Tục dán giấy đỏ – nét đẹp văn hóa của đồng bào Tày, huyện Bình Liêu

Tục dán giấy đỏ – nét đẹp văn hóa của đồng bào Tày, huyện Bình Liêu

Bình Liêu có trên 96 % đồng bào dân tộc thiểu số; trước thời khắc giao thừa, chào đón năm mới,  mỗi hộ gia đình người dân tộc Tày có tục dán giấy đỏ lên cửa nhà, bàn thờ tổ tiên, dụng cụ sản xuất và chuồng trại chăn nuôi… Với quan niệm việc làm này nhằm cầu mong một năm mới an khang, thịnh vượng, may mắn, đủ đầy đến với gia chủ.

Sáng 30 Tết, người đàn ông trong gia đình sẽ chặt cây tre, nứa để quét mạng nhện trong nhà.

Người Tày quan niệm, mọi vật đều có linh hồn và thế giới có 3 tầng (thiên đường, trần gian và cõi âm). Sau một năm lao động, sản xuất thì trong ngày tết con người được nghỉ ngơi vui chơi Tết, các dụng cụ cũng cần được nghỉ ngơi. Có như vậy, năm mới sẽ làm việc tốt hơn, mùa màng bội thu. Theo đó, trong ngày cuối của năm cũ, người Tày thức dậy thật sớm lên rừng chặt cây nứa hoặc tre, trúc để quét mạng nhện. Sau khi dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa, các vật dụng và tỉa chân hương, đồng bào Tày tiến hành dán giấy đỏ lên bàn thờ, cửa nhà cùng các vật dụng, cây cối với ước nguyện năm mới gặp nhiều niềm vui,  may mắn, an khang – thịnh vượng.

Chủ nhà dán giấy màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn lên bàn thờ tổ tiên

Theo ông Phan Ngọc Sinh thôn Đồng Thanh, xã Hoành Mô: giấy đỏ là vật thể hiện điềm may mắn, tượng trưng cho một năm mới tốt lành, nhiều tài lộc sức khỏe, niềm vui trong cuộc sống, mùa màng bội thu; cây trồng không bị chim, thú, sâu bọ phá hại. Việc dán giấy đỏ là để cảm ơn và mời các vật dụng ăn Tết cùng gia chủ. Đồng thời, mong muốn có nhiều may mắn, năng suất lao động cao hơn nữa trong năm mới. Do vậy, vào ngày 30 Tết khắp mọi nơi trong nhà đều được “niêm phong” giấy đỏ. Toàn bộ ngôi nhà bỗng trở nên rực rỡ, tràn đầy sinh khí để đón chào năm mới.

Ông Lương Thiêm Phú – Thôn Chang Nà, xã Tình Húc (Nghệ nhân dân gian Việt Nam) cho biết: Dán giấy đỏ là phong tục truyền thống được ông bà truyền lại từ xưa đến nay. Tết năm nào nhà tôi cũng mua giấy đỏ về dán. Ngày xưa giấy đỏ chỉ là những tờ giấy màu đỏ trơn chứ không bóng và có hoa văn đẹp như bây giờ. Năm nay, tôi cũng bảo các con đi chợ mua sẵn giấy đỏ để ngày 30 Tết dán nhà cửa, bàn thờ. Mặc dù, bây giờ gia đình không nuôi trâu bò nữa nhưng gia đình tôi vẫn dán giấy đỏ lên máy cày, máy bừa, cây cối với mong muốn mọi sự được tốt đẹp, vật nuôi chóng lớn, sinh đẻ đầy đàn; cây trái sai quả, mùa màng bội thu.

Chủ nhà dán giấy mầu đỏ tượng trưng cho sự may mắn lên dụng cụ sản xuất

Giờ đây, dù cuộc sống có nhiều thay đổi song người Tày ở Bình Liêu vẫn giữ được nhiều phong tục tập quán, văn hóa truyền thống riêng, đặc biệt trong dịp lễ Tết trong đó có tục dán giấy đỏ. Những ngôi nhà ở vùng cao Bình Liêu bừng sáng trong sắc đỏ của cành đào, của giấy đỏ đó là quà tặng cầu may, chúc phúc cho những vị khách quý của gia đình trong dịp năm mới góp phần tô đậm bản sắc văn hóa dân tộc phong phú và đa dạng.