Trường kỳ nghiên cứu giống cây lâm nghiệp

Để nghiên cứu, cải thiện giống cây lâm nghiệp, thường phải kéo dài từ 20 – 25 năm. Trong khi đó, thời gian thực hiện các đề tài, công trình nghiên cứu hiện quá ngắn.

Nghiên cứu cần có tính kế thừa, nối pha
Trong sản xuất nông – lâm nghiệp, giống đóng vai trò hết sức quan trọng quyết định năng suất và chất lượng của cây trồng. Đặc biệt, cây lâm nghiệp điều kiện tác động kỹ thuật như bón phân, tưới nước rất hạn chế, do đó giống càng có vai trò quan trọng.

Bởi thế, công tác nghiên cứu, cải thiện giống cây lâm nghiệp được xác định là hướng đi ưu tiên, chiến lược để nâng cao giá trị rừng trồng, góp phần tăng thu nhập cho người trồng rừng và nâng cao chất lượng nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ xuất khẩu.

Nhà nuôi cấy mô giống cây lâm nghiệp của Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn (Bình Định). Ảnh: Vũ Đình Thung.

Cây lâm nghiệp là cây lâu năm, lâu ra hoa đậu quả, gây khó khăn cho công tác nghiên cứu giống. “Một chu kỳ chọn tạo giống cây lâm nghiệp thường kéo dài hàng chục năm, nhanh nhất đối với các loài cây có chu kỳ kinh doanh ngắn như keo và bạch đàn cũng phải mất đến 10 – 12 năm. Do đó, công cuộc cải thiện giống cây lâm nghiệp thường phải kéo dài 20 – 25 năm, bao gồm nhiều kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn 3 – 5 năm và luôn phải mang tính kế thừa”, PGS.TS Phí Hồng Hải, Phó Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam chia sẻ.

Từ năm 2010 đến nay, thông qua các đề tài, dự án, các đơn vị nghiên cứu trong ngành lâm nghiệp, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã nghiên cứu, chọn tạo được nhiều giống mới với các loài cây nhập nội mọc nhanh và cây bản địa, đã được Bộ NN-PTNT công nhận là giống tiến bộ kỹ thuật, giống quốc gia.

Một số giống đã được chuyển giao vào sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế của rừng trồng. Theo đó, ngành lâm nghiệp đã được công nhận trên 229 giống, trong đó có 95 giống của 6 loài keo; 85 giống của 5 loài bạch đàn; 33 giống của 4 loài tràm; 4 giống thông Caribe; 10 giống thanh thất, chiêu liêu và 2 giống phi lao.

Vườn cây giống lâm nghiệp đầu dòng của Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Công trình nghiên cứu thời gian quá ngắn
Theo Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, hiện nay, cả nước có 744 đơn vị, hộ gia đình đăng ký sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp. Trong đó, có 229 cơ sở thuộc ban quản lý rừng phòng hộ, công ty lâm nghiệp sản xuất, chiếm khoảng 20% số lượng cây giống hàng năm; 515 công ty tư nhân và hộ gia đình sản xuất, chiếm khoảng 80% số lượng cây giống cung ứng cho trồng rừng.

Trên cả nước hiện có 632 vườn ươm kiên cố, 1.063 vườn ươm tạm thời và 37 nhà nuôi cấy mô giống cây lâm nghiệp. Trong đó, các đơn vị nhà nước quản lý 191 vườn ươm kiên cố, 65 vườn ươm tạm thời và 24 nhà nuôi cấy mô. Các doanh nghiệp đang quản lý 332 vườn ươm kiên cố, 59 vườn ươm tạm thời và 8 nhà nuôi cấy mô. Các hộ gia đình quản lý 392 vườn ươm kiên cố, 933 vườn ươm tạm thời và các tổ chức xã hội khác quản lý 33 vườn ươm kiên cố, 6 vườn ươm tạm thời.

Nhân viên Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn chăm sóc giống cây lâm nghiệp để trồng rừng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Công suất sản xuất các vườn ươm nói trên đạt hơn 1,7 tỷ cây giống/năm, riêng công suất sản xuất của các nhà nuôi cây mô chỉ đạt 78,8 triệu cây giống/năm. Trung tâm sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp lớn đều ở các vùng trồng rừng mạnh như vùng Đông Bắc bộ, Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ và Đông Nam bộ.

Theo PGS.TS Phí Hồng Hải, các công trình nghiên cứu, cải thiện giống cây lâm nghiệp gắn liền với nhu cầu thực tế, do đó, các giống mới đưa ra được người trồng rừng đón nhận. Nghiên cứu nhân giống sinh dưỡng bằng nuôi cấy mô và giâm hom cũng được tiến hành song song với nghiên cứu chọn tạo giống. Do đó, khi đi vào sản xuất, các giống mới đã phát huy hiệu quả. Công tác chuyển giao giống và công nghệ nhân giống cũng đã được thực hiện tốt, các cơ sở tiếp nhận chuyển giao đã từng bước nhân giống thành công và phát triển mạnh trong sản xuất.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Phí Hồng Hải, công tác chọn tạo và phát triển giống cây lâm nghiệp trong thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Công tác nghiên cứu, chọn tạo giống cây bản địa dù đã được quan tâm đầu tư nhưng chưa đi vào trọng điểm, mức độ đầu tư chưa cao. Ví như công trình nghiên cứu cho 1 đối tượng cây bản địa chỉ khoảng 5 năm, trong khi chu kỳ kinh doanh cây bản địa kéo dài đến hàng chục năm, nên chưa có được nhiều giống cây bản địa tốt để phục vụ trồng rừng.

Vườn cây giống của Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn (TP Quy Nhơn, Bình Định) để phục vụ trồng rừng FSC. Ảnh: Minh Hậu.
 

Bên cạnh đó, tập đoàn giống mới chủ yếu phục vụ cho trồng rừng ở những vùng thấp, còn thiếu nghiêm trọng giống cho trồng rừng ở các vùng cao cũng như những vùng lập địa khó khăn.

Thêm vào đó, dù đã có nhiều giống được chọn tạo và công nhận, nhưng tỷ lệ sử dụng giống mới trong trồng rừng còn thấp, do thiếu mô hình trình diễn quy mô lớn và công tác chuyển giao còn hạn chế. Sản lượng giống cây lâm nghiệp nuôi cấy mô còn rất hạn chế so với cây giống bằng hạt và giâm hom do giá thành cây giống cấy mô cao hơn khá nhiều so với cây giống ươm hạt và giâm hom.

Theo PGS.TS Phí Hồng Hải cho biết trong thời gian tới, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam sẽ đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, chọn tạo những giống mới có năng suất, chất lượng cao; ưu tiên nghiên cứu, chọn tạo những giống mới có khả năng chống chịu sâu bệnh, thích ứng biến đổi khí hậu, các giống cây bản địa mọc nhanh có năng suất, chất lượng cao để phục vụ trồng rừng gỗ lớn.

Keo lai nuôi cấy mô sinh trưởng nhanh hơn, đường kính, chiều cao và đường kính thân cây lớn hơn 1,5 lần so với keo lai giâm hom. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Chúng tôi sẽ rà soát, quy hoạch hệ thống rừng giống, vườn giống, vườn ươm đảm bảo cung ứng đủ giống tốt cho phong trào trồng rừng gỗ lớn của từng vùng. Quản lý chặt chẽ nguồn giống, đảm bảo các nguồn giống, giống gốc luôn được phục tráng tốt, quản lý chặt chẽ chất lượng giống theo chuỗi hành trình giống.

Viện sẽ đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa các cơ sở nghiên cứu, sản xuất giống cây lâm nghiệp; nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quản lý chất lượng giống cho các tổ chức, cá nhân nghiên cứu và các cơ quan quản lý giống cây lâm nghiệp cấp tỉnh, huyện, các cơ sở sản xuất giống trên toàn quốc”, PGS.TS Phí Hồng Hải cho biết.

Giang Lam – Minh Hậu-NNVN