng và ngày càng trở nên phổ biến. Việc liên kết các máy tính trên môi trường mạng cũng như liên kết các mạng lại với nhau đem lại cho chúng ta nhiều lợi ích trong công việc cũng như trong học tập nghiên cứu, lao động, giải trí… Chúng ta có thể sử dụng tài nguyên sẵn có được chia sẻ như file server, máy in (printer), máy fax,… Môi trường mạng còn là một môi trường thông tin nhanh chóng và tiện lợi nhờ vào các cơ chế truyền thông trên mạng.

Việc đưa kỹ thuật đa phương tiện (multimedia) vào các ứng dụng truyền thông trên mạng giúp chúng ta tạo ra nhiều ứng dụng phong phú. Chẳng hạn hộp thư điện tử ngày nay có thể không chỉ là văn bản mà còn bao gồm tiếng nói, hình ảnh. Các trang web cũng trở nên sinh động, hấp dẫn hơn hẳn khi kèm theo kỹ thuật multimedia…

Định nghĩa đa phương tiện (theo nghĩa rộng) là gồm các phương tiện: văn bản, hình vẽ tĩnh (vẽ, chụp), hoạt hình (hình ảnh động), âm thanh. Hay nói theo một cách khác, đa phương tiện là kỹ thuật mô phỏng và sử dụng đồng thời nhiều dạng phương tiện chuyển hóa thông tin và các tác phẩm từ các kỹ thuật đó.

Truyền thông đa phương tiện tích hợp nhiều kiến thức cơ bản về công nghệ đa phương tiện và kỹ thuật chuyên môn để có thể sáng tạo ra nhiều tác phẩm độc đáo, thiết kế ra những sản phẩm mang tính ứng dụng cao trong xã hội. Thiết kế, sang tạo nên nội dung, hình ảnh, đồ họa và xử lý âm thanh với kỹ thuật cao như 2D, 3D để có thể sáng tạo ra những sản phẩm truyền thông, quảng cáo ấn tượng như: banner quảng cáo, catalog báo chí, thiết kế chuyện, sách, website… Bên cạnh đó, còn sử dụng các phần mềm chuyên nghiệp thiết kế đồ họa trên máy tính để có thể sáng tạo ra sản phẩm sinh động nhất, tạo nhiều kỹ xảo điện ảnh, phim hoạt hình, trò chơi, website để đáp ứng mọi nhu cầu của công nghiệp sáng tạo.

Hiện nay, truyền thông đa phương tiện được ứng dụng rộng rãi. Hai ứng dụng mạng truyền thông đa phương tiện phổ biến nhất hiện nay là video streming (video thời gian thực) và video conference (hội nghị truyền hình).

Video thời gian thực: Trong Video Streaming thường được sử dụng trong lĩnh vực giải trí hoặc dạy học, dùng để lưu trữ các tệp tin (file video) hoặc các bài học, cung cấp cho người dùng các tiện ích như tìm kiếm, liệt kê, và khả năng hiện thị hoặc hiện thị lại các dữ liệu video theo yêu cầu. Video Streaming được thể hiện dưới hai dạng: video theo yêu cầu (on demand) và video thời gian thực (live event).

Video theo yêu cầu là các dữ liệu video được lưu trữ trên máy chủ đa phương tiện và được truyền đến người dùng khi có yêu cầu, người dùng có toàn quyền dễ hiện thị cũng như thực hiện các thao tác (tua, dừng, nhẩy qua,…) với các đoạn dữ liệu này.

Video thời gian thực là các dữ liệu video được convert trực tiếp từ các nguồn cung cấp dữ liệu theo thời gian thực (máy camera, microphone, các thiết bị phát dữ liệu video…). Các dữ liệu này sẽ được multimedia phát quảng bá thành các kênh người dùng sẽ chỉ có quyền truy nhập bất kỳ kênh ưa thích nào để hiện thị dữ liệu mà không được thực hiện các thao tác, tua, dừng,…trên các dữ liệu đó (giống như tivi truyền thống).

Video hội nghị truyền hình: Là sự hoạt động tương tác giữa tín hiệu video, video trong thời gian thực. Nó được ứng dụng trong hội họp từ xa giúp những người tham gia không tổn thời gian đi lại mà vẫn có thể gặp mặt nhau, mà lại tiết kiệm nhiều chi phí khác. Ví dụ: hệ thống hội nghị truyền hình đã được ứng dụng rộng rãi trong các trường đại học, viện nghiên cứu như tổ chức hội thảo, dạy và học trực tuyến từ xa; trong xã hội cũng như an ninh, quốc phòng; trong các hội nghị giao ban, trao đổi công việc của các đơn vị có vị trí địa lý cách xa nhau…  Nó giúp cải thiện mối quan hệ cộng tác, tăng hiệu quả làm việc dẫn tới các quyết định được đưa ra nhanh chóng. Mỗi người sử dụng video conferencing sẽ được nhìn và nghe thấy những người cùng tham gia khác.

Mục đích truyền tải nội dung đa phương tiện đã và đang trở thành một thực tế. Chắc chắn sẽ có rất nhiều thách thức về kỹ thuật. Các hệ thống đa phương tiện cần có một hệ thống tập hợp, phân phối nhằm mục đích thu thập các đối tượng đa phương tiện và đưa chúng đến người dùng. Ngày nay, Internet cũng như các giao thức khác TCP/IP, NetBIOS, các mạng LAN, WAN đang trở thành các phương tiện truyền bá dữ liệu đa phương tiện. Khả năng mô tả phong phú cũng như khả năng đồ họa của trang Web Brower cùng với các tính năng đang được tiếp tục tăng cường như đồ họa, âm thanh và video khiến các Web Browser đang ngày càng trở thành một phương tiện hoạt động mới.

Tóm lại, truyền thông đa phương tiện đang ngày càng đóng một vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống con người. Một số ứng dụng của truyền thông đa phương tiện như giao dịch thương mại điện tử; thư điện tử cao cấp có kèm theo cả hình ảnh và âm thanh; nghiên cứu, đào tạo từ xa… Xử lý và tăng cường ứng dụng đa phương tiện trong truyền thông, làm tăng khả năng giao tiếp người – máy và hỗ trợ con người trong các hoạt động là xu hướng và thực tiễn tất yếu.

 

Nguyễn Xuân Khoát