Úm ba la “chữ bác sĩ”

Hồi nhỏ đi học, mọi học sinh tiểu học đều phải học viết rõ nét và đẹp. Nhiều trường, Sở Giáo dục ở Việt Nam còn tổ chức thi chữ đẹp, thời nào cũng có Trung tâm luyện chữ đẹp. Vậy sao sau này, khi ra trường đại học, lúc làm việc, chữ bác sĩ (BS) lại tít mù khó đọc hơn chữ người khác?

 

Và tại sao khi học đại học, chọn nghề, các sinh viên trường Y bắt đầu viết xấu cho đến lúc ra trường hành nghề và coi việc viết xấu này là tất yếu? Phải chăng vì có thành ngữ: “Chữ xấu (khó đọc) như chữ BS” nên chuyện chữ xấu là bình thường.

Lấy cớ bệnh nhân đông, mỗi khi kê đơn, BS phải viết nhanh để dành thời gian khám bệnh người khác. Khốn nỗi người không biết chữ thì thôi, còn bệnh nhân muốn tìm hiểu bệnh và thuốc  rất khổ khi đọc đơn thuốc.

Thành ngữ Pháp cũng có câu “Chữ BS” chỉ lối viết ngoáy không đọc được. Ngày xưa, các cụ Nho học viết cẩn thận, vì một nét sai là thành chữ khác. Tây y đến Việt Nam từ thời Pháp thuộc. Trường Y đầu tiên là do Pháp mở. Có lẽ vì thế ảnh hưởng Pháp, chữ BS Việt Nam rất khó đọc (?!).

 

Ảnh minh họa.

Nếu mở cuộc thi viết thư tình chữ đẹp, chắc chắn lực lượng BS không bao giờ đoạt giải và mấy BS muốn dự thi?

Nguyên nhân chính là tên thuốc, tên thuốc nhiều từ gốc Latin. Đối với BS là cả một cực hình để nhớ. Khoa học càng phát triển, tên thuốc  do nhiều hóa chất tạo thành, từ vài chất cơ bản, nên tên cứ dài ra. BS nước ngoài viết ngoáy chẳng kém gì BS Việt. Tiếng Pháp gốc Latin, BS Pháp học cũng bở hơi tai, huống hồ BS Việt. Tiếng Việt đơn âm, tên thuốc đa âm. Riêng để giải thích và hiểu được một từ có khi viết được… cuốn sách.

Trong Y học, nhiều từ thuốc dài đến 49 chữ cái như: Vitamin B 2 được ghép clo nên có tên: chlorured’aminométhylpyrimidinylhydroxyéthylméthythiazolium A cyclopentanoperhydrophénenthrène (32chữ), nôm na có nghĩa: nhân trong tổ hợp sinh hóa); électro – encéphalographiquement (29 chữ, theo phương cách ghi các luồng điện của não bộ);   œsophago – gastro – duodénoscopie (28 chữ, nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng); myélosaccoradiculographie (25 chữ, cũng là một cách dò ruột; oligoasthénotératospermie (25 chữ); chỉ mật độ tinh trùng/pseudohypoparathyroïdisme (25 chữ), một trường hợp nhiễm trùng kháng/hippopotomonstrosesquippedaliophobiques (39 chữ) ne se justifie pas du point de vueétymologique.Trong Hóa học, Sinh vật, cũng có những từ dài để chỉ căn bệnh (sợ táo bón: Apopathodiaphulatophobie (24 chữ cái); chất gaz độc ’orthochlorobenzalmalonitrile (30 chữ cái). Vấn đề dịch những từ này ra ngôn ngữ tiếng Việt cũng không hề đơn giản như oligoasthénotératospermie, tên một chứng thiểu tinh trùng và các tinh trùng hiện diện yếu đuối và có khả năng tạo quái thai, hay từ “pseudohypoparathyroïdisme” là hợp chứng kháng kích thích tố phó giáp trạng, nôm na dịch không phải là thiếu kích thích tố, có đủ nhưng cơ thể kháng lại kích thích tố và không dùng được nên hợp chứng trông giống như thiếu kích thích tố!

Các dược sĩ (DS) và BS chỉ đọc tên thuốc này chưa chắc đúng và nếu viết càng khó. Vì vậy, viết ngoáy là một nghệ thuật để tránh bệnh nhân bẻ lỗi khi viết nhầm tên thuốc. Thời chưa có vi tính thì phải viết tay kê đơn, nên viết được một tên thuốc bở hơi tai. Hiện nay, máy tính đã phổ biến, nhiều bệnh viện phòng khám BS vẫn viết tay. Tránh không bị kiện cáo thì ngoáy tít mù tên thuốc. Một chuyện tai hại về đơn thuốc được truyền nhau trong ngành y: Xưa bên Trung quốc có một vị lương y giỏi nổi tiếng và cũng nổi tiếng là thư pháp đẹp tuyệt vời. Do vậy, ông kê đơn thuốc rõ ràng, không bao giờ nhầm kiểu “Đau hạch hàm” thành “Đau hạch háng”. Một hôm, ông đang mải mê suy nghĩ một kiểu thư pháp mới cho chữ “Tâm”, thì có bệnh nhân đến xin đơn thuốc. Đầu óc lơ mơ, lương y đã viết nhầm một chữ trong đơn thuốc. Bệnh nhân qua đời, và gia đình kiện ông. Lương y bị quan tống giam hai năm, và tước quyền hành nghề vĩnh viễn. Ra tù, ông đành phải mưu sinh bằng nghề nuôi gà. Ngày nọ, trong lúc quan sát đàn gà bới đất tìm giun, “cựu” lương y thở dài ngẩng mặt lên trời mà than rằng: “Phải chi trong đơn thuốc ta viết theo kiểu “thư pháp” như gà bới thì trước quan ta đã có thể cãi chày cãi cối rằng vị thuốc đó là “thế này” chứ không phải “thế kia”, vì người nhà bệnh nhân đọc nhầm chứ không phải ta viết sai”. Rồi ông đem kinh nghiệm đó mách nhỏ các đồng nghiệp để họ tránh tai họa như ông, dần dần các “đấng” hậu thế cứ thế mà… noi theo. Tiếng Pháp cũng có thành ngữ nôm na gọi chữ BS là “vết chân ruồi”, tức mập mờ không rõ nét.

Tên thuốc đơn giản như thuốc nhức đầu, sổ mũi, còn thuốc đặc trị đôi khi rất dài. Do tên thuốc rất dài và khó thuộc, sinh viên học dược và BS để thuộc được cũng hết hơi. BS Tây khi kê đơn cho bệnh nhân đôi khi cũng mở từ điển tên thuốc để đề phòng sai, họ không ngại ngần chuyện đó. Mỗi phòng khám đều có cuốn từ điển thuốc ở trên giá, hay trên bàn. Ở Việt Nam, vào phòng khám, ít khi thấy có từ điển thuốc, vậy làm sao mà đầu óc BS có thể bách khoa toàn thư thuộc tên thuốc và bảo đảm kê đơn đúng, nhất là BS đa khoa? Đại đa số BS thường chỉ kê đơn vài thuốc thông thường, nhưng đôi tên thuốc rất khó nhớ có thể thiếu chữ  nào đó.  Nhiều tên thuốc Latin na ná nhau, hiệu quả khác  nhau. Như thuốc bổ Assibiol  có thể nhầm thuốc sức ghẻ ascabiol; hay thuốc chống viêm Voltarème, dễ nhầm với thuốc chống nôn Vogalène. Thế nên, cứ ngoáy lên để khó bắt bẻ. Vì thế, các tiệm thuốc mới cần DS để khi người bán thuốc không đọc được tên thuốc, thì thường hỏi thêm người mua thuốc là mua để chống nôn hoặc chữa ghẻ hả để tránh nhầm lẫn. DS cũng phải học năm sáu năm không kém BS để đọc chữ BS.

Hay là các BS không muốn tranh phần DS,  tạo công việc cho DS. BS viết đẹp, rõ ràng thì DS thất nghiệp, tiệm thuốc không cần DS cao cấp để đọc đơn thuốc loằng ngoằng? 

 Một số quy định trong y tế, BS chỉ cần viết tắt một số chữ là DS hiểu là thuốc gì.

Nhiều BS, DS cũng muốn viết loằng ngoằng khó đọc để tỏ ra sự thông thái và quyền lực đối với mọi người. Nhà viết kịch đại tài người Pháp Molière (1645 -1673) từ thế kỷ 17 đã giễu “BS nói chữ Latin để bịp thiên hạ”. Vì ngôn ngữ Latin thời đó đã chết, và các BS cho họ “đại thông thái” hơn người khác. Nhưng chính Molière lại thông thạo chữ Latin và đã dịch tác phẩm “Về bản chất sự vật” của thi hào Lucretius sang tiếng Pháp.

BS viết loằng ngoằng dễ đổ lỗi cho DS đọc sai, và bệnh nhân khó bắt chước để viết thêm vào đơn thuốc. Theo một tài liệu thống kê của Viện Y tế Mỹ, hằng năm 7.000 người chết do uống thuốc quá liều vì đọc sai đơn thuốc và vì chữ BS; 1,5 triệu đơn ghi ngay cả DS cũng đọc nhầm.

Ngày nay, với công nghệ vi tinh, danh sách thuốc lập trình sẵn, BS chỉ cần bấm vào khỏi phải lo bị chê dốt, song kỹ nghệ hiện đại cũng dễ lòi ra trình độ yếu, vì không cãi được. Trước thời công nghệ vi tính, chữ xấu đổ tại DS nhầm bây giờ đổ oan cho con chuột máy tính chạy linh tinh, BS chưa quen vi tính nhấp nhầm hàng.

Nghề nào cũng đòi hỏi sự cẩn thận. Cẩn tắc vô áy náy.

Trong văn chương “bút sa gà chết”, nói lên những cái chữ có thể bị kết án. Thời xưa viết một chữ phạm húy nhà vua là chấm dứt kỳ thi khoa cử đợt đó. Trong Y khoa, bút sa người chết. Hình như BS nào đi tù vì bất cẩn, cón trong văn học thì nhiều người vì chữ đã bị tù và kết án vì tội khi quân, âm mưu lật đổ. Chỉ có hai mấy cái chữ cái mà đảo lộn thế cuộc, cũng mấy cái chữ đưa người một phút về cõi vĩnh hằng. Công việc xếp hơn hai mấy cái chữ thôi cũng đau đầu. Cái đau đầu này không chỉ là bệnh mãn tính truyền kiếp của văn sĩ, mà chung cho BS.