Truyện Kiều: thế giới của lời thề (dịch và nghiên cứu Truyện Kiều ở Nhật Bản gần đây)

Truyện Kiều của Nguyễn Du, danh tác số một của Việt Nam, là tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất: khoảng 20 thứ tiếng với gần 60 bản dịch. Ở Nhật Bản, tác phẩm này được biết từ sớm và rất được yêu thích. Năm 1942 nó đã được nhà văn-dịch giả Komatsu Kiyoshi dịch ra tiếng Nhật. Đây là bản dịch Truyện Kiều ra ngoại ngữ sớm thứ hai sau các bản dịch tiếng Pháp. Tiếp theo là bản Truyện Kiều do GS.Takeuchi Yonosuke dịch, chú thích kỹ càng ra thơ tiếng Nhật và được Kodansha xuất bản năm 1975. Sau đó GS.Takeuchi có biên soạn lại theo kiểu giáo khoa để làm tài liệu tham khảo cho sinh viên, sách được Daigakushorin xuất bản, Tokyo,1985. Ba bản dịch ấy chúng tôi đã có dịp giới thiệu cách đây gần 20 năm (Xem: “Truyện Kiều và Kim Vân Kiều truyện ở Nhật Bản”, Tạp chí Văn học số 12 năm 1999). Trong bài viết này chúng tôi xin giới thiệu 2 bản dịch Truyện Kiều tiếp theo 3 bản trên, và các nghiên cứu khác về Nguyễn Du và Truyện Kiều từ khoảng trên dưới 20 năm nay ở Nhật Bản.

 1. Bản dịch Truyện Kiều của Akiyama Tokio năm 1996  Đúng 10 năm sau bản dịch Kim Vân Kiều tân truyện của Takeuchi do Đại học Thư lâm xuất bản, năm 1995 lại có một bản dịch Truyện Kiều mới hoàn thành. Đó là bản Kim Vân Kiều 『金雲翹』do Akiyama Tokio 秋山時夫dịch (hoàn thành tháng 7 năm 1995), do Trung tâm dịch vụ của Nhà xuất bản Kodansha ấn hành năm 1996, sách dày 228 trang. Thông tin về Akiyama Tokio khá ít ỏi trong sách báo cũng như trên mạng internet tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Nhật. Chỉ biết ông sinh năm 1917, từng tham gia quân đội Nhật ở Đông Dương từ khoảng năm 1942-1946, sau đó về nước và mất năm 1999. Bản Kim Vân Kiều của ông có 2 nhà phát hành chính được ghi rõ ở cuối sách, đó là Văn khố châu Á (Ajia bunko) và Mekong Center. Theo nhà nghiên cứu Đỗ Thông Minh – Giám đốc Mekong Center, thì ông Tokio Akiyama đã dành ra 6 năm để phiên dịch Truyện Kiều, rồi tự bỏ tiền túi ra in 600 cuốn nhân kỷ niệm 230 năm sinh Nguyễn Du và trước một năm sinh nhật lần thứ 80 của ông. Trong Thay lời tựa viết vào tháng 4 năm 1996, Akiyama Tokio đã cho biết quá trình dịch quyển sách này. Dưới đây là toàn văn bài tựa:  “Tôi được tặng một cuốn sách vỡ lòng về tiếng An Nam từ ông Nam – người đồng tộc với vua Bảo Đại triều Nguyễn, tôi cũng đã từng đọc cuốn Kim Vân Kiều do Komatsu Kiyoshi dịch, tôi cũng đã đến Đông Dương trong quân đội Nhật, tất cả những chuyện đó diễn ra vào năm 1942. Tôi đã cất kỹ cuốn Kim Vân Kiều bản dịch Pháp ngữ trong túi mang về nước vào năm 1946. Khi ấy muốn dịch Kim Vân Kiều thì lại không có từ điển, nên tôi phải làm từng chữ cuốn từ điển của mình. Thời gian sau, có trong tay cuốn từ điển chuyên môn, tôi đã dành hết tâm lực để dịch Truyện Kiều, và hoàn thành nó vào tháng 7 năm 1995. Bản dịch Truyện Kiều của GS Takeuchi Yonosuke ra đời đến nay đã hơn 10 năm, không còn thấy bán ở đâu nữa. Bản dịch mới thì không thấy xuất hiện, nên tôi phải đứng ra chịu trách nhiệm dịch tác phẩm này. Việc dịch và xuất bản một cách công phu một kiệt tác đỉnh cao của văn học Việt Nam như thế này bằng kinh phí cá nhân mà không có sự trợ giúp của ai thì thật là điều đáng tiếc. Tôi cũng xin trình bày hết những gian nan vất vả để có được một bản Kiều tiếng Nhật ở Nhật Bản trước các bạn Việt Nam như vậy”…  Bản Kiều bằng tiếng Nhật của Akiyama dịch ra thơ với nhịp điệu truyền thống 5-7, mỗi câu Kiều nguyên tác bằng lục bát được dịch ra thành một dòng thơ tiếng Nhật. Chú thích đơn giản hơn nhiều so với bản của Takeuchi, từ ngữ mới cũng dễ hiểu hơn đối với người Nhật hiện nay, nên bản Kiều này có tính đại chúng hơn. Cách phiên âm tên nhân vật khá hợp lý: viết bằng chữ Hán (Kanji) như nguyên tác, đọc âm theo kiểu tiếng Việt chứ không phải âm Hán Hòa. Ví dụ:  Nhân vật Bản của Akiyama (âm tiếng Việt) Bản của Takeuchi (âm Hán Nhật) Thúy Kiều Toui Kyou Sui Gyou Thúy Vân Toui Van Sui Un Vương Quan Vuong Kuon Ou Kan Vương Ông Vuong ong Ou ong Kim Trọng Kim Chong Kin Juu Cách đọc tên nhân vật theo kiểu Hán Nhật mà Takeuchi dùng thì dễ đọc và gần gũi với người Nhật, nhưng lại quá xa với nguyên tác và hơi cổ. Vì vậy có thể nói cách xử lý của Akiyama phù hợp với xu hướng hiện đại hơn.  Sau khi dịch và xuất bản Truyện Kiều, Akiyama Tokio có viết và xuất bản một cuốn sách có tính nghiên cứu về Truyện Kiều với nhan đề: Đi tìm nguyên gốc Truyện Kiều (金雲翹(キムヴァンキエウ)の原典(げんてん)を探(さぐ)る), do tác giả tự xuất bản, Công ty Shinko ấn hành (新興印刷株式会社), Tokyo, 1997.  2. Bản dịch Truyện Kiều của Sato Seiji và Kuroda Yoshiko năm 2005 10 năm sau bản dịch Truyện Kiều của Akiyama Tokio lại có bản dịch khác nữa – bản dịch thứ năm: bản của Sato Seiji và Kuroda Yoshiko. Toàn bộ bìa quyển sách ghi như thế này:  Đoạn trường tân thanh – Truyện Kiều Truyện Thúy Kiều Nguyên tác: Nguyễn Du Việt – Anh dịch, cước chú: Lê Xuân Thủy Anh – Nhật dịch: Seiji Sato và Yoshiko Kuroda (斷腸新聲・傳翹Truyện Kiều トウイ・キョウの物語 原作 グエン・ズー(阮攸Nguyễn Du) 越英訳・脚注 レ・スァン・トウイ(Lê Xuân Thủy) 英和訳 佐藤清二(Seiji Sato), 黒田佳子(Yoshiko Kuroda)) Trang cuối có ghi các yếu tố xuất bản như sau:  Chế bản và in ấn: Công ty trách nhiệm hữu hạn in Sanko (サンコー印刷株式会社), Phát hành: Công ty trách nhiệm hữu hạn Kibijin (株式会社吉備人), Tokyo, ngày 9 tháng 3 năm 2005.  Sách có lời đề tựa của Nguyễn Văn Lưu bằng tiếng Nhật ở đầu và tiếng Việt ở cuối đề ngày 7/5/2004. Cuối sách có các bài và các mục sau:  – Bản tiếng Nhật lời giới thiệu bản dịch Truyện Kiều ra tiếng Anh của Lê Xuân Thủy. – Bài viết ngắn về Truyện Kiều của nhà thơ Kuroda Yoshiko có nhan đề Thế giới của lời thề. – Lời đề cuối của dịch giả Seiji Sato ngày 12/3/2005. – Tư liệu tham khảo. – Phụ lục một số trang Truyện Kiều bằng chữ quốc ngữ và chữ Nôm. – 10 bài thơ Tức hứng thi trong Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân – Bản tiếng Việt lời đề tựa của Nguyễn Văn Lưu.  Sato Seiji là kỹ sư, sinh năm 1959 tại thị trấn Nagai tỉnh Yamagata. Sau khi tốt nghiệp cao học ngành Công học trường Đại học Hokkaido, ông vào làm việc ở Bộ Giao thông vận tải đến năm 2002, sau đó đi làm việc ở Việt Nam. Từ năm 2003 đến nay làm việc tại cơ quan hành chính tỉnh Okayama.  Kuroda Yoshiko là nữ thi sĩ, sinh năm 1945 tại Kyoto, sống chủ yếu ở Yokohama. Bản dịch của Lê Xuân Thủy xuất bản năm 1963 ở Sài Gòn là bản dịch Truyện Kiều ra tiếng Anh đầu tiên. Bản dịch này cùng với 2 bản của Huỳnh Sanh Thông, Ngô Đình Chương (đều được xuất bản 1973) được đánh giá là ba bản dịch tốt nhất của người Việt trong số hàng chục bản dịch Truyện Kiều ra tiếng Anh hiện nay.  Bản dịch Truyện Kiều của Sato Seiji là bản dịch bằng văn xuôi tiếng Nhật hiện đại, ít chú thích, có nhiều minh họa lấy từ bản Kiều nổi tiếng của Việt Nam. Tên nhân vật dùng tên tiếng Việt phiên âm, không còn dùng chữ Hán (Kanji) nữa. Việc dịch ra văn xuôi Truyện Kiều đã từng có bản của Komatsu Kiyoshi 1942, nhưng có lẽ bản ấy đã không còn bán, đồng thời nó lại được viết bằng thứ tiếng Nhật hơi cổ, khó hiểu với công chúng hiện đại, vì vậy mà có bản Kiều này. Bản dịch Truyện Kiều của Sato Seiji thể hiện tình yêu của một kỹ sư người Nhật có khiếu văn chương và một thi sĩ Nhật Bản hiện đại đối với một tác phẩm đỉnh cao của văn học Việt Nam. Trong buổi lễ ra mắt bản dịch Truyện Kiều, Sato cho biết: “Tôi đã từng đến Việt Nam, từng nghiên cứu Truyện Kiều. Tôi cảm nhận được đây là một kiệt tác. Thật là đáng tiếc nếu không giới thiệu rộng rãi cho người Nhật. Và tôi đã dịch nhằm giới thiệu với đồng bào tôi cái hay cái đẹp của Truyện Kiều nói riêng và văn học Việt Nam nói chung” .  3. Các bài nghiên cứu về Nguyễn Du và Truyện Kiều 20 năm trở lại đây  Thế hệ nghiên cứu về Nguyễn Du và Truyện Kiều ở Nhật Bản đầu tiên gắn với các dịch giả Truyện Kiều và các nhà nghiên cứu văn học cổ điển Việt Nam, Đông Á. Đó là dịch giả – nhà văn Komatsu Kiyoshi小松清, người dịch Truyện Kiều đầu tiên; là Hatakenaka Toshiro畠中敏郎, giáo sư Đại học Osaka, chuyên gia nghiên cứu về văn học Đông Á; Kawamoto Kunie川本邦衛, giáo sư Đại học Keio; Takeuchi Yonosuke 竹内与之助, giáo sư Đại học Ngoại ngữ Tokyo, cả hai ông đều là chuyên gia về văn học Việt Nam.  Từ sau 1990 xuất hiện các dịch giả và các giáo sư tiếp theo:  Đó là Kawaguchi Kenichi 川口健一, Giáo sư Đại học Ngoại ngữ Tokyo, nghiên cứu so sánh Nguyễn Du và Kyokutei Bakin của Nhật Bản, với 2 bài viết:  – Những vấn đề xung quanh hai tác phẩm của Nguyễn Du và Bakin 阮攸(グエン・ズー)と馬琴: 二つの作品をめぐって、đăng trong tạp chí Nghiên cứu Nhật Bản và tiếng Nhật 掲載誌日本語・日本学研究/ Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản Quốc tế của Trường Đại học Ngoại ngữ Tokyo, số tháng 3 năm 2013東京外国語大学国際日本研究センター編3, 2013, p.199-213 – Truyện Kiều từ góc độ văn học so sánh Đông Á, in trong kỷ yếu Di sản văn chương đại thi hào Nguyễn Du 250 năm nhìn lại, Viện Văn học, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 2015.  Tiếp theo là Nohira Munehiro野平宗弘, học trò của GS. Kawaguchi, hiện là giảng viên Đại học Ngoại ngữ Tokyo, đi sâu vào hành trình đi sứ của Nguyễn Du, với cách đặt vấn đề khác hẳn với truyền thống nghiên cứu trước đó của các nhà nghiên cứu Việt Nam. Đó là 2 bài viết:  – Một giả thuyết khác về hành trình đi sứ của Nguyễn Du năm 1813-1814, in trong kỷ yếu Di sản văn chương đại thi hào Nguyễn Du 250 năm nhìn lại, Viện Văn học, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 2015 – “Khuất Nguyên trong thơ chữ Hán đầu thế kỷ 19 của Nguyễn Du, nhà thơ Việt Nam” ベトナムの詩人、阮攸の19世紀初頭漢詩作品における屈原, Nhật Bản nghiên cứu giáo dục niên báo của Trường Đại học Ngoại ngữ Tokyo東京外国語大学日本研究教育年報, số 19, tháng 3 năm 2015.  Ở trên là các nghiên cứu ở đại học, còn nghiên cứu “tài tử” có 2 công trình đáng chú ý:  (1) Đi tìm nguyên gốc Truyện Kiều (金雲翹(キムヴァンキエウ)の原典(げんてん)を探(さぐ)る), tác giả tự xuất bản, Công ty Shinko ấn hành (新興印刷株式会社), Tokyo, 1997. Đây không phải là công trình văn bản học đi tìm nguyên tác Truyện Kiều, mà là tập sách nghiên cứu so sánh nội dung từng chương Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân và Truyện Kiều của Nguyễn Du. Akiyama không phải là nhà nghiên cứu và dịch giả văn học chuyên nghiệp, nhưng 2 quyển sách mà ông để lại là món quà quý thể hiện tình yêu của một người Nhật đối với kiệt tác văn học Việt Nam (đã nói trong mục 1 ở trên).  (2) Bài viết của Kuroda Yoshiko, Thế giới của lời thề, bài bạt in trong cuốn Truyện Thúy Kiều, Seiji Sato và Yoshiko Kuroda dịch, Chế bản và in ấn: Công ty trách nhiệm hữu hạn in Sanko, Tokyo, 2005.  Kuroda Yoshiko là nữ thi sĩ, sinh năm 1945 tại Kyoto, sống chủ yếu ở Yokohama. Năm 1968 bà tốt nghiệp cao học ngành Văn học Nhật Bản trường Đại học Rikkyo. Thường đăng thơ trên tạp chí Hỏa diệm (Honoo焔). Có sách xuất bản: Cha tôi Inoue Osamu: Trăm năm một thủa (父・井上靖一期一会). Hiện đang làm biên tập cho tạp chí Chim câu đưa thư (伝書鳩). Bài Thế giới của lời thề, bài bạt cho bản dịch Truyện Thúy Kiều, thể hiện một cách cảm nhận độc đáo của một nhà thơ Nhật Bản hiện đại với một danh tác thi ca cổ điển Việt Nam. Xin trích vài đoạn:  “Một ngày nọ, đột nhiên, không hiểu vì lý do gì mà bản thảo của cuốn “Truyện Thuý Kiều” do Sato Seiji dịch được chuyển đến tay tôi, tôi đã đọc và say mê tác phẩm này từ đó. Có lẽ là vì nguyên tác của tác phẩm là một câu chuyện bằng thơ của Nguyễn Du do đó nội dung của nó đương nhiên là không phải dễ đọc. Ấy vậy mà không biết tự lúc nào tôi đã đọc hết sức say sưa, và đã đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần. (…) Phải chăng từ “lời thề” mang lại âm hưởng xưa cũ và nghiêm khắc. “Lời thề” ở đây không chỉ là lời hứa giữa con người với con người mà còn là “sự hứa hẹn” cam kết giữa con người với “các vị thần trên trời” mà có lẽ người Nhật hiện đại đã dần quên lãng. “Lời nói” có sức nặng ngàn cân, có khả năng chi phối con người, tuy nhiên cũng có những người tốt thề ước với tất cả sự thành thực của mình và cảm thấy đau khổ khi không giữ được chúng thì cũng có những kẻ xấu, tạo nên những lời thề giả dối để đánh lừa người khác. Chính những người thận trọng và đau khổ khi không thực hiện được lời thề của mình như Thúy Kiều, không nghi ngờ gì, chính nàng là người có thể đứng vào vị trí phán xét những kẻ xấu. Chỉ đến khi những kẻ dễ dàng buông lời thề nhằm mục đích lừa dối người khác bị trừng phạt thật khủng khiếp như những gì chúng đã thề, chính là lúc chúng hiểu được sức nặng ngàn cân của “lời thề đã trao”, mới tin rằng có sự phát xét của Trời trên cõi đời này. (…) Nếu chúng ta có thể cảm nhận được tác phẩm dưới góc độ “lời thề”, điều nổi bật có thể thấy ở tác phẩm là, những con người luôn sống theo một nguyên tắc hết sức nghiêm ngặt. Mặt khác điều này cũng cho thấy một điều là nếu sống tuân theo nguyên tắc thì có thể áp dụng nguyên tắc ấy theo nhiều cách lành mạnh khác nhau. Tác phẩm này cho chúng ta thấy, nói với chúng ta thấy không chỉ mối quan hệ giữa tư tưởng, tôn giáo, thời đại, cá nhân với xã hội, mà mỗi khi chúng ta cảm thấy lạc lối, hãy tìm về với những nguyên tắc, nguyên lý ấy. Đồng thời cũng chỉ cho chúng ta phương pháp “quay về suy nghĩ” như thế nào. (…) “Truyện Kiều” là câu chuyện khiến chúng ta cảm nhận được mặt đau khổ của cuộc đời một con người, khiến độc giả có thể cùng rơi nước mắt trước nỗi khổ của một cô gái bất hạnh. Nhưng đồng thời cũng là một tác phẩm khiến chúng ta có thể mang lại cái nhìn về vũ trụ quan mà trong đó mỗi cuộc đời của chúng ta như những cái kén nhỏ nhoi trôi trong khoảng không gian vô định.” (Nguyễn Thu Hương dịch, toàn văn đăng trong Kỷ yếu Thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Du, Khoa Văn học và Ngôn ngữ tổ chức bản thảo, NXB. Đại học Quốc gia TP.HCM, 2015).  Kết luận Hơn 70 năm biết đến Truyện Kiều, người Nhật đã cho ra đời 5 bản dịch khác nhau. Sau Pháp chỉ Nhật Bản mới có bản dịch Truyện Kiều ra đời trước 1945, nghĩa là người ta không phải chỉ biết đến Truyện Kiều trong chiến tranh Việt Nam. Người dịch Truyện Kiều ở Nhật Bản rất đa dạng. Có nhà văn, dịch giả, nhà phê bình nổi tiếng như Komatsu Kiyoshi; có học giả Việt Nam học tiên phong như Takeuchi Yonosuke; có cựu binh từ Đông Dương trở về như Akiyama Tokio; có kỹ sư làm việc ở Việt Nam sau Đổi mới như Sato Seiji. Họ có điểm chung nhau là đều đã từng đến Việt Nam, ngắn thì một hai năm như Sato, dài thì 4, 5 năm như Komatsu, Takeuchi, và chỉ với một thời gian ngắn họ đã bị thu hút bởi nền văn hóa của nước này và Truyện Kiều. Họ biết đến Truyện Kiều một cách có vẻ như tình cờ, người thì được bạn cũ người Việt tặng cho bản Pháp văn, người thì được một đồng nghiệp người Hoa tặng cho bản Nôm, người thì giấu một bản Kiều vào ba lô cựu binh từ chiến trường Phật Ấn trở về Nhật và đến 50 năm sau mới hoàn thành ước mơ dịch thuật của mình, người thì có bản tiếng Anh mới xuất bản. Từ những hoàn cảnh khác nhau ấy mà hình thành nên những bản Kiều dịch ra tiếng Nhật rất đa dạng về phong cách: bản dịch Kiều của Komatsu Kiyoshi bằng văn xuôi nhưng thi vị dồi dào, văn phong hào mại, phóng khoáng; bản của Takeuchi thì nghiêm cẩn, uyên bác, nhưng cũng không kém trau chuốt với hương sắc, âm điệu của thế giới cổ điển; bản của Akiyama Tokio phong phú thi tứ tiếng Nhật hiện đại; bản của Sato Seiji và Kuroda Yoshiko thì có ngôn ngữ văn xuôi mới mẻ, tươi sáng, thích hợp với người trẻ hiện đại. Mỗi bản có một giá trị khác nhau, khiến cho các bản Kiều tiếng Nhật cũng có chỗ đứng cao trong các bản dịch Truyện Kiều ra các thứ tiếng trên thế giới.  Tài liệu tham khảo 1. Khoa Văn học và Ngôn ngữ tổ chức bản thảo, Thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Du, Kỷ yếu hội thảo, NXB. Đại học Quốc gia TP.HCM, 2015 2. Nguyễn Du, Kim Vân Kiều 『金雲翹』do Akiyama Tokio 秋山時夫dịch (hoàn thành tháng 7 năm 1995), do Trung tâm dịch vụ của Nhà xuất bản Kodansha ấn hành năm 1996 3. Nguyễn Du, Truyện Thúy Kiều, Seiji Sato và Yoshiko Kuroda dịch, Chế bản và in ấn: Công ty trách nhiệm hữu hạn in Sanko, Phát hành: Công ty trách nhiệm hữu hạn Kibijin, Tokyo, 2005

                                        Nguồn: khoavanhocngonngu.edu.vn/Tạp chí Xưa và Nay số 484, tháng 6/2017