Tục dán giấy đỏ đầu năm của người Tày, Nùng
Tiễn năm cũ, đón năm mới, người Tày, Nùng lại trang hoàng nhà cửa bằng giấy đỏ. Họ dán giấy đỏ vào mọi đồ vật, cây cối và cả chuồng trại vật nuôi với mong muốn xua đuổi tà ma, cầu năm mới gia đình bình an, vạn vật sinh sôi và phát triển.
Nghe âm thanh phóng sự tại đây:
Cũng như hầu hết các dân tộc đang sinh sống trên đất nước Việt Nam, Tết Nguyên Đán là lễ hội lớn nhất trong các lễ hội truyền thống của đồng bào Tày, Nùng. Đây là thời điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới, giữa một chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật cỏ cây… Cùng với chuẩn bị các loại bánh trái, chuẩn bị cây nêu để cắm trước nhà trong những ngày Tết, đồng bào Tày, Nùng cũng chuẩn bị những tờ giấy đỏ để dán lên các vật dụng trong nhà từ cối xay, cối giã gạo, cái cày, bừa.
Sửa sang bàn thờ tổ tiên.
Anh Nguyễn Văn Vị ở xã Triệu Ẩu, huyện Phục Hoà, tỉnh Cao Bằng, cho biết trong phiên chợ giáp Tết, cùng với các loại thực phẩm, bánh kẹo… mọi người đều chọn mua những tờ giấy đỏ dày, đẹp, không nhàu nát để trang hoàng nhà cửa. “Người Tày trong bản của tôi, hàng năm cứ đến ngày 29, 30 Tết là đem giấy đỏ mới cho thầy viết chữ nho để dán vào bàn thờ tổ tiên, mỗi năm thay một lần. Riêng bàn thờ, sau khi gỡ giấy đỏ cũ ra phải lau rửa bằng nước lá bưởi đun sôi rồi mới dán giấy đỏ mới vào. Ngoài bàn thờ ra thì nhà tôi còn dán giấy đỏ chỗ cửa ra vào, cột nhà, cửa chuồng trâu, bò, lợn, gà, cuốc xẻng… để cầu lộc, sang năm mới gia đình được bình an, làm ăn suôn sẻ, mọi người khoẻ mạnh. Số lượng giấy dán trên bàn thờ tổ tiên và cửa ra vào phải là số lẻ, thường là 3, 5 hoặc 7, còn các loại đồ vật, vật nuôi, cây cối chỉ cần dán một tờ có kích thước khoảng 6x10cm là được.”
Những tờ giấy đỏ năm cũ sau khi gỡ ra và được đem đi “hóa”. Người Tày, người Nùng quan niệm không được vứt giấy năm cũ bừa bãi vì sợ gia súc gia cầm giẫm lên sẽ khiến gia đình gặp nhiều xui xẻo trong năm mới. Mặt khác, “hóa” giấy đỏ cũ còn mang ý xóa đi những điều không may mắn trong năm vừa qua….
Dán giấy đỏ trước cửa nhà
Trong cuộc sống hiện đại, tục dán giấy đỏ ngày Tết của đồng bào cũng có những thay đổi. Nếu như trước đây, mọi người chỉ mang giấy đến nhà thầy cúng nhờ viết chữ rồi dán lên bàn thờ và làm câu đối, thì hiện nay có thể lựa chọn tranh thờ và câu đối in sẵn. Và trước đây, chỉ cắt giấy đỏ thành từng miếng kích thước bằng bàn tay rồi dán lên rìa bàn thờ, cửa sổ và cửa ra vào, thì hiện nay, có thể mua giấy đỏ in hình hình sao vàng và cờ búa liềm…
Theo ông Dương Sách, nhà nghiên cứu văn hoá Tày, Nùng ở tỉnh Cao Bằng, giấy đỏ biểu trưng cho niềm vui, sự tốt lành và tượng trưng cho khí dương, ánh nắng mặt trời và là sự khởi đầu cho một năm mới may mắn, bình an.
“Theo quan niệm của người Tày, Nùng cho rằng con người giống như màu đỏ của than hồng, màu khói mới tụ lại để xua đuổi tà ma, cầu mong sự bình an. Vậy nên trong đời sống của người Tày, Nùng những ngày vui, ngày lễ đều gắn liền với màu đỏ. Câu chúc Tết phải có màu đỏ, bàn tiệc màu đỏ, người mang lễ vật đến tiệc phải dán giấy đỏ, ngày Tết dùng giấy đỏ để viết chữ Kính, chữ Phụng dán lên bàn thờ tổ tiên, cửa nhà, tất cả các đồ vật trong nhà, chuồng lợn và chuồng gà đều được dán giấy đỏ. Trong suy nghĩ của người Tày, người Nùng thì công cụ lao động, cây ăn quả đều có tâm hồn như con người. Trong năm qua, chúng đã dãi nắng, dầm mưa trong tất cả các mùa giúp đỡ con người tạo ra của cải. Vì vậy, con người dán giấy đỏ để chứng nhận, biết ơn công lao đó và giấy đỏ thay lòng con người gửi lời mời đến các đồ dùng trong nhà hãy nghỉ ngơi đón tết cùng con người sau 1 năm vất vả đã qua và cầu chúc cho 1 năm mới sắp đến mùa màng bội thu.”
Cuộc sống hiện đại với nhiều đổi thay, nhưng tục dán giấy đỏ ngày Tết vẫn được duy trì trong đời sống văn hóa của đồng bào Tày, Nùng. Ghé thăm bản làng của người Tày, người Nùng dịp Tết dễ dàng nhận thấy sắc đỏ rực rỡ tạo nên bản sắc văn hóa rất riêng và thể hiện niềm tin vào một năm mới với những điều tốt đẹp hơn.