Truyện Kiều, nơi ứng chiếu những lý thuyết nghiên cứu văn học
Truyện Kiều, nơi ứng chiếu những lý thuyết nghiên cứu văn học
Như nhan đề của bài viết, ở đây, tác giả không đi vào toàn bộ những cách tiếp cận Truyện Kiều mà chỉ hệ thống hóa những cách tiếp cận đã trở thành những chỉ dẫn về lý thuyết nghiên cứu văn học. Qua đó, cung cấp thêm một cách nhìn, cho thấy những giá trị sáng tạo vô song của Nguyễn Du qua kiệt tác Truyện Kiều.
Trong thực tiễn, văn học so sánh đã bắt đầu phát triển vào những năm đầu thế kỷ XX. Trong thời điểm ấy, Truyện Kiều của Nguyễn Du đã được nhà nghiên cứu Phạm Quỳnh phân tích trên cơ sở so sánh với truyện của Thanh Tâm Tài Nhân (bài viết đăng trên Tạp chí Nam Phong, số ra ngày 30/12/1919). Nguyễn Du đã vay mượn cốt truyện của Thanh Tâm Tài Nhân nên việc so sánh Truyện Kiều với Kim Vân Kiều truyện được xem như yêu cầu tự nhiên trong quá trình nghiên cứu.
Dẫu vậy, đã hàng chục năm trôi qua, việc nghiên cứu so sánh này vẫn chưa đi đến hồi kết. Trên đại thể, thao tác so sánh và quan điểm so sánh phần nhiều xuất phát từ cái nhìn phiến diện, so sánh hơn – thua giữa 2 tác phẩm về: tư tưởng triết lý, phân tích tâm lý, nghệ thuật tả cảnh, thậm chí, có người còn so sánh từng đoạn văn để thấy cái “cao tay” của cụ Nguyễn Tiên Điền… Điều này có thể thấy trong các nhận định và phân tích của Phạm Quỳnh, Vũ Hạnh, Lê Đình Kỵ, Hữu Ngọc, Trần Mạnh Hảo và rất nhiều tác giả khác.
Biểu diễn nghệ thuật về Nguyễn Du và Truyện Kiều tại Hội thảo quốc tế kỉ niệm 250 năm sinh Đại thi hào Nguyễn Du.
Sau này, một số nhà nghiên cứu đã thực hiện thao tác so sánh trên cơ sở tìm sự khác biệt, với quan điểm: hơn – thua dễ dẫn đến những phán xét sô-vanh, phải tìm sự khác biệt vì đó là khoa học, đừng khai thác thiếu thiện chí đối với tác phẩm của người này để làm tiền đề khẳng định giá trị tác phẩm người kia, hơn nữa, đó là những tác phẩm ở những môi trường văn hóa khác nhau. Có thể thấy quan điểm này trong các bài viết của Nguyễn Hữu Sơn, Nguyễn Văn Dân. Quan điểm này cho rằng, hệ thống cốt truyện, nhân vật, tình tiết trong Truyện Kiều đều có đủ trong Kim Vân Kiều truyện, vì thế, phải đi tìm giá trị của Truyện Kiều ở khía cạnh sáng tạo nghệ thuật, qua sự khúc xạ với văn hóa truyền thống, tư tưởng sáng tạo…
Quan điểm này trong nghiên cứu là rất quan trọng, bởi lẽ, chỉ so sánh riêng giữa Truyện Kiều và Đoạn trường vô thanh (hậu Truyện Kiều) của Phạm Thiên Thư – một nhân vật văn học quan trọng ở miền Nam ngày trước, cũng không thể phủ nhận giá trị nghệ thuật trong sáng tác của Phạm Thiên Thư dù Truyện Kiều đã “vô tiền khoáng hậu”. Hay nhìn rộng ra, không thể lấy quan điểm người phương Tây coi hành động trả thù của Tấm trong Tấm Cám là tàn độc và tác phẩm ấy không hay bằng truyện Neang Kantoc của Campuchia vì Kantoc không trả thù như Tấm.
Điểm lược có thể thấy, Truyện Kiều chính là địa chỉ thể hiện quan điểm khác nhau về văn học so sánh. Các tọa độ để so sánh quyết định sản phẩm so sánh. Sự đối thoại qua bản so sánh giữa 2 tác phẩm đã cung cấp những cái nhìn rất quan trọng cho quá trình bổ sung lý thuyết về nghiên cứu văn học so sánh. Từ đây, có thể truy tìm các giá trị cá nhân, sự khác biệt về văn hóa dân tộc đằng sau các tác phẩm được so sánh.
Với quan điểm văn bản tác phẩm là trung tâm, cùng với đó là các bằng chứng về ngôn ngữ, nhà nghiên cứu Phan Ngọc, năm 1985, xuất bản tác phẩm Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều. Tác phẩm xuất bản trước đổi mới một năm, đánh dấu “cách đọc” tác phẩm từ phong cách học. Phan Ngọc cho rằng, phong cách học chính là khoa học nghiên cứu mặt biểu cảm của ngôn ngữ. Cụ thể hơn, nó nghiên cứu các kiểu lựa chọn và giá trị biểu cảm của các kiểu lựa chọn ấy. Điều đó đồng nghĩa, không phải tác giả nào cũng có phong cách.
Ở công trình của mình, qua 9 chương (ngoài chương mở đầu), Phan Ngọc đã thực hành các thao tác tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều như: so sánh với Kim Vân Kiều truyện để rút ra quan niệm tài – mệnh tương đố, thay vì tình và khổ như của Thanh Tâm Tài Nhân; tìm hiểu những cống hiến mới của Nguyễn Du như: bố cục Truyện Kiều theo yêu cầu của kịch, ngôn ngữ tác giả, ngôn ngữ nhân vật, tâm lý nhân vật, ngôn ngữ thiên nhiên… để từ đó đi đến kết luận Truyện Kiều là cuốn tiểu thuyết tâm lý. Ngoài ra, bằng các thao tác phân tích ngôn ngữ khác, Phan Ngọc đã tìm ra những độc đáo trong kiệt tác của Nguyễn Du thể hiện trong kiến trúc câu thơ, tổ chức ngữ pháp… Tất cả làm nên phong cách của Nguyễn Du trong Truyện Kiều, không trộn lẫn ở tên tuổi khác và tác phẩm khác.
Bài giảng trong hội thi “Dạy Truyện Kiều trên quê hương Nguyễn Du”.
Nếu như Phan Ngọc là người mở hướng nghiên cứu phong cách qua nghiên cứu Truyện Kiều thì Trần Đình Sử có thêm những củng cố lý thuyết về thi pháp học qua Thi pháp Truyện Kiều (2002). Sau chuyên luận đánh dấu việc áp dụng một cách bài bản lý thuyết thi pháp học trong công trình Thi pháp thơ Tố Hữu (1987), Trần Đình Sử cho xuất bản Thi pháp Truyện Kiều nhằm khẳng định những yếu tố hình thức có tính nội dung trong các tác phẩm văn học như: thời gian nghệ thuật, không gian nghệ thuật, quan niệm nghệ thuật về con người…
Qua cách đọc thi pháp với 6 chương, Trần Đình Sử xác định Truyện Kiều không thuộc loại tiểu thuyết tính cách như tiểu thuyết hiện thực phương Tây mà là tiểu thuyết số phận gồm đủ cả 3 yếu tố: tình khổ, cảm thương, bi kịch. Cũng qua cách đọc thi pháp, sau này, tác giả còn bổ sung trong một số phân tích khác, Trần Đình Sử khẳng định: Truyện Kiều theo thuyết thân – mệnh tương đố chứ không phải tài – mệnh tương đố.
Cùng với các lý thuyết nghiên cứu văn học, Truyện Kiều còn là nơi thể nghiệm phương pháp làm từ điển. Nhắc đến Truyện Kiều, người ta nghĩ ngay đến Từ điển Truyện Kiều (viết xong năm 1965, xuất bản năm 1974) của học giả Đào Duy Anh. Đây được xem là nơi tập hợp “chìa khóa” để mở các ổ khóa trong Truyện Kiều, nhất là hệ thống ngôn ngữ (trong đó, có những từ ít dùng), điển tích, điển cố. Hay nói khác đi, đó là công trình giải nghĩa Truyện Kiều. Vì thế, cuốn sách được xem là công cụ không thể thiếu đối với những ai yêu thích Truyện Kiều.
Một tiết mục tại Hội thi tìm hiểu thân thế, sự nghiệp Đại thi hào Nguyễn Du và tác phẩm Truyện Kiều.
Công trình của Đào Duy Anh không chỉ phục vụ cho giới nghiên cứu trong việc tra cứu, chú giải mà còn phục vụ cho công tác xuất bản các ấn phẩm về Truyện Kiều, chẳng hạn như mới đây là ấn bản Truyện Kiều của Hội Kiều học. Phương pháp làm từ điển tác phẩm này cũng có ảnh hưởng nhất định tới phương pháp làm từ điển tác giả, cụ thể là trường hợp TS. Trần Trọng Dương xuất bản công trình Nguyễn Trãi quốc âm từ điển (2014) – cuốn từ điển về tác giả đầu tiên trong văn học Việt Nam, với 2.500 mục từ.
Để ứng chiếu lý thuyết vào tác phẩm, cố nhiên, nhà nghiên cứu phải chọn lựa tác phẩm chứa đựng những yếu tố thuận lợi cho phân tích. Điều đó có nghĩa, Truyện Kiều chứa đựng nhiều giá trị phù hợp để phân tích nó dưới nhiều góc độ nghiên cứu. Đấy chính là biệt tài của Nguyễn Du trong sáng tạo, nhất là về ngôn ngữ và việc chuyển tải tư tưởng. Sau này, Truyện Kiều còn là nơi thể nghiệm nhiều “cách đọc” mới như: qua lăng kính điện ảnh, qua lý thuyết trò chơi… Dĩ nhiên, những cách đọc mới sau này chỉ mới dừng lại ở mức độ khảo nghiệm là chính, nhưng cũng góp phần hội tụ một nhận định đã quen mà không cũ: Truyện Kiều là kiệt tác, Nguyễn Du là thiên tài văn học.
Mạnh Hà