Tự học là gì? Cải thiện kỹ năng tự học hiệu quả cho người đi làm
Nội Dung Chính
Trong học tập lẫn công việc, chúng ta được nhắc nhở rằng phải có tinh thần tự học. Nhưng liệu bạn có thật sự hiểu kỹ năng tự học là gì không? Tại sao mọi người luôn đề cao tinh thần tự học như vậy? Đề tìm lời giải đáp, bạn hãy cùng mình tham khảo bài viết sau đây để hiểu về khái niệm, cũng như tầm quan trọng và lợi ích từ việc tự học nhé.
I. Tự học là gì?
1. Khái niệm tự học
Tự học là quá trình chủ động tiếp thu các kiến thức, kinh nghiệm trong xã hội, cuộc sống thông qua các hoạt động cá nhân mà không có sự hỗ trợ từ những người xung quanh. Đây là một phương pháp khoa học giúp bạn giải quyết mâu thuẫn giữa khối lượng kiến thức vô hạn với quỹ thời gian hữu hạn của mình.
Việc tự học giúp cho con người hình thành nên tri thức bền vững, sự tự giác và chủ động trong quá trình tiếp nhận kiến thức từ môi trường bên ngoài. Ngoài ra, tự học còn là các hoạt động nghiên cứu, tìm tòi các kiến thức cần thiết phục vụ cho quá trình học tập, làm việc của chính mình.
Tìm việc làm, tuyển dụng nhân viên Marketing có thể bạn quan tâm:
– Nhân viên Content sản phẩm TGDĐ/ĐMX
– Nhân viên Biên Tập Hình Ảnh Media
2. Kỹ năng tự học
Tự học được xem là một trong những kỹ năng mềm và được gọi là kỹ năng tự học, là những hình thức thể hiện hoạt động tự học tương ứng với mục đích và điều kiện học tập, làm việc. Bên cạnh đó còn hình thành những thao tác trong việc tự học, đảm bảo cho hoạt động tự học của các nhân đạt được kết quả tích cực.
Hay có thể hiểu, kỹ năng tự học là hệ thống những hành động đảm bảo cá nhân có khả năng và sẵn sàng thực hiện việc tự học để đạt hiệu quả. Trong kỹ năng tự học còn bao gồm 3 nhóm kỹ năng chính:
– Nhóm kỹ năng định hướng tự học, gồm có: kỹ năng tiếp nhận và phát hiện vấn đề, kỹ năng lập kế hoạch tự học phù hợp với đặc điểm tâm – sinh lí của bản thân.
– Nhóm kỹ năng thực hiện hoạt động tự học, gồm có: kỹ năng nghiên cứu tài liệu học tập, kỹ năng giải quyết các bài tập nhận thức, kỹ năng thực hành.
– Nhóm kỹ năng tự kiểm tra, đánh giá hoạt động tự học.
3. Năng lực tự học
Năng lực tự học là chỉ khả năng xác định nhiệm vụ học tập chủ động, tự giác. Đòi hỏi cá nhân phải có những hành động như:
– Tự đặt ra các mục tiêu để có sự nỗ lực, phấn đấu thực hiện.
– Áp dụng thực hiện các phương pháp học tập hiệu quả.
– Tự điều chỉnh những hạn chế, khuyết điểm của bản thân khi thực hiện tự học thông qua việc tự đánh giá hoặc qua lời góp ý của người thân, bạn bè, giáo viên.
– Chủ động tìm sự hỗ trợ khi gặp các khó khăn trong quá trình tự học.
II. Các loại kỹ năng tự học phổ biến
Kỹ năng lập kế hoạch và quản lý thời gian: những người sở hữu kỹ năng này thường có tính tự giác trong công việc, học tập. Bên cạnh đó, họ cũng có năng lực làm việc độc lập, đánh giá hiệu suất công việc.
Kỹ năng lắng nghe: để có thể cải thiện kỹ năng tự học, người học cũng cần phải chăm chú lắng nghe mọi thứ. Sau đó họ sẽ nhanh chóng đặt ra các câu hỏi có liên quan.
Kỹ năng ghi chép: đi cùng với kỹ năng lắng nghe đó chính là kỹ năng ghi chép. Người học sẽ phải ghi chép lại những nội dung mà họ cho là quan trọng và cần thiết đối với bản thân mình.
Kỹ năng tự ôn luyện: việc tự mình đọc tài liệu, ôn tập lại kiến thức, nội dung đã được học trên lớp sẽ giúp bản thân ghi nhớ lâu hơn. Khi đã nắm vững kiến thức thì có thể áp dụng hiệu quả vào các trường hợp trong thực tiễn.
Kỹ năng đọc sách: bạn cần xác định rõ mục đích mà bạn đọc sách là gì, để từ đó có thể lựa chọn được loại sách phù hợp với mình. Bên cạnh đó, bạn cũng nên tìm hiểu sách đọc sách sao cho thích hợp. Chẳng hạn như đọc kỹ để phân tích chi tiết hay đọc lướt để hiểu được nội dung tổng thể.
III. Tầm quan trọng của kỹ năng tự học
Tự học là một phương pháp tuyệt vời mà các học sinh, sinh viên có thể sử dụng để nâng cao kinh nghiệm, khả năng học tập của chính mình, bất kể là học trong một khóa đào tạo hay chỉ học về một chủ đề nào đó. Khi áp dụng phương pháp tự học, học sinh sẽ không chỉ đơn giản là tiếp nhận những kiến thức trong sách giáo khoa, hay thông qua hướng dẫn của giáo viên trên lớp.
Bằng cách thực hành việc tự học, các học sinh được khuyến khích để khám phá sâu hơn các chủ đề mà các bạn quan tâm, nhờ đó phát triển các kỹ năng học tập tốt hơn. Một trong những ưu thế của việc tự học chính là các học sinh, sinh viên có thể tự kiểm soát việc học của mình. Và hiển nhiên khi bạn có quyền kiểm soát, thì bạn sẽ càng hứng thú hơn với việc học tập và trau dồi thêm kiến thức.
IV. Lợi ích của việc tự học đối với người đi làm
1. Nâng cao trình độ chuyên môn
Việc phát huy tinh thần tự học là cơ hội để bạn có thể tìm hiểu sâu hơn vào lĩnh vực mà mình đang quan tâm. Nhờ đó, bạn sẽ có thêm động lực để trau dồi và bổ sung nhiều lượng kiến thức mới, điều này sẽ góp phần nâng cao trình độ chuyên môn của bạn. Kiến thức chuyên môn sẽ là nền tảng vững chắc cho sự nghiệp, cũng như con đường thăng tiến của bạn trong tương lai.
2. Cập nhật kiến thức liên tục
Xã hội ngày càng phát triển, điều đó kéo theo cuộc sống luôn có sự chuyển động và đổi mới. Khi đó những lý thuyết bạn học được không hẳn sẽ phù hợp với tất cả trường hợp mà bạn gặp phải.
Vì thế việc tự học sẽ giúp bạn có thể cập nhật liên tục những kiến thức mới phục vụ cho công việc, từ đó mở rộng cơ hội việc làm và con đường sự nghiệp của bạn. Có thể thấy việc tự học không chỉ mở rộng lượng kiến thức, mà còn mang lại những giải pháp giúp xử lý công việc có tư duy sáng tạo và hiệu quả hơn.
3. Tăng hiệu suất công việc
Khi kiến thức và trình độ chuyên môn được cải thiện, hiển nhiên hiệu suất trong công việc cũng sẽ phần nào được tăng lên. Khi đó đối với mọi vấn đề trong công việc, bạn sẽ có sự nhìn nhận, đánh giá sâu sắc và nhạy bén hơn. Điều đó giúp bạn vừa có thêm nhiều phương án giải quyết, vừa phát triển được kỹ năng giải quyết vấn đề.
4. Khám phá năng lực bản thân
Việc chủ động học tập, làm việc còn có thể nâng cao khả năng tự học của bản thân, nhờ đó bạn có thể khám phá thêm những giới hạn mà bản thân chưa biết. Có thể lúc trước bạn biết về một lĩnh vực nào đó ở một mức trung bình, những điều bạn biết là điều mà mọi người đều đã được biết đến.
Nhưng khi bạn chủ động tìm hiểu sâu, đi vào chuyên môn hơn thì bạn sẽ bổ sung thêm nhiều những kiến thức mới về một lĩnh vực mới. Điều đó không chỉ mở ra giới hạn về hiểu biết của bạn mà còn giúp bạn khám phá thêm về năng lực của bản thân.
5. Điểm cộng cho profile cá nhân
Khả năng tự trau dồi các kỹ năng, hay tự học thêm chuyên ngành song song để lấy chứng chỉ sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho công việc của bạn, điều này còn giúp bạn gây được ấn tượng đến nhà tuyển dụng khi ứng tuyển. Thông qua CV cá nhân, các nhà tuyển dụng sẽ thấy được sự nỗ lực và cố gắng phấn đấu của bạn, từ đó có được điểm cộng cho profile cá nhân của mình.
V. Những khó khăn và thách thức khi tự học
Khi thực hành việc tự học, đồng nghĩa với việc bạn tự do học theo tiến độ hiểu biết của mình, bạn có thể chủ động học trong bất kỳ không gian hay thời gian nào. Tuy nhiên, những khó khăn bạn phải đối mặt cũng không ít, đặc biệt khi bạn không có tinh thần tự giác thì việc tự học của bạn sẽ bị đình trệ và kéo dài.
Mặt khác, khi bạn có thể kiểm soát việc học của chính mình là phần nào đã giảm bớt đi áp lực trong quá trình học, điều này có nghĩa là không có sự kỳ vọng hay giới hạn thời gian nào dành cho bạn. Việc làm này sẽ khiến bạn không có động lực để hoàn thành việc học, việc làm theo đúng mục tiêu, dự định.
Bên cạnh đó, việc tự học vẫn luôn tiềm tàng nhiều thách thức đối với người thực hiện, cụ thể khi bạn gặp khó khăn trong quá trình học như việc không hiểu bài, hay chưa nắm rõ những kiến thức nào thì sẽ không có ai cùng bạn tìm ra những giải đáp cho các vấn đề đó.
Khi tự học, bạn sẽ chỉ có thể lấy bản thân ra để làm động lực cho việc học tập của mình, điều này đôi lúc làm bạn cảm thấy cô đơn, tẻ nhạt khi học một mình. Đôi khi việc tự học còn bị hạn chế về số mặt như việc bổ sung các kiến thức mới, hay việc cập nhật lại các thông tin cũ mà bạn đã tiếp thu trước đây. Do đó, để tránh làm lãng phí thời gian trọng việc tự học, bạn nên có cách để khắc phục những khó khăn, thách thức cũng như cải thiện khả năng tự học của chính mình.
VI. Cách rèn luyện và phát triển kỹ năng tự học
1. Lập kế hoạch, xác định mục tiêu
Để giúp việc tự học trở nên có hiệu quả, bạn cần biết cách lập kế hoạch cụ thể và xác định các mục tiêu cho việc học tập.
Kế hoạch càng chi tiết, mục tiêu càng rõ ràng thì việc tự học sẽ càng có định hướng, tránh lan man và tốn thời gian vô ích. Một kế hoạch chỉn chu bao gồm các yếu tố: mục tiêu, thời gian, phương pháp học tập, khối lượng kiến thức.
Hơn nữa trong quá trình tự học, bạn có thể tự do lựa chọn phương pháp học tập phù hợp cho từng nội dung. Điều này sẽ khiến bạn cảm thấy thoải mái và học tập hiệu quả hơn.
2. Chọn lọc tài liệu học tập khoa học
Khối lượng kiến thức hiện nay vô cùng nhiều nhưng thời gian trên lớp lại không đủ để bạn tiếp cận các tri thức một cách đầy đủ và hoàn chỉnh nhất. Vì vậy việc chủ động tìm kiếm, chọn lọc các tài liệu các liên quan trong quá trình tự học là điều cần thiết.
Hiện nay có rất nhiều nguồn cung cấp thông tin từ online đến offline như: Internet, sách, báo, tư liệu tổng hợp,… Tuy nhiên, bạn nên chọn lọc tài liệu học thật khoa học, lựa chọn những nguồn cung cấp thông tin đáng tin vậy để đảm bảo tính chính xác và hữu ích.
Điều này không chỉ giúp bạn hiểu vấn đề một cách rõ ràng và đầy đủ hơn, mà còn giúp bạn hiểu chuyên sâu hơn về các kiến thức được đề cập trong các tài liệu đó.
3. Tạo ra không gian học tập yên tĩnh
Yếu tố chi phối lớn đến khả năng tập trung, tiếp thu kiến thức và chất lượng quá trình tự học của bạn đó chính là không gian học tập. So với một không gian náo nhiệt, đông người cười nói thì một không gian học tập yên tĩnh, gọn gàng sẽ giúp nâng cao hiệu suất học tập của bạn.
Việc tự do lựa chọn không gian và cách sắp xếp, bày trí góc học tập cũng sẽ ảnh hưởng đến tâm trạng học của bạn. Điều này sẽ giúp bạn có hứng thú hơn với việc học, từ đó cải thiện được lượng kiến thức nhận vào, việc học sẽ có hiệu quả hơn.
4. Chuẩn bị công cụ hỗ trợ tự học
Việc chuẩn bị sẵn sàng các thiết bị, công cụ cho việc tự học sẽ giúp bạn không bị phân tâm trong quá trình học tập. Đảm bảo rằng bạn đã chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ học tập cần thiết để có thể tận dụng tối đa mỗi buổi tự học.
Thay vì phải mất thời gian để đi lấy sổ ghi chép hay bị mất tập trung khi quên lấy đủ tài liệu, bạn chỉ cần chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng các công cụ học tập để đỡ làm mất thời gian và tăng khả năng tập trung hơn khi học.
5. Ghi chép bài học giúp nhớ lâu
Đôi khi việc đọc và cố gắng học thuộc các thông tin cũng chưa đảm được rằng bạn sẽ nhớ được những kiến mới lâu hơn. Tuy nhiên, với việc ghi chép bài học hay ghi chú lại những thông tin mới tiếp nhận vừa giúp bạn củng cố lại thông tin, vừa có nơi để lưu trữ những thông tin quan trọng. Do đó, việc ghi chép lại bài học sẽ không quá thừa thãi mà còn hữu ích cho trường hợp bạn muốn nắm vững kiến thức lâu hơn.
6. Tìm hiểu phương pháp học tối ưu
Mỗi người đều có phương pháp học tập hiệu quả của riêng mình, điều này không khác biệt gì khi bạn thực hành việc tự học. Bạn cần tìm hiểu, áp dụng các phương pháp học tập nhằm mục đích tìm ra phương pháp học phù hợp với mình để có thể tự học một cách hiệu quả, tối ưu nhất. Bạn có thể áp dụng nhiều phương pháp, kỹ thuật học tập khác nhau như: đọc sách, xem video, vẽ sơ đồ tư duy,… hay kết hợp với một số hoạt động khác giúp bạn xử lý thông tin hiệu quả hơn.
7. Liên hệ thực tế những lý thuyết đã học
Một trong những những cách rèn luyện và phát triển kỹ năng tự học của bạn đó chính là liên hệ thực tiễn những kiến thức lý thuyết đã học. Phương pháp này không chỉ giúp bạn biết ứng dụng những lý thuyết vào thực tế, mà còn giúp tăng khả năng ghi nhớ nội dung bài học lâu hơn.
Khi biết ứng dụng thực tiễn những gì đã được học, điều đó chứng tỏ bạn đã hiểu được bản chất, cốt lõi của vấn đề. Bên cạnh đó giúp cho việc ghi nhớ, tiếp thu kiến thức mới cũng trở nên nhanh chóng, dễ dàng hơn.
8. Chủ động tìm hỗ trợ khi gặp khó khăn
Trong quá trình tự học sẽ không tránh khỏi việc gặp những bài khó xử lý, kiến thức khó hiểu nhưng lại không biết phải làm gì. Nếu bạn bỏ qua những kiến thức đó thì có thể những nội dung tiếp theo bạn không thể nắm được, hay bạn sẽ vô tình bỏ lỡ nội dung quan trọng trong chương trình học.
Chính vì vậy, bạn nên chủ động tìm hỗ trợ từ người thân, bạn bè hay giáo viên khi gặp khó khăn để có thể giải quyết và trợ giúp bạn trong các vấn đề còn vướng mắc. Điều này sẽ giúp cho quá trình tự học của bạn diễn ra thuận lợi và có hiệu quả hơn.
9. Liên tục rèn luyện và củng cố kiến thức
Đừng cố gắng học một cách nhanh chóng và hời hợt, vì điều này chỉ khiến cho kiến thức của bạn dễ bị mai một và làm giảm năng lực tự học của bạn. Với cách học đó, bạn có thể hiểu được bài học ngay, nhưng để hiểu và ghi nhớ được lâu dài thì rất khó.
Nếu tình trạng này tiếp tục duy trì, về lâu dài sẽ hình thành nên các lỗ hổng kiến thức làm cho bạn gần như quên hết các kiến thức cũ khi bổ sung các kiến thức mới. Để có thể hiểu được giá trị cốt lõi của bài học, cũng như tăng thời gian ghi nhớ bài thì bạn cần liên tục rèn luyện và củng cố kiến thức. Điều này giúp bạn tăng khả năng ghi nhớ, ngày càng hiểu và nắm rõ được nhiều kiến thức hơn.
10. Cần phải rèn luyện ý thức tự giác
Khi thực hành tự học, ý thức tự giác là yếu tố vô cùng quan trọng và cần thiết. Việc hình thành nên ý thức tự giác bắt nguồn từ sự tự nguyện với việc học, không bị ép buộc hay thúc giục từ người lớn, phụ huynh.
Với ý thức tự giác, bạn sẽ dễ dàng tập trung hơn và dần hình thành nên những thói quen tích cực trong suy nghĩ. Vì vậy để quá trình tự học diễn ra thuận lợi và mang lại hiệu quả, bạn cần phải rèn luyện ý thức tự giác cho chính mình.
VII. Nên học nhóm hay tự học, đâu mới là phương pháp hiệu quả?
Trong học tập và làm việc có rất nhiều cách để rèn luyện, trau dồi bản thân. Trong đó có 2 phương pháp thông dụng nhất là học nhóm và tự học. Vậy thì đâu mới là giải pháp hiệu quả? Để trả lời được câu hỏi này, ta phải xét cả hai phương diện về cả ưu và nhược điểm của từng phương pháp.
Phương pháp học nhóm
Ưu điểm:
Phương pháp học nhóm sẽ giúp chúng ta có thể rèn luyện tư duy phản biện, kỹ năng thuyết trình của bản thân mình. Các thành viên trong nhóm sẽ đưa ra ý kiến của mình, sau đó sẽ cùng nhau phân tích và lựa chọn ý kiến tối ưu nhất. Do đó khả năng lập luận, phản biện của chúng ta cũng sẽ được rèn luyện mỗi ngày.
Nhược điểm:
Học nhóm chỉ có thể hiệu quả đối với những môn cần nhiều sự đóng góp, rèn luyện tư duy phản biện. Tuy nhiên đối với những môn cần sự yên tĩnh, khả năng tập trung cao độ thì không hiệu quả. Bởi vì khi học nhóm sẽ rất dễ xảy ra trường hợp làm việc riêng, vừa học vừa chơi,… Điều này chỉ làm tốn thời gian của mọi người trong nhóm.
Phương pháp tự học
Ưu điểm:
Một trong những ưu điểm nổi bật của phương pháp tự học đó chính là chúng ta có thể rèn luyện được ý chí. Việc chúng ta tự mình trau dồi, bổ sung kiến thức cho chính mình sẽ giúp chúng ta nhạy bén, tư duy hơn. Và nếu như gặp phải khó khăn gì, chúng ta cũng sẽ cố gắng, kiên trì vượt qua nó.
Nhược điểm:
Nhược điểm của việc tự học không gì khác đó là dễ mất động lực học tập. Bởi vì việc học tập trong phương pháp này là do chính bản thân chúng ta quyết định. Không ai có thể quản lý, kìm kẹp bạn phấn đấu. Do đó, rất dễ xảy ra tình trạng chán nản, bỏ cuộc giữa chừng.
Như vậy, cả hai phương pháp đều có ưu và nhược điểm nhất định. Các bạn cần xem xét mục đích, thời gian, khả năng của mình. Cách tốt nhất là bạn nên cân bằng giữa hai phương pháp này. Hãy luôn xây dựng những thói quen tốt, đặc biệt là thói quen tự học.
Xem thêm:
– 22 kỹ năng cần có trong CV giúp bạn chinh phục nhà tuyển dụng
– 10 kỹ năng lãnh đạo và phẩm chất cần có của nhà lãnh đạo giỏi
– Kỹ năng làm việc nhóm – Tầm quan trọng và cải thiện kỹ năng hiệu quả
Hy vọng bài viết đã mang lại cho bạn những thông tin hữu ích về khái niệm, tầm quan trọng cũng như lợi ích của việc tự học. Chúc bạn thành công hơn nữa trong công việc, và đừng quên chia sẻ nếu bạn thấy bài viết này hay nhé!