Tuyên Giáo Gia Lai

Xây dựng mô hình nuôi trồng nấm mối đen (Xelura radicata) tại khu thực nghiệm của Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh Gia Lai
Nguồn phế phẩm sau thu hoạch thường bao giờ cũng khá lớn, nó chiếm từ 50- 80% so với sản phẩm thu được, nhất là ở cây trồng. Mà nhất là cây cao su lấy mủ và thân cây làm gỗ, lượng mùn cưa thải ra là rất lớn. Nguồn phế liệu này có thành phần chủ yếu là chất xơ (cellulose), là thức ăn chính cho nấm. Do đó, việc đốt bỏ hoặc thải bỏ dưới dạng rác đều là lãng phí. Một số trường hợp lên men hiếu khí hoặc kỵ khí để tạo ra sản phẩm cuối là chất mùn bón lại cho đất, nhưng quá trình này thường cần thời gian dài và làm mất đi một lượng lớn năng lượng dưới dạng nhiệt năng. Nghiêm trọng hơn là các khí thải, nước thải, mầm bệnh… còn làm ô nhiễm môi trường xung quanh. Từ những hạn chế trên, thì việc tận dụng các phế liệu này làm cơ chất trồng nấm, là hợp lý. Vừa đảm bảo được chu trình tuần hoàn tự nhiên của vật chất, vừa tạo ra nhiều sản phẩm trung gian giá trị cao (như: sinh khối nấm và phân bón hữu cơ). Và giải pháp này còn được gọi là giải pháp nông sinh học nhằm biến đổi phế liệu nông lâm nghiệp thành sản phẩm chất lượng cao.

Trong
sản xuất nông nghiệp, việc tận thu một cách tối đa các kết quả của trồng trọt,
tạo ra nhiều sản phẩm khác nhau là vấn đề thời sự và cũng là xu hướng chung của
thế giới. Vì thế, việc kết hợp trồng nấm với làm phân bón hữu cơ từ bã thải trồng
nấm phục vụ trồng trọt để tận dụng các phế liệu mùn cưa cao su là một trong những
giải pháp hữu ích.

Hiện
nay, chưa có nhiều nghiên cứu về đặc điểm sinh trưởng, giá trị dinh dưỡng, năng
suất của nấm mối đen tại Việt Nam nên việc trồng nấm mối đen chưa được phổ biến
và đang còn xa lạ với người dân, do đó Trung tâm thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng
mô hình trồng nấm mối đen (Xerula
radicata) tại Khu thực nghiệm của Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và
Công nghệ Tinh Gia Lai” nhằm bước đầu đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển
của nấm mối đen ở điều kiện khí hậu Pleiku – Gia Lai và góp phần bổ sung thêm
các quy trình kỹ thuật trồng nấm mới đem lại năng suất, chất luợng cao.

Kết quả từ nhiệm vụ tạo điều kiện để Trung tâm
tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ, thực hiện cơ chế tự chủ của tổ chức
khoa học và công nghệ công lập. Hoàn thiện và làm chủ công nghệ, nắm vững được
quy trình trồng nấm mối đen để tạo ra sản phẩm phục vụ sản xuất kinh doanh và
chuyển giao công nghệ trồng nấm cho các đơn vị trong và ngoài tỉnh.

Nấm
mối đen mọc hoang dã trong các khu rừng ở khu vực Bắc Mĩ, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Nó thường chỉ xuất hiện vào đầu mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 6 hàng năm, nên rất
hiếm và được xem như là đặc sản. Do đó, loại nấm mọc tự nhiên này hiện tại đã
được nghiên cứu trồng ở một số nơi như Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc và Anh,
và mới bắt đầu được trồng một số tỉnh khu vực miền đông nam bộ và miền tây ở nước
ta. Tuy nhiên sản lượng nấm không nhiều và không đủ cung cấp cho thị trường
trong nước, cho nên việc nhân giống và nuôi trồng loại nấm này tại Gia Lai là
hoàn toàn mới mẻ và khả thi cho việc đa dạng hóa thị trường nấm tại địa phương.

Nấm mối đen có đặc
điểm của nấm trưởng thành dài khoảng 10 – 15 cm, bán kính thân nấm 0,5 – 1,5
cm, lớp ngoài đen, thịt trắng ăn ngọt và giòn, tai nấm hình mũ nồi tròn 3 – 5
cm, nở xòe đầy đặn có thể đến 10 – 15 cm. Màu nâu nhạt hoặc màu xám trắng lúc
còn non. Khi già nấm trở màu trắng ngà như gạo nếp, mũ nở hình dù rộng 8 – 15
cm.

Nấm mối đen chứa
nhiều chất dinh dưỡng và có nhiều công dụng như Oudenone là một trong những dược
chất hóa học quan trọng. Oudenone có tác dụng điều trị và ức chế các khối u ác
tính phát sinh trong mô (như mô liên kết, xương, sụn, hoặc cơ vân).

Theo các nhà y học
cổ truyền Trung Quốc, việc ăn nấm mối đen thường xuyên có thể cải thiện khả
năng miễn dịch chống lại các tế bào ung thư, chống lão hóa, giảm lượng đường
trong máu. Ngoài ra, ăn nấm mối đen còn có lợi cho kinh nguyệt và làn da phụ nữ.

Nấm mối đen giàu
can xi, phốt pho, sắt, protein và các chất dinh dưỡng rất tốt cho việc bồi bổ sức
khỏe, đem lại lợi ích cho dạ dày và lá lách của con người, chữa bệnh trĩ và giảm
lipid, nó cũng tốt cho việc điều trị tiêu chảy và biếng ăn. Đặc biệt tốt đối với
những người mắc bệnh tiểu đường. Do có hàm lượng phốt pho cao nên cũng có lợi
cho người bị bệnh tật và người cao tuổi.

Gần đây, các nhà
nghiên cứu mỹ phẩm ở Osaka (Nhật Bản) đã cho ra thị trường loại mỹ phẩm chiết
xuất từ nấm mối, nha đam, rau bồ ngót, bí đỏ, dùng cho làn da bị dị ứng, nhất
là da phụ nữ, trẻ em, vốn dễ có nguy cơ viêm nhiễm do các tia hồng ngoại từ nắng
mặt trời gây nám da, rám và ung thư da.

Ngoài ra, tạp
chí Trung y lâm sàng cũng khẳng định nấm mối đen có hàm lượng dinh dưỡng tự
nhiên giúp tăng cường sức đề kháng trong cơ thể, chống lão hóa, phát triển chất
interferon có khả năng ức chế tối đa sự sinh trưởng của các loại virus, đồng thời
giúp ngăn ngừa và giảm tỷ lệ phát triển của các tế bào ung thư.

Phụ nữ từ 28- 40
tuổi sau sinh, hoặc cho con bú nhiều, ăn nấm mối đen sẽ giúp phòng ngừa ung thư
vú vì nấm giàu chất xơ, sạch và là thuốc bổ âm, bổ máu, vận thông kinh mạch,
giúp thải độc cho cơ thể.

Ở Nhật Bản và
Trung Quốc nấm mối đen tươi được nấu súp, chiên tươi, hấp, chiên các loại thảo
mộc khô. Rửa nấm khô nấu chín, sau đó thêm các thành phần thực phẩm khác để nấu
nướng. Nấm mối đen thường được ăn với thịt rán, nướng, món hầm, súp, thịt gà nướng
hoặc hầm để có hương vị pha trộn tốt hơn.

Ở Việt Nam nấm mối
đen có thể được chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn như: Cháo gà nấm mối đen (rất
bổ dưỡng), lẩu nấm mối, nấm mối đen xào chay…

Từ việc nghiên cứu
các tài liệu khoa học đã được công bố về loại nấm này cùng với việc đánh giá cụ thể tác dụng dược
liệu và giá trị thương mại, Trung tâm đã tiến hành Xây dựng mô hình nuôi trồng
nấm Mối Đen tại Khu thực nghiệm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ.

Sau khi tuyển chọn
giống nấm có chất lượng cao, xác định được môi trường tối ưu cho quá trình nhân
giống, nhóm nghiên cứu tiếp tục tiến hành xây dựng quy trình và mô hình nuôi trồng
nấm mối đen trên nền nguyên liệu mùn cưa gỗ cao su, bổ sung bột bắp, cám gạo,
vôi tôi.

Mạt cưa khô tạo ẩm
bằng nước vôi, ủ đống, phủ bạt.Sau thời gian từ 3-5 ngàybổ sung dinh dưỡng, phối
trộn 3% cám gạo, 4% bột bắp. Tiến hành đóng bịch phôi sao cho trọng lượng mỗi bịch
từ 1,1 – 1,2kg. Đưa bịch phôi vào hấp khử trùng ở 100oC trong thời
gian 10-12h. Sau khi hấp xong, để nguội, chuyển bịch sang khu vực cấy giống.

Sau 40 – 45 ngày
sau cấy, hệ sợi nấm mọc trắng hết bịch phôi thì chuẩn bị chuyển bịch nấm sang
nhà nuôi trồng để chăm sóc, thu hái.

Nhà trồng nấm phải
đảm bảo sạch sẽ thông thoáng, có mái che mưa và chủ động được các điều kiện: Nhiệt
độ: 22-280C, Độ ẩm không khí: 75-80%, Ánh sáng khuếch tán (mức độ đọc
sách được) và chiếu đều từ mọi phía, kín gió.

Xếp các bịch
phôi trên sàn nhà hoặc có thể xếp trên kệ cho đỡ tốn diện tích. Mở miệng túi,
phủ 1 lớp đất dày 1 – 3cm để nấm mọc ra ở
bề mặt.

Từ 2 đến 3 ngày
đầu sau phủ đất, chủ yếu tiến hành tưới nước trên nền nhà, mỗi ngày 2-3 lần tùy
điều kiện thời tiết để đảm bảo duy trì độ ẩm 75-80%, thông thoáng vừa phải. Sau
đó mới dùng vòi phun sương tưới đều lên miệng bịch phôi, nhằm giữ ẩm cho lớp đất
trên bề mặt. 3 tuần sau phủ đất quả thể nấm bắt đầu mọc từ bề mặt được phủ đất.
Duy trì việc tạo ẩm không khí, tưới phun sương nhẹ vào bề mặt bịch nấm mỗi ngày
từ 1-3 lần (tuỳ theo điều kiện thời tiết). Chế độ chăm sóc như trên được duy
trì liên tục cho đến khi quả thể nấm đạt độ lớn tối đa và tán nấm bắt đầu nở dù
là hái được

Tiến hành thu hoạch
nấm mối đen ngay khi tán bắt đầu nở dù, phải lấy hết chân để có thể mọc tiếp ra
cụm nấm khác. Quả thể nấm tươi sau khi hái nên được sử dụng ngay trong ngày hoặc
cho vào túi nilon hút chân không bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh (nhiệt độ 5 – 80C)
không quá 5 ngày. Khi thu hái xong đợt 1
tiến hành chăm sóc như lúc ban đầu để tận thu đợt 2, đợt 3, 4. Năng suất khoảng
200g nấm tươi/bịch phôi.

Việc xây dựng
thành công mô hình nuôi trồng nấm mối đen (Xerula
radicata) tại Khu thực nghiệm của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và
Công nghệ tỉnh Gia Lai góp phần bổ sung thêm các quy trình kỹ thuật trồng nấm mới
đem lại năng suất, chất lượng cao. Tạo ra sản phẩm nấm mối đen tươi là món ăn
ngon và bổ dưỡng, phục vụ cho nhu cầu của thị trường tại địa phương.

Mô hình nhân giống
và nuôi trồng nấm còn là nơi để các sinh viên của Trường Đại học Nông Lâm phân
hiệu Gia Lai và sinh viên trường Cao đẳng Gia Lai thực tập.

Hiện nay quy
trình nhân giống và nuôi trồng nấm Mối Đen đang được chuyển giao công nghệ cho
đơn vị Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum và cung cấp
phôi cho một số hộ dân.

Ngoài ra, mô
hình nuôi trồng nấm Mối Đen của nhiệm vụ còn được sử dụng để nuôi trồng được
nhiều loại nấm ăn (nấm hoàng kim, bào ngư) và các loại nấm dược liệu khác (linh
chi lim xanh, linh chi Hàn Quốc, nấm Thái Dương) phục vụ sản xuất kinh doanh,
tăng nguồn thu để duy trì và phát triển Trung tâm.

Phế thải từ việc
trồng nấm được xử lý làm phân bón hữu cơ để sử dụng trong việc trồng trọt tại
Trung tâm, tiến đến sản xuất phân bón vi sinh cung cấp ra thị trường./.