Tỷ giá hối đoái ảnh hưởng tới xuất nhập khẩu như thế nào?
Xuất nhập khẩu là hoạt động giao thương quan trọng của mỗi quốc gia. Nó không chỉ cung cấp nguồn lợi nhuận lớn mà còn tạo đà cho sự phát triển kinh tế. Tuy nhiên, xuất nhập khẩu là một lĩnh vực khá phức tạp. Nó có thể bị chi phối và ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau. Một trong số này là tỷ giá hối đoái. Vậy tỷ giá hối đoái ảnh hưởng tới xuất nhập khẩu như thế nào? Hãy cùng DNSE tìm hiểu trong bài viết ngay sau đây!
Tỷ giá hối đoái ảnh hưởng tới xuất nhập khẩu như thế nào?
Tỷ giá hối đoái là gì?
Tỷ giá hối đoái hay còn được gọi với cái tên khác là tỷ giá trao đổi ngoại tệ, tỷ giá Forex,… Nó thể hiện tỷ giá giữa hai loại tiền tệ. Tại đó, tiền tệ của quốc gia này sẽ được trao đổi với đồng tiền quốc gia khác. Ví dụ, tỷ giá hối đoái giữa đô la Mỹ và Việt Nam đồng xấp xỉ 23.000. Tức 1 USD ≈ 23.000 đồng
Thông thường, có hai cách niêm yết tỷ giá là niêm yết gián tiếp và trực tiếp. Gián tiếp là cách so sánh giá trị ngoại tệ với 1 đồng nội tệ. Nếu làm theo cách này thì tỷ giá giữa USD và VNĐ là 0.000043 (=1/23.000), tức 1 VND = 0.000043 USD. Có thể thấy cách yết giá này hoàn toàn không phù hợp với các nước có giá trị đồng tiền quốc gia thấp như Việt Nam. Do đó, cách này ít phổ biến và thường được các quốc gia lớn áp dụng.
Ngược lại, niêm yết giá trực tiếp cho biết một đơn vị ngoại tệ bằng bao nhiêu đơn vị nội tệ. Theo cách này tỷ giá hối đoái giữa đô la Mỹ và Việt Nam đồng sẽ là 23.000. Tức 1 USD = 23.000 đồng. Cách này thường được dùng phổ biến hơn, đặc biệt là với những nước có giá trị nội tệ thấp như Việt Nam.
Các yếu tố ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái
Lạm phát
Lạm phát là yếu tố đầu tiên gây ảnh hưởng tới tỷ giá hối đoái
Khi các yếu tố khác như nhau mà lạm phát của hai quốc gia có sự chênh lệch thì sẽ có một đồng tiền bị mất giá trị nhiều hơn so với đồng tiền còn lại.
Ví dụ, nếu tỷ lệ lạm phát Việt Nam nhỏ hơn so với tại Mỹ, điều này có nghĩa VND tăng giá trị. Lúc này, chúng ta cần ít VND hơn để đối lấy 1 USD. Nếu ban đầu, để mua 1 USD cần tới 23.000 VND thì lúc này, chúng ta có thể chỉ cần một số tiền dưới 23.000 thôi.
Trường hợp này sẽ ngược lại nếu nội địa có tỷ lệ lạm phát cao hơn nước ngoài. Điều này đồng nghĩa rằng đồng tiền quốc gia bị mất nhiều giá trị hơn. Do đó, chúng ta cần nhiều nội tệ hơn để mua 1 đồng ngoại tệ.
Lãi suất
Sự chênh lệch lãi suất giữa 2 quốc gia là yếu tố gây ảnh hưởng lớn tới tỷ giá hối đoái. Giả sử, lãi suất trong nước đang cao hơn so với nước ngoài. Điều này khiến cho nhu cầu nội tệ tăng lên, giá trị đồng nội tệ cũng tăng. Lúc này, một đồng nội tệ sẽ đổi được nhiều ngoại tệ hơn.
Sự chênh lệch lãi suất là yếu tố gây ảnh hưởng lớn tới tỷ giá hối đoái
Chính sách của Chính phủ
Chính phủ có thể điều chỉnh tỷ giá hối đoái gián tiếp hoặc trực tiếp tùy theo chính sách
- Trực tiếp: Ngân hàng Trung ương (NHTW) có thể tác động trực tiếp tới tỷ giá hối đoái bằng cách mua ngoại tệ hoặc bán nội tệ. Nếu NHTW thực hiện can thiệp mà có thay đổi cung tiền sẽ được gọi là can thiệp không vô hiệu hóa. Tuy nhiên, điều này có thể ảnh hưởng lớn tới thị trường chung trong nước. Ngược lại, nếu NHTW thực hiện can thiệp nhưng vẫn giữ mức cung tiền ban đầu thì được gọi là can thiệp vô hiệu hóa.
- Gián tiếp: Bên cạnh các biện pháp trực tiếp thì Nhà nước cũng có thể gây ảnh hưởng tới tỷ giá hối đoái thông qua việc tác động tới các yếu tố khác như lãi suất. Ngoài ra, tỷ giá cũng bị tác động nếu Chính phủ lập các hàng rào tài chính, mậu dịch,… Các công cụ được dùng phổ biến là thuế nhập khẩu hoặc hạn ngạch nhập khẩu,…
Cán cân thương mại
Sự chênh lệch trong cán cân thương mại có thể gây ảnh hưởng lớn tới tỷ giá hối đoái. Nếu một quốc gia tỷ lệ nhập khẩu nhiều hơn so với xuất khẩu, tức nhu cầu về đồng ngoại tệ lớn. Điều này sẽ khiến cho đồng ngoại tệ tăng giá.
Tỷ giá hối đoái ảnh hưởng tới xuất nhập khẩu như thế nào?
Sự thay đổi của tỷ giá hối đoái sẽ khiến các hoạt động ngoại thương bị ảnh hưởng đáng kể. Trong đó, chủ yếu nhất là hai hoạt động nhập khẩu và xuất khẩu.
Ảnh hưởng của tỷ giá hối đoái đến nhập khẩu
Đồng nội tệ tăng giá sẽ khuyến khích nhập khẩu
Khi đồng nội tệ tăng giá, doanh nghiệp sẽ có xu hướng đẩy mạnh nhập khẩu hơn. Lý do là vì lúc này giá trị đồng nội tệ tăng lên. Doanh nghiệp sẽ phải trả ít tiền hơn so với trước kia để mua một lượng hàng hóa như nhau.
Ví dụ, doanh nghiệp A mua vải từ Trung Quốc với giá 25 tệ/kg với tỷ giá 1 tệ (CNY) = 3.500đ. Doanh nghiệp A mua 1 tấn (1.000kg) vải hết 25.000 tệ (khoảng 87.500.000đ). Tuy nhiên, nếu đồng nội tệ tăng giá, 1 CNY = 3.000 đồng thì lúc này, doanh nghiệp thực tế chỉ phải trả 75.000.000 đồng. Vậy doanh nghiệp đã tiết kiệm được khoảng 15 triệu so với trước.
Do đó, đồng nội tệ tăng giá cũng là thời điểm nhập khẩu được khuyến khích. Ngược lại, khi nội tệ giảm giá, chi phí nhập khẩu sẽ tăng lên. Điều này sẽ làm hạn chế nhập khẩu.
Ảnh hưởng của tỷ giá hối đoái đến xuất khẩu
Các hoạt động nhập khẩu được khuyến khích khi đồng nội tệ tăng giá
Cách mà tỷ giá hối đoái tác động tới xuất khẩu hoàn toàn ngược lại so với nhập khẩu. Đồng nội tệ tăng giá sẽ khiến lượng doanh thu có được từ hoạt động xuất khẩu giảm xuống. Doanh nghiệp sẽ có xu hướng giảm sản lượng xuất khẩu.
Ví dụ, tỷ giá USD/VND hiện đang là 23.000, tức 1 USD = 23.000 VND. Một công ty B xuất khẩu hàng hóa thu được 10.000$ (tức 230.000.000đ). Nếu tỷ giá bị thay đổi 1 USD = 20.000đ thì trên lý thuyết, công ty B vẫn thu được 10.000$. Tuy nhiên, nếu quy đổi ra tiền Việt thì chỉ còn 200.000.000đ, bị giảm mất 30.000.000 so với trước.
Ngược lại, khi đồng nội tệ giảm giá thì các hoạt động xuất khẩu sẽ được khuyến khích. Lúc này, doanh thu có được từ xuất khẩu sẽ lớn hơn.
Kết luận
Trên đây là những chia sẻ cả DNSE về cách tỷ giá hối đoái ảnh hưởng tới xuất nhập khẩu. Mong rằng bài viết đã cung cấp những thông tin hữu ích về hoạt động ngoại thương cùng mối tương quan của nó với tỷ giá hối đoái. Đồng nội tệ tăng giá tạo điều kiện thuận lợi cho nhập khẩu nhưng lại hạn chế xuất khẩu. Ngược lại, khi giá nội tệ giảm thì xuất khẩu được khuyến khích và nhập khẩu bị hạn chế.
Để cập nhật thêm những kiến thức tài chính – chứng khoán thú vị, hãy ghé thăm DNSE thường xuyên bạn nhé!