Tục gói bánh chưng, bánh tét ngày tết – Nét văn hóa lâu đời của người dân Việt nam – Đài TT-TH Huyện Lăk
Tết nguyên đán là ngày lễ truyền thống của cả dân tộc, quan trọng và ý nghĩa nhất trong năm đối với người dân Việt Nam. Dù có bận mải công việc đến đâu, đi xa đến đâu, mọi người cũng đều cố gắng thu xếp công việc để về quê đón Tết cùng gia đình và người thân. Đây là khoảng thời gian thiêng liêng, ấm áp, bình yên và đem đến trong mỗi người một cảm xúc riêng biệt.
Vào ngày tết, mỗi người, mỗi nhà tất bật trang trí cho căn nhà của mình, từ việc mua chậu hoa, cây kiểng cho nhà thêm sắc xuân, và đặc biệt hơn cả là có một giá trị truyền thống vẫn được người Việt lưu giữ cho tới bây giờ đó là tục gói bánh chưng vào ngày lễ tết. Với nhiều thế hệ, chiếc bánh chưng là niềm hân hoan của ngày Tết sum họp, đoàn tụ. Bánh chưng đã trở thành thứ không thể thiếu trên bàn thờ ông bà tổ tiên, món ăn đặc trưng của ngày Tết. Với nhiều gia đình, chiếc bánh chưng vuông nhỏ bé không còn đơn thuần là món ăn mà đã trở thành biểu tượng niềm vui, niềm hân hoan sum họp và sự sung túc của mọi nhà trong những ngày đầu năm mới.
Những ngày cuối tháng chạp vào tầm 27, 28 âm lịch hàng năm, nhà nhà tất bật sửa soạn, chuẩn bị từ lá dong, gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, dưa hành đến bánh mứt. Rồi tất cả những thành viên trong gia đình với nhiều thế hệ từ các cháu thiếu nhi cho đến các cụ già sum vầy cùng nhau ngồi gói bánh, các sản vất chính gồm gạo nếp trắng tinh, nhân đậu xanh, thịt heo ba chỉ cắt thành từng lát, từng khổ vừa phải làm nhân bánh Chưng, hay bánh tét và tất nhiên không thể thiếu lá dong xanh cùng với những sợi lạt được người thợ có đôi bàn tay khéo léo chẻ rất mỏng, dài từ các vật liệu tre, Giang, Luồng Lồ ồ, Nứa làm lạt dùng gói bánh Chưng khu vực miền bắc, trung bộ, bánh Tét trong Miền nam và Tây Nguyên. Kỹ thuật gói bánh Chưng, bánh Tét ngày tết không phải ai cũng biết gói mà chỉ ít người có kinh nghiệm và có đôi bàn tay thật khéo léo.
Đã thành thông lệ, năm nào gia đình chị Phạm Thị Gấm – thôn Liên Kết II, xã Buôn Tría cũng cùng nhau tất bật chuẩn bị cẩn thận từng chiếc lá dong, khuôn gói bánh đến gạo nếp, đỗ xanh,… để gói thành những chiếc bánh chưng vuông vắn đẹp mắt bày lên bàn thờ tổ tiên ngày Tết, thì quan trọng là người gói bánh phải thực hiện các khâu chuẩn bị lá Dong, lạt tre, gạo nếp, nhân đậu xanh, hành củ, thịt heo ba chỉ và các gia vị cần thiết khác… Khi xong các công đoạn chuẩn bị, các thành viên trong gia đình cùng nhau gói những chiếc bánh xong cho vào 01 cái nồi lớn nấu liên tục bằng củi, than chừng 12 tiếng là được, trong quá trình nấu bánh phải canh trực thường xuyên bên bếp lửa để châm nước và củi, không khí gia đình ai cũng háo hức trông chờ những cặp bánh thơm phức hương vị của gạo nếp, Đậu xanh xen lẫn với mùi ngậy của thịt làm cho không khí tết càng thêm rạo rực, khiến những giờ phút cuối cùng của năm cũ trở nên ấm cúng, đầy ý nghĩa. Chị Phạm Thị Gấm, thôn Liên Kết II, xã Buôn Tría chia sẻ: “Hàng năm gia đình nhà tôi vẫn tổ chức gói bánh chưng với mong muốn giữu lại nét đẹp truyền thống của người Việt Nam, vừa để giáo dục truyền thống cho con cái. Tầm 28 tháng chạp (âm lịch) là vợ chồng con cái sum vầy cùng gói bánh, năm nay gia đình gói 6kg gạo, hơn 1 kg đậu, và 1 kg thịt heo …, năm nay gia đình rất hạnh phúc, phấn khởi vì nhà mới có thêm một cô con dâu, mẹ và con dâu thì chuẩn bị lá, lạt buộc…rất tất bật, chồng tôi là người gói bánh, sau đó cả nhà sum vầy ngồi luộc bánh, vui lắm”.
Không chỉ gói bánh Chưng, bánh Tét theo gia đình, ngày nay, có những gia đình trong xóm, hay nhiều gia đình anh chị em trong dòng họ thường cùng nhau nấu chung một nồi bánh Chưng hoặc bánh Tét. Mọi người góp tiền lại rồi phân công nhau từng việc, sau đó sẽ tập trung cùng làm ở nhà một người, rồi bánh chín thì chia ra mỗi nhà vài chiếc. Chị Nguyễn Thị Vui, thôn Mê Linh II xã Buôn Triết bày tỏ: “Năm nào cũng vậy, sau một năm tất bật với công việc đồng áng, chật vật mưu sinh, thì vào 29 tháng chạp (âm lịch) 3 – 4 gia đình anh em nhà tôi lại tập trung lại cùng nhau mổ Lợn, chuẩn bị lá, lạt,… rồi cùng nhau nấu một nồi bánh chưng, bánh tét, sau đó sẽ cùng nhau ăn một bữa cơm gia đình sum vầy bên nhau, cầu mong một năm mới may mắn. Không khí nhộn nhịp lắm, năm nay mấy anh em tổ chức làm thịt con Heo khoảng 50 kg, gói 15 kg gạo nếp, bình thường sẽ gói được khoảng 30 cái bánh, mỗi nhà được khoảng 7 – 8 đồng bánh để cũng ông bà tổ tiên để có cái hương vị của ngày tết”.
Những năm gần đây phong trào tương thân, tương ái; lá lành đùm lá rách thông qua hoạt động thiện nguyện giúp người nghèo, neo đơn không nơi nương tựa của các tổ chức, cá nhân mạnh thường xuyên lan rộng ở khắp mọi miền Tổ quốc, từ nông thôn đến thành thị hay các vùng miền núi xa xôi hẻo lánh. Đặc biệt là vào dịp tết cổ truyền của dân tộc đã có nhiều nhóm thiện nguyện cùng nhau quyên góp tiền, chọn mua về những nguyên liệu sạch và ngon, rồi cùng ngồi lại bên nhau, cẩn thận gói những chiếc bánh chứa đựng tình người trao tặng cho những mảnh đời khó khăn, bất hạnh, để sẻ chia yêu thương, mang hơi ấm mùa xuân về với người nghèo.
Điều đáng mừng là ngày nay, nhiều bạn trẻ cũng rất thích gói và trông nồi bánh Chưng, bánh Tét bởi mong muốn được gìn giữ phong tục truyền thống của dân tộc. Họ muốn được cảm nhận không khí tất bật, rộn rạo bên nồi bánh Chưng, bánh Tét đang chờ chín, nhớ cảm giác phấn chấn và thiêng liêng khi tự tay đặt tấm bánh lên ban thờ cúng gia tiên đêm giao thừa. Đáng trân quý hơn nữa, mỗi năm vào dịp tết cổ truyền, đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh huyện thường tổ chức cho các bạn đoàn viên thanh niên tham gia gói bánh Chưng, bánh Tét để làm quà tặng cho các em học sinh và những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, với mong muốn cùng nhau giữ gìn và phát huy nét đẹp truyền thống của người Việt Nam và cùng nhau góp một phần để Tết đến xuân về nhà nhà đều có Tết. Chị Hoàng Thị Thu – Phó Bí thư Huyện Đoàn cho biết: “Năm nay BTV Huyện đoàn tổ chức cho các bạn đoàn viên thanh niên gói bánh chưng tại trường THCS Lê Lợi, xã Đăk Phơi. Đây là hoạt động thường niên do BTV Huyện đoàn tổ chức với mong muốn góp phần giàn giữ nét đẹp truyền thống của dân tộc, qua đây các bạn đoàn viên thanh niên đã cùng nhau gói 340 chiếc bánh chưng để trao tặng cho các em học sinh và gia đình có hoàn cảnh khó khăn”
Em Lục Thị Thanh Nhàn, trường THCS Lê Lợi xã Đăk Phơi chia sẻ: “Được tham gia gói bánh chưng để giúp người nghèo có bánh ăn tết trong lòng em cảm thấy rất vui, em cũng cảm ơn BTV Huyện đoàn đã tổ chức chương trình này để em có cơ hội được trải nghiệm và học cách gói bánh, hơn hết là cùng các anh chị trong Đoàn cẩn thận gói những chiếc bánh chứa đựng tình người, gửi trao yêu thương”
Cuộc sống ngày nay bận rộn hơn, sung túc hơn nhưng truyền thống văn hoá ẩn sâu trong chiếc bánh Chưng, bánh Tét ngày Tết vẫn rất cần gìn giữ lưu truyền. Tết cổ truyền và hình ảnh những chiếc bánh Chưng xanh, bánh Tét mãi tồn tại với thời gian và những hình ảnh đó tượng trưng cho nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc, hướng mỗi chúng ta tưởng nhớ về cội nguồn, về truyền thống nhân văn, tốt đẹp của dân tộc Việt Nam./.
Vy Thủy