Tự đạo văn là gì? Tại sao nên tránh việc tự đạo văn? – Kiểm Tra Tài Liệu

Tự đạo văn là gì?

Tự đạo văn thường được hiểu là “tái sử dụng” hay “tái chế” lại các một phần hay toàn bộ nghiên cứu cũ đã được phát hành trước đó của chính bản thân. Tự đạo văn không hiếm thấy trong nghiên cứu, thậm chí, ngay cả các giáo sư, tiến sĩ cũng không tránh khỏi việc phải “xào” lại một ý tưởng, một nghiên cứu cũ của chính họ. Mặc dù điều này chưa chạm đến ngưỡng ăn cắp ý tưởng nhưng nó có thể gây ảnh hưởng đáng kể tới giới học thuật. Nói một cách dễ hiểu thì Tự đạo văn là hành vi cố ý sử dụng lại bất kỳ nghiên cứu cũ nào của bản thân để đưa vào một tác phẩm mới.

Tại sao nên tránh việc Tự đạo văn?

1. Tự đạo văn là đi trái với vấn đề cơ bản của nghiên cứu

Lý do lớn nhất để không tự đạo văn là vì giữ gìn sự liêm chính của bản thân trong nghiên cứu và khám phá khoa học nói chung. Mục đích của việc nghiên cứu là để mang tới những kiến thức mới, những kết quả tiên tiến hơn cho sự hiểu biết của loài người đối với thế giới. Vậy nên, khi công trình của bạn có chứa những thông tin tái chế mà không được trích nguồn thì có nghĩa rằng bạn đang đi ngược lại với mục đích của nghiên cứu.

2. Tự đạo văn có thể vi phạm bản quyền của nhà xuất bản

Quy trình xuất bản của nhiều tạp chí bao gồm cả việc nhượng lại bản quyền của tác phẩm cho nhà xuất bản. Dù bạn vẫn là chủ sở hữu trí tuệ của ý tưởng và kết quả còn nhà xuất bản sở hữu quyền xuất bản đối với tác phẩm. Vì vậy, việc sử dụng lại một phần nghiên cứu mà không trích dẫn hay có sự cho phép của nhà xuất bản là không được chấp nhận. Mặc dù điều này nghe có vẻ vô lý, nhưng theo pháp luật Tự đạo văn là vi phạm luật bản quyền.

3. Tự đạo văn bị phát hiện có thể khiến tác phẩm bị bác bỏ

Phần lớn các tạp chí học thuật sử dụng các phần mềm kiểm tra để rà soát việc đạo văn sau khi nghiên cứu được nộp lên. Nếu bạn sao chép một phần của tác phẩm đã được phát hành trước đó, phần mềm sẽ lập tức thông báo cho nhà xuất bản. Kể cả nếu nghiên cứu của bạn vẫn được thông qua thì phía biên tập viên vẫn sẽ hỏi lại bạn vấn đề này và yêu cầu bạn viết lại hoặc làm rõ phần nghiên cứu được tái sử dụng. Điều này sẽ tạo ra một sự trì hoãn đáng kể đối với việc phát hành nghiên cứu.

Ví dụ, một số tạp chí khoa học tại Việt Nam như: Tạp chí Nghiên cứu Nước ngoài, Tạp chí Y Dược học Cần Thơ, Tạp chí Đại học Nông Lâm Huế, Tạp chí Khoa học Học viện Phụ nữ VN,… đã và đang sử dụng phần mềm Kiểm Tra Tài Liệu để kiểm tra tỷ lệ đạo văn cho các bài báo trước khi chúng được đưa vào quy trình phản biện và xuất bản.

Làm cách nào để tránh việc tự đạo văn?

1. Kiểm tra lại một lượt các tác phẩm của bạn trước đó

Việc này khá tương đồng với việc đi tìm hiểu về chủ đề trước khi bạn bắt tay vào viết nghiên cứu của mình. Bằng việc kiểm tra lại các tác phẩm cũ trước khi vào việc, bạn sẽ tránh được việc vô tình sao chép lại các nghiên cứu cũ của bản thân và phải bắt đầu viết lại từ đầu.

  • Nếu bạn đang viết về một chủ đề mà bạn rất tâm đắc, bạn sẽ dễ gặp việc bị trùng lặp ý tưởng với tác phẩm cũ. Vì vậy nên đừng để vấn đề xảy ra rồi mới hối hận. Thay vào đó hãy chủ động phòng tránh Tự đạo văn.
  • Một cách hay để tự kiểm soát Tự đạo văn là hãy học cách trân trọng công trình của bạn như cách bạn làm với công trình của người khác. Nếu đạo văn là phá huỷ chất xám của người khác, là sự thiếu tôn trọng với tác giả thì Tự đạo văn cũng thế. Chấp nhận hành động Tự đạo văn là chấp nhận coi rẻ chất xám của bản thân.

2. Mở rộng ý tưởng cũ

Nếu bạn muốn sử dụng lại nghiên cứu cũ, hãy thêm vào những điểm mới lạ và khác biệt. Khai thác, mở rộng ý tưởng cũ ra thành nhiều nhánh ý tưởng mới. Đừng bao giờ quên rằng, người đọc luôn mong muốn tìm thấy những điều chưa bao giờ được khám phá.

  • Bạn có thể sử dụng nghiên cứu cũ như một background cho nghiên cứu mới. Dựa trên nghiên cứu cũ để phát triển những luận điểm mới, mở đề tài lên cao hơn, đi sâu hơn vào chi tiết hơn.
  • Phân tích lại và mở rộng thêm các phần mới cho nghiên cứu cũ, đưa ra lập luận và kết luận mới cho các phần mở rộng.
  • Hạn chế tối đa phần nghiên cứu cũ muốn thêm vào công trình mới. Không nên để nghiên cứu cũ ảnh hưởng quá nhiều tới nghiên cứu mới dù có mở rộng ý tưởng cũ tới mức độ nào. Bởi vì điều này có thể dẫn tới việc chìm sâu vào chủ đề cũ và bỏ quên chủ đề mới.

3. Trích nguồn tác phẩm cũ

  • Trích dẫn nguồn nghiên cứu cũ của bản thân như trích nguồn các thông tin lấy từ nguồn khác. Bạn nên viết theo các quy chuẩn dẫn nguồn như: APA, MLA, CSE,… và cần nhất quán trong việc sử dụng quy chuẩn trích dẫn nguồn tham khảo.
  • Đặt phần nghiên cứu muốn sử dụng vào trong dấu ngoặc kép và viết rõ tác giả của phần được trích dẫn là bản thân cùng với nơi phát hành đầu tiên của nó.
  • Bạn cũng có thể sử dụng một vài từ dẫn để chỉ ra tác phẩm gốc của mình khi tóm tắt hoặc diễn giải. Ví dụ: Trong một nghiên cứu của tôi: “Nghiên cứu ABC”, tôi đã nhận định rằng…

Tự đạo văn phần lớn có thể là do vô thức hoặc do chưa biết đến vấn đề này. Bài viết này đã làm rõ rằng Tự đạo văn cũng được coi là vi phạm bản quyền. Hy vọng rằng sau bài viết này, các bạn có thể hiểu hơn về Tự đạo văn, lý do không nên vi phạm nó và áp dụng được các cách phòng tránh Tự đạo văn.

Nguồn tham khảo:

https://www.aje.com/arc/self-plagiarism-how-to-define-it-and-why-to-avoid-it/

https://www.wikihow.com/Avoid-Self-Plagiarism

https://www.scribbr.com/plagiarism/self-plagiarism/

Loading…