Ứng Dụng Phật Pháp Vào Cuộc Sống Và Công Việc

 

ỨNG DỤNG PHẬT PHÁP VÀO CUỘC SỐNG VÀ CÔNG VIỆC
Tôn sư Khangser Rinpoche | Dipkar Việt Nam chuyển ngữ
Hà Nội, ngày 13 tháng 02 năm 2014

 

Khangser RinpocheKhangser RinpocheQuý vị đã thử thực hành ba bước mà tôi chia sẻ hôm qua chưa? [Bài giảng “Tạo khác biệt cho cuộc sống,” ngày 12/02/2014]. Hôm nay, chủ đề có một chút khác biệt. Dù quý vị có phải là Phật tử hay không, quý vị đều có thể thực hành các bước hôm qua tôi nói. Hôm nay là một buổi Pháp thoại. Trước tiên tôi có một ví dụ. Trong cuộc sống, chúng ta phải đưa ra rất nhiều quyết định. Thông thường, chúng ta quyết định bằng hai cách: quyết định bằng cảm tính hoặc quyết định sau khi đã phân tích. Quyết định bằng cảm tính đôi lúc đúng, đôi lúc sai. Ngay cả quyết định thông qua phân tích kỹ lưỡng cũng có thể đúng hoặc sai. Một quyết định đúng đắn mang lại rất nhiều lợi lạc; tuy nhiên, một sai lầm nhỏ có thể dẫn đến thảm kịch. Do đó, quý vị cần có tư tưởng tác động để đưa ra quyết định. Theo quan điểm Phật giáo, tư tưởng đúng đắn xuất phát từ nhiều nguyên nhân, và một trong những nguyên nhân đó chính là nghiệp.

Trong cuộc sống, chúng ta không thể quyết định mọi việc bằng cách tung đồng xu. Các quyết định đến từ những suy nghĩ liên quan đến nghiệp. Thiện nghiệp mang đến sự thuận lợi, dễ dàng; còn ác nghiệp dẫn đến những hậu quả nặng nề. Đây là tư tưởng chính yếu về nghiệp của Phật giáo.

Tôi biết đôi lúc quý vị làm việc rất chăm chỉ nhưng không thành công. Khi đó, tâm quý vị sẽ nảy sinh những câu hỏi như: “Tại sao tôi không thành công? Tại sao mọi người/anh ấy/cô ấy… thành công? Tại sao tôi đã cố gắng chăm chỉ mà vẫn không thành công?” Những suy nghĩ này lặp đi lặp lại trong tâm và làm tổn thương quý vị khá nhiều. Sau đó, quý vị sẽ bắt đầu đổ lỗi cho những yếu tố khác. Chính cách suy nghĩ đó làm cho quý vị phiền muộn nhiều hơn nữa.

Phật giáo chủ yếu dạy về luật nhân quả. Việc nhìn nhận đúng về luật nhân quả mang lại rất nhiều lợi lạc cho cuộc sống của chúng ta. Nhiều năm trước tôi bị đau dạ dày khá nặng. Bác sĩ đã cho tôi biết nhiều nguyên nhân của căn bệnh. Ông nói với tôi rằng chế độ ăn uống của tôi không đủ dinh dưỡng và một vài lý do khác nữa. Thật ra tôi vẫn đang ăn uống rất đầy đủ và điều độ. Sau đó, tôi phải sử dụng thuốc trong thời gian khá dài để chữa bệnh, có lẽ là 9 tháng. Mặc dù vậy, dạ dày tôi vẫn rất đau. Tôi luôn nghĩ rằng đó là những nghiệp xấu mà tôi đã tạo trong đời trước và bây giờ tôi phải  tịnh hóa nó. Suy nghĩ như vậy, tôi không cảm thấy khó khăn hay đau khổ vì bệnh tật nữa. Tuy nhiên, khi con người gặp khó khăn thử thách trong cuộc sống, họ thường đổ lỗi cho người khác. Bất cứ khi nào mọi việc diễn ra không như mình mong muốn, chúng ta thường đổ lỗi cho một ai đó.

Tư tưởng về nghiệp trong Phật giáo luôn dạy rằng: Khi cuộc sống diễn ra tốt đẹp thì chúng ta hãy tận hưởng. Khi khó khăn thử thách đến thì chúng ta nên biết rằng hoặc cố gắng nghĩ rằng bản thân mình đã gây tạo một ác nghiệp nào đó trong đời quá khứ. Đó chính là nghiệp. Nếu có niềm tin vào nghiệp quả, tâm lý quý vị sẽ không còn quá căng thẳng. Khi con người gặp khó khăn trong cuộc sống, họ thường rất căng thẳng. Khi quá căng thẳng, chúng ta sẽ tuyệt vọng và bắt đầu than trách bản thân là kẻ thất bại. Tất cả những suy nghĩ tiêu cực cứ dần dần sinh khởi như vậy. Do đó, tư tưởng về nghiệp hay nhân quả trong đạo Phật nói rằng, tất cả mọi việc chúng ta làm đều dẫn đến các kết quả. Khi quý vị làm thiện hạnh thì sẽ có kết quả tốt đẹp. Khi quý vị phạm ác hạnh thì sẽ gánh chịu những hậu quả tồi tệ. Điều này đơn giản nhưng rất chân thật. Tôi có thể chứng minh bằng khoa học. Khi chúng ta làm việc tốt, đó là một hành động. Tất cả mọi hành động đều có phản ứng ngược lại. Nếu chúng ta làm một hành động tốt thì có phản ứng tốt ngược trở lại; nếu chúng ta làm việc xấu thì có phản ứng xấu tác động ngược trở lại. Do đó, luật nhân quả trong đạo Phật không những cho chúng ta sức mạnh tinh thần mà còn đưa đường chỉ lối cho chúng ta trong cuộc đời. Điều này có thể được chứng minh rất dễ dàng.

Đầu tiên, một câu hỏi lớn được đặt ra là liệu đời trước và đời sau có tồn tại hay không? Nếu đời trước hay đời sau tồn tại thì luật nhân quả tồn tại, không còn nghi ngờ gì nữa. Chúng ta không xem xét vấn đề này trên quan điểm tôn giáo mà trên quan điểm khoa học.

Ian Stevenson đã viết một cuốn sách mang tên “Những đứa trẻ nhớ được đời trước.” Ông là một nhà khoa học và không theo tôn giáo nào. Quý vị có thể tìm quyển sách này trên mạng Internet. Ian Stevenson đã tiến hành nhiều nghiên cứu về sự tồn tại của đời trước và đời sau. Ông đưa ra ba lý do. Lý do đầu tiên, ông dẫn ra rằng có nhiều đứa trẻ có thể nhớ được đời trước của chúng. Quý vị không cần đi đâu xa để tìm một đứa trẻ nhớ được tiền kiếp. Người đang ngồi trước mặt quý vị đã có thể nhớ được đời trước khi còn là một đứa trẻ. Tuy nhiên, bây giờ tôi không nhớ gì cả! [Rinpoche cười] Ian Stevenson đã làm rất nhiều thí nghiệm tương tự như vậy. Tôi có đang nói điều gì kỳ lạ đối với quý vị không? Bởi vì gia đình tôi tin vào đời trước và đời sau nên không có chuyện gì xảy ra. Nếu gia đình tôi không tin, khi thấy tôi nói những điều kỳ lạ, có lẽ họ đã mang tôi đến bệnh viện tâm thần rồi [Rinpoche cười]. Nhà khoa học này đã nghiên cứu tại nhiều quốc gia như Sri Lanka, Myanmar v.v… Trong tiếng Pháp có thuật ngữ “Déjà vu” dùng để diễn tả trạng thái khi chúng ta gặp một người chưa từng quen biết hoặc lần đầu tiên đến một nơi nào đó, nhưng lại có cảm giác như đã gặp người này rồi hoặc nơi này đã thân thuộc với chúng ta từ rất lâu rồi. Cảm giác này được gọi là “Déjà vu.” Vì sao ta lại có loại cảm giác đó? Đây là một câu hỏi lớn. Các nhà khoa học luôn cho rằng cảm xúc đến từ não bộ. Vì sao chúng ta chưa từng đến nơi đó nhưng vẫn cảm thấy như mình đã đến rồi? Đây không phải là câu hỏi của tôi mà là của nhà khoa học Ian Stevenson. Chúng ta phải tìm ra câu trả lời cho các câu hỏi này. Ông đã chứng minh sự tồn tại của đời trước và đời sau bằng những lý do rất khoa học.

 Tuy nhiên, không ai có thể khẳng định 100% đời sau có tồn tại, chỉ có thể chắc chắn 50-50. Khi chỉ chắc được 50%, chúng ta nên làm gì? Chúng ta phải hết sức cẩn thận với đời sau của mình. Ví dụ, người ta nói rằng hút thuốc lá có hại cho sức khỏe, gây ra bệnh phổi. Tuy nhiên, đó chỉ là khả năng 50-50, không phải tất cả người hút thuốc đều bị bệnh phổi, vẫn có hàng ngàn người đang hút thuốc mà không mắc bệnh. Dù vậy, việc cẩn thận đề phòng rất quan trọng. Đời sau cũng vậy, khả năng hiện diện của đời sau là 50-50, chúng ta cần thực hiện những bước an toàn để đề phòng. Nếu quý vị khẳng định 100% đời sau tồn tại thì không cần phải theo nguyên tắc 50-50 như tôi nói. Một điều rất rõ ràng là chúng ta cần bước những bước thật cẩn trọng, vì nếu đời sau thật sự tồn tại thì nó sẽ trở thành vấn đề rắc rối cho chúng ta. Khi đức Phật giảng về luật nhân quả, Ngài ngụ ý rằng chúng ta phải cẩn thận những kết quả có thể xảy ra với mình trong kiếp vị lai. Chúng ta có thể tìm thấy vài bằng chứng khoa học để chứng minh được có đời trước và đời sau; tuy nhiên, chúng ta không thể tìm được bằng chứng, dù là nhỏ nhất, để chứng minh không có đời trước và đời sau. Do đó, chúng ta cần thực hiện những bước thật an toàn. 

Bây giờ có một câu hỏi: Nếu đời sau thật sự tồn tại thì chúng ta cần phòng ngừa như thế nào? Chúng ta cần bắt đầu ngay từ lúc này. Chúng ta phải hành động đúng đắn. Khi nói đến cõi địa ngục hay cõi trời, các cõi này có tồn tại hay không không phải là một vấn đề quan trọng. Theo quan điểm Phật giáo, cõi trời và cõi địa ngục không tồn tại dựa vào niềm tin của chúng ta mà dựa vào hành động của chúng ta. Một số truyền thống tôn giáo khác cho rằng niềm tin sẽ quyết định chúng ta lên thiên đàng hay xuống địa ngục, nhưng Phật giáo cho rằng chỉ có hành động của chúng ta mới quyết định chúng ta sanh thiên hay bị đọa địa ngục. Do đó, chúng ta cần làm những việc đúng đắn. Để làm được như vậy thì điều gì là cần thiết nhất? Chúng ta cần chỉ dẫn đúng đắn. Nếu không có chỉ dẫn đúng đắn, làm sao chúng ta biết được việc đúng đắn nào cần phải làm? làm sao chúng ta biết được đâu là hành động đúng đắn và đâu là hành động sai lầm? Ví dụ, một người giết con cá để đem cho con chó ăn. Đó là hành động tốt hay xấu? Quý vị nghĩ như thế nào? [Một người trả lời: Tùy thuộc vào động cơ]. Khi bạn nói đến động cơ, câu trả lời này không đến từ tâm bạn mà bạn trích dẫn chi tiết này từ một ai đó. Người cho bạn chi tiết đó được gọi là người chỉ dẫn.

Đôi khi rất khó xác định việc chúng ta làm là tốt hay xấu, vì vậy chúng ta cần một người hướng dẫn đúng đắn. Khi quý vị xem đức Phật là người chỉ dẫn đó thì quý vị cũng bắt đầu quy y Ngài, điều này rất đơn giản. Quy y đức Phật không có nghĩa là đầu hàng đức Phật và chấp nhận xem Ngài là bậc dẫn đường cho mình. Ví dụ, khi leo núi chúng ta sẽ chọn ai làm người dẫn đường cho chúng ta? Chúng ta sẽ chọn một người rành rẽ đường đi nước bước trên núi. Đức Phật là một học giả, Ngài thông hiểu tất cả mọi hành động đúng và sai. Đức Phật là người đầu tiên nói về việc điều phục và chuyển hóa tâm. Nhìn vào lịch sử thế giới hoặc lịch sử phương Tây cách đây 2500 năm, quý vị có tìm được tư tưởng nào trước thời đức Phật nói về việc thay đổi thế giới thông qua thay đổi tâm mình hay không? Đức Phật là người đầu tiên khởi xướng tư tưởng đó. Vì vậy, tôi luôn xem đức Phật là một nhà khoa học và nhà tâm lý học. Những tư tưởng tương tự được khởi xướng khá trễ, đến khoảng thế kỷ 19, 20 mới xuất hiện. Do đó, khi quý vị quy y, quý vị đang xem đức Phật là người dẫn đường của quý vị. Khi đã xem đức Phật là người dẫn đường, chúng ta cần làm gì? Chúng ta cần làm theo chính xác những gì Ngài đã dạy và cố gắng hiểu những gì Ngài đã thuyết. Đó gọi là quy y Pháp.

Đâu là điều kiện cần thiết để giáo dục trẻ em trở thành người tốt? Có ba điều kiện quan trọng: thầy tốt, sự chỉ dẫn tốt, và môi trường tốt. Cũng như vậy, nếu chúng ta muốn trở thành một người tốt hơn hay muốn có tái sinh tốt đẹp thì trước hết chúng ta cần có người dẫn đường tốt, thứ hai là có giáo pháp đúng đắn hay có chánh pháp, thứ ba là có những người bạn chân chính. Những người bạn chân chính, ở đây, chính là tăng thân. Tăng thân không phải là chư tăng ni, mà chính là những người đi theo đức Phật và thực hành giáo pháp của Ngài một cách chính xác và đúng đắn, những người này cũng được gọi là tăng thân. Mọi người luôn nghĩ tăng thân là chư tăng ni, đây là suy nghĩ sai lầm. Tăng thân là những người thực hành Phật pháp đúng đắn. Nếu chư tăng ni không thực hành đúng lời Phật dạy thì họ hoàn toàn không phải là tăng thân. Hình tướng bên ngoài của họ có thể là một vị tu sĩ nhưng về tâm tánh thì không phải. Rất đơn giản để trở thành tu sĩ bề ngoài. Quý vị chỉ cần cạo tóc, đắp y áo và bỏ ra một giờ để thực hiện một số nghi lễ thì đã có thể trở thành tu sĩ bề ngoài. Nếu tôi đưa bộ y này cho người phiên dịch mặc thì người phiên dịch sẽ trở thành tu sĩ vì tóc đã được cạo sẵn rồi [Rinpoche cười]. Do đó, tăng thân chính là những tu sĩ về mặt tâm tánh, là những người phụng hành đúng đắn lời Phật dạy từ trong tâm. Đó chính là tăng thân thực thụ. Mặc y phục như thế nào, tóc dài hay ngắn đều không phải là vấn đề. Do đó, khi quy y, quý vị phải thọ giới quy y để nhắc nhở bản thân thay đổi thành một người mới tốt hơn. Khi thật sự mong muốn trở thành một người mới tốt hơn, quý vị sẽ thọ giới quy y.

Bất cứ khi nào gặp khó khăn hay đau khổ, quý vị cần gì? Quý vị cần có ai đó để cầu nguyện, để chia sẻ những suy nghĩ của mình. Khi đau khổ, nếu có thể chia sẻ được nỗi khổ với người khác thì chúng ta sẽ cảm thấy thoải mái hơn. Khi gặp khó khăn, nếu có đối tượng để cầu nguyện thì nỗi khổ trong tâm quý vị sẽ vơi đi, quy y cũng giống như vậy.

Quý vị có thể gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Khi có một người để chia sẻ và một đối tượng để cầu nguyện thì tinh thần quý vị sẽ thêm vững chãi. Nếu không có nơi nào để cầu nguyện thì đôi khi tinh thần quý vị không đủ mạnh mẽ. Điều quan trọng nhất là có một nơi để cầu nguyện trong hoàn cảnh khó khăn sẽ giúp quý vị mạnh mẽ hơn để đương đầu với thử thách. Khi cầu nguyện với Tam Bảo, quý vị sẽ có thêm sức mạnh tinh thần. Tuy nhiên, cầu nguyện với Tam Bảo có giúp chúng ta vượt qua khó khăn hay đau khổ trong cuộc sống hay không? Đó là một câu hỏi khác. Một lần nữa, chúng ta phải dựa vào khoa học. Chúng tôi đã làm rất nhiều cuộc khảo cứu về vấn đề này tại trung tâm nghiên cứu thuộc trường đại học và  thấy được sức mạnh của thiền định cũng như cầu nguyện. Đó là một vấn đề khác, tôi sẽ không đề cập ở đây.

Hôm nay tôi sẽ dừng ở đây. Thời gian còn lại chúng ta có thể đặt câu hỏi.

 

HỎI – ĐÁP

Hỏi: Chúng con muốn quy y và thọ giới, xin Thầy hướng dẫn ạ!

Rinpoche: Đầu tiên chúng ta cần phân biệt giới quy y và giới cư sĩ (giới Ưubà-tắc) là hai vấn đề khác nhau. Giới quy y có nghĩa là chúng ta xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Khi đã quy y Phật rồi, quý vị không được quy y các vị thần thế gian. Quý vị có thể tỏ lòng tôn kính và lễ bái các vị thần thế gian nhưng không quy y họ. Khi đã quy y Pháp rồi, quý vị không được làm hại chúng sinh khác, cố gắng hết sức không làm tổn hại chúng sinh khác. Sau khi thọ giới quy y, quý vị không cần tuân theo bất kỳ giới luật đặc biệt nào. Tuy nhiên, giới cư sĩ có tất cả năm điều. Khi thọ giới này, quý vị không nhất thiết phải nhận cả năm giới. Quý vị có thể chỉ nhận một giới.

 

Hỏi: Trong kinh doanh, đôi lúc con không biết mình đi đến đâu, chúng con thường gặp khó khăn khi làm việc với nhiều người. Con muốn hỏi có cách nào đơn giản để hỗ trợ, tạo được niềm tin cho đội ngũ hay nhiều người như vậy hay không?

Rinpoche: Thông thường, sự đoàn kết rất quan trọng trong công việc. Vấn đề là khi quý vị bắt tay vào việc, mỗi cá nhân có một tầm nhìn khác nhau. Thậm chí nếu có chung tầm nhìn nhưng đường lối khác nhau thì quý vị cũng không thể hợp tác với nhau được. Khi chúng ta buộc phải theo đường lối của người khác, chúng ta không thể nào tập trung vào công việc chung. Khi tâm chúng ta không hoàn toàn chấp nhận theo tầm nhìn và phương pháp của người khác, chúng ta sẽ cảm thấy khó lòng hòa hợp và không thể toàn tâm tập trung giải quyết vấn đề. Do đó, theo quan điểm Phật giáo, khi làm việc trong công ty, điều quan trọng nhất là chúng ta phải giảm thiểu bản ngã của chính mình.

Khi quý vị có một ý tưởng, đầu tiên, quan trọng nhất là quý vị phải chấp nhận ý tưởng của người khác. Nếu quý vị có ý tưởng tốt, quý vị cũng phải chấp nhận rằng có thể ý tưởng của người khác tốt hơn của mình. Hầu hết mọi người đều có bản ngã rất lớn, họ không thể chấp nhận tầm nhìn và phương pháp của người khác, ngay cả khi họ biết chúng tốt hơn ý tưởng của bản thân. Quý vị nên chấp nhận điều này. Để chấp nhận, quý vị cần giảm thiểu bản ngã. Khi chúng ta có một ý tưởng, nếu bản ngã quá lớn, chúng ta sẽ nghĩ ý tưởng của mình là tốt nhất và muốn mọi người phải theo ý tưởng đó.

Chúng ta đều biết sự tự tin rất cần thiết cho công việc. Tuy nhiên, quý vị cần hiểu rõ tự tin và bản ngã là hai điều khác biệt. Khi quý vị nghĩ rằng “Chỉ có tôi mới làm được!” thì đó chính là bản ngã; nhưng khi nghĩ “Tôi có thể làm được” thì đó chính là sự tự tin. Khi nghĩ rằng “Chỉ có tôi mới làm việc đó tốt nhất,” quý vị sẽ không thể chấp nhận tầm nhìn và đường lối của người khác. Do đó, quý vị cũng không thể nào làm việc hợp tác và đoàn kết. Quý vị cần giảm thiểu bản ngã và học cách chấp nhận ý tưởng của người khác nếu chúng tốt hơn ý tưởng của mình. Để chấp nhận, quý vị cần giảm thiểu bản ngã. Ở công ty, điều quan trọng nhất là mỗi cá nhân cần thay bản ngã bằng sự tự tin để có thể hợp tác với nhau một cách thích đáng. 

Thứ hai, chúng ta cần bỏ đi tính bất cẩn. Đức Phật dạy rằng bất cẩn là một dạng lười biếng. Đôi lúc sự bất cẩn của bản thân ảnh hưởng đến rất nhiều người. Do đó, khi quý vị làm việc trong cùng một công ty, quý vị phải nghĩ đó là một gia đình, điều này rất quan trọng. Đức Phật đã dạy rằng bất kỳ ai khi đã gia nhập tăng đoàn, tu viện hay bất kỳ nơi đâu, cũng phải nghĩ đó là một gia đình lớn của mình. Quý vị cũng nên suy nghĩ như vậy. Vì vậy, điều thứ hai là chúng ta cần bỏ đi tính bất cẩn trong công việc. Dựa vào khả năng và tiềm năng của bản thân mình, quý vị hãy cố gắng làm tốt nhất có thể. Bất cẩn nghĩa là chúng ta không làm đúng với khả năng của mình. Nếu quý vị có khả năng làm việc gì đó nhưng quý vị không làm thì đó là bất cẩn, là một dạng lười biếng.

Điều thứ ba là tôn trọng lẫn nhau. Nếu quý vị tôn trọng lẫn nhau thì sẽ cảm nhận được niềm vui trong công ty. Khi cảm thấy hào hứng làm việc ở công ty thì sẽ không có nhiều khó khăn. Sự tôn trọng rất kỳ lạ. Trái ngược với tôn trọng là xem thường lẫn nhau. Nếu ai đó đánh quý vị và xin tha thứ thì quý vị rất dễ tha thứ cho họ. Nhưng nếu có người hạ nhục quý vị và xin tha thứ, quý vị sẽ cảm thấy rất khó tha thứ. Do đó, khi tôn trọng lẫn nhau, công ty sẽ có được sự đoàn kết. Điểm mấu chốt để người khác tôn trọng quý vị là trước tiên quý vị phải tôn trọng tất cả mọi người. Thực hành tôn trọng rất dễ.

Quý vị có biết trên thế giới, người dân nước nào có cách ứng xử lịch sự nhất không? [Đại chúng trả lời: Nhật Bản]. Nhật Bản được xem là quốc gia mà người dân tôn trọng lẫn nhau và lịch sự nhất thế giới. Đất nước họ có rất ít tội phạm. Họ đã làm gì? Họ không làm gì hơn chúng ta ngoại trừ một vài điều khác biệt. Họ chỉ nói “Vui lòng” nhiều hơn chúng ta nói, họ nói “Cảm ơn” nhiều hơn chúng ta nói, và họ cúi chào nhau nhiều hơn chúng ta làm. Họ chẳng làm gì nhiều hơn chúng ta ngoại trừ ba điều này. Rất đơn giản! Chúng ta có thể thực hiện được. Nếu quý vị cúi chào ai đó thì họ sẽ cúi chào lại quý vị. Rất đơn giản! Nếu quý vị nói cảm ơn ai đó thì họ cũng sẽ nói cảm ơn quý vị. Người Nhật chỉ thực hiện ba điều này nhiều hơn người khác một chút, nhưng họ được xem là những người rất khác biệt. Thật ra, họ không làm gì quá khác biệt so với chúng ta, mà họ chỉ làm nhiều hơn chúng ta một ít, chỉ vậy mà thôi. Quý vị cần xây dựng môi trường tương tự cho công ty. Khi đến công ty, mọi người sẽ cảm nhận được môi trường khác biệt và hào hứng làm việc hơn. Một khi có sự hào hứng thì dần dần có đoàn kết và hợp tác. Do đó, điều thứ ba là thông hiểu và quan tâm chân thành lẫn nhau.

 

Hỏi: Mặc dù có biết nhưng bản thân con chưa hiểu nhiều về ý nghĩa của những câu chú. Xin Thầy giảng về ý nghĩa, tác dụng của những câu chú ấy. Đồng thời, nếu có thể, chúng con cũng xin Thầy ban cho chúng con một câu chú nào đó để nhắc nhở chúng con trong việc áp dụng những điều Thầy đã dạy vào cuộc sống. 

Rinpoche: Tôi chỉ có một câu chú để nhắc nhở quý vị, câu chú này cũng đã nhắc nhở tôi, đó là “Sống mạnh mẽ và hạnh phúc.” [Rinpoche cười]. Đó là câu chú của tôi, quý vị có thể thấy trên trang dipkar.com. 

Thông thường, quý vị có thể đọc câu chú của ngài Quán Thế Âm, Om Mani Padme Hum. Chúng tôi đã làm rất nhiều thí nghiệm trên nước và gạo để chứng minh năng lực tích cực của câu chú. Chúng tôi đã chụp lại nhiều hình ảnh về những tác động tích cực mà câu chú mang lại. Nếu câu chú này mang kết quả tích cực đến nước thì sao lại không thể mang lại kết quả tốt cho con người, vì 60% cơ thể chúng ta là chất lỏng? Lần sau, tôi sẽ chuẩn bị máy chiếu để quý vị xem những hình ảnh đó. Những bước thực hành thí nghiệm này rất khoa học. Mỗi ngày chúng tôi đều chụp ảnh lại để chứng minh câu chú tác động lên gạo và nước như thế nào. 

Bây giờ tôi sẽ truyền khẩu câu chú. Quý vị hãy đọc theo tôi. [Ngài truyền khẩu câu chú].

Tôi sẽ dừng ở đây. Cảm ơn quý vị.

Vài nét về Tác giả:

Khangser Rinpoche

pháp tự

là Tenzin Tsultrim Palden nghĩa là

Pháp Trì

Giới Hạnh

Cát Tường

. Tên thường gọi là Khangser Rinpoche nghĩa là ngôi nhà vàng. Ngài sanh năm 1975.

Năm 1980 được các đại

Lạt Ma

của Viện

Phật Học

Tây Tạng

Sera Jey

công nhận

là Khangser Rinpoche

chuyển thế

đời thứ tám của dòng Gelug. Được biết

chuyển thế

đời thứ bảy của Khangser Rinpoche trước đó vốn là một trong ba vị

đại trưởng lão

đảm nhận

trách nhiệm

tìm kiếm

chuyển thế

của Đức

Đạt Lai Lạt Ma

đời thứ 14.

Năm 1992 Khangser Rinpoche đậu bằng

cử nhân

(Bachelor) Triết

Lý Phật

Học về

Kinh Bát Nhã Ba La Mật

ở trường

Phật Học

Biện Chứng

, nằm trên dãy

Hy Mã Lạp Sơn

, nơi Đức

Đạt Lai Lạt Ma

thứ 14 đang

cư ngụ

, thuộc tiểu bang Himachal Pradesh, miền Bắc

Ấn Độ

.

Năm 1998 Ngài đậu bằng cao học (Master) Triết

Lý Phật

Học ở

Tu Viện

Phật Giáo

Đại Thừa

Sera Jey được

tái lập

ở miền Nam

Ấn Độ

, một

tu viện

nổi tiếng

trong 3

tu viện

lớn nhất của dòng Gelug ở

Tây Tạng

được lập từ thế kỷ thứ 15.

Năm 2000 Ngài được mời làm

giảng sư

khách ở trường

đại học

Tribhuwan ở Kathmandu, nước Nepal.

Năm 2002, chỉ với tuổi 27 mà Ngài đã đậu bằng

Tiến Sĩ

Geshe Lharam cao quí, thủ khoa

đứng đầu

trong số năm ngàn

tăng chúng

tu viện

Sera, miền Nam

Ấn Độ

, cũng trong năm này Ngài trước tác luận

chú giải

Câu Xá Luận

dày hơn 300 trang.

Năm 2005 Ngài thi đậu với số điểm cao nhất bằng

Tiến Sĩ

Phật Giáo

Mật Tông

tu viện

mật điển

Gyuto, Dharamsala, miền Bắc

Ấn Độ

.

Dipkar Việt Nam

Thư Viện Hoa Sen