Truyện: Sự Tích Cây Nêu Ngày Tết

Ngày xưa, đất nước bị loài quỷ chiếm đoạt.

Người chỉ được ăn nhờ ở đậu và làm rẽ ruộng đất của quỷ.

Người muốn làm điều gì đều phải chờ lệnh của quỷ.

Có miếng ăn ngon, người phải biếu quỷ trước.

Quỷ đối với người ngày càng tồi tệ.

Mỗi năm chúng lại tăng gấp đôi, gấp ba số của cải người phải cống nạp.

Cuối cùng, chúng bắt người phải chấp nhận thể lệ do chúa quỷ đặt ra là: “Ăn ngọn cho gốc”.

Vì thế sau vụ gặt, người chỉ còn biết ngồi khóc nhìn những cánh đồng mênh mông trơ lại những gốc rạ khô khốc.

Người không còn gì để ăn, để sống, chết đói nhiều vô kể.

Trong khi đó bọn quỷ lại no nê phè phỡn, cười reo đắc ý.

Phật thấy vậy thương người lắm, tìm cách giúp người chống lại lũ quỷ tham lam tàn nhẫn.

Mùa sau, Phật bảo người vun đất thành luống trồng khoai lang.

Quỷ bén mùi quen ăn như vụ trước, khệnh khạng bảo người: “Lần này ta vẫn ăn ngọn, cho các ngươi tha hồ ăn gốc. Nhớ đấy!”.

Đến ngày thu hoạch, người sung sướng gánh những củ khoai nần nẫn về nhà đổ thành từng đống to tướng.

Còn lại vô số những dây và lá khoai là phần của quỷ.

Quỷ tức lắm, nhưng vì thể lệ “ăn ngọn cho gốc” do chúng đặt ra, nên đành cắn răng chịu, không chối cãi vào đâu được.

Chua quỷ giận giữ bắt người phải theo lệ mới: “Mùa này ta ăn gốc, còn phần ngọn cho lũ người chúng bay”.

Phật thấy vậy bảo người lại chuyển sang trộng lúa.

Vụ lúa năm ấy bội thu.

Những hạt thóc vàng óng theo người về nhà, chảy vào đầy bồ, đầy chum.

Từ sớm tinh mơ, nhà nào cũng vang lên tiếng xay lúa giã gạo…

Ngoài đồng chỉ còn trơ những gốc rạ phần quỷ.

Bị hỏng ăn lần nữa, quỷ giận lắm.

Chúng quỷ suy đi tính lại rồi đặt lệ mới: “Vụ này chúng tao ăn cả gốc lẫn ngọn”.

Lần này phật trao cho người hạt giống cây ngô để gieo trồng khắp mọi nơi.

Những bắp ngô không trổ ở đầu cây, cũng không phình ra ở gốc cây mà lớn dần lên ở giữa cây.

Bắp nào cũng mập mạp, đầy hạt chắc nịch.

Trong nhà người, thóc ăn chưa hết thì từng gánh ngô đã ùn ùn kéo về đổ đầy bồ đầy sọt.

Quỷ nhìn cảnh ấy giận lắm, gầm gáo suốt mấy ngày liền,

Cuối cùng chúng bắt người phải trả tất cả ruộng đất, không chừa cho một mảnh nào.

Lũ quỷ rít lên: “Thà chúng tao không được cái gì cả, còn hơn để cho chúng mày hưởng tất”.

Phật bảo người điều đình với quỷ cho tậu một miếng đất vừa bằng bóng một chiếc áo cà sa.

Nghĩa là người sẽ trồng một cây tre trên đó có mắc chiếc áo cà sa.

Hễ bóng chiếc áo tới đâu thì người được quyền sở hữu đất đến đó.

Người đến gặp quỷ xin mua đất, lúc đầu quỷ không đồng ý, nhưng rồi chúng bàn bạc suy tính thấy đất cho người tậu thì ít, mà giá lại rất hời nên nhận lời: “Ồ một mảnh đất bằng chiếc áo cà sa thì đáng là bao nhiêu”. Quỷ nghĩ thế.

Hai bên làm tờ giao ước: Ngoài bóng áo che là đất của quỷ, trong bóng che là đất của người.

Khi người trồng xong cây tre, Phật liền tung áo cà sa bay lên thành một miếng vải tròn.

Rồi Phật lại hoá phép cho cây tre cao mãi, lên đến tận trời xanh.

Bóng áo cà sa dần dần che kín khắp mặt đất.

Bóng áo che tới đâu, quỷ phải dắt nhau lùi tới đó, lùi dần, lùi mãi…

Cuối cùng quỷ không còn đất ở, phải chạy ra biển Đông.

Lũ quỷ hậm hực tiếc đất đai hoa mầu đều thuộc về tay người.

Chúng chiêu tập quân lính xông vào đất liền để cướp đất lại.

Một lũ ác thú hung dữ ào ào xông tới khiến cuộc giao chiến giữa người và quỷ vô cùng quyết liệt…

Phật phải cầm xích giúp người đánh quỷ mới làm cho quân của quỷ không tiến lên được.

Quỷ thấy bất lợi, liền cử quân đi do thám xem Phật sợ gì.

Phật cho chúng biết Phật sợ nhất hoa quả, oản chuối, cơm nắm và trứng luộc.

Phật cũng biết lũ quỷ rất sợ máu chó, lá dứa, tỏi và vôi bột.

Lần giáp chiến sau đó, quân của quỷ khuân rất nhiều hoa quả đến ném Phật.

Phật bảo người nhặt làm lương ăn, rồi đem máu chó vẩy khắp mọi nơi.

Quân của quỷ thấy máu chó sợ hãi bỏ chạy tán loạn.

Lần thứ hai, lũ quỷ đem oản, chuối vào ném Phật.

Phật cũng bảo người nhặt làm lương ăn, rồi giã tỏi phun vào quân của quỷ.

Đám quỷ sợ mùi tỏi, cắm đầu cắm cổ bỏ chạy bạt mạng.

Lần thứ ba, quỷ sai quân ném cơm nắm, trứng luộc vào Phật.

Người được dịp tha hồ ăn rồi dùng vôi bột tung vào quỷ, lấy lá dứa quất chúng túi bụi.

Quỷ chạy không kịp, lại bị Phật bắt đày ra biển Đông.

Họ hàng nhà quỷ van xin Phật cho chúng một năm được vào đất liền vài ba ngày thăm viến phần mộ tổ tiên.

Phật thấy chúng khóc lóc mãi, thương tình chấp thuận.

Vì thế hàng năm, cứ đến ngày Tết Nguyên Đán là ngày quỷ vào thăm đất liền.

Người ta theo tục cũ, trông cây nêu để cho quỷ không dám bén mảng vào chỗ người đang ở.

Trên cây nêu có khánh đất nung, khi có gió rung thì tiếng động phát ra để quỷ nghe mà tránh.

Trên đó cũng còn buộc lá dứa hoặc cành đa để cho quỷ sợ.

Người ta còn vẽ hình cung tên hướng mũi nhọn về phía Đông và rắc vôi bột xuống đất vào những ngày Tết để cấm cửa quỷ.

Cũng từ đấy, mọi người mới được yên ổn làm ăn, cuộc sống mới được ấm no đầy đủ.

“Theo kho tàng truyện cổ tích Việt Nam – NXB Văn Học”