Truyện khoa học viễn tưởng Việt hút độc giả

TP – Có hẳn một đội ngũ độc giả và fan hâm mộ riêng, sách được đặt trước hàng tháng trời mặc dù mới ra tập đầu tiên và có giá “hơi chát”, bộ truyện khoa học viễn tưởng Việt “Ác quỷ rừng phế tích” (Aftermath Saga) đã tạo ra một hiện tượng xuất bản mới khiến nhiều người trẻ phấn khởi share: “Tự hào quá Việt Nam ơi”!

Việt Nam chả có mấy người viết sci-fi

Tiểu thuyết khoa học viễn tưởng (science-fiction, viết tắt là sci-fi) vốn không phổ biến ở Việt Nam. Trong khi nhu cầu đọc thể loại này vẫn tồn tại. Những độc giả đam mê sci-fi chỉ có thể tìm thỏa mãn ở những tác phẩm của Mỹ hoặc Nhật, song tương đối tréo ngoe, tiểu thuyết rất ít, chủ yếu là phim ảnh và truyện tranh.

Truyện khoa học viễn tưởng Việt hút độc giả ảnh 1

 Tác giả Nam Thanh và Nguyễn Thành Phong

Tác giả Nam Thanh lý giải về cú mạo hiểm khi chọn đề tài sci-fi mặc dù bị không ít bạn bè bảo là “điên rồi, hâm rồi, có viết cũng chả xuất bản được”: “Trong khi Nhật Bản nổi tiếng với đa dạng các thể loại truyện tranh, tiểu thuyết Trung Quốc tỏ ra mạnh mẽ với các thể loại tiên hiệp thì ở Việt Nam, chúng ta hầu như chưa có những dòng tác phẩm kỳ ảo/ viễn tưởng cho riêng mình. Nói trắng ra, nỗi sợ lớn nhất khi viết và xuất bản sci-fi ở Việt Nam là do nó vốn chưa có tiền lệ. Các nhà xuất bản thường chọn phương án an toàn là nhập các tác phẩm sci-fi đã có tiếng trên thế giới về bán hơn là trao cho các tác giả trẻ một cơ hội chứng minh khả năng”.

Khi Nam Thanh khởi động dự án “Ác quỷ rừng phế tích”, rất ít người tin tưởng anh sẽ
thành công.

Chuỗi tác phẩm dự định có 7 tập, lấy bối cảnh thế giới ở thế kỷ 23 và lấy mốc khởi đầu là sự kiện thảm họa nhà máy điện hạt nhân Chernobyl (1986). Theo dòng câu chuyện, người đọc sẽ dần tiếp cận với một thế giới vô tiền khoáng hậu với “Hạt Temno” – thứ vật chất thao túng sinh mệnh của vạn vật và công nghệ thao túng trí não mang tên “Aftermath” cùng những chủng loài sinh vật hoang dã dần có được trí tuệ như con người. Kể từ đây, một thế giới rộng lớn với đầy rẫy những biến động căng thẳng được mở ra, hé lộ nên âm mưu thống trị thế giới của một kẻ phản diện “bất tử”.

Khi Nam Thanh liên hệ một số nhà xuất bản để tìm đầu ra cho tác phẩm thì đều gặp những phản ứng e dè, đa số các đơn vị xuất bản tỏ ra nghi ngờ về sự tồn tại của một “thị trường đọc sci-fi” ở Việt Nam.

Giám đốc một đơn vị xuất bản (giấu tên) kể rằng, khi được tác giả chào hàng cuốn sci-fi này, anh đã biết rằng, đơn vị mình không làm được, không chỉ vì khó khăn trong việc tiếp cận nhóm độc giả đích, đa số công nghệ xuất bản ở Việt Nam hiện nay vẫn còn loay hoay với cách thức tiếp cận nhóm độc giả này: tuổi trẻ (từ 13-33 tuổi), giỏi công nghệ, giỏi ngoại ngữ và khao khát kết nối với thế giới.

Tác giả “mới tinh”

Nam Thanh là một cái tên gần như còn “mới tinh” trên văn đàn Việt Nam. Trước đó, anh có hai tác phẩm là “Hỏi xoắn đáp cong” (2017) và “Summer Day no. 501” (2018) nhưng chưa thực sự gây được dấu ấn trong lòng độc giả. Rất may, khi Nam Thanh tìm đến Comicola (đơn vị xuất bản truyện tranh Made in Vietnam nổi tiếng nhất hiện nay, rất thành công với các dự án gây quỹ cộng đồng trong xuất bản), thì nảy ra sự hợp tác với tác giả Nguyễn Thành Phong.

Truyện khoa học viễn tưởng Việt hút độc giả ảnh 2

“Ác quỷ rừng phế tích” – cuốn tiểu thuyết sci-fi hiếm hoi ở Việt Nam

Và cũng giống như trong điện ảnh, cái tên Thành Phong trong thị trường truyện tranh chính là một loại “sao” để quảng cáo và bán vé. Nhắc lại, Thành Phong chính là tác giả của “Sát thủ đầu mưng mủ”, “Thương nhớ thời bao cấp” và bom tấn “Long Thần Tướng” đã gặt hái không ít giải thưởng quốc tế. Cũng phải nói thêm rằng, “Ác quỷ rừng phế tích” không phải là truyện tranh, nó là tiểu thuyết, nhưng có tranh minh họa của Nguyễn Thành Phong.

Một số độc giả nghi ngờ về tính thuần Việt của “Ác quỷ rừng phế tích” khi ngay trong tập đầu tiên, bối cảnh câu chuyện đã được khai mở khá rộng lớn ở quy mô toàn cầu. Từ Trung Đông tới Ukraine, từ Hong Kong tới Triều Tiên, các nhân vật ở mọi quốc tịch, thậm chí là chủng tộc. Tác giả Nam Thanh chia sẻ: Sở dĩ tôi chọn bối cảnh đa quốc gia cho một tiểu thuyết khoa học viễn tưởng cộp mác Việt Nam bởi ngay từ đầu, tôi và đội ngũ sản xuất đã định hướng đây là một tác phẩm có thể vươn ra thế giới nếu được sự ủng hộ, yêu mến trước hết từ chính sân nhà.

Để cuốn sách có thể rộng đường chinh phục độc giả, họa sĩ Nguyễn Thành Phong tiết lộ, anh không nhận nhuận bút như các tác phẩm khác mình nhận vẽ. Mức nhuận bút như anh vẫn nhận thường cao và có thể đẩy giá cuốn sách này lên cao hơn, khiến sách khó đến được với độc giả. Vì thế, anh vẽ như một khoản đầu tư và sẽ nhận phần trăm từ tiền bán sách.

“Ác quỷ rừng phế tích” mới chính thức ra mắt vào cuối tháng 6 nhưng đã nhận được phản hồi rất tốt từ thị trường và độc giả. Người quản lý hội “những người hâm mộ sci-fi” với hơn 100 ngàn thành viên đã đánh giá về tác phẩm như sau: “Nhìn chung, đối với một tác phẩm do tác giả Việt (mà có lẽ là một cây bút trẻ) sáng tác, thì tiểu thuyết Aftermath được viết khá chắc tay và có nội dung hấp dẫn. Tác giả cũng tường thuật những phân đoạn giao chiến, đánh tay đôi, đột kích… rất sống động. Đặc biệt, truyện có khá nhiều cú twist (vòng xoắn cốt truyện) hay, tình tiết trở mặt gây bất ngờ được xây dựng vững chắc chứ không phải kiểu “tỏ ra nguy hiểm”. Aftermath là phần một trong một loạt truyện kéo dài chung bối cảnh, và khi đọc đến chương kết tôi cảm thấy khá háo hức chờ phần mới sẽ diễn biến như thế nào”.

ĐẠT NHI