Từ món thịt làm bằng mít non đến thị trường tỷ đô | Mạng xã hội
Nếu tôi đem hôp thịt này về khoe với bà ngoại của Tèo, bà cười ngất, món này má kho cho tụi con ăn hoài chứ đâu? Dạ đúng, nó đó má, nó mà không phải nó, không phải món thịt kho chay ngon bá cháy của bà ngoại Tèo ngày cũ.
Ông Nguyễn Lâm Viên viết mấy giòng “lã lướt” trên trang FB của ông:
VEGAN – thịt mít non
Có một Thuong hiệu nghe rất Tây nhưng nó là Ta: “Lá Mới “
Có một sản phẩm rất Ta nhưng lại đang được ưa chuộng ở trời Tây: Thịt thực vật, làm từ… mít non.
Tôi hỏi khó nhà chế biến chuyên nghiệp: Vì sao mít non?
Anh cũng trả lời nhiệt tình: Mít non rất giàu năng lượng calo. Một “lát” mít non có thể chứa 155 calo, 3g chất xơ, cung cấp khoảng 15% lượng vitamin C cho cơ thể; ngoài ra còn chứa khoáng Potassium K. Phối hợp với một số gia vị sẽ biến mít non thành món ăn ngon giàu dinh dưỡng và năng lượng cho cơ thể.
Tôi phải chặn tay anh: Nó ngon tuyệt vời anh Viên ơi. Anh gật gù, đúng, nó là món ăn hấp dẫn khẩu vị.
Tôi lại nhớ tới hôm 4/3/2021, chương trình khởi nghiệp nông nghiệp SKC của BSA tổ chức buổi huấn luyện về chế biến thực phẩm do TS Đàm Sao Mai hướng dẫn, có một bạn mang đến tặng tôi (với cái mỉm cười thách thức), một hộp thịt thực vật làm từ mít non nhập từ Thái.
Tôi lập tức chuyển hộp mít non này về cho anh Nguyễn Lâm Viên. Anh diễn giải: Ngoài mít non, người ta còn dùng bắp chuối non làm thịt gà thực vật. Tôi đọc ở giấy bao quanh hộp đầy đủ thông tin về thành phần chế biến. Anh Viên nói: Ở Trung Quốc, thị trường này lớn lắm và đang cạnh tranh rất lý thú với các anh tài thực phẩm “đạm thay thế” từ Mỹ, Nhật và Singapore… Việt Nam mình cũng có điều kiện khai mở thị trường xuất khẩu rất lớn này…
Nghe vậy nhưng tôi không chắc lắm là ông “Vua sấy trái cây Việt” sẽ bắt tay vào làm món thịt thực vật này.
Thịt chay mít non và thị trường Việt Nam với gần 30 sản phẩm mới mỗi ngày
Con số 30 không do tôi “độ” ra. Đó chính là báo cáo của tổ chức quốc tế nghiên cứu thị trường Kantar về sản phẩm mới hàng tiêu dùng nhanh trên thị trường Việt Nam năm 2020. Năm qua, có 9.998 (gần 10.000) sản phẩm mới ra thị trường (từ sản phẩm mới ở đây được Kantar định nghĩa là bao gồm 3 nhóm: Thương hiệu mới, chủng loại mới và sản phẩm cải tiến từ cái hiện có).
Tính khắc nghiệt của thị trường năm 2020 là dù khó khăn, phải tung chủng loại mới thay vì cải tiến sản phẩm. Bởi vì các yêu cầu đặt ra cho thực phẩm đã thay đổi mạnh mẽ. Xu hướng sống xanh, sống sạch, sống khỏe chi phối mạnh, bên cạnh yêu cầu thực phẩm hỗ trợ tốt cho hệ miễn dịch của người tiêu dùng.
Bên cạnh nữa, ăn uống còn phải góp phần bảo vệ môi trường, dẫn tới những xu hướng mà trước đây không thể hiện rõ: giảm ăn thịt, giảm thức ăn từ động vật, thức ăn chứa nhiều hóa chất có hại cho sức khỏe.
Thịt chay mít non trong trào lưu ăn uống thuần chay trên thế giới
Có những sản phẩm SUPER về tính chất.
Cầm trên tay hộp thịt thực vật bằng mít non với 2 yếu tố mới: thương hiệu mới (Lá Mới) của Vinamit và chủng loại rất mới so với thị trường Việt Nam, tôi hiểu đây là cuộc bắt mạch một xu hướng ẩm thực mới của thế giới, VEGAN, thuần chay.
Nghe ông Nguyễn Lâm Viên nói về thị trường Hoa Kỳ đang quan tâm tới thực phẩm Vegan thế nào, tôi lại nhớ tới bà ngoại Tèo, tôi tưởng tượng chắc bà khó tin khi nghe là các cửa hàng McDonald, Whole Foods, thậm chí Walmart ở Mỹ nay đã phải mở khu riêng đáp ứng cho nhu cầu thuần chay của người Mỹ, lại đa số là những người trẻ.
Thị trường thực phẩm thuần chay toàn cầu trị giá khoảng 15,6 tỷ USD năm 2019, dự kiến tăng trưởng với tốc độ trung bình 10,5% mỗi năm và đạt khoảng 31,4 tỷ USD năm 2026.
Người Mỹ ăn chay? Theo các nghiên cứu gần đây, 30% người Mỹ không chỉ từ bỏ ăn thịt mà còn chuyển dần sang sử dụng các thực phẩm chay làm từ thực vật.
Còn Trung Quốc? Thị trường thịt chay tại Trung Quốc, bao gồm các sản phẩm từ thực vật để thay thế thịt, đã tăng 33,5% hàng năm gần 10 năm nay, đạt 9,7 tỷ đô la vào năm ngoái, theo Euromonitor. Ngành công nghiệp này cũng được dự đoán có giá trị 11,9 tỷ USD năm 2023.
Hiện nay không nước nào có nhiều chương trình Khởi nghiệp ngành công nghiệp thịt thay thế như Trung Quốc. Các doanh nghiệp mới xuất hiện như Zhenmeat và Starfield, đang đua đậm với các đối thủ lâu năm như Whole Perfect Food. Nhưng không như Impossible Food hay Beyond Meat, các công ty Trung Quốc không làm burger mà làm các món Tàu truyền thống như bánh bao, bánh trung thu hoặc thịt viên đúng kiểu văn hóa ẩm thực Trung Quốc.
Hỏi anh Nguyễn Lâm Viên về thị trường của món thịt từ mít non? Anh nói sẽ xuất khẩu trước. Tôi nhớ lại, Vinamit có công ty tiếp thị – phân phối, với ông người Hoa giám đốc tên Tứ Xuyên sành sỏi thị trường thực phẩm ăn vặt và nhóm nghiên cứu thị trường tại chỗ hàng ngày, chắc chắn là “ăng ten” đắc lực để các sản phẩm thit thực vật của Vinamit và các loại nông sản chế biến khác thuộc lãnh vực đạm thay thế của Việt Nam có thể tìm đường đi vào thị trường tỷ người, tủ đô này.
Vậy, thịt mít non Lá Mới không chỉ là thương hiệu mới, chủng loại mới mà còn sẽ dẫn đắt một xu hướng mới của nông sản chế biến VN, ở đó, Vinamit cùng nhiều doanh nghiệp Việt Nam đồng hành sẽ đưa nông sản chế biến Việt Nam gõ cửa thị trường tỷ đô ngay sát bên nhà.
Tôi thở phào. Sẽ không phải cãi nhau “giải cứu hay không giải cứu” mít, đậu tương (đậu nành), khoai lang… khi ta mở được một ngành công nghiệp chế biến mới đầy hứa hẹn là đạm thay thế. Ta có nguyên liệu, mà thị trường lớn thế và ta cũng có công nghệ cùng kinh nghiệm để chinh phục, giờ xây dựng và khai thác thị trường này thế nào. Lại cũng quay trở về bài toán cơ bản: Hiểu nhu cầu thị trường, sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn và chế biến đúng thị hiếu thị trường.
Đánh giá của bạn:
Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.