Tỷ giá biến động, doanh nghiệp lo lắng

Biến động tỷ giá từ đầu năm 2022 đến nay đã có tác động nhiều chiều đến hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu. Hiện nay, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) là những thị trường xuất nhập khẩu quan trọng của Việt Nam nên việc biến động tỷ giá USD/VNĐ, EUR/VNĐ sẽ có những tác động nhất định tới kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN).

Biến động tỷ giá từ đầu năm đến nay đã có tác động nhiều chiều đến hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu của nhiều doanh nghiệp. Trong ảnh: Hoạt động bốc dỡ hàng hóa xuất khẩu tại cảng Đồng Nai. Ảnh minh họa: Thủy Mộc

Biến động tỷ giá từ đầu năm đến nay đã có tác động nhiều chiều đến hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu của nhiều doanh nghiệp. Trong ảnh: Hoạt động bốc dỡ hàng hóa xuất khẩu tại cảng Đồng Nai. Ảnh minh họa: Thủy Mộc

* Được – mất giữa biến động tỷ giá

Theo nhiều chuyên gia, ở thời điểm hiện tại, những biến động mạnh của các cặp tỷ giá là yếu tố vượt dự báo của nhiều DN. Trong đó, đối với các DN có khoản vay nợ lớn bằng USD, mức tăng nhẹ của tỷ giá USD/VND có thể tác động tới chi phí về lãi vay, tỷ giá.

Biến số tỷ giá ngoài tác động đến các khoản nợ vay của các DN còn trực tiếp ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của nhóm DN xuất, nhập khẩu. Nguyên nhân khiến các DN phải ghi nhận các khoản lãi/lỗ chênh lệch tỷ giá thường đến từ việc tỷ giá thay đổi giữa thời gian ghi nhận giao dịch và thời gian thanh toán thực tế. Thực tế hiện nay, phần lớn giao dịch thương mại của các DN xuất khẩu ở nước ta được thực hiện bằng USD nên các bước nhảy của tỷ giá USD/VND đều có thể phát sinh các khoản lãi/lỗ.

Nếu như các DN xuất khẩu có thể hưởng lợi khi đồng USD tăng giá thì ở chiều ngược lại, nhập khẩu phải đội thêm một khoản chi phí để bù đắp khoản chênh lệch do biến động này. Trong khi đó, đồng euro đã xuống mức thấp nhất trong 20 năm qua, tiếp tục tiến gần về “ranh giới” ngang giá với đồng USD, giữa bối cảnh các nhà đầu tư lo ngại một cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ đẩy nền kinh tế châu Âu vào suy thoái. Lợi nhuận của DN vốn đang chịu nhiều tác động bởi các chi phí đầu vào như: xăng dầu, giá nguyên liệu đầu vào, giá nhân công… đều tăng, nay thêm tỷ giá euro giảm sẽ càng kéo lợi nhuận đi xuống.

Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Tổng công ty may Đồng Nai (TP.Biên Hòa) Bùi Thế Kích cho biết, hiện nay các thị trường xuất khẩu chính của công ty là: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… Trong đó, đối với các giao dịch bằng đồng euro, đồng yên (Nhật) khi xuất khẩu hàng vào các thị trường này sẽ gặp nhiều tác động khi tỷ giá 2 loại tiền này đang xuống, khiến giá bán hàng đầu ra sẽ đắt hơn, đơn hàng giảm.

Trên thực tế, phần lớn các giao dịch xuất khẩu của công ty là giao dịch bằng đồng USD. Dù xuất khẩu được lợi khi đồng USD tăng giá nhưng giá cước vận tải lại ở mức cao cũng khiến công ty phải cân đối lại lợi nhuận. Hơn thế nữa, hiện nay tình hình lạm phát ở các thị trường Mỹ, EU… đang ở mức cao cũng tác động không nhỏ tới tình hình xuất khẩu khi người dân ở các nước này ngày càng thắt chặt chi tiêu.

Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai Nguyễn Tiến Chương chia sẻ, những biến động tỷ giá hiện nay tác động tới lợi nhuận, hoạt động kinh doanh của nhiều DN xuất, nhập khẩu, nhất là đối với các đơn hàng xuất khẩu, giao dịch bằng đồng euro. Trên thực tế, đã có nhiều DN xuất khẩu vào thị trường này phải chịu lỗ vì đồng euro xuống giá khá mạnh.

Tương tự, Phó chủ tịch Hiệp hội DN Đồng Nai Châu Minh Nguyện nhận định, việc các ngoại tệ như euro, yên xuống giá… sẽ tác động tới tình hình xuất khẩu của các DN vào những thị trường này. Khi tỷ giá sụt giảm cộng với các chi phí về vận tải, nhân công tăng có thể khiến DN bị giảm lợi nhuận, thậm chí phải bù lỗ.

* Đơn hàng xuất khẩu đứng trước nguy cơ sụt giảm

Theo các chuyên gia, việc đồng nội tệ yếu kéo lạm phát lên cao tại EU, hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn. Hơn nữa, sức mua yếu khiến người tiêu dùng EU có thể hạn chế chi tiêu, nhất là với các mặt hàng không thiết yếu. Từ đó, có thể làm giảm nhu cầu hàng hóa nhập khẩu từ các thị trường, trong đó có Việt Nam.

Đơn cử, đối với ngành chế biến, xuất khẩu gỗ, các thị trường chính xuất khẩu của Việt Nam như: Mỹ, EU, Anh đang lạm phát và trải qua sự sụt giảm về nhu cầu rất lớn. Điều này đang tác động trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN trong ngành hiện nay.

Phó chủ tịch Hội đồng Tư vấn khởi nghiệp quốc gia phía Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP S Furniture (tỉnh Bình Dương) Huỳnh Thanh Vạn chia sẻ, hiện nay số lượng đơn hàng xuất khẩu vào các thị trường Mỹ, EU… bị sụt giảm khá mạnh, khoảng 30-40%, do lạm phát, người dân ở các nước này thắt chặt chi tiêu, hạn chế mua các sản phẩm nội thất, đồ gỗ… Bên cạnh đó, các yếu tố về tỷ giá, biến đổi khí hậu, cháy rừng, tình hình căng thẳng giữa Nga – Ukraine… cũng tác động đến tình hình đơn hàng xuất khẩu trong thời gian qua.

Ông Châu Minh Nguyện chia sẻ thêm, bên cạnh những biến động về tỷ giá thì tình hình lạm phát tại Mỹ, EU… cũng sẽ tác động lớn tới số lượng các đơn hàng xuất khẩu của các DN trong những tháng cuối năm, nhất là khi tình hình kinh tế thế giới vẫn còn nhiều biến động, tình hình dịch bệnh khó lường. Trong khi các DN còn gặp nhiều khó khăn từ sau dịch Covid-19, đã phải cắt giảm nhiều chi phí để hạ giá thành sản xuất…

Trong bối cảnh đó, theo nhiều chuyên gia, các DN trong nước cần chú trọng gia tăng sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu, tạo sự khác biệt cho sản phẩm. Đặc biệt, với các công ty nhập khẩu, việc tối đa hóa nguồn lực nội địa, tìm kiếm các đối tác thay thế từ trong nước, giảm dần sự phụ thuộc vào một thị trường nhập khẩu sẽ giúp giảm bớt chi phí, hạn chế những rủi ro khi thị trường thế giới biến động.

Ông Nguyễn Tiến Chương cho biết, sức mua tại các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, EU đang bị sụt giảm, các DN cần chuẩn bị tâm thế để ứng phó với những biến động của thị trường, cũng như các chi phí khác về vận tải, biến động từ tỷ giá…

Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai NGUYỄN TIẾN CHƯƠNG chia sẻ, trước những biến động về tình hình tài chính, tỷ giá hối đoái, nhất là đối với đồng euro, các DN có thể tìm hiểu, lưu ý đến công cụ phái sinh (Derivative instrument). Đây là công cụ tài chính mà giá trị của nó phụ thuộc vào một tài sản cơ sở đã được phát hành trước đó. Ngoài ra, công cụ phái sinh còn là một hợp đồng giữa hai bên với mục đích trao đổi một số lượng chuẩn tài sản thực (vàng, dầu…) hay tài sản tài chính (cổ phiếu, trái phiếu, tiền tệ…) theo giá xác định trước vào một ngày ấn định trước trong tương lai.

Theo ông Nguyễn Tiến Chương, hiện có một số ngân hàng thương mại ở Việt Nam được Ngân hàng Nhà nước cho phép mua/bán một số loại công cụ tài chính phái sinh về tín dụng, hoán đổi lãi suất, kỳ hạn về hàng hóa… Các DN có thể tham khảo công cụ này một cách phù hợp, đúng quy định để có thể giảm bớt rủi ro khi giao dịch xuất khẩu trong bối cảnh tỷ giá hối đoái đang có nhiều biến động.

Lam Phương