Trưởng khoa bệnh viện Mắt TƯ: Tỷ lệ mù 2 mắt do thiên đầu thống ở người trên 50 tuổi chiếm tới 6,5%
Thống kê cho thấy, glôcôm đứng thứ hai trong các nguyên nhân gây mù lòa ở hầu hết các khu vực trên thế giới. Việc phát hiện sớm và điều trị đúng sẽ giúp giảm tỷ lệ biến chứng và bảo vệ được chức năng của thị giác. Trong chương trình Cùng bạn sống khỏe phát sóng trên kênh FM89, TS BS Đỗ Tấn – Trưởng Khoa Glocom, Bệnh viện Mắt TƯ tư vấn về cách nhận biết và điều trị bệnh glôcôm.
Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Tấn, trưởng khoa Glôcôm, bệnh viên Mắt TƯ.
Ước tính 80 triệu người mắc bệnh glôcôm vào năm 2020 trên toàn cầu, chiếm 2,86% những người trên 40 tuổi và khoảng 1,2 triệu người mù do căn bệnh này. Ở Việt Nam, ngành mắt có điều tra cơ bản trên quần thể. Theo dữ liệu của năm 2007, tỷ lệ mù 2 mắt do glôcôm ở người trên 50 tuổi chiếm 6,5%, đứng thứ 2 trong các nguyên nhân gây mù lòa. Căn bệnh này là một mối nguy hiểm lớn đối với đôi mắt của người Việt.
Theo nghiên cứu ở Singapore, những người có cơ địa góc tiền phòng nông (một đặc điểm giải phẫu của mắt) có thể tiến triển thành glôcôm trong 5 năm lên tới 10%, cao hơn rất nhiều so với người bình thường.
Rất nhiều người băn khoăn vấn đề làm thế nào để nhận biết sớm dấu hiệu của bệnh glôcôm. Theo bác sĩ Đỗ Tấn, mọi người phải thường xuyên chú ý đến các dấu hiệu bất thường thị lực. Các trường hợp đau nhắc mắt âm ỉ, kéo dài, mờ mắt, có cảm giác tước mắt có sương mù từng cơn hay kéo dài cần đi khám mắt để được chẩn đoán bệnh kịp thời. Với những người có nguy cơ cao, cơ địa góc tiền phòng nông, có người thân trong gia đình đã mắc bệnh glôcôm thì nên chủ động khám sàng lọc 6 tháng một lần.
Bệnh nhân không ther tự chẩn đoán bệnh tại nhà.
Bệnh nhân không thể tự chẩn đoán được bệnh Glôcôm. Để chẩn đoán được cần được khám bởi bác sĩ chuyên khoa mắt: bác sĩ sẽ xác định bệnh dựa trên đo nhãn áp (đo áp lực trong mắt), làm thị trường và soi đáy mắt để đánh giá dây thần kinh thị giác. Tuy nhiên bệnh nhân có thể tự giúp mình và giúp bác sĩ bằng cách đi khám sớm và kịp thời.
Bệnh glôcôm được chia thành 2 loại: glôcôm góc đóng và glôcôm góc mở. Bệnh glôcôm góc đóng có biểu hiện rõ rệt hơn còn bệnh glôcôm góc mở thì lại âm thầm tiến triển. Mỗi loại bệnh có phương pháp điều trị riêng. Bệnh glôcôm nguyên phát có cơ chế bệnh sinh, nguyên nhân chưa rõ ràng (vì vậy mới có tên là nguyên phát), các điều trị hiện tại chủ yếu là tác động vào 1 yếu tố nguy cơ quan trọng của bệnh là nhãn áp – điều trị hạ nhãn áp. Điều trị hạ nhãn áp chỉ có tác dụng làm ổn định chứ không chữa khỏi bệnh. Bệnh glôcôm không phòng tránh được nhưng mù lòa do glôcôm có thể phòng tránh được.