Trường mẫu giáo có thể ký bao nhiêu lao động hợp đồng đối với các vị trí nấu ăn và vị trí bảo vệ?


Bố trí số lượng người làm việc trong trường mẫu giáo theo định mức thế nào? Trường mẫu giáo có thể ký bao nhiêu lao động hợp đồng đối với các vị trí nấu ăn và vị trí bảo vệ? – Câu hỏi của chị Khánh Thủy (Đồng Nai).

Bố trí số lượng người làm việc trong trường mẫu giáo theo định mức thế nào?

Tại Điều 5 Thông tư liên tịch 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV quy định về số lượng người làm việc trong trường mẫu giáo như sau:

– Hiệu trưởng: Mỗi trường mẫu giáo có 01 Hiệu trưởng

– Phó hiệu trưởng:

+ Trường mẫu giáo có dưới 09 nhóm, lớp đối với vùng trung du, đồng bằng, thành phố hoặc có dưới 06 nhóm, lớp đối với vùng miền núi, vùng sâu, hải đảo được bố trí 01 Phó Hiệu trưởng;

+ Trường mẫu giáo có 09 nhóm, lớp trở lên đối với vùng trung du, đồng bằng, thành phố hoặc có 06 nhóm, lớp trở lên đối với vùng miền núi, vùng sâu, hải đảo được bố trí 02 Phó Hiệu trưởng.

+ Trường mẫu giáo có từ 05 điểm trường trở lên có thể bố trí thêm 01 Phó Hiệu trưởng.

– Giáo viên mầm non:

Những nơi bố trí đủ số trẻ tối đa theo lớp mẫu giáo theo quy định tại Điều 3 Thông tư liên tịch 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV thì định mức giáo viên mầm non được xác định như sau:

+ Đối với lớp mẫu giáo học 02 buổi/ngày: Bố trí tối đa 2,2 giáo viên/lớp;

+ Đối với lớp mẫu giáo học 01 buổi/ngày: Bố trí tối đa 1,2 giáo viên/lớp.

Những nơi không đủ số trẻ để bố trí theo lớp mẫu giáo thì định mức giáo viên mầm non sẽ tính trên số trẻ bình quân theo từng độ tuổi của lớp mẫu giáo, cụ thể:

+ Đối với lớp mẫu giáo học 02 buổi ngày: 01 giáo viên nuôi dạy 11 trẻ từ 3 – 4 tuổi hoặc 14 trẻ từ 4 – 5 tuổi hoặc 16 trẻ từ 5 – 6 tuổi;

+ Đối với lớp mẫu giáo học 01 buổi/ngày: 01 giáo viên nuôi dạy 21 trẻ từ 3 – 4 tuổi hoặc 25 trẻ từ 4 – 5 tuổi hoặc 29 trẻ từ 5 – 6 tuổi.

– Kế toán, văn thư, y tế và thủ quỹ:

Căn cứ khối lượng công việc thực tế, nhu cầu và vị trí việc làm được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trường mẫu giáo xác định số lượng người làm việc tối đa không vượt quá 02 người để thực hiện nhiệm vụ về kế toán, văn thư, y tế, thủ quỹ.

Trường mẫu giáo có thể ký bao nhiêu lao động hợp đồng đối với các vị trí nấu ăn và vị trí bảo vệ?

Trường mẫu giáo có thể ký bao nhiêu lao động hợp đồng đối với các vị trí nấu ăn và vị trí bảo vệ? (Hình từ Internet)

Bố trí số lượng người làm việc trong trường mẫu giáo theo nguyên tắc thế nào?

Tại Điều 2 Thông tư liên tịch 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV quy định về nguyên tắc xác định khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập như sau:

Nguyên tắc xác định khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập

1. Thực hiện theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 41/2012/NĐ-CP ngày 08 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập.

2. Bảo đảm thực hiện những nhiệm vụ tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập theo quy định của pháp luật.

3. Số lượng trẻ trong nhóm trẻ, lớp mẫu giáo quy định tại Điều 3 Thông tư liên tịch này là căn cứ xác định định mức giáo viên mầm non trong cơ sở giáo dục mầm non công lập.

Dẫn chiếu đến Điều 3 Nghị định 41/2012/NĐ-CP thì hiện nay quy định này đã hết hiệu lực và được thay thế bởi Điều 3 Nghị định 106/2020/NĐ-CP với nội dung như sau:

Nguyên tắc xác định vị trí việc làm và số lượng người làm việc

1. Thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng và của pháp luật về vị trí việc làm, số lượng người làm việc và tinh giản biên chế trong đơn vị sự nghiệp công lập.

2. Phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của đơn vị sự nghiệp công lập.

3. Bảo đảm tính khoa học, khách quan, công khai, minh bạch, hiệu quả và nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức, người lao động trong đơn vị sự nghiệp công lập.

4. Bảo đảm một người làm việc phải được giao đủ khối lượng công việc để thực hiện theo thời gian lao động quy định. Những vị trí việc làm không có đủ khối lượng công việc để thực hiện theo thời gian quy định của một người làm việc thì phải bố trí kiêm nhiệm.

5. Bảo đảm cơ cấu hợp lý, trong đó số lượng người làm việc tại các vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành và chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung chiếm tỉ lệ tối thiểu 65% tổng số lượng người làm việc của đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo đó khi thực hiện bố trí số lượng người làm việc trong trường mẫu giáo phải đảm bảo thực hiện đúng theo nguyên tắc nêu trên.

Trường mẫu giáo có thể ký bao nhiêu lao động hợp đồng đối với các vị trí nấu ăn và vị trí bảo vệ?

Theo quy định tại Điều 6 Thông tư liên tịch 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV quy định về lao động hợp đồng trong cơ sở giáo dục mầm non công lập như sau:

– Đối với các vị trí nấu ăn trường mẫu giáo: Trường mẫu giáo có tổ chức bán trú thì được hợp đồng lao động để thực hiện nhiệm vụ nấu ăn như sau: Cứ 35 trẻ nhà trẻ hoặc 50 trẻ mẫu giáo thì được ký 01 lao động hợp đồng để bố trí vào vị trí nấu ăn.

– Đối với vị trí bảo vệ: Căn cứ vào điều kiện kinh phí, nhu cầu trường mẫu giáo ký hợp đồng lao động để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, nhưng không vượt quá 02 người.