Ứng dụng công nghệ trong quản trị doanh nghiệp cần tư duy mới – Bravo
Ứng dụng hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp – ERP (Enterprise Resources Planning) vào quản trị hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có việc ảnh hưởng bởi lối tư duy cũ.
ERP – và việc ứng dụng trong quản trị doanh nghiệp
ERP là một khái niệm không còn quá xa lạ trong giới quản trị. Nó cho phép tổ chức sử dụng một hệ thống các ứng dụng tích hợp để quản lý doanh nghiệp và tự động hóa nhiều chức năng văn phòng liên quan đến công nghệ, dịch vụ và nguồn nhân lực.
Ứng dụng hệ thống hoạch định tài nguyên doanh nghiệp hay phần mềm hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP) vào quản trị hoạt động sản xuất kinh doanh là điều không dễ dàng, nhiều doanh nghiệp đã phải “nửa đường bỏ cuộc” do ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, một trong số đó là lối tư duy cũ.
Xét về công tác quản trị doanh nghiệp, doanh nghiệp nước ngoài thường quản lý và kiểm soát quy trình hoạt động nhẹ nhàng nhưng hiệu suất làm việc của nhân viên lại rất cao. Đó là kết quả của một quá trình lao động có ý thức, chuyên nghiệp và hoạt động điều hành chặt chẽ, hiệu quả.
Các doanh nghiệp nước ngoài luôn có chiến lược đầu tư cho công nghệ, thường xuyên nâng cấp những công cụ, phương tiện quản lý sản xuất kinh doanh nhằm hỗ trợ hiệu quả cho quá trình thực hiện. Để có được mô hình sản xuất kinh doanh hiện đại, quy củ với hình thức đẹp, nhân viên sở hữu tác phong ngay ngắn, tinh thần tôn trọng kỷ luật, họ cũng cần phải xây dựng các quy định, phổ biến cho nhân viên, giám sát thực hiện, sau đó mới trở thành ý thức tự giác của người lao động.
Cải tiến nâng cấp quy trình quản trị sản xuất, kinh doanh là sự tác động trực tiếp đến chuỗi giá trị gia tăng: từ khâu kế hoạch, mua hàng, tồn kho, khâu sản xuất, khâu giao hàng. Làm tốt những khâu này, doanh nghiệp sẽ giảm được tồn kho, từ đó giảm chi phí sản xuất. Đây là bài toán kinh doanh quan trọng góp phần quyết định vào sự thành công được doanh nghiệp nước ngoài thực hiện rất tốt.
Tư duy mới quyết định hiệu quả ứng dụng công nghệ trong quản trị doanh nghiệp
Đối với doanh nghiệp Việt Nam, để đầu tư cho quản trị bằng công nghệ (ERP), tiềm lực tài chính đủ mạnh là một trong những điều kiện cần nhưng chưa đủ. Bởi từ góc độ điều hành, tầm nhìn của đội ngũ lãnh đạo cũng như chất lượng nguồn nhân lực đóng một vai trò quyết định. Vốn và tiềm lực tài chính có thể huy động được, nhưng nếu thiếu tầm nhìn thì không thể bắt đầu bất cứ việc gì, bao gồm cả việc đầu tư cải tiến quy trình sản xuất kinh doanh. (Theo ông Cao Tiến Vị, Tổng giám đốc Giấy Sài Gòn)
Thực tế có nhiều doanh nghiệp chấp nhận những khoản lỗ vài chục tỷ trong kinh doanh, nhưng để đầu tư số tiền đó vào công nghệ quản trị họ lại ngần ngại. Sự ngần ngại xuất phát từ việc phải thay đổi hoàn toàn thói quen làm việc theo kiểu cũ và bản thân người lao động cũng ngại khó khi phải thay đổi. Vậy nên, để có thể đầu tư cho công nghệ quản trị một cách hiệu quả, người lãnh đạo doanh nghiệp cũng như người lao động cần có những thay đổi từ tư duy đến thói quen một cách triệt để.
Với đa phần người lao động xuất phát từ nền nông nghiệp lúa nước: tính kỷ luật yếu, lối học đối phó, lại được tiếp thu một nền giáo dục thụ động, phương pháp tiếp cận kiến thức một chiều. Khi đi làm, những người lao động này sẽ tiếp tục duy trì cách làm việc đối phó ở công ty. Trong khi đó, khi đầu tư hệ thống quản trị mới trên nền tảng công nghệ, doanh nghiệp cần một đội ngũ lao động có tính chuyên nghiệp, sẵn sàng học hỏi, cầu thị.
Bởi đưa một phần mềm cải tiến quản trị vào hoạt động cần thời gian từ vài tháng đến cả năm để thực hiện, thực hiện xong rồi lại phải tiếp tục cập nhật. Để theo kịp quy trình, người lao động sẽ phải làm việc vất vả hơn: vừa phải thử cách làm mới nhưng một mặt vẫn phải duy trì tiến độ công việc hàng ngày một cách ổn định, phải học tập thực hành các kỹ năng mới để có thể phối hợp nhịp nhàng với tất cả các khâu trong toàn bộ quá trình sản xuất đồng thời từ bỏ thói quen làm việc thiếu kỷ luật, làm thủ công. Một thói quen khác của người lao động cũng được xem là thách thức đối với quá trình cải tiến hệ thống quản trị của doanh nghiệp là tâm lý muốn giữ thông tin, tài liệu cho riêng mình. Tâm lý này gây cản trở rất nhiều trong quá trình xây dựng quy trình sản xuất kinh doanh chuyên nghiệp.
Việc ứng dụng phần mềm hoạch định nguồn lực doanh nghiệp sẽ thúc đẩy quá trình cải tiến quy trình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Để làm được điều này, người lao động cần rèn luyện những kỹ năng phù hợp đáp ứng yêu cầu mới của thị trường bằng cách luyện cho mình thói quen tôn trọng kỷ luật, tuân thủ quy trình từ những hành vi lao động nhỏ hằng ngày.
Xem thêm bài viết khác:
>> Vai trò khác nhau giữa phần mềm kế toán và giải pháp ERP.
Theo Doanh nhân Sài Gòn