Tư vấn miễn phí trước khi thành lập công ty – Tư vấn doanh nghiệp
Thành lập doanh nghiệp ngày càng trở nên phổ biến trong nền kinh tế phát triển như hiện nay. Thủ tục đăng ký doanh nghiệp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền là thủ tục bắt buộc trước khi tiến hành hoạt động kinh doanh một cách hợp pháp. Tuy thủ tục đã được đơn giản hóa nhưng vẫn gây ra rất nhiều khó khăn cho những doanh nhân muốn thành lập công ty. Để có cái nhìn tổng quát về thành lập mới công ty, Luật Việt An tư vấn miễn phí trước khi thành lập công ty để Qúy khách hàng có những thông tin cần thiết trước khi tiến hành thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp.
Lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp
Hiện nay có 04 loại hình công ty phổ biến đó là Công ty trách nhiệm hữu hạn (gồm Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên), Công ty cổ phần, Công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân. Mỗi loại hình công ty sẽ có những quy định riêng cùng ưu, nhược điểm.
– Công ty TNHH Một Thành Viên: Đây là loại hình công ty do 1 cá nhân hoặc 1 tổ chức làm chủ (có thể thuê đại diện theo pháp luật), chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi số vốn điều lệ đã góp;
– Công ty TNHH Hai Thành Viên trở lên: Loại hình công ty có từ 2 đến 50 thành viên góp vốn, thành viên có thể là cá nhân/tổ chức (có thể thuê đại diện theo pháp luật), chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi số vốn điều lệ đã góp;
– Doanh nghiệp tư nhân: doanh nghiệp do 1 cá nhân làm chủ, chịu trách nhiệm vô hạn bằng chính tài sản cá nhân của mình;
– Công ty Cổ Phần: Loại hình doanh ngiệp từ 3 cá nhân hoặc tổ chức trở lên (có thể thuê đại diện theo pháp luật), công ty cổ phần không hạn chế tối đa số lượng cổ đông, chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi số vốn điều lệ đã góp và có quyền phát hành cổ phiếu để huy động vốn;
Như vậy, ngoài các điều kiện về số lượng thành viên theo quy định của pháp luật, một vấn đề chủ doanh nghiệp quan tâm đó là tính chịu trách nhiệm về khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của công ty. Do vậy, chủ doanh nghiệp cần xem xét quy mô và nhu cầu kinh doanh để lựa chọn loại hình công ty cho phù hợp.
Tên công ty: Tên công ty được viết bằng Tiếng Việt và gồm hai thành tố là loại hình doanh nghiệp + tên riêng
Về đặt tên công ty, doanh nghiệp cần lưu ý:
– Không đặt tên trùng hoặc tên dễ gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp khác đã đăng ký;
– Không được sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội- nghề nghiệp (trừ trường hợp được sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó).
Địa chỉ trụ sở công ty: không được là nhà chung cư hoặc nhà tập thể
Vốn điều lệ: pháp luật không quy định mức vốn điều lệ tối thiểu và tối đa nên doanh nghiệp cân nhắc phù hợp với quy mô kinh doanh vì tăng vốn điều lệ thì đơn giản nhưng thủ tục giảm vốn điều lệ tương đối phức tạp.
Ngành nghề kinh doanh: chủ doanh nghiệp cần tìm hiểu ngành nghề kinh doanh thực tế có phù hợp với ngành nghề theo quy định của pháp luật không? Có thuộc danh mục ngành nghề cấm kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện không?
Người đại diện theo pháp luật
Các chức danh có thể làm người đại diện theo pháp luật là: Giám Đốc, Tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Người đại diện pháp luật của doanh nghiệp phải thường trú tại Việt nam; trường hợp vắng mặt ở Việt Nam trên 30 ngày thì phải ủy quyền bằng văn bản cho người khác theo quy định tại Điều lệ doanh nghiệp để thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện pháp luật của doanh nghiệp.
Người đại diện của doanh nghiệp là người nước ngoài phải thường trú tại Việt Nam đồng nghĩa với việc phải có thẻ thường trú tại Việt Nam.