Trường Tiểu học Lĩnh Nam: Hướng dẫn học sinh lớp 4 lập sơ đồ tư duy và sử dụng sơ đồ tư duy trong một số môn học – tin tức khác
ĐẶT VẤN ĐỀ
I. Lí do chọn đề tài:
Trong thời đại ngày nay, nguồn tài liệu học tập, nghiên cứu như: sách, tạp chí, báo, các kỉ yếu rất phong phú. Thêm vào đó là sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghệ thông tin, chúng ta đang tiếp xúc với nguồn kiến thức mênh mông của thế giới. Bên cạnh đó, chúng ta thường xuyên phải ghi nhớ, tổng hợp hay phân tích một vấn đề bằng nhiều phương pháp như kẻ bảng, gạch đầu dòng các ý chính, vẽ sơ đồ tổng hợp, nhưng nó chưa bao giờ được hệ thống và được nghiên cứu kỹ lưỡng, mà chỉ được dùng tản mạn trong học sinh một cách định hướng có sẵn theo giáo viên. Cách học truyền thống đã khiến tư duy của nhiều em đi vào lối mòn, không kích thích được sự phát triển trí não của học sinh, điều đó làm cho một số em tuy rất chăm học nhưng tiếp thu và ghi nhớ được kiến thức rất ít, không biết vận dụng kiến thức vào các phần học sau. Học chỉ biết ghi mà không biết hệ thống kiến thức sau đó. Học sinh còn yếu về kỹ năng tư duy và tư duy khoa học, ghi nhớ chưa sâu nên dẫn đến học vẹt, học thuộc máy móc, dẫn đến chán nản, áp lực.
Kinh nghiệm dạy lớp 4, 5 nhiều năm cho tôi thấy: Khi học bài mới, nhiều học sinh tiếp thu thụ động, máy móc, chỉ biết học bài nào biết bài đấy, các môn học chưa có sự liên kết kiến thức với nhau vì thế không phát triển được tư duy logic và tư duy hệ thống. Ngoài ra, việc chuẩn bị bài mới cũng là khâu quan trọng để học sinh tiếp thu kiến thức mới nhưng các em vẫn chưa có ý thức chuẩn bị.
Có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, song phải kể đến nguyên nhân chính là do phương thức học tập của học sinh chưa tích cực và phương pháp giảng dạy của giáo viên chưa thực sự thu hút sự hứng thú học tập nhằm phát huy tính tự giác và chủ động, sáng tạo trong học tập của học sinh. Cùng với việc đổi mới mục tiêu và nội dung dạy học, vấn đề đổi mới phương pháp dạy học theo quan điểm lấy người học là trung tâm được đặt ra một cách bức thiết. Bản chất của dạy học lấy người học là trung tâm là phát huy cao độ tính tự giác, tích cực, độc lập, sáng tạo của người học. Theo quan điểm trên, trong công tác giáo dục, ngoài vấn đề truyền đạt kiến thức cho học sinh, chúng ta cần hướng học sinh đến một phương pháp học tập tích cực và tự chủ để lĩnh hội tri thức, và giáo viên cũng cần có phương pháp nghiên cứu để luôn cập nhật kịp thời tri thức của thế giới. Với “biển thông tin” như thế, để tiếp cận tốt cần có phương pháp giúp hệ thống lại những kiến thức đó. Việc xây dựng được một “hình ảnh” thể hiện mối liên hệ giữa các kiến thức, sẽ mang lại những lợi ích đáng quan tâm về các mặt: ghi nhớ, phát triển nhận thức, tư duy, óc tưởng tượng và khả năng sáng tạo, một hình thức dạy học mới đã được áp dụng rộng rãi đó là sử dụng sơ đồ tư duy, được mệnh danh là “công cụ vạn năng cho bộ não” là phương pháp ghi chú đầy sáng tạo, hiện nay tôi đã đưa vào thực hiện trong giảng dạy và học tập.
Ưu điểm lớn nhất của việc sử dụng sơ đồ tư duy trong dạy học ở Tiểu học là dễ áp dụng, dễ thực hành, phát huy khả năng sáng tạo của học sinh. Tôi chỉ cần bảng và hộp phấn nhiều màu. Học sinh chỉ cần tờ giấy trắng và hộp bút nhiều màu mực. Bất kể môn nào tôi cũng có thể ứng dụng sơ đồ tư duy và yêu cầu học sinh làm việc cá nhân hoặc theo nhóm. Việc thực hiện sơ đồ tư duy sẽ giúp các em rèn kỹ năng và tư duy khoa học, đặc biệt ghi nhớ kiến thức sâu sắc mà không sa vào lối học vẹt, học máy móc, học sinh được vừa học vừa chơi, tâm lý thoải mái, không áp lực, buồn chán nữa. Một hình thức giảm tải mà không giảm yêu cầu.
Nhận thấy rõ những ưu điểm trên cũng như đặc điểm nhận thức, tư duy của học sinh giai đoạn cuối Tiểu học, điều đó thôi thúc tôi nghiên cứu đề tài “Hướng dẫn học sinh lớp 4 lập sơ đồ tư duy và sử dụng sơ đồ tư duy trong một số môn học.”
II. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu:
1. Đối tượng nghiên cứu:
Lấy việc giúp cho học sinh lớp 4 trang bị thêm hiểu biết, kiến thức, kỹ năng lập và sử dụng sơ đồ tư duy vào các bài học trong các môn học khác nhau từ đó hình thành các hành vi, kỹ năng, thái độ chuẩn mực làm đối tượng nghiên cứu.
2. Phạm vi nghiên cứu:
Học sinh lớp 4 của trường.
3. Thời gian nghiên cứu: Từ năm học 2016- 2017 đến nay.
III. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu:
– Đưa ra một số biện pháp nhằm giúp cho học sinh lớp 4 trang bị thêm hiểu biết, kiến thức, kỹ năng lập và sử dụng sơ đồ tư duy vào các bài học trong các môn học khác nhau
– Giúp chủ nhân tương lai đất nước có điều kiện phát triển tư duy nhận thức, kỹ năng học tập một cách toàn diện.
IV. Điểm mới trong kết quả nghiên cứu :
Đối với phương pháp này, tôi chỉ là người khơi gợi, đánh giá và chốt lại nội dung, còn các em học sinh mới thực sự là những người chủ động, sáng tạo trong việc thể hiện kiến thức mà mình nắm bắt được. Chính vì thế, phương pháp sơ đồ tư duy còn góp phần rèn luyện kỹ năng sống cho các em, cụ thể như: Kỹ năng tìm kiếm sự hỗ trợ, sự tự tin, khả năng lắng nghe, thương lượng, hợp tác, tư duy sáng tạo, quản lý thời gian…”. Không chỉ áp dụng trên lớp, các em còn thực hành phương pháp ghi nhớ bằng sơ đồ tư duy trong thời gian học tập ở nhà.
GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
- C ơ sở lí luận:
Theo Tâm lý học, tư duy của học sinh tiểu học mang tính đột biến, chuyển từ tư duy tiền thao tác sang tư duy thao tác. Giai đoạn đầu bậc Tiểu học, tư duy của các em chủ yếu diễn ra trong trường hành động: tức những hành động trên các đồ vật và hành động tri giác (phối hợp hoạt động của các giác quan). Trong giai đoạn tiếp theo, trẻ đã chuyển được các hành động phân tích, khái quát, so sánh… từ bên ngoài thành các thao tác trí óc bên trong, mặc dù tiến hành các thao tác này vẫn phải dựa vào các hành động với đối tượng thực, chưa thoát ly khỏi chúng. Đó là các thao tác cụ thể. Biểu hiện rõ nhất của bước phát triển này trong tư duy của nhi đồng là các em đã có khả năng đảo ngược các hình ảnh tri giác, khả năng bảo tồn sự vật khi có sự thay đổi các hình ảnh tri giác về chúng. Trên cơ sở đó, Sơ đồ tư duy giúp học sinh phát hiện vấn đề một cách dễ dàng và ghi nhớ một cách có hệ thống. Mỗi nhánh nhỏ sẽ tác động đến “nấc thang” nhận thức gần nhất của các em.
Sau khi nghiên cứu cuốn sách “ Tôi tài giỏi- Bạn cũng thế” của tác giả Adam Khoo cùng với lời giới thiệu của Tony Buzan, tôi đã hiểu được: Sơ đồ tư duy là phương pháp được đưa ra như là một phương tiện mạnh để tận dụng khả năng ghi nhận hình ảnh của bộ não. Đây là cách để ghi nhớ chi tiết, để tổng hợp, hay để phân tích một vấn đề ra thành một dạng của lược đồ phân nhánh. Phương pháp này được phát triển vào cuối thập niên 60 (thế kỉ 20) bởi Tony Buzan, giúp ghi lại bài giảng mà chỉ dùng các từ then chốt và các hình ảnh. Cách ghi chép này nhanh, dễ nhớ và dễ ôn tập hơn.
Ưu điểm: So với các cách thức ghi chép truyền thống, thì phương pháp dùng sơ đồ tư duy có những điểm vượt trội như sau:
– Ý chính sẽ ở trung tâm và được xác định rõ ràng.
– Quan hệ hỗ tương giữa mỗi ý được chỉ ra tường tận. Ý càng quan trọng thì sẽ nằm vị trí càng gần với ý chính.
– Liên hệ giữa các khái niệm then chốt sẽ được tiếp nhận lập tức bằng thị giác.
– Ôn tập và ghi nhớ sẽ hiệu quả và nhanh hơn.
– Thêm thông tin (ý) dễ dàng hơn bằng cách vẽ chèn thêm vào bản đồ.
– Mỗi bản đồ sẽ phân biệt nhau tạo sự dễ dàng cho việc gợi nhớ.
– Các ý mới có thể được đặt vào đúng vị trí trên hình một cách dễ dàng, bất chấp thứ tự của sự trình bày, tạo điều kiện cho việc thay đổi một cách nhanh chóng và linh hoạt cho việc ghi nhớ.
– Có thể tận dụng hỗ trợ của các phần mềm trên máy tính
Phương pháp này khai thác khả năng ghi nhớ và liên hệ các dữ kiện lại với nhau bằng cách sử dụng màu sắc, một cấu trúc cơ bản được phát triển rộng ra từ trung tâm, chúng dùng các đường kẻ, các biểu tượng, từ ngữ và hình ảnh theo một bộ các quy tắc đơn giản, cơ bản, tự nhiên và dễ hiểu. Với một sơ đồ tư duy, một danh sách dài những thông tin đơn điệu có thể biến thành một sơ đồ đầy màu sắc, sinh động, dễ nhớ, được tổ chức chặt chẽ. Nó kết hợp nhịp nhàng với cơ chế hoạt động tự nhiên của não chúng ta. Việc nhớ và gợi lại thông tin sau này sẽ dễ dàng, đáng tin cậy hơn so với khi sử dụng kỹ thuật ghi chép truyền thống. Đặc biệt đây là một sơ đồ mở, không yêu cầu tỉ lệ, chi tiết chặt chẽ như bản đồ địa lý, có thể vẽ thêm hoặc bớt các nhánh, mỗi học sinh vẽ một kiểu khác nhau, dùng màu sắc, hình ảnh khác nhau các cụm từ diễn đạt khác nhau, cùng một chủ đề nhưng mỗi học sinh lại có một cách “thể hiện “nó dưới dạng sơ đồ tư duy khác nhau, do đó sẽ phát huy tối đa được khả năng sáng tạo của các em.
Vì vậy, trong dạy học: Việc sử dụng sơ đồ tư duy sẽ huy động tối đa tiềm năng của bộ não, giúp học sinh học tập tích cực, hỗ trợ hiệu quả các phương pháp dạy học khác. Vận dụng sơ đồ tư duy trong dạy học, tôi giúp các em có thói quen tự tay ghi chép hay tổng hợp một vấn đề, một kiến thức, một chủ đề đã học- đã đọc, theo cách hiểu của các em. Mỗi bài học, kiến thức trọng tâm được hệ thống dưới dạng sơ đồ tư duy trên một trang giấy, giúp học sinh dễ ôn tập, dễ xem lại kiến thức khi cần. Học sinh thường xuyên tự lập sơ đồ tư duy sẽ phát huy khả năng thẩm mĩ do việc thiết kế nó phải có bố cục rõ ràng về màu sắc, các đường nét, các nhánh sao cho đẹp, sắp xếp các ý tưởng sao cho có khoa học, súc tích…Và đó chính là cách để các em học sinh “Học cách học” mà tôi đã áp dụng ở lớp tôi.
II. Thực trạng:
Ở lớp 4, môn Tiếng Việt đã bắt đầu hình thành khái niệm ngữ pháp, cung cấp và rèn quy tác ngữ pháp, tập làm văn, Phân môn Lich sử- Địa lý ngoài việc hình thành cho học sinh một số kỹ năng cơ bản còn bắt đầu cung cấp cho học sinh một số kiến thức như nhân vật lịch sử, sự kiện lịch sử, mối quan hệ giữa các nhân vật, sự kiện lịch sử trong quá khứ, hiện tại; sự vật hiện tượng, mối quan hệ địa lí giữa các vùng miền, giữa thiên nhiên và con người. Lượng kiến thức ấy không phải là ít và dễ dàng tiếp nhận, ghi nhớ. Hơn nữa học sinh tiểu học còn thích được vẽ, thích tưởng tượng, vừa học vừa chơi. Chính vì vậy ứng dụng sơ đồ tư duy vào dạy học cho học sinh lớp 4 góp phần giúp học sinh biết cách tiếp nhận thông tin, ghi chú, ôn luyện hiệu quả vẫn không cảm thấy quá tải, vẫn hứng thú với môn học này. Và còn nhiều các môn học khác nữa cũng có thể sử dụng bản đồ tư duy như Toán, Kể chuyện, Khoa học, Luyện từ và câu….
Trước khi thực hiện hướng dẫn cho học sinh cách vẽ bản đồ tư duy thì tôi đã điều tra bằng phiếu điều tra dành cho hơn 300 học sinh khối 4 trường tôi như sau:
Họ và tên :
Lớp : 4A…
PHIẾU ĐIỀU TRA Ý KIẾN
1. Em có bút màu và giấy vẽ không?
a. Có đầy đủ
b. Không có
2. Nhìn vào sơ đồ này, em biết được những gì về bạn nhỏ?
a. Không biết được gì về bạn.
b. Biết được sở thích, gia đình, mục tiêu, trường học của bạn.
3. Em đã bao giờ nghe đến cụm từ “Sơ đồ tư duy” chưa?
a. Nghe thường xuyên
b. Thỉnh thoảng mới nghe đến.
c. Chưa bao giờ nghe đến.
4. Theo em : Sơ đồ tư duy là gì?
a. Là một bức tranh dùng cho một bài học.
b. Là những sơ đồ dùng trong các môn học.
c. Là sơ đồ trong đó biểu thị lại nội dung của bài học bằng các hình vẽ.
5. Em có muốn giáo viên dạy học bằng cách vẽ sơ đồ tư duy không? Vì sao?
a. Có b. Không
vì:………………………………………………………………………………………………………………………….
………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………
Kết quả:
Câu 1: 100% học sinh có đầy đủ.
Câu 2: 10% chọn a, 70% chọn b. Điều đó có nghĩa đa số các em chỉ cần nhìn vào một sơ đồ tư duy là sẽ nắm bắt được những điều cơ bản nhất của nội dung chính. Câu 3: khoảng 5% học sinh thỉnh thoảng mới nghe tới cụm từ “Sơ đồ tư duy”, 95% các em trả lời chưa bao giờ nghe đến cụm từ này và không có em nào trả lời nghe cụm từ này thường xuyên.)
Câu 4: Khoảng 70% chọn a, 20% chọn đáp án b và 10% chọn c. Điều đó chứng tỏ, các em cũng đã hình dung được
Câu 5: 20% trả lời là “không” vì thấy cầu kì quá, vì vẽ xấu, vì không nhớ được nhiều kiến thức, vì chưa biết sơ đồ tư duy là gì….80% trả lời “có” vì thấy tò mò biết sơ đò tư duy như thế nào?, nhìn vào sơ đồ rất dễ nhớ nội dung, màu sắc bắt mắt, được vẽ theo sáng tạo của mình….
Qua việc khảo sát học sinh tôi nhận thấy: Hầu hết học sinh có rất ít hiểu biết về sơ đồ tư duy. Đó là một khái niệm còn rất xa lạ với các em. Có một số em rất ngại phải học với phương pháp này. Tuy nhiên, bên cạnh đó, phần lớn học sinh rất thích thú, các em có đầy đủ đồ dùng học tập như màu, giấy vẽ, thích khám phá, thích được phát huy khả năng sáng tạo của mình qua các sơ đồ tư duy sẽ được học.
III. Hướng dẫn học sinh vẽ sơ đồ tư duy:
Để hướng dẫn và trang bị kiến thức cho học sinh về cách vẽ sơ đồ tư duy, tôi đã thực hiện một số việc làm sau:
- Cho học sinh làm quen với sơ đồ tư duy:
Trước hết tôi cho học sinh làm quen với sơ đồ tư duy bằng cách giới thiệu cho học sinh một số sơ đồ tư duy cùng với sự dẫn dắt, giải thích của tôi để các em tập đọc hiểu sơ đồ tư duy, sao cho chỉ cần nhìn vào sơ đồ tư duy các em có thể thuyết trình được nội dung một bài học hay một chủ đề, một chương theo mạch logic của kiến thức.
- Hướng dẫn học sinh lập sơ đồ tư duy
Để vẽ sơ đồ tư duy tôi yêu cầu các con cần có: giấy, bút màu, càng nhiều màu càng tốt. Hướng dẫn học sinh phải thực hiện 4 bước sau:
Bước 1: Vẽ chủ đề ở trung tâm:
-Bước đầu tiên trong việc tạo ra một sơ đồ tư duy là vẽ một chủ đề trung tâm ở trên một mảnh giấy.
-Đặt trang giấy nằm ngang trước mặt để bắt đầu vẽ sơ đồ tư duy ở giữa trang giấy.
-Muốn xác định được chủ đề tôi hướng dẫn học sinh dựa vào tên một bài học vì thông thường tên một bài học chứa nội dung trọng tâm của bài.
*Quy tắc vẽ chủ đề:
– Học sinh cần phải vẽ chủ đề ở trung tâm để từ đó phát triển ra các ý khác.
– Học sinh có thể tự do sử dụng các màu sắc mà mình yêu thích để nhấn mạnh, sắp xếp, kết cấu, sáng tạo và có thể thêm một số yếu tố vui nhộn đối với suy nghĩ của học sinh. Điều này sẽ kích thích thị giác và củng cố hình ảnh trong các con. Yêu cầu học sinh phải dùng ít nhất 3 màu cho toàn bộ sơ đồ tư duy và hãy tạo ra một hệ thống mã màu của riêng mình.
– Học sinh không nên đóng khung hoặc che chắn mất hình vẽ chủ đề vì chủ đề cần được làm nổi bật để dễ nhớ.
– Học sinh có thể bổ sung từ ngữ vào hình vẽ chủ đề nếu chủ đề không được rõ ràng.
– Một bí quyết vẽ chủ đề là chủ đề nên được vẽ to nhất, màu sắc bắt mắt nhất, dễ hiểu nhất.
Bước 2: Vẽ thêm các tiêu đề phụ:
Bước tiếp theo, tôi hướng dẫn các em vẽ thêm các tiêu đề phụ vào chủ đề trung tâm:
*Quy tắc vẽ tiêu đề phụ:
– Tiêu đề phụ nên được viết bằng chữ in hoa nằm trên các nhánh dày để làm nổi bật. Các từ khoá càng ngắn gọn xúc tích càng tốt, vì nó yêu cầu não bộ của học sinh phải liên tưởng, gợi nhớ. Hơn là các em ghi ra sẵn nguyên câu khiến não chỉ việc nhàn hạ đọc qua mà không có gắng tư duy ghi nhớ. Những từ khoá quan trọng cần thay đổi màu sắc và kích cỡ để tăng sự tập trung.
– Tiêu đề phụ phải vẽ gắn liền với trung tâm bằng một loạt liên kết đậm toả ra từ tâm của hình ảnh. Đây là những nhánh chính của sơ đồ tư duy, chúng sẽ giúp học sinh liên kết các thông tin lại với nhau. Biết được quan hệ “cha con” của các thông tin.
– Tiêu đề phụ nên vẽ theo hướng chéo góc (chứ không nằm ngang) để nhiều nhánh phụ khác có thể được vẽ toả ra một cách dễ dàng.
– Khi vẽ vạch liên kết, tôi hướng dẫn học sinh nên vẽ đường cong hơn là đường thẳng, vì chúng hấp dẫn hơn với mắt và dễ ghi nhớ hơn đối với não
Bước 3: Trong từng tiêu đề phụ, vẽ thêm các ý chính và các chi tiết hỗ trợ:
Tiếp theo, tôi hướng dẫn học sinh vẽ các nhánh phụ cấp hai, cấp ba, theo quy tắc sau:
*Quy tắc vẽ ý chính và chi tiết hỗ trợ:
– Chỉ nên tận dụng các từ khoá và hình ảnh: Hướng dẫn cho học sinh thêm các hình vẽ vào nhánh sao cho càng phù hợp với từ khoá càng tốt, lúc này não phải của các con thoả sức tư duy và sáng tạo, đảm bảo làm sao khi nhìn lại sơ đồ tư duy chỉ cần nhìn hình là học sinh lập tức nhớ ngay đến từ khoá của nhánh đó.
– Bất cứ khi nào có thể, các con hãy dùng những biểu tượng, cách viết tắt để tiết kiệm không gian vẽ và thời gian. Học sinh đều có cách viết tắt riêng của mình cho những từ thông dụng. Đây là một số cách viết tắt mà tôi hay hướng dẫn học sinh:
+ Sơ đồ tư duy: SĐTD
+ Không có: x có
+ Suy ra : à
+ Tăng lên/ giảm xuống, phát triển/ sa sút:
+ Lớn hơn, nhỏ hơn: >, <
Ngoài ra các em còn có thể kí hiệu theo ý nghĩ của mình.
Tạo các liên kết giữa các nhánh nếu chúng có liên quan đến nhau. Điền số thứ tự vào các nhánh nếu học sinh muốn sắp xếp thứ tự quan trọng, hoặc thứ tự các nhánh phải xem nếu thông tin yêu cầu sự tuần tự.
Tất cả các nhành của một ý nên toả ra từ một điểm.
Tất cả các nhành toả ra từ một điểm (thuộc cùng một ý) nên có cùng một màu.
Các em có thể thay đổi màu sắc khi đi từ một ý chính đến các ý phụ cụ thể hơn.
Bước 4: Hoàn thiện sơ đồ tư duy:
Ở bước này, tôi để cho trí của học sinh được phát huy, các con tích cực chủ động sáng tạo, thêm nhiều hình ảnh giúp các ý quan trọng thêm nổi bật, cũng như giúp kiến thức lưu vào trí nhớ của học sinh tốt hơn. Cách vẽ sơ đồ tư duy ban đầu sẽ có cảm giác phức tạp và mất thời gian vì vừa phải tìm từ khoá, vừa mất thời gian vẽ nhưng sơ đồ tư duy hoàn chỉnh vừa là một bức tranh về những ý nghĩ của học sinh, vừa là một bản tóm tắt nội dung giúp cho đạt được mục tiêu của chủ đề.
IV. Ứng dụng bản đồ tư duy trong giảng dạy một số môn học:
Sơ đồ tư duy là công cụ lý tưởng cho việc giảng dạy và trình bày các khái niệm trong lớp học. Nó giúp tôi tập trung vào vấn đề cần trao đổi cho học sinh, cung cấp một cái nhìn tổng quan về chủ đề mà không có thông tin thừa. Học sinh sẽ không phải tập trung vào việc đọc nội dung trên Slide hay trong sách, thay vào đó sẽ lắng nghe những gì giáo viên diễn đạt. Hiệu quả giảng bài sẽ được tăng lên.
- Tóm tắt một số hoạt động dạy học ở trên lớp với sơ đồ tư duy:
– Hoạt động 1: Học sinh lập sơ đồ tư duy theo nhóm hoặc cá nhân theo gợi ý của giáo viên.
– Hoạt động 2: Học sinh hoặc đại diện các nhóm lên báo cáo, thuyết trình về sơ đồ tư duy đã thiết lập.
– Hoạt động 3: Học sinh thảo luận, bổ sung, chỉnh sửa, để hoàn thiện sơ đồ tư duy về kiến thức của bài học đó. GV sẽ là người cố vấn, là trọng tài giúp học sinh hoàn chỉnh sơ đồ tư duy, từ đó dẫn dắt đến kiến thức của bài học.
– Hoạt động 4: Củng cố kiến thức bằng một sơ đồ tư duy mà giáo viên đã chuẩn bị sẵn hoặc một sơ đồ tư duy mà cả lớp đã tham gia chỉnh sửa hoàn chỉnh, cho học sinh lên trình bày, thuyết minh về kiến thức đó.
- Chuẩn bị bài với sơ đồ tư duy:
– Để việc học bài mới đạt hiệu quả hơn, tôi giao việc cho học sinh ở khâu chuẩn bị bài trước. Nếu trước đây, tôi chỉ yêu cầu học sinh về nhà xem trước bài thì chúng ta khó có thể đánh giá được các em có xem hay không. Vì thế bây giờ tôi giao việc vẽ sơ đồ tư duy cụ thể cho mỗi bài học, chúng ta có thể dễ dàng kiểm soát được việc chuẩn bị của học sinh qua các sản phẩm cụ thể đó chính là các bản vẽ của các em. Tôi gợi ý cho học sinh đọc lướt để tóm xác định các ý chính, tự đặt câu hỏi để phát triển các ý như khi vẽ sơ đồ tư duy ở trên lớp. Ban đầu tôi giao việc theo nhóm ở gần nhà nhau, sau đó giao việc cho từng cá nhân. Đến giờ lên lớp, tôi thể hiện nội dung bài học bằng sơ đồ tư duy trên bảng, ở dưới học sinh đối chiều với sơ đồ của mình, thấy thiếu thông tin thì bổ sung vào, ngược lại các em có thể cung cấp cho giáo viên cũng như các bạn khác những thông tin, cách liên tưởng mới lạ.
3. Ứng dụng bản đồ tư duy trong giảng dạy một số môn học:
a. Ứng dụng bản đồ tư duy trong giảng dạy văn miêu tả lớp 4:
Một trong những phương pháp dạy Văn miêu tả mà tôi đã vận dụng trong quá trình giảng dạy chính là dạy bằng sơ đồ tư duy gồm các hoạt động sau:
Hoạt động 1: Cho học sinh đọc kỹ đề bài, tìm hiểu đề: Ở những tiết hướng dẫn học sinh quan sát, tìm ý các em có thể chọn chủ đề là đồ vật, con vật mà em định quan sát. Vẽ đơn giản hình ảnh đồ vật đó, sau đó vẽ các nhánh biểu thị cho các giác quan thương dùng khi quan sát: mắt, mũi, tay tai….từ các giác quan đó học sinh bắt đầu tìm ý bằng cách trả lời câu hỏi Nghe thấy gì? Nhìn thấy gì? Sờ thấy gì? Ngửi thấy gì? Từ những gì các em đã tìm được ở nhánh phụ , học sinh lại tiếp tục suy nghĩ để tìm ra những từ ngữ đa dạng hơn, phong phú hơn bằng cách động não và vẽ thêm các nhánh phụ tiếp theo. Chẳng hạn: khi tìm được từ chỉ hình dáng là cao thì các em có thể tìm thêm các nhánh con như: cao lênh khênh, cao chót vót. Như vậy, với việc vẽ sơ đồ tư duy học sinh có thể phát huy được hết khả năng ngôn ngữ của mình, tìm ý sâu sắc hơn, phong phú hơn và không bị bỏ sót các ý hay. Từ sơ đồ tư duy này, mỗi lần quan sát một đối tượng gì thì học sinh chỉ việc thay tên chủ đề và lập sơ đồ tìm ý rất nhanh.
Hoạt động 2: Vẽ sơ đồ tư duy theo mạch tư duy. Ví dụ: Nếu chọn viết về cây ăn quả, học sinh phải miêu tả vài đặc điểm như: Cây cao khoảng 2-3m, có nhiều tán lá xum xuê, quả màu vàng treo lủng lẳng… lập sơ đồ tư duy. Giáo viên có thể cho học sinh lập sơ đồ tư duy theo nhóm hay cá nhân với các gợi ý.
Hoạt động 3: Báo cáo, thuyết minh về sơ đồ tư duy. Cho một vài học sinh hoặc đại diện của các nhóm học sinh lên báo cáo, thuyết minh về sơ đồ tư duy mà nhóm mình đã thiết lập. Qua hoạt động này vừa biết rõ việc hiểu kiến thức của các em, vừa là một cách rèn cho các em khả năng thuyết trình trước đông người, giúp các em tự tin hơn, mạnh dạn hơn, đây cũng là một trong những điểm cần rèn luyện của học sinh hiện nay.
Hoạt động 4: Thảo luận, chỉnh sửa, hoàn thiện sơ đồ tư duy. Tổ chức cho học sinh thảo luận, bổ sung, chỉnh sửa để hoàn thiện sơ đồ tư duy về kiến thức cần đạt của một bài văn. Giáo viên sẽ là người cố vấn, là trọng tài giúp học sinh hoàn chỉnh sơ đồ tư duy, từ đó dẫn dắt đến kiến thức trọng tâm của bài học.
Hoạt động 5: Củng cố kiến thức bằng sơ đồ tư duy. Nhìn vào sơ đồ tư duy, học sinh lần lượt trình bày các phần, từ mở bài đến kết luận, nêu tình cảm của mình.
Hoạt động 6: Dựa trên bản đồ tư duy, viết thành bài văn hoàn chỉnh.
Việc thiết kế bài giảng môn Tập làm văn bằng phương pháp dạy học sơ đồ tư duy sẽ dần hình thành cho học sinh tư duy mạch lạc, hiểu biết vấn đề một cách sâu sắc, có cách nhìn vấn đề một cách hệ thống, khoa học. Sử dụng sơ đồ tư duy kết hợp với các phương pháp dạy học tích cực khác như: vấn đáp gợi mở, thuyết trình có tính khả thi cao góp phần đổi mới phương pháp dạy học.
b. Ứng dụng bản đồ tư duy trong giảng dạy môn Lịch sử- Địa lí lớp 4:
Ví dụ : Bài Nhà Trần thành lập:
-Tôi cho học sinh xác định chủ thể là “Nhà Trần”. Học sinh tự vẽ chủ thể vào trang giấy.
-Cho học sinh nêu câu hỏi trong sách giáo khoa: Nhà Trần ra đời trong hoàn cảnh nào? Sau đó vẽ thêm tiêu đề: Hoàn cảnh ra đời.
-Ở tiêu đề này tôi gợi ý cho học sinh bằng câu hỏi: Cuối thế kỉ XII nước ta gặp phải khó khăn gì?( tình hình trong nước, ngoài nước). Học sinh đọc sách giáo khoa trả lời bằng cách vẽ tiếp các nhánh:
* Tôi hướng dẫn học sinh vẽ nhánh con thứ nhất, xác định từ khoá Nhà Lý
Gợi ý tiếp:
+ Biểu hiện của sự suy yếu là gì?
+ Học sinh tiếp tục vẽ các nhánh cháu vào các nhánh con này : ( tôi cho học sinh đánh số thứ tự vào các nhánh cháu để dễ dàng xác định được có mấy ý cần nhớ).
Chính quyền không chăm lo đến đời sống nhân dân.
Nội bộ triều đình mâu thuẫn.
Nhân dân cơ cực nổi dậy đấu tranh.
Tiếp tục học sinh sẽ vẽ nhánh con thứ 2: giặc phương Bắc
Học sinh tiếp tục vẽ các nhánh cháu vào các nhánh con này dựa vào các câu hỏi:
+ Nhà Lý đối phó ra sao?
Dựa vào họ Trần.
Trần Thủ Độ quyết định mọi việc.
Tiếp theo nhánh cháu 2: là Trần Thủ Độ tìm cách để Chiêu Hoàng lấy Trần Cảnh rồi nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh.
+ Vì sao lại nhường ngôi?
Lý Huệ Tông không có con trai nên truyền ngôi cho con gái là Chiêu Hoàng.
Chiêu Hoàng mới 7 tuổi.
Trong ví dụ này, tôi tiếp tục cho học sinh đọc câu hỏi : Nhà Trần đã có những việc làm gì để củng cố xây dựng đất nước?
Học sinh vẽ các tiêu đề 2: củng cố, xây dựng
Sau đó các em tự suy nghĩ và phát triển các tiêu đề này thành các nhánh:
+ Nhánh 2-1: Chia thánh 12 lộ
+ Nhánh con 2-2: nhường ngôi sớm
+ Nhánh con 2-3 : chuông ở thềm cung điện.
+ Vua, quan, dân gần gũi.
+ Quân đội.
+ Nông nghiệp
Như vậy tôi luôn tập cho học sinh biết đặt câu hỏi và có thói quen đặt câu hỏi sau mỗi nhánh các em vẽ để tư duy của các em không ngừng phát triển, và luôn luôn phát triển sơ đồ theo hướng mở, từ nhánh này lại sinh ra nhánh con, cháu…
Đối với các bài học tiếp theo, tôi cho học sinh tiếp tục vẽ vào sơ đồ này và hoàn chỉnh một triệu đại lịch sử gồm 3 bài với chỉ một trang giấy.
Dưới đây là một số sản phẩm, cũng là nội dung bài học Lịch sử được học sinh tự mô tả lại dưới dạng sơ đồ tư duy ở lớp tôi:
Ví dụ: Bài Dải đồng bằng Duyên hải miền Trung:
Tôi có thể hướng dẫn học sinh vẽ các ý chính mà các em nắm bắt sau khi đọc sách. Chẳng hạn nội dung chính của bài: “Duyên hải miền Trung với nhiều đồng bằng nhỏ với những cồn cát, đầm, phá. Mùa hạ, tại đây thường khô, nóng và bị hạn hán. Cuối năm thường có mưa lớn và bão dễ gây ngập lụt. Khu vực phía bắc dãy Bạch Mã có mùa đông lạnh”
Học sinh vẽ lại theo nhóm, chẳng hạn có thể gợi mở cho học sinh bằng các câu hỏi:
– Vẽ đối tượng chính- chủ thể là gì? ( Dải đồng bằng Duyên hải miền Trung)
– Dựa vào nội dung ghi nhớ, các con cho cô biết : Nhánh con là gì? Có mấy nhánh con? ( có 5 nhánh con: Nhánh 1: Vị trí. Nhánh 2: Địa hình. Nhánh 3: Khí hậu. Nhánh 4: Dân cư. Nhánh 5: Hoạt động sản xuất. Các nhánh đêu có các nhánh phụ.
c. Ứng dụng bản đồ tư duy trong giảng dạy môn Khoa học lớp 4:
Qua nhiều năm thực hiện, tôi nhận thấy tiết học đạt hiệu quả cao hơn rất nhiều so với cách dạy truyền thống là đọc chép hoặc một tiết dạy chỉ sử dụng bằng bài giảng điện tử cho học sinh nhìn chép.
Sử dụng sơ đồ tư duy trong giờ dạy Khoa học sẽ bắt buộc tất cả 100% học sinh đều phải động não, sáng tạo và chỉ trong một tờ giấy các em có thể trình bày nội dung của bài học. Học sinh sẽ tự khám phá và khi tạo được một tác phẩm đẹp, ý tưởng hoàn chỉnh được giáo viên và các bạn ngợi khen sẽ phấn khởi rất nhiều.
Các em khác cũng sẽ cố gắng tự hoàn thiện mình và mỗi học sinh có một tính cách, một ý tưởng rất khác nhau khi trình bày sơ đồ tư duy của mình nhưng điều quan động là các em biết cách tự ghi chép đầy đủ nội dung bài học để học ở nhà có thể trình bày trước tập thể lớp và ghi nhớ lâu kiến thức bài học.
Bài 20: Nước có những tính chất gì? Bài 26: Nguyên nhân làm nước bị ô nhiễm
d. Ứng dụng bản đồ tư duy trong giảng dạy môn Toán lớp 4:
Sơ đồ tư duy hệ thống kiến thức môn Toán lớp 4 bao gồm sơ đồ tổng quát hệ thống kiến thức và các sơ đồ chi tiết cho từng dạng toán lớp 4 giúp các em học sinh nắm bắt được các kiến thức toàn bộ chương trình học dễ nhớ, dễ thuộc
4. Ôn luyện với sơ đồ tư duy:
Sau khi học xong bất kì vấn đề gì cũng cần ôn luyện vì theo nguyên lý đào thải nếu không ôn tập, vận dụng một thời gian thì chắc chắn các em học sinh sẽ quên những gì đã học. Vì vậy, sau mỗi bài học, tôi có thể giúp học sinh ôn bài, nhớ bài ngay tại lớp bằng cách đọc lại sơ đồ tư duy. Về nhà các em có thể ôn luyện lại để nhớ lâu hơn. Nên thường xuyên sử dụng sơ đồ tư duy khi làm việc nhóm và hệ thống kiến thức đã học trong các môn học ở trường, đặc biệt là khi ôn tập cho các kì thi.
Bốn mốc thời gian ôn luyện:
Theo Lê Phan Viên Hy, huấn luyện viên trung tâm đào tạo kỹ năng sống TGM, sau khi vẽ xong, ngay lập tức ghi các thời điểm ôn lại vào góc nhỏ trên sơ đồ. Đồng thời ghi các thời điểm đó vào sổ tay để xem và thiết lập thời gian. Thời gian ôn luyện lí tưởng như sau: 10 phút, 1 ngày, 1 tuần, 1 tháng sau khi vẽ.
Các bước ôn luyện như sau:
Nhìn qua sơ đồ, không đọc nội dung mà ước chừng thời gian để có thể ghi lại hết các nét và từ khoá.
Chỉnh đồng hồ báo thức đúng thời lượng rồi bắt đầu học bài bằng cách ghi lại từng nhánh sơ đồ.
Đối chiếu bài làm với bản chính.
Có thể trong lần đầu sẽ thiếu sót một vài từ khoá, một vài nhánh, hãy nhìn kỹ những từ khoá đó để chắc chắn không quên trong các lần ôn tiếp theo.
Mẹo học và ôn bài kết hợp với sơ đồ tư duy:
Các em học sinh rất khó có thể nhớ hết kiến thức đã học vì cách ghi truyền thống rất nhạt nhẽo, đơn điệu. Học sinh sẽ tăng cường được sức mạnh của trí nhớ bằng cách tạo ra những ghi chú làm nổi bật thông tin. Các em cũng có khuynh hướng ghi nhớ những sự việc buồn cười, khác thường, và hay nhớ được các sự việc mà chúng ta tưởng tượng ra. Đặc biệt là khi dùng nhiều giác quan để tưởng tượng. Nói cách khác thay vì tưởng tượng đơn gian hình dáng một trí chuối thì hãy tưởng tượng thêm vị ngọt, mùi hương, màu sắc của nó.
Đối với các môn học cần học thuộc kiến thức thì có thể áp dụng một bí quyết học bài nhanh, nhớ lâu khi vẽ sơ đồ tư duy là vẽ và xâu chuỗi lại thành một câu chuyện hài, dí dỏm.
Ví dụ: Tiết luyện từ và câu: Mở rộng vốn từ: Sức khoẻ
Để nhớ được các từ ngữ nói lên một cơ thể khoẻ mạnh: sau khi tìm được các từ sau: vạm vỡ, lực lưỡng, cân đối, rắn chắc, rắn rỏi, chắc nịch, cường tráng, dẻo dai, nhanh nhẹn…tôi giúp học sinh vẽ và xâu chuỗi thành câu chuyện vui sau:
“Chuẩn bị cho kì thi sức khoẻ, anh Vạm hay làm vỡ đồ (nên gọi là vạm vỡ) và anh Lực nhà bác Lưỡng ( lực lưỡng) rủ nhau đi cân ( cân đối). Hai anh gặp hai con rắn là rắn rỏi và rắn chắc, liền rút dây nịt ( chắc nịch) ra quật con rắn, ai dè rút dây ra thì tụt quần, khó đánh rắn. Hai anh phải nhờ đến anh Cường làm bánh tráng (cường tráng) nổi tiếng bánh rất ngon và dẻo (dai). Ba anh đã hợp sức lại và chiến thắng hai con rắn một cách nhanh nhẹn.
Học sinh rất vui và hứng thú khi cùng tôi khám phá câu chuyện trên đồng thời các em đã thuộc bài ngay tại lớp, đặc biệt những em học bình thường rất chậm hôm nay cũng thuộc ngay, các em trở nên thích học và rất tự tin.
Bài soạn minh họa
PHÒNG GD & ĐT QUẬN HOÀNG MAI TRƯỜNG TIỂU HỌC LĨNH NAM
GV: Lê Thị Quỳnh Hương
KẾ HOẠCH BÀI DẠY Môn Khoa học – Lớp 4
Bài: NGUYÊN NHÂN LÀM NƯỚC BỊ Ô NHIỄM
I. MỤC TIÊU:
1. Kiến thức: Nêu được những nguyên nhân làm nhiễm nước bị ô nhiễm.
Nêu được những tác hại của nguồn nước bị ô nhiễm đối với sức khỏe của con người.
2. K ĩ n ă ng: Biết được những nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm nước. Phân biệt được nguồn nước bị ô nhiễm. Biết sử dụng nguồn nước sạch để bảo vệ sức khỏe cho mình và gia đình.
* Các kĩ năng sống cơ bản được giáo dục trong bài:
– Kĩ năng phân tích, phán đoán.
3. Thái độ: – Giáo dục học sinh ý hạn chế những việc làm gây ô nhiễm nguồn nước.
II. ĐỒ DÙNG DẠY HỌC:
1. Gv: sưu tầm tranh ảnh, thông tin về các nguồn nước bị ô nhiễm
Giấy khổ to, bút dạ
2. Học sinh: SGK.
III. CÁC HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC :
TG
Nội dung
Hoạt động của giáo viên
Hoạt động của học sinh
Đồ dùng
1’
12’
10’
12’
2’
1.Kiểm tra bài cũ
2. Bài mới:
HĐ1: Nguyên nhân làm nước bị ô nhiễm
Hoạt động 2: Tìm hiểu thực tế
GD :Kĩ năng phân tích, phán đoán các tình huống có nguy cơ dẫn đến tai nạn
Hoạt động 3: Tác hại của nước bị ô nhiễm
3. Củng cố, dặn dò:
-GV nêu câu hỏi
-Giới thiệu bài
Bước 1: Làm việc theo cặp. Gv: Yêu cầu học sinh làm việc theo nhóm
Bước 2: Cử đại diện trình bày cho cả lớp nghe.
Bước 3: Hoạt động nhóm 6 yêu cầu: “ Vẽ sơ đồ tư duy về nguyên nhân gây ra ô nhiễm nguồn nước
GV kết luận:chúng ta phải hạn chế những việc làm có thể gây ô nhiễm nguồn nước.
– Tìm hiểu hiện trạng nước ở địa phương mình ở.
+ Theo em những nguyên nhân nào dẫn đến nước nơi em ở bị ô nhiễm?
– Theo em, mỗi người dân ở địa phương ta cần làm gì?
– Theo em, mỗi người dân ở địa phương ta cần làm gì?
Giáo viên chốt : – nước thải từ các gia đình đổ xuống.- đổ rác bừa bãi, đổ xuống sông…do khói, khí thải từ nhà máy, do các nhà máy đổ nước thải không có hệ thống xử lí….
Hoạt động nhóm đôi
Gv nêu câu thảo luận:
Nguồn nước bị ô nhiễm có tác hại gì đối với cuộc sống của con người, thực vật, động vật?
Gv kết luận: Nguồn nước bị ô nhiễm gây hại cho sức khẻ, con người
– Bài sau Ôn tập: Con người và sức khỏe.
– HS trả lời
-HS ghi vở
Hoạt động nhóm đôi
-Đại diện trình bày .
- Cả lớp theo dõi và các nhóm bổ sung .
– Vẽ sơ đồ tư duy
– Cử đại diện trình bày
– Cả lớp lắng nghe.
– Học sinh phát biểu
– Học sinh phát biểu
– Học sinh phát biểu
– Cả lớp lắng nghe.
Hoạt động nhóm đôi
Đại diện nhóm trình bày
-HS lắng nghe
V. Những kết quả đạt được:
Qua việc dạy học bằng sơ đồ tư duy tôi thu được kết quả ở hai phương diện:
* Thứ nhất: là tăng sự hứng thú của học sinh trong các giờ học. Điều này được thể hiện qua kết quả khảo sát như sau:
+ Trong giờ học, quan sát tần suất giơ tay của học sinh cho thấy, suốt 40 phút, các em chú ý học bài hơn, cùng những câu hỏi như nhau nhưng có đến 15 lần học sinh phát biểu, số câu trả lời đúng nhiều hơn.
+ Về thái độ của học sinh, có đến 29 hs – 50% học sinh trong lớp có thái độ thích thú và 7 hs – 12% rất thích thú các tiết học Tiếng Việt bằng sơ đồ tư duy .
+ Về quan niệm có thể sử dụng sơ đồ tư duy trong học tập trong dạy học thì có đến 48 hs – 82% học sinh trong lớp cho rằng sơ đồ tư duy có thể được sử dụng trong các tiết học.
+ Về nhận thức những ưu điểm khi sử dụng sơ đồ tư duy trong các tiết học : Đa số học sinh đều nhận thức được những ưu điểm khi sử dụng sơ đồ tư duy trong các tiết học. Cụ thể: . Có đến 55 hs – tỉ lệ 94% cho rằng sơ đồ tư duy giúp học sinh dễ tóm tắt nội dung kiến thức bài học. Có 50 hs – tỉ lệ 86% cho rằng sơ đồ tư duy giúp học sinh dễ nhớ nội dung bài học. Có 48 hs – tỉ lệ 82% cho rằng sơ đồ tư duy giúp học sinh phát huy sự chủ động, sáng tạo trong giờ học. Và có 47 hs – tỉ lệ 81% cho rằng sơ đồ tư duy giúp học sinh dễ vận dụng nội dung kiến thức bài học vào làm bài kiểm tra. Kết quả:
STT
MÔN
Giữa kì I
Cuối kì I
Giữa kì II
HTT
HT
CHT
HTT
HT
CHT
HTT
HT
CHT
1
Tiếng Việt
9
47
2
20
36
2
23
33
2
2
Toán
12
42
4
22
34
2
27
30
1
3
Khoa học
25
32
1
32
26
0
35
23
0
4
LS-ĐL
20
37
1
29
29
0
33
25
0
KẾT LUẬN – KHUYẾN NGHỊ
- Kết luận:
Bản chất của việc dạy học là làm cho học sinh chủ động tiếp thu, dễ hiểu, dễ nhớ kiến thức. Học sinh tiếp thu kiến thức không phải chỉ thông qua kênh nghe, kênh nhìn mà còn phải được tham gia thực hành ngay trên lớp hoặc được vận dụng, trao đổi thể hiện suy nghĩ, chính kiến của mình. Từ xa xưa, người phương Đông đã có câu: “Tôi nghe thì tôi quên, tôi nhìn thì tôi nhớ, tôi làm thì tôi hiểu”. Những kết quả nghiên cứu khoa học hiện đại cũng đã cho thấy, học sinh chỉ có thể nhớ được 5% nội dung kiến thức thông qua đọc tài liệu. Nếu ngồi thụ động nghe giảng thì nhớ được 15% nội dung kiến thức. Nếu quan sát có thể nhớ 20%. Kết hợp nghe và nhìn thì nhớ được 25%. Thông qua thảo luận với nhau, học sinh có thể nhớ được 55%. Nhưng nếu học sinh được trực tiếp tham gia vào các hoạt động để qua đó tiếp thu kiến thức thì có khả năng nhớ tới 75%. Còn nếu giảng lại cho người khác thì có thể nhớ tới được 90%. Vì vậy, việc sử dụng sơ đồ tư duy giúp học sinh học tập một cách tích cực, huy động tối đa tiềm năng của bộ não; giúp cho mỗi người phát triển khả năng thẩm mỹ do việc thiết kế nó phải bố cục màu sắc, đường nét, các nhánh, sắp xếp các ý tưởng một cách khoa học, logic, dễ hiểu. Sử dụng sơ đồ tư duy góp phần đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh. Đồng thời, việc học sinh tự vẽ sơ đồ tư duy còn giúp phát triển năng khiếu hội họa, sở thích của học sinh. Các em được tự do lựa chọn màu sắc (xanh, đỏ, vàng, tím,…), đường nét (đậm, nhạt, thẳng, cong…), tự “sáng tác” “tác phẩm” của mình nên trên mỗi sơ đồ tư duy thể hiện rõ cách hiểu, cách trình bày kiến thức của từng học sinh và sơ đồ tư duy do các em tự thiết kế nên các em sẽ yêu quí, trân trọng “tác phẩm” của mình. Qua thời gian thực hiện, tôi nhận thấy các tiết đạt hiệu quả cao hơn, việc tiếp thu bài học của học sinh không còn nhàm chán nữa mà phát huy được khả năng tư duy logic, liên hệ, liên tưởng, sáng tạo của học sinh. Các em đã làm chủ việc tiếp thu kiến thức của mình. Trong các tiết dạy, tất cả học sinh đều phải tập trung theo dõi nội dung bài học và phải động não để nảy sinh ý tưởng trình bày nội dung bài học bằng cách vẽ nào là hợp lí nhất. Học sinh sẽ tự khám phá và khi ý tưởng hoàn chỉnh, được giáo viên và các bạn ngợi khen, các em sẽ phấn khởi rất nhiều và hứng thú hơn đối với môn học. Mỗi học sinh có một tính cách, một ý tưởng rất khác nhau khi trình bày sơ đồ tư duy của mình nhưng điều quan trọng là các em ghi nhớ lâu kiến thức bài học, biết vận dụng kiến thức bài học vào làm bài kiểm tra, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong giờ học. Còn giáo viên đứng lớp cảm thấy hào hứng với cách dạy mới vì được học sinh hưởng ứng, ủng hộ nhiệt tình và đáp ứng được mục đích của việc dạy học. Đó là động lực để các thầy cô chuyên tâm vào sự nghiệp trồng người của mình hơn nữa.
- Khuyến nghị:
* Với nhà trường.
– Cần tổ chức những buổi sinh hoạt ngoại khóa để giới thiệu cho học sinh về sơ đồ tư duy, cách vẽ sơ đồ tư duy, những lợi ích khi sử dụng sơ đồ tư duy trong học tập để giúp các em nhanh chóng nắm bắt được phương pháp học tập mới.
– Cần thường xuyên tổ chức các buổi bồi dưỡng cho giáo viên trong trường các phương pháp dạy học tích cực trong đó có dạy học bằng sơ đồ để việc dạy học bằng sơ đồ tư duy được vận dụng rộng rãi ở tất cả các môn học trong nhà trường, tạo sự hứng thú say mê ở cả học sinh và giáo viên.
* Với Phòng Giáo dục và Sở giáo dục:
Trong những năm học tới, tôi rất mong Phòng và Sở Giáo dục sẽ tiếp tục tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn về việc vận dụng các phương pháp tích cực trong dạy học hiện nay, trong đó có dạy học bằng sơ đồ tư duy để chúng tôi có điều kiện nâng cao kĩ năng vận dụng sơ đồ tư duy trong dạy học được hay và hiệu quả hơn.