Truyện ngắn dự thi: Tết của Hạnh Phúc

Ngô Đức Quang

  –  

Chủ nhật, 08/01/2023 15:10 (GMT+7)

Thằng Phúc làm nghề chạy xe ôm còn vợ nó là công nhân may. Thời buổi công nghệ hiện đại mấy nghề nó làm chịu nhiều thua thiệt. Xe người ta đi xe công nghệ với taxi hết. Những nơi đông khách như bến xe, nhà ga thì địa bàn đã có người bao trùm hết cả dễ gì chen chân vào. Mấy người như nó chạy lẻ tẻ khi được ít đồng khi ngồi bơ.

Truyện ngắn dự thi: Tết của Hạnh Phúc
Ảnh minh họa: Bích Thủy

Mấy tháng nay Phúc chạy xe ôm chạy bữa đực bữa cái. Ở công ty, Hạnh- vợ Phúc cũng không có việc làm. Đơn hàng ở nước ngoài chẳng ai đặt lại còn tồn kho quá chừng thì sản xuất thêm làm gì. Ban lãnh đạo họp tới bàn lui rất kỹ cuối cùng đưa ra quyết định không mấy vui vẻ. Công nhân buộc phải nghỉ việc tạm thời. Ông giám đốc đôi mắt ngấn lệ mà không biết làm sao. Ông nhìn những gương mặt buồn rười rượi khi nhận được thông báo từ công ty. Tâm trạng bộc lộ từ những công nhân nói cho ông biết rằng những ngày sắp tới hẳn rất khó khăn với họ. 

Không khó mới lạ. Nguồn thu nhập chính chỉ mỗi trông chờ đồng lương công nhân. Giờ không có việc làm ai nấy đều chới với. Nghề công nhân là vậy. Hồi giờ mấy ai làm nghề này mà giàu có đâu. Còn làm còn có cơm ăn hết làm chỉ có nước đói. 

Những cặp vợ chồng làm công nhân có con có cái cuộc sống lại càng khó khăn. Chi phí mỗi tháng của họ phải thêm khoản tiền ăn học con cái rồi tiền thăm bệnh viện khi con ốm đau. Cuối tháng nhận ít triệu mừng quýnh mà có đủ đâu vào đâu. Xoay qua sở lại trắng tay. Tiền nhà có khi còn thiếu. Nói đâu xa, vợ chồng Hạnh Phúc cũng thiếu hai tháng trọ rồi đấy. 

Mà đó là khi có việc làm còn thất nghiệp thì thôi khỏi nói nỗi khổ. Đó là lý do vì sao dù có lúc ngồi khòm lưng cả ngày mệt mỏi, nhưng hễ nghe có tăng ca ai cũng ráng làm thêm kiếm ít đồng. Tiền với người công nhân quý đến từng cắt. 

Từ bữa khó khăn đến giờ cái lưng Hạnh không mỏi mà đôi vai lại nặng đau. Bao nhiêu lo toan từ điện nước, tiền ăn, tiền phòng trọ rồi gửi về quê chút ít cho ba mẹ mỗi tháng một mình Hạnh kham hết. Người ta nói nào sai : “Đồng tiền là huyết mạch”. Trong những lúc khó khăn như thế này, nếu không có bàn tay khéo léo xoay sở của người vợ có khi thâm nợ. Từng khoản chi tiêu phải đặt lên bàn cân mà tính toán tiết kiệm chứ không thể cứ u u minh minh được. Nhưng ông bà xưa đã dạy: “Ăn không lo của kho cũng hết”.  Dư chút ít gì đó cứ lấy ra ăn dần ăn mòn trước sau túi cũng cạn. 

Hơn ai hết, thằng Phúc biết rằng lúc đi làm còn ăn ngày ba bữa giờ thất nghiệp hai bữa cũng đã là khó khăn. Cá thịt thay chỗ cho rau mắm trong bữa cơm. Nuốt không nổi thì chế mì làm canh. Thỉnh thoảng mới dám mua ít thịt về kho ăn nhín nhín qua ngày. 

Hai vợ chồng mới hai mấy tuổi mà nhìn cứ nghĩ bốn mươi. Cây đói phân nước cây mau cằn cỗi, người khổ quá người mau già. Mà thằng Phúc trông già hơn vợ. 

Có người nói: “Thằng Phúc có phước lắm mới lấy được người vợ như thế”. Hạnh là con nhà nông chính gốc giỏi chịu khó chịu khổ. Hồi còn con gái, việc đồng áng bao nhiêu Hạnh cũng làm thay mẹ hết. Bà con ai nấy đều khen. Bây giờ có chồng càng nặng gánh mưu sinh cứ lo đi làm suốt ngày quên cả thanh xuân, quên cả sức khỏe. 

Nghề may không đòi hỏi sức lực bốc vác hay dãi nắng dầm mưa. Dẫu vậy, cường độ công việc cũng là rất lớn, đặc biệt là ngồi nhiều. Phụ nữ mà ngồi nhiều lại hay sinh bệnh trĩ và đau lưng. Vợ thằng Phúc thỉnh thoảng cũng bị nhưng giấu nhẹm không cho chồng biết. Tội nghiệp con nhỏ. Nó sợ nói ra chồng lo. Nó sợ đi khám tốn tiền khiến gánh nặng tài chính càng thêm khó khăn. Biết làm sao được. Đau cũng ráng, nhức cũng cố làm kiếm tiền. Ví như bây giờ thất nghiệp có muốn nhức mỏi để ngồi may cũng chẳng được. 

Ngồi một mình trước cửa ngó ra mặt mày Hạnh buồn thiu. Tết nhất sắp tới nơi rồi mà tiền bạc eo hẹp không biết năm nay có về quê được không. 

Hai năm đại dịch đã khó khăn trăm bề phải chịu cảnh ăn Tết xa quê. Hy vọng năm nay có điều kiện hơn sẽ về mà ngó chừng khó quá. 

Nếu chỉ xách hai cái mạng về không thì nói làm gì. Mỗi lần về mỗi lần tốn kém đủ thứ. 

Nào là tiền xe ra xe vô, nào là sắm sửa cho gia đình ba mẹ hai bên. Rồi ngày Tết về thăm nội ngoại quà cáp, lì xì. Lì xì cho lớn, lì xì cho nhỏ. Tính ra có khi bay cả chục triệu đi lên chứ không phải ít. Nếu  năm nay tình hình căng quá chắc lại lỗi hẹn với gia đình thôi. Nghĩ tới cảnh đoàn viên lòng Hạnh lại se chạnh.

Hạnh nhớ bóng dáng mẹ gầy vào ra mỗi sớm ngóng đợi con về. Hạnh thương hai mùa xuân qua mẹ lủi thủi ăn Tết một mình không có cháu con nào về sum họp. Hạnh thèm cái mùi thơm nồi bánh chưng quê nhà mẹ nấu. 

Trời đã chuyển mình sang tháp Chạp. Vậy là còn một tháng nữa tới Tết. Nghĩ đến cảnh Tết lòng bà Ba lại rộn ràng. Già rồi, còn gì vui bằng hơi ấm đoàn viên trong những ngày Tết ngắn ngủi . Với riêng bà, lòng càng thèm ước biết bao khi mà đã hai năm ròng bà chẳng biết mùi vị Tết đoàn viên là gì. 

Nhà nghèo lại neo đơn chứ có đông đúc con bầy cháu đống như người ta đâu. Ngày trẻ, bà mải lo làm kiếm tiền nuôi các em ăn học quên cả hạnh phúc riêng tư. Đến khi ngoảnh nhìn xuân thì mới hay quá tuổi yêu đương. Nhưng đời người phụ nữ có thể không chồng không thể nào không con. Nghĩ vậy, bà cũng tự túc được một đứa. Trời thương nắn nót ra thằng con trai khỏe mạnh. Bà tên là Phúc. 

Thằng Phúc lớn lên học hành chẳng được bao. Phải mà nổi trội như người ta đời nó đâu nỗi khổ. Nghiệt nỗi đầu óc tăm tối học đằng trước quên đằng sau. May nhờ con mắt tinh khôn liếc ngang nhìn dọc trong giờ thi viết được ít chữ mới có cơ hội cầm tấm bằng tốt nghiệp sau mười hai năm miệt mài đèn sách. 

Học dở, giỏi yêu. Mười tám tuổi nó cũng biết rung động con tim và bồi hồi xao xuyến là gì. Mà người nó thương nhớ nhất là Hạnh. 

Hạnh học hành cũng chẳng giỏi hơn ai. Cảnh nhà không khác gì thằng Phúc – một mẹ một con với đời nghèo. Hai đứa mà đến được với nhau xem ra cũng môn đăng hộ đối. Rồi chuyện gì đến cũng đến. Hạnh và Phúc về chung một nhà. Ngày đám cưới ai cũng chúc mừng đôi bạn trẻ và tin rằng bọn nó sẽ hạnh phúc bởi ghép cặp đã thành Hạnh Phúc rồi kia mà. 

Nhưng đôi lứa đủ trưởng thành để hiểu rằng hạnh phúc chỉ bền lâu khi kinh tế phải thật sự vững chắc. Suốt ngày gọi nhau em Hạnh anh Phúc có giúp no bụng ấm túi đâu. 

Bước ra đời mưu sinh là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời mỗi con người. Đôi vợ chồng trẻ này phải suy nghĩ khá kỹ về cái nghề mình sẽ theo đuổi để kiếm sống. 

Nhìn qua ngó lại ở vùng quê còn gì khác ngoài làm nông. Nghề nông là gốc quanh năm cấy cày. Ông bà xưa bảo thế rồi. Nhưng đó là lớp trước. Trẻ trung bây giờ bay nhảy kiếm gì làm chứ chân lấm tay bùn dễ gì chịu nỗi. 

– Sắp tới bọn con vô Sài Gòn đó nghen mẹ – thằng Phúc thông báo cho mẹ hay. 

Vậy là đôi vợ chồng son đã chọn bến đỗ. 

Không có gì lạ khi đó chính là Sài Gòn. Nơi ấy đất rộng người đông tập trung nhiều công ty, dịch vụ dễ kiếm việc làm. Thảo nào, mười người xa quê có tới tám người vào đây đi học, đi làm. 

Tiếng là đã lập gia đình nhưng hai mấy tuổi đầu hãy còn lắm ngây thơ. Chưa biết làm nghề gì nhưng nghe đi xa, bà Ba đâm lo : 

– Bọn con tính làm gì trong đó? Sài Gòn nhiều cạm bẫy lắm các con à. 

Thằng Phúc ngồi gần trấn an mẹ : 

– Không sao đâu mẹ. Người ta thích nghi được bọn con thích nghi được. Còn làm công chuyện gì vô đó rồi tính. Trong Sài Gòn người ta tuyển công nhân thiếu gì. 

Khuôn mặt già nua điểm những chấm đồi mồi vẫn không giấu được lo lắng. Thằng Phúc gượng cười cầm tay mẹ hiền : 

– Mẹ không nghe người ta nói sao? “Đi cho biết đó biết đây, ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn”. Con cái trưởng thành trước sau gì cũng phải như chim vỗ cánh tung bay rời xa tổ ấm để tự lo cho bản thân. Mẹ đồng ý cho bọn con đi nghen. Tết bọn con sẽ về mà. 

Biết làm sao được. Lòng mẹ ý con cũng đành. Vậy là bà để hai đứa đi. Kể từ ấy đến nay sắp gân ba xuân. Ba xuân biết mấy hoa đào, hoa mai nở. Ba xuân biết mấy hơi thở lặng lòng. Bà càng tủi mỗi khi nghe ai đó mở đĩa hát rằng: “Năm trước con hẹn đầu xuân sẽ về. Nay én bay đầy trước ngõ mà tin con vẫn xa ngàn xa”.

Ngay lúc đó, người ta hay đùa với bà bằng câu hát chế: “Nếu con không về chắc mẹ buồn lắm. Nhưng nếu con về mẹ lại không vui”. Ý rằng mẹ không vui bởi túi con không được đầy. Nhưng đó là người ta hát vậy thôi. Người mẹ nào trông con về với cục bạc thật to đâu. Tiền bạc đồng ý quan trọng nhưng đó không phải điều người mẹ mong muốn nhất. Thấy con cái có công ăn việc làm và mạnh khỏe về đủ đầy là vui mừng rồi.  

Hai năm trước đại dịch không nói gì chứ năm nay tình hình đã ổn thế nào con ruột con dâu cũng sẽ về. Bà nhủ lòng tự tin như thế rồi nở nụ cười móm mém bên hiên đếm ngày tháng tới. 

Người ta có tiền ăn bún, phở thật sang. Sáng nay, hai vợ chồng thằng Phúc mỗi đứa một tô cơm ăn với trứng luộc. Đi làm ăn cơm mới chắc bụng. 

Nói đến đi làm Hạnh mừng hết lớn. Cả tháng nghỉ việc nay nghe công ty báo đi làm tâm trạng hớn hở hẳn. So với mọi năm, đơn hàng có ít đi đôi chút nhưng thà có còn hơn không. Năm hết Tết đến rồi lo làm kiếm ít đồng. 

Hạnh tính rồi. Nếu công việc cơ bản ổn định cộng với tiền thưởng năm nay có thể về quê được. Về quê, Hạnh sẽ mua biếu tặng hai người mẹ mỗi người một bộ áo dài nhung, vài lốc sữa Ensure và hộp bánh Danisa. Già rồi, mua mấy cái đó là phù hợp nhất. Thế nào hai người cũng ưng ý. Tưởng tượng ra hình ảnh khuôn mặt đầy rạng rỡ của hai người mẹ Hạnh lại phấn khởi tinh thần và khéo léo làm nốt phần việc còn dở dang. 

Nhưng ở đời người tính không bằng trời tính. Sự việc xảy ra vào ngày hai mươi tháng Chạp coi như dập tắt mọi hy vọng về quê. 

Hôm đó, thằng Phúc đi làm về chẳng biết trời xui đất khiến sao gặp phải cái thằng say xỉn bị nó tông. Xe người lăn lóc giữa đường. Thằng say không bị sao mà thằng Phúc… sao đầy người. Những vết trầy xước, những giọt máu đỏ in trên con người khốn khổ càng làm cho số phận thêm khổ khốn. Tệ hại đến mức thằng Phúc phải bó bột nằm chèo queo thấy tội. Đúng là đã nghèo lại gặp cái eo. 

Hạnh thấy cảnh chồng vậy chỉ biết khóc thôi. Từng giọt từng giọt mặn đắng lã chã rơi thấm áo. Nó than thở sao mà số khổ quá không biết. Anh chị em chung dãy trọ thấy vậy khá thương. Người đến thăm mua lốc nước, kẻ không có gì thì cho lời an ủi nó cũng vơi buồn. 

Ở đây là vậy. Người ta có thể nghèo tiền thiếu bạc chứ tình nghĩa thì không. Hoàn cảnh ai cũng như ai nên hiểu và cảm thông hết. Tình cảm ấm áp đó sưởi ấm phần nào trái tim những người ăn Tết xa quê như vợ chồng Hạnh Phúc. 

Vậy là đôi vợ chồng trẻ quyết định năm nay không về quê. Cũng như hồi chọn lựa mảnh đất Sài Gòn làm nơi kiếm sống, để đưa ra quyết định lần này hai vợ chồng đã suy nghĩ nhiều đêm. Dù thật sự rất buồn nhưng không thể nào khác được. 

Trước đó vài ngày hai đứa đã gọi về quê cho hai mẹ già biết để thôi ngóng trông mỏi mòn.

Hạnh gọi cho mẹ ruột : 

– Mẹ ơi, Tết năm nay bọn con lại lỗi hẹn với gia đình mình rồi. Hoàn cảnh như mẹ đã biết. Bọn con không thể về được mong mẹ hiểu giùm ạ.  Ở đây, nhiều anh chị khó khăn quá cũng ở lại thêm một năm.

Người mẹ đã ngoài sáu mươi tóc hơi điềm bạc lắng tai nghe từng lời con gái nói rồi động viên nó : 

– Mẹ hiểu mà. Thôi, hai đứa ở lại ăn Tết với mọi người vui vẻ nghen. Đừng lo gì cho mẹ hết. 

– Dạ. Con cảm ơn mẹ. Hai vợ chồng con chúc mẹ năm mới thêm tuổi thêm nhiều sức khỏe và niềm vui ạ.

– Ừ, mẹ cảm ơn con gái. Thôi vậy nghen. Mẹ cúp máy đây. 

Trong khoảng lặng đến lạ kỳ, hai con người ở hai miền xa xôi như nghe được hơi thở của nhau. Không thanh âm. Không chuyển động. Nhưng rung cảm tận sâu trái tim. 

Ngay liền sau đó, ở đầu dây khác một giọng nói thân quen cất lên: 

– A lô ! Mẹ hả mẹ? Con Phúc đây. Con gọi về báo cho mẹ biết năm nay hai đứa con chắc phải nợ mẹ một mùa xuân nữa. Thất nghiệp rồi tai nạn vừa rồi thuốc men đủ thứ nên..

Nghe bấy nhiêu thôi bà Ba hiểu hết mọi sự, bà ngăn lời đứa con: 

– Mẹ không giận gì hai đứa đâu. Được nghe giọng nói biết con mạnh khỏe là mừng lòng lắm rồi. 

– Dạ, con cảm ơn mẹ. Tết này bọn con không có gì gửi tặng mẹ chỉ mong mẹ bước sang năm mới được trời ban cho nhiều sức khỏe là nhất ạ. 

– Mẹ cũng mong thế thôi. Phải có sức khỏe để năm sau cùng ăn Tết với dâu con nữa chứ. Mẹ cũng chúc hai đứa năm mới mạnh khỏe, đong đầy hạnh phúc và công việc ổn định. Thôi, nói bấy nhiêu được rồi. Nói nhiều tốn tiền của con. 

– Dạ, mẹ…

Thằng Phúc định nói thêm gì nữa nhưng đầu dây bên kia đã im tiếng. Chao ôi, gặp trực tiếp đã khó nói qua điện thoại lại chẳng được bao nhiêu. Con đây mẹ đấy tuy gần mà xa. 

***

Ba mươi Tết không khí làng quê rộn ràng. Người mua kẻ bán tấp nập ngày cuối năm. Bà Ba ăn Tết một mình chẳng cần gì nhiều. Cũng chỉ ba hôm rồi hết không khí thôi mà. Bà mua ít thịt và mấy đòn bánh tét cho có cái gọi là hương vị Tết vậy. 

Phải như hồi còn trẻ bà chẳng phải mua bánh tét làm gì. Bởi bà có tài nấu nướng lắm. Bà nấu món nào cũng ngon mà ngon nhất là món thịt kho tàu đậm chất miền Tây. 

Thực ra, quê ngoại của bà gốc ở đó. Mẹ bà vì có chồng xứ Quảng mới theo về đây. Từ ngày ba mẹ mất bà chưa lần về thăm lại vùng đất bưng biền. Mấy mùa trôi cái hương vị Tết ở xứ sở sông nước thật nhạt nhòa. Hôm rồi có bà hàng xóm hỏi thăm : “Tết này chị có về miền Tây không ?”. Bà Ba ngậm ngùi : ” biết còn ai dưới đó nữa mà về thăm”. Nói xong tự dưng khóe mắt cay cay.

Tết với bà chỉ ý nghĩa khi ở nơi này thôi. Bây giờ bà coi đây là quê hương. Và cũng chính nơi đây bà có gia đình với đứa con ruột và con dâu. Năm nay bọn nó không về bà lại buồn. Nỗi nhớ cố hương ít mà nhớ con lại nhiều. Chiều cuối năm bà đưa mắt nhìn về phương trời xa xăm bâng khuâng, bồi hồi. Chợt lúc đó có người đem đến giao cho bà một thùng hàng nho nhỏ và nói : 

– Dạ, bác có quà gửi từ Sài Gòn về đây ạ. Hình như con trai bác gửi ạ. 

Bà nhấp nháy đôi mắt rồi bừng sáng bất ngờ : 

– Thiệt hả cháu ? Mà sao cháu biết ? 

Người giao hàng chỉ tay vào thông tin in trên kiện hàng : 

– Ở đây có ghi rõ ràng ạ. Người gửi tên là Lê Đức Phúc và có ghi thêm trong dấu ngoặc là: “Con trai của mẹ”. Chắc là quà Tết đó ạ. Thôi bác cứ từ từ mở ra coi đi. Chúc bác năm mới nhiều sức khỏe. Cháu đi đây. 

Bà Ba gọi theo nhưng bóng người đã khuất mờ. Bà mở hàng ra xem và ngạc nhiên khi thấy bên trong có một bộ áo dài nhung tím thật đẹp còn có thêm hai lốc sữa Ensure và một hộp bánh Danisa. Bà cười mà nước mắt cũng rơi : “Tội nghiệp. Không về được lại mua quà tặng mẹ. Tiền bạc khó khăn mà mua đủ thứ vầy đây. Cái thằng tính ra cũng có hiếu”. 

Ở bên nhà bà sui cũng vừa có người đem hàng giao. Người gửi là con gái tên Trần Thảo Hạnh. Người mẹ già bên ấy cũng mừng mừng tủi tủi thương con.

Ai biết những món quà nho nhỏ ấy được mua từ tiền thưởng Tết của Hạnh. 

Nói đến chuyện thưởng Tết ban lãnh đạo công ty phải tính toán kỹ lắm mới có cái khoản hai triệu gọi là thưởng tượng trưng này đây. Tình hình công ty khó khăn ai cũng rõ nhưng không lẽ ngày Tết công nhân không được thưởng đồng nào cũng thật tội. Công ty phải xin phía cung cấp nguyên liệu kéo dài thời gian thiếu nợ thêm một chút rồi lại tranh thủ thu hồi nợ của khách hàng để có chút kinh phí hỗ trợ thưởng Tết. Món quà không nhiều nhưng là cả sự nỗ lực của công ty. Công nhân ai nấy đều vui và trân quý. 

Hạnh nhận số tiền ít ỏi ấy mừng như trẻ được quà mà không dám tiêu lấy một đồng. Hạnh về bàn với chồng : 

– Số tiền này em tính mua mấy món quà biếu Tết cho mẹ hai đứa mình. Có quà hai mẹ sẽ vui phần nào. Anh coi em tính vậy được không ?

Thấy vợ nói có lý có tình thằng Phúc đồng ý ngay. Sài Gòn đón Tết có thể đơn sơ cũng chẳng để quê nhà thiếu hương vị trên môi mẹ già. 

Giao thừa đã điểm. Trời khuya, pháo hoa nổ vang rền trời rực rỡ sắc màu kì diệu. Trong khoảnh khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới đầy thiêng liêng, bên mâm cơm đạm bạc vợ chồng Hạnh Phúc bỗng thấy hạnh phúc và ấm lòng khi nghe trong tiếng pháo xen lẫn đâu đó tiếng cười giòn tan của hai người mẹ thân yêu ở quê nhà.

Đồng hành cùng Chương trình.Đồng hành cùng Chương trình.