Truyện ngắn: Tết này con không về

image

Xóm Bún đêm hai mươi chín tràn ngập mai vàng. Người người nối nhau đi chợ Tết trên những con đường xi măng to rộng mới khánh thành vài bữa nay. Tiếng cười nói cứ râm ran không dứt, mới 2 giờ khuya mà người ta đi chợ nườm nượp. Dân xóm này hình như đã quen rồi chuyện đi chợ Tết nửa đêm. Tết này mừng lắm. Vậy là không còn cảnh cầu tre lắt lẻo, đường sình trơn trợt. Tụi con nít khoái quá cười chúm chiếm rồi hè nhau chạy tứ tung trên những tuyến đường nông thôn, chạy ù qua những cây cầu to tướng bắc ngang sông. Lần đầu tiên chúng không còn phải đi qua chiếc đò ngang của ông Tư Bánh Tét. Và cũng là lần đâu tiên, chúng thấy chiếc xe hơi bốn bánh qua sông chạy bon bon trên cái xóm nghe nói nghèo nhất tỉnh này.

 

Bà Tám đốt nhang trên chiếc bàn thờ cũ kỹ đặt giữa nhà rồi thì thầm khấn nguyện:

– Ông có linh thiêng “dìa” đây chứng giám, ăn bữa cơm cuối năm với tui. Bữa nay hăm chín tết rồi. Năm nay thằng An hổng có về ăn tết. Tui buồn lắm khóc hết nước mắt. Thôi nó nói vậy thì nghe vậy chớ biết sao “bi giờ”.         

Nói xong bà vặn lớn cái tim đèn hột vịt nhỏ xíu trên bàn thờ tạo khoảng sáng vàng vọt, nho nhỏ in trên tấm vách lá phía sau bàn thờ. Nén nhang thơm tỏa ra những làn khói trắng bay lơ lững quanh nhà. Di ảnh của người chồng quá cố cự chập chờn, lung linh trong khoảng ánh sáng mờ đục. Đã hai mươi tám năm qua, tết nào bà cũng làm món cà ri vịt và mắm ba khía để cúng chồng, những món ăn mà ông rất thích ăn ngày tết. Vậy mà…

         Tiếng ai bước khe khẽ trước khoảng sân trống trước nhà làm bà giật mình. Bà tiến đến bến khung cửa hỏi lớn:

        – Ai tới đây giờ này? khuya lơ khuya lắc vậy cà.
        – Con đây bác Tám ơi! Duyên đây. Bác mở của cho con vô.

        – Duyên hả ? Trời dất. Bây đi đâu tối thui tối thùi vậy? Thôi vô đi con.
        Bà mở cửa. Duyên khệ nệ mang vào lỉnh kỉnh thức ăn với mấy bó bông Vạn Thọ và hủ mứt dừa đặt lên chiếc bàn giữa nhà rồi nói:

        – Con đem qua biếu bác nồi thịt kho hột vịt ăn với dưa giá, sẵn đem mấy bó bông con trồng sau hè và hủ mứt con mới “sên” hồi chiều, bác nhận cho con vui. 
       – Mèn ơi. Bây qua chơi là bác mừng lắm. Bánh trái chi cho nó lu bu. Mà sao bây biết bác cúng “dắt” này mà qua vậy? Bà Tám hỏi nhỏ nhẹ.
       – Dạ. Năm nào mà Bác hổng cúng “dắt” nầy. Ở mé sông bên kia con thấy đèn trên bàn thờ nhà bác sáng lên là con qua.

      – Tội nghiệp chưa. Vậy mà….vậy mà…Nói đến đó bà ngập ngừng rồi im lặng như cố dồn nén những cảm xúc của mình đang tràn lên lồng ngực.
      – Vậy mà sao. Bác nói con chưa hiểu. Duyên hỏi.

      – Thì bác nói vậy mà năm nay thằng An hổng “dìa” ăn tết. Bác buồn thúi ruột, thúi gan luôn. Nhớ thằng nhỏ quá. Cha nó. Lớn “chồng ngồng” rồi mà như còn con nít. Nói tới chuyện vợ con thì nó đánh trống lãng hoài. Bác nói thiệt nghe. Bây cũng lớn rồi cũng lo tính chuyện chồng con đi. Hơi sức đâu mà chờ nó. Cái thằng lầm lầm lì lì khó ưa lắm.

       – Thôi bác ơi!. Chuyện chồng con là chuyện duyên nợ. Nếu có thì sớm muộn gì thì tụi con cũng thành vợ, thành chồng. Duyên đáp lí nhí pha lẫn chút hờn mác, tủi buồn.

        Thấy Duyên loay hoay thắp mấy cây nhang lên bàn thờ, bà thấy thương nó nhiều quá. Hai mươi chín tuổi rồi chớ có ít ỏi gì đâu. Hồi nhỏ như bà, cỡ tuổi đó mà không có chồng thì coi như ở giá suốt đời. Đi đâu chòm xóm cũng dị nghị, chê cười, nói xiên, nói xỏ đủ điều cay đắng. Vậy mà sắp qua cái tuổi ba mươi mà Duyên vẫn chờ vẫn đợi thằng con trai của bà. Tội nghiệp. Con nhỏ mồ côi cha mẹ hồi mới lọt lòng. Ngoại nó đem về xóm Bún này nuôi. Nhiều lần nó khát sữa khóc tím mình, tím mẩy, bà phải bơi xuồng qua sông cho nó bú “thép”. Lạ. Bú một chút là con nhỏ nín khe. Chắc nó muốn chừa phần sữa cho thằng An – con bà, đứa trẻ cũng vừa mồ côi cha mấy tháng trước đây do một vụ tai nạn giao thông.

      Bà nhớ hoài cái ngày tang thương hai mươi tám năm về trước. Hàng xóm báo tin ông bị xe hơi bốn bánh đụng chết khi đang đi bán vé số dạo ờ ngã tư huyện. Chết vào chiều 29 Tết. Bà đứng như tượng đá, nước mắt lưng tròng. Rồi hai mẹ con sẽ sống ra sao? Thằng An như thế nào khi không có cha? Bà xỉu lên xỉu xuống và không ăn uống mấy ngày liền. Đám tang nghèo diễn ra thật buồn và đầy nước mắt. Người gây tai nạn tìm đến nhà bà năn nỉ van lơn. Ông ta cũng là người lái xe thuê với đồng lương chết đói nhưng dè xẻn đủ đường nuôi hai đứa con bị ảnh hưởng chất độc da cam – hậu quả của tháng ngày ông xung phong đi bộ đội đánh Mỹ ở miệt Phước Long, Xuân Lộc. Giận thì giận mà thương thì thương. Dù gì bà cũng là phụ nữ. Mà phụ nữ thì hay thương người và tha thứ dù là chuyện tày trời. Bà làm đơn bãi nại và không nhận số tiền mấy triệu đồng tiền bồi thường nhân mạng. Nghe đâu người tài xế ấy đã bán cái bàn thờ gia tiên và một công đất dưới quê để có được số tiền ấy. Thôi nhận làm chi. Người ta cũng khổ như mình, có khi hơn mình nữa là đằng khác. Ở hiền thì gặp lành. Người chết có sống lại được bao giờ. Vậy là hai mươi mấy năm qua, cứ ngày 29 Tết, người lái xe oan nghiệt ấy đến nhà mang theo hoa tươi và đồ cúng giỗ người đã khuất.

       Hai mẹ con bồng bế nuôi nhau trong căn nhà trống lạnh thiếu trước hụt sau. Lạ lắm. Thằng An lớn nhanh như thổi và giống cha nó như đúc. Giống từ tướng đi, mặt mày, tánh nết làm bà cũng đỡ nhớ chồng. Nó mạnh cuồi cuội không thấy đau ốm gì. Có lẽ nó hiểu rằng lỡ có bệnh thì hai mẹ con biết lấy đâu ra tiền chữa chạy. Bên kia sông, con Duyên cũng lớn nhanh không kém. Trời xui đất khiến, hai đứa nhỏ cùng học chung lớp, chung trường từ tiểu học tới tú tài. Mồ côi mà học thiệt giỏi khiến bạn bè, cả xóm khen tấm tắc. Tội nghiệp thằng An, hết tú tài thi đậu trường trung cấp kỹ thuật nhưng nghèo quá nên nó nghỉ ngang rồi theo đám bạn đi làm hồ, bốc vác gạch để có tiền nuôi mẹ. Mỗi lần có tiền nó lại năn nỉ:

     – Mẹ đi chợ mua gì thì tùy ý thích. Mẹ đừng giận con. Con cố gắng hà tiện lắm chỉ có bấy nhiêu. Nó nói lí nhí như người có lỗi.

      – Sao con lại nói vậy. Con là đứa con ngoan, hiếu thảo, con đâu có lỗi gì đâu. Bà khuyên con.

       Con Duyên đậu tú tài rồi đi học sư phạm, ra trường nó dạy ở dạy ở đầu vàm. Ngoại nó mất, một mình nó thui thủi một mình trong căn nhà trống vắng. Lúc rãnh rỗi nó qua nhà hủ hĩ với bà và thằng An coi bộ hai đứa nầy thương nhau lắm đây. Công chuyện làm dưới quê hết dần. Thời buổi nầy người ta ít thuê mướn nhân công lắm, thay vào đó máy móc tối tân. Thằng An thất nghiệp. Nó theo tụi bạn lên Bình Dương nghe nói làm trong khu công nghiệp gì đó, mỗi tháng nó gởi về cho mẹ hai triệu đồng để bà xoay sở.

      Nhiều đêm, con Duyên bơi xuồng qua chơi thủ thỉ với vẻ lo lắng, giận hờn. Nó nói:

      – Con lo quá, mỗi lần coi cải lương hay nghe bài hát “chuyện tình Lan Và Điệp” con khóc muốn chết vậy đó bác.

     – Sao vậy?

     – Con sợ anh An lên “trển” rồi mê bóng sắc như Điệp rồi bỏ con luôn.

     – Bây ăn mắm, ăn muối nói bậy, nói bạ hổng nên. Thằng An nghèo muốn chết, mà nó có thương ai ngoài con đâu. Bà an ủi vỗ về.

     Tết năm nào thằng An cũng về quê ăn tết, hai đứa quấn quýt suốt ngày không rời nhau nữa bước. Nhiều lần bà khuyên con:

      – Mình nghèo. Mình tổ chức đám cưới sơ sài. Làm một mâm cơm cúng vái cha bây và cha mẹ con Duyên là xong. Chớ để vầy hoài chòm xóm họ dị nghị.
     – Thôi để từ từ đi mẹ. Tụi con còn trẻ mà. Cố gắng hà tiện để giành ít tiền rồi làm luôn. Con thì sao cũng được. Tội nghiệp Duyên dù gì cũng là cô giáo, tổ chức “tệ” quá tội nghiệp Duyên.

     Thấy hai đứa nhỏ ngần ngừ, thoái thác nhiều lần. Bà lặng yên không nói.
     – Gần sáng rồi, bác nghỉ ngơi cho khỏe. Để con dọn dẹp nhà cửa rồi về “bển” mai con qua chơi với bác cho đỡ buồn, đỡ nhớ anh An. Tiếng của Duyên đưa bà về thực tại.

     Nói đoạn, Duyên nhanh nhẹn dìu bà đến nằm trên chiếc giường tre ở góc nhà rồi thu dọn nhà cửa, chuẩn bị hâm nóng thức ăn để cúng buổi sáng mai. 
      Ở vách buồng, trong cái khuôn ảnh cũ mèm, hình An đang nhìn Duyên với nụ cười xin lỗi. Người gì đâu thấy ghét quá trời. Cứ lầm lầm, lì lì có trời mà biết dễ hay khó tánh. Hôm qua nhận quà và ba triệu đồng của An gởi về cho bà Tám, Duyên còn nhận một cuộc gọi xin lỗi của An sẽ vắng mặt ở quê nhà vì phải tăng ca cho xí nghiệp đầu xuân. An nói làm thêm ngày tết để có tiền cho mẹ sửa lại mái nhà đã dột nát nhiều nơi. Ngoài giờ làm việc, An còn làm thêm việc giữ xe cho các điểm du lịch ngày xuân.

      Giận thì nói vậy, chớ Duyên hiểu và thương An nhiều lắm. Giờ nầy giữa chốn thị thành phồn hoa đô hội, chắc An cũng đau đau nhớ quê, nhớ mẹ cô đơn ngày tết và nhớ nhất là khuôn mặt của một cô giáo mồ côi đang thao thức mong chờ ngày anh về với quê hương, xứ sở.