Từ văn hoá truyền thống đến văn hoá số

Chuyển đổi số không chỉ là sự chuyển đổi về công nghệ mà còn là sự chuyển đổi của tư duy. Một doanh nghiệp sẽ chuyển đổi số thành công khi và chỉ khi toàn bộ đội ngũ nhân sự, bao gồm cả lãnh đạo và nhân viên vượt qua những “chiếc bẫy” trong tư duy truyền thống – những điều có thể làm chậm lại hoặc “trật bánh” các sáng kiến chuyển đổi số của doanh nghiệp.

Cindy Rose, CEO của Microsoft UK từng nhận định: “Việc tạo lập một nền văn hóa phù hợp với chuyển đổi số là vô cùng quan trọng”. Vậy như thế nào là một nền văn hoá phù hợp với chuyển đổi số? 

Sự khác biệt giữa văn hoá truyền thống và văn hoá số

Hãy bắt đầu từ việc so sánh sự khác biệt giữa văn hóa doanh nghiệp truyền thống và văn hóa số. Theo nghiên cứu chuyên sâu từ PWC so sánh văn hoá doanh nghiệp ở các nhà bán lẻ theo mô hình truyền thống và các nhà bán lẻ trực tuyến, kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng các hành vi ở hai nhóm doanh nghiệp này có sự khác biệt rất rõ nét. Sự khác biệt cơ bản này tập trung vào nhóm 3 yếu tố: Khách hàng và Nhu cầu; Cơ cấu tổ chức; Thái độ và cách thức làm việc.

Ở môi trường truyền thống, cách thức kinh doanh sẽ chú trọng đẩy sản phẩm ra thị trường, được định hướng bởi nhu cầu mua hàng và nguồn cung từ các nhà cung ứng. Ở môi trường số, doanh nghiệp sẽ chủ động thu thập ý tưởng từ thị trường. Mọi quyết định kinh doanh được dẫn dắt bởi các nhu cầu của khách hàng. 

Mô hình tổ chức của các doanh nghiệp truyền thống có sự phân cấp thứ bậc rõ nét, các quyết định được đưa ra một cách thận trọng, chậm chạp hơn. Tổ chức được quản trị theo hướng chuẩn quy trình và các phân công nhiệm vụ cụ thể.

Trong khi đó, ở các doanh nghiệp số, tổ chức sẽ có xu hướng “phẳng hơn”. Việc ra quyết định được tiến hành rất nhanh chóng, linh hoạt. Tổ chức được quản trị với định hướng khuyến khích tạo ra các kết quả và sản phẩm. Nhân viên trong các doanh nghiệp số được trao quyền mạnh mẽ để đạt được những mục tiêu, làm những việc mà thậm chí không có trong các mô tả công việc của họ. Họ được thỏa sức sáng tạo, tìm tòi và áp dụng các phương pháp mới để nâng cao hiệu suất công việc và tiết kiệm thời gian.

Các doanh nghiệp truyền thống có xu hướng hiểu nhu cầu của những khách hàng trung thành và tìm cách thoả mãn họ. Các doanh nghiệp số thấu hiểu nhu cầu của các khách hàng số, làm thế nào để những xu hướng công nghệ mới nhất có thể giúp họ phục vụ khách hàng tốt hơn trong hiện tại và tương lai.

alt text

Bảng so sánh văn hóa truyền thống và văn hóa trong giai đoạn chuyển đổi số. (Nguồn: Strategy& – PWC).

 

Từ văn hoá số thế giới đến văn hoá số VNA

Năm 2017, trong một khảo sát kết hợp với Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Capgemini – nhà tư vấn chuyển đổi số hàng đầu thế giới đã công bố báo cáo “Thách thức Văn hoá số: Thu hẹp khoảng cách giữa nhân viên và lãnh đạo”. Báo cáo này đã chỉ rõ 7 đặc tính của văn hoá số, đó là: Lấy khách hàng làm trung tâm, Đổi mới, Quyết định dựa trên dữ liệu, Tư duy ưu tiên số, Linh hoạt, Văn hoá mở và Hợp tác.

Lấy khách hàng làm trung tâm: Sự thấu hiểu khách hàng, dựa vào các giải pháp công nghệ để mở rộng cơ sở khách hàng, chuyển đổi trải nghiệm của khách hàng và cùng khách hàng tạo ra các sản phẩm mới. 

Đổi mới: Cách thức doanh nghiệp khuyến khích các hành vi chấp nhận rủi ro, mạo hiểm, suy nghĩ phá cách và khuyến khích tạo ra các ý tưởng mới. 

Quyết định dựa trên dữ liệu: Tư duy sử dụng dữ liệu và phân tích để đưa ra quyết định kinh doanh tốt hơn là đặc tính quan trọng của văn hoá phù hợp chuyển đổi số.

Tư duy Ưu tiên số: Cách doanh nghiệp ưu tiên công nghệ để giải quyết mọi thách thức, vấn đề của mình. 

Linh hoạt: Tốc độ và khả năng thích ứng của tổ chức trước những yêu cầu thay đổi.

Văn hóa mở: Tư duy mở rộng quan hệ đối tác với các mạng lưới bên ngoài như nhà cung cấp bên thứ ba, công ty khởi nghiệp hoặc chính khách hàng. 

Hợp tác: Khả năng tạo ra các nhóm liên bộ phận, chức năng chéo để tối ưu hóa năng lực của doanh nghiệp.

alt text

07 thành tố của Văn hóa số theo định nghĩa của Capgemini. 

 

Thấu hiểu tầm quan trọng của thực thi văn hóa số nhằm đạt mục tiêu “Trở thành hãng hàng không số đầu tiên tại Việt Nam”, VNA đã xây dựng cho mình một văn hóa số phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, không mâu thuẫn với văn hóa doanh nghiệp. Đó chính là mã hóa văn hóa số thành biểu tượng bông sen số. 

Ngày 10/10/2022, VNA đã tuyên bố 07 giá trị cốt lõi của nền văn hóa số của Hãng và đặt quyết tâm cao nhất để xây dựng một nền Văn hóa số VNA vững mạnh. 

► Văn hóa số Vietnam Airlines xác định nguyên tắc “An toàn là số 1”

► Văn hóa số Vietnam Airlines xác định “Khách hàng là trung tâm”

► Văn hóa số của Vietnam Airlines lấy “Quyết định dựa trên dữ liệu”

► Văn hóa số của Vietnam Airlines là văn hóa thúc đẩy cho sự “Đổi mới sáng tạo”

► Văn hóa số của Vietnam Airlines lấy sự “Linh hoạt thích ứng”

► Văn hóa số của Vietnam Airlines khuyến khích tiếp cận mọi vấn đề với “Tư duy số”

► Văn hóa số Vietnam Airlines đề cao việc “Mở rộng hợp tác”.

alt text

Văn hoá số VNA được mã hoá qua biểu tượng bông sen số. (Ảnh: VNA).

 

Với VNA, văn hoá số là chìa khóa giúp VNA đạt được mục tiêu “trở thành hãng hàng không số đầu tiên tại Việt Nam”. Chúng ta không thể “Kiến tạo xã hội số” nếu không có văn hoá số. Chúng ta cũng không thể hiện thực hoá được mục tiêu đó nếu mỗi người VNA tư duy, nhận thức, hành động đi ngược lại với văn hoá số.

Nguồn tham khảo:

1. Stategy& PWC, “Building a Digital Culture: How to meet the challenge of multichannel digitization”

 https://www.strategyand.pwc.com/de/en/insights/2000-2013/building-a-digital-culture/strategyand-building-a-digital-culture.pdf

2. Microsoft, “Creating a Culture of Digital Transformation”

https://info.microsoft.com/rs/157-GQE-382/images/digital_spreads_00950_MICROSOFT_DT%20Report_A4_COVER.PDF

3. Capgemini Digital Transformation Institute, “The Digital Culture Challenge: Closing the Employee-Leadership Gap”

https://www.capgemini.com/fi-en/wp-content/uploads/sites/27/2018/09/dti-digitalculture_report_v2.pdf

Theo VNA