Tục dựng cây nêu ngày tết, tín ngưỡng dân gian độc đáo trong văn hóa người Việt

Trong cuốn sách Ký sự hành trình Une campagne au Tonkin (Một chiến dịch ở Bắc kỳ) của bác sĩ Hocquard có viết nhiều về phong tục này. Tác giả cho rằng tín ngưỡng dân gian cho rằng linh hồn tổ tiên mỗi năm lại về thăm nhà và trú ngụ dưới mái nhà trong suốt những ngày tết, và đó cũng là ý nghĩa của ngày lễ đầu năm mới. Những cây nêu được trồng để dẫn lối cho linh hồn về đúng nhà con cháu và cản họ không đi nơi khác.

Tục dựng cây nêu ngày tết, tín ngưỡng dân gian độc đáo trong văn hóa người Việt - ảnh 1

Được biết, tục dựng cây nêu ngày tết là nét văn hóa độc đáo của người Việt. Tre được chọn phải là loại tre già, to, thẳng, đặc biệt là không được cụt ngọn, phía trên ngọn để lại một phần lá tươi hoặc buộc lá dứa vào tượng trưng cho mây trời. Thân cây có thể được trang trí bằng các loại cờ, phướn, đèn lồng, câu đối, niêu đất chứa vôi, chuông gió…Ở dưới gốc, người ta cho rắc bột vôi trắng tạo thành vòng tròn hoặc rắc hình cánh cung, có mũi tên hướng ra phía cổng như để xua đuổi tà ma quấy rối và cây nêu thường được cắm vào ngày 23 tháng Chạp, bởi đó là ngày ông Công, ông Táo lên chầu trời….

Tục rắc vôi bột và vẽ cung nỏ khiến cho quỷ sợ thì được Hocquard mô tả, rằng: “Trước mỗi cửa nhà thì người dân Huế lấy cục phấn vạch những dấu hiệu của cung tên và mũi tên giao nhau trên đất. Phong tục này có ý nghĩa gợi nhắc đến cuộc chiến đấu của Đức Phật chống lại quỷ dữ”.

Tục dựng cây nêu ngày tết, tín ngưỡng dân gian độc đáo trong văn hóa người Việt - ảnh 2

Hocquard cho biết thêm, “một số người bản xứ còn chắn xương rồng, cành gai trước cửa nhà để ngăn ma quỷ đến quấy phá ngày Tết. Phía bên trái bức tường bên ngoài nhà có một trang thờ nhỏ để thờ thần giữ cửa; người ta thắp nến, hương trên trang thờ này, và nhà giàu thì đặt hoa, vàng mã, bánh trái cùng thức ăn mỗi ngày hai lần”.

Bên trong ngôi nhà, bàn ghế được gia chủ bày biện sắp xếp lại; cuối sân, những dây hoa và giấy được treo lên để cúng thần giếng. Thầy bói được mời tới nhà để múc nước giếng và xem vận hạn cho gia chủ, “người ta đổ vào hai bình cùng một lượng nước như nhau, một bình tiến hành trong năm cũ, bình còn lại là năm mới. Nếu như bình thứ nhất nặng hơn bình thứ hai thì thầy bói sẽ phán những chuyện tai ương cần phải né tránh trong năm mới này”.

Từ những thông tin do người bản xứ chia sẻ, Hocquard cho biết trong dịp lễ tết Nguyên đán gia nhân là những người vui vẻ nhất, chủ nhân của họ phải cẩn thận không được trách móc họ bất cứ điều gì vì nếu lỡ lời thì cả năm sẽ phải la lối họ luôn.

Tục dựng cây nêu ngày tết, tín ngưỡng dân gian độc đáo trong văn hóa người Việt - ảnh 3
Tục dựng cây nêu ngày tết, tín ngưỡng dân gian độc đáo trong văn hóa người Việt - ảnh 4
Tục dựng cây nêu ngày tết, tín ngưỡng dân gian độc đáo trong văn hóa người Việt - ảnh 5

Trong suốt dịp Tết thì người An Nam tha hồ ăn uống, “mỗi ngày họ dọn ba mâm cỗ lớn và khi nào cũng phải kính cẩn đặt lên bàn thờ tổ tiên một phần. Và trong bếp luôn phải thắp hương cúng ba ông táo”. Đây chính là lễ cúng gia tiên của người Việt.

Tết Nguyên đán – lễ hội quan trọng nhất của người Việt. Những ngày này, đông đảo người dân Huế dành thời gian đi tảo mộ, chạp mộ.

Nghĩa trang nằm bên cạnh núi Ngự Bình được Hocquard nhận xét là cánh đồng rộng chôn cất hàng ngàn lăng mộ, “có mộ chỉ là một mô đất nhỏ thấp lè tè, chắc chắn thuộc về những người bình dân; những mộ khác được trang hoàng đẹp đẽ, có tường bao quanh và đôi khi có một bia đá vuông, đó chắc chắn là nơi yên nghỉ của một người thuộc tầng lớp quý tộc; ở một vài chỗ trong nghĩa địa này, người ta đắp những quả đồi như thật, trên đỉnh đồi là lăng tẩm nhà giàu nằm dưới tán thông lớn; lăng tẩm này được xây dựng để tưởng nhớ các bậc hoàng thân hoặc đại thần triều đình”. Trong dịp tết này, không có gì lạ hơn là hình ảnh những nhân công nhổ cỏ và sơn lại mộ phần, Hocquard cho biết thêm.

Trước bác sĩ Hocquard hơn nửa thế kỷ, một người con lai Pháp – Việt là Michel Đức Chaigneau, con trai của Jean-Baptiste Chaigneau – công thần thời Gia Long, sống ở Huế thời Gia Long và những năm đầu thời Minh Mạng đã kể lại những câu chuyện đầu năm mới và tết xưa ở kinh thành Huế và vùng phụ cận trong cuốn sách Souvenirs de Hué (Hồi ức Huế) xuất bản ở Paris năm 1867, mang đến nhiều thông tin còn thú vị hơn. (Còn tiếp)…