Trường THCS Tân Định: Thí nghiệm tự làm trong tiết học môn Vật Lý – Tin nổi bật – Cổng thông tin điện tử Quận Hoàng Mai

     Việc hiện đại hoá các phương tiện, thiết bị dạy học môn Vật Lý là vấn đề mà tất cả các giáo viên đều rất quan tâm và mong muốn. Nhưng điều đó lại phụ thuộc rất lớn vào điều kiện cơ sơ vật chất và kĩ thuật của từng trường, từng địa phương. Các thiết bị này thường đắt tiền, khó mua sắm, dễ hư hỏng nếu không được bảo quản tốt. Đồng thời, nếu sử dụng không đúng mục đích hoặc không phát huy hết tính năng thì hiệu quả có thể thấp, không tương xứng với chí phí bỏ ra.

     Do đó, cùng với sự tăng cường cơ sở vật chất hiện đại thì việc khai thác các thí nghiệm rẻ tiền bằng các dụng cụ tự tìm kiếm là một xu thế phù hợp với tình hình hiện nay. Nó vừa giải quyết tình trạng thiếu thiết bị như hiện nay ở Việt Nam, vừa giải quyết những vấn đề sư phạm và hướng dẫn được học sinh làm những thí nghiệm mà các phương tiện hiện đại không có ưu thế. Thông qua tiến hành thí nghiệm tự làm, giáo viên và học sinh có điều kiện nghiên cứu và học tập Vật Lý theo phương pháp thực nghiệm và phương pháp mô hình hoá. Thí nghiệm tự làm khiến học sinh nêu các thắc mắc, các câu hỏi, cũng như những suy nghĩ của mình.

     Trong quá trình gia công tìm kiếm dụng cụ thí nghiệm, giáo viên cũng như học sinh sẽ đặt ra các câu hỏi (dụng cụ tìm ở đâu? tại sao ta dùng vật dụng, thiết bị này mà không dùng loại khác. Có thể thay các thiết bị này bằng thiết bị khác được không?) và tình huống nảy sinh khi học sinh làm thí nghiệm tự làm so với khi sử dụng dụng cụ có sẵn trong phòng thí nghiệm. Kết quả là từ việc làm thí nghiệm tự làm học sinh bớt rụt rè, mạnh dạn hơn, tự tin hơn trong học tập vật lí và kích thích hoạt động sáng tạo của các em.

     Chính vì những lí do nêu trên, tôi đã mạnh dạn xây dựng đề tài này nhằm giúp học sinh làm quen dần với phương pháp thực nghiệm ngay từ khi đang ngồi học ở bậc trung học cơ sở.

PHẦN NỘI DUNG

PHẦN I –  CƠ SỞ LÝ LUẬN

1. Vai trò của thí nghiệm trong dạy học vật lí ở trường THCS:

+ Thí nghiệm là phương tiện của hoạt động nhận thức trong dạy học Vật lí.

+ Thí nghiệm có tác động mạnh mẽ đến giác quan của học sinh.

+ Thí nghiệm góp phần phát triển khả năng tư duy của học sinh.

+ Thí nghiệm vật lí giúp học sinh làm quen với các phương pháp nghiên cứu vật lí, góp phần hình thành các tư duy vật lí, góp phần phát triển năng lực tư duy, sự thông minh, tính sáng tạo cho học sinh.

+ Thí nghiệm góp phần hình thành các kĩ năng (quan sát, thu thập thông tin, phân tích dữ liệu, tính trung thực, tính chính xác, cẩn thận, tỉ mỉ, kiên trì, nhẫn lại), tôn trọng các diễn biến và quy luật phát triển của các hiện tượng vật lí trong quá trình thí nghiệm.

+ Thí nghiệm giúp củng cố, hệ thống kiến thức một cách vững chắc, thấy được mối liên hệ giữa những kiến thức trước đây và hiện nay, thấy được mối liên hệ giữa vật lí và những ngành khoa học khác.

+ Thí nghiệm giúp cho học sinh gắn liền với cuộc sống thực tiễn, rèn luyện tính thích ứng cho học sinh.

2. Vị trí của thí nghiệm tự làm trong các xu hướng phát triển các thiết bị thí nghiệm hiện nay trên thế giới và trong nước.

Khai thác và sử dụng các thí nghiệm ngày càng hiện đại. Sự đầu tư các phương tiện hiện đại này làm cho:

   + Thiết bị và phương tiện dạy học bắt kịp với sự phát triển của khoa học kĩ thuật.

   + Giúp cho học sinh làm quen với các phương tiện hiện đại để thích ứng với cuộc sống ngày càng hiện đại.

   + Tạo điều kiện cho học sinh thực hiện các thí nghiệm mà do mức độ phức tạp hoặc nguy hiểm trước đây chưa thực hiện được.

            Xu hướng khai thác các thí nghiệm tự tạo, rẻ tiền, dễ tìm là một xu thế phù hợp với tình hình hiện nay, vừa giải quyết những vấn đề sư phạm mà các phương tiện hiện đại không có ưu thế.

      * Đặc tính của thí nghiệm tự làm:

Đơn giản, có hình thức thu gọn nhẹ, dễ lắp rắp, GV có thể chế tại và lắp ráp ở mọi lúc và mọi nơi.

Các nguyên vật liệu dễ tìm kiếm nên có thể triển khai rộng rãi cho nhiều học sinh tham gia tự làm thí nghiệm   

Các thí nghiệm thường có độ chính xác không cao, nên thường dùng làm thí nghiệm định tính.

     * Tác dụng nổi bật của các thí nghiệm tự làm:

Rèn cho học sinh tính tự lực, ham học hỏi, tính thích ứng với hoàn cảnh, tính sáng tạo, khát vọng cải tạo thiên nhiên.

Giúp cho học sinh giải quyết được các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống hàng ngày ở mọi lúc, mọi nơi như ở nhà, ở lớp, khi đi du lịch, phù hợp thực tế của hoàn cảnh bản thân, gia đình và địa phương.

Tăng cường mối liên hệ giữa lí thuyết và thực hành, làm cho kiến thức sách vở gắn với kiến thức thực tế.

Rèn luyện cho học sinh ý thức tiết kiệm, bảo vệ môi trường.

Phối hợp thí nghiệm hiện đại với các thí nghiệm tự làm sẽ mang nghệ thuật dạy học lên một vị thế mới. Nó cũng phù hợp với xu thế đổi mới phương pháp dạy học hiện nay.

3. Vai trò của thí nghiệm tự làm (TNTL) trong quá trình dạy và học môn Vật Lý THCS:

+ TNTL giúp giáo viên và học sinh có điều kiện để nghiên cứu và học tập vật lí theo phương pháp thực nghiệm và phương pháp mô hình hoá.

+ TNTL giúp học sinh có điều kiện rèn luyện các kĩ năng cơ bản, các thói quen của việc học tập vật lí ở mọi lúc, mọi nơi.

+ TNTL tạo tình huống có vấn đề.

+ TNTL kích thích hứng thú của học sinh.

+ TNTL giúp cho học sinh có điều kiện thu thập thông tin, xử lí thông tin.

+ TNTL khiến học sinh chủ động nêu lên các thắc mắc, các câu hỏi, cũng như những suy nghĩ của mình. TNTL khiến học sinh bớt rụt rè và mạnh dạn tự tin hơn trong học tập và kích thích hoạt động sáng tạo của các em.

+ TNTL giúp giáo viên tổ chức các hoạt động học tập tập thể, rèn luyện cho học sinh cách làm việc cộng đồng.

+ TNTL kích thích học sinh hoạt động ngoài giờ học.

+ TNTL rèn luyện cho học sinh có thói quen vận dụng kiến thức để giải quyết những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống hằng ngày.

+ TNTL phục vụ các nhu cầu về tinh thần của cuộc sống.

+ TNTL rèn luyện học sinh vượt khó, vượt qua thử thách để thí nghiệm thành công nhằm đạt được mục đích đề ra.

+ TNTL rèn luyện cho học sinh ý thức tiết kiệm, bảo vệ môi trường.

PHẦN II –   MỘT SỐ THÍ NGHIỆM ĐƠN GIẢN HỌC SINH CÓ THỂ TỰ LÀM

I.  Thí nghiệm tạo ra các vật dụng, thiết bị cuộc sống.

1. Chế tạo bình thông nhau:

* Vật liệu:

          + Ba vỏ chai nước bằng nhựa như nhau.

          + Ống dẫn bằng nhựa trong.

          + Nước có pha màu.

          + Thước nhựa.

* Tổ chức:

   Vào phần củng cố cuối bài “ Áp suất chất lỏng và bình thông nhau”

* Tiến hành:

Dùng thước nhựa có độ chia đến xentimét, vạch các vạch chia lên thành bình. (Lưu ý hai bình phải có cùng một độ chia).

Dùi một lỗ ở gần phía đáy của bình.

Luồn hai đầu của sợi dây vào hai lỗ của bình để tạo thành bình thông nhau.

Mở các nút chai và đổ nước vào. Sau khi mực nước đã cân bằng, dùng bình thông nhau để kiểm tra:

+ Mặt bàn có thật sự nằm ngang không?

+ Hai mép cửa sổ có cùng một độ cao không?

2.Gương cầu lồi, gương cầu lõm:

* Mục đích:

     Quan sát ảnh tạo bởi gương cầu lồi, gương cầu lõm.

* Vật liệu:

          + Chiếc thìa bằng inox.

          + Gương phẳng.

* Tổ chức:

     Dùng trong thí nghiệm bài “Gương cầu lồi, gương cầu lõm”

*  Tiến hành:

Mặt ngoài của thìa xem như một bộ phận của gương cầu lồi. Vì vậy, HS quan sát ảnh ảo nhỏ hơn vật.

Mặt trong của thìa có thể xem như một phần của gương cầu lõm. Vì vậy, đặt vật gần gương để quan sát thấy ảnh ảo lớn hơn vật.

Trong hai trường hợp, vùng nhìn thấy của gương cầu lồi lớn hơn vùng nhìn thấy của gương cầu lõm.

Đặt một gương phẳng trước mặt học sinh, dùng mặt trong cuả thìa để cho học sinh quan sát các phần của răng bị che khuất

* Hiệu quả sau khi áp dụng:

3. Dùng móc áo để so sánh khối lượng hai vật:

* Mục đích:

So sánh khối lượng của các vật khác nhau.

* Vật liêu:

+ Móc áo.

+ Các vật cần so sánh khối lượng.

*  Tiến hành:

Khi để yên , móc áo nằm cân bằng.

Treo hai vật vào hai đầu móc áo, móc áo sẽ bị nghiêng về phía vật nào có khối lượng lớn hớn.

II.  Thí nghiệm nghiên cứu các hiện tượng vật lí

1. Thí nghiệm phát hiện lực đẩy Acsimet khi một vật nhúng trong chất lỏng.

* Mục đích:

Phát hiện khi một vật nhúng trong chất lỏng, bị chất lỏng tác dụng một lực có phương thẳng đứng, có chiều từ dưới lên.

* Tổ chức:

Dùng trong bài Lực đẩy Acsimet.

* Chuẩn bị:

          + Miếng xốp.                                    + Sợi dây.

          + Kéo.                                               + Vật nặng.

          + Cốc đựng nước.                              + Đinh (tăm).

* Tiến hành:

Cách 1:

Dùng dây buộc vật nặng và miếng xốp. 

Thả hệ thống đó chìm trong nước.

Dùng kéo cắt đứt sợi dây. Khi đó, miếng xốp đi từ dưới lên.

Cách 2:

     Dùng một que tăm (đinh) cắm vào miếng xốp rồi ấn chìm vào trong nước. Sau đó, bỏ tay ra thì nước tác dụng lên một miếng xốp một lực có chiều từ dưới lên. => Đó chính là lực đẩy Acsimet.

2. Chứng minh định luật Acsimet đối với chất lỏng.

* Mục đích:

        Thấy được khi thể tích của vật nhúng chìm trong chất lỏng tăng thì lực đẩy Acsimet tăng khiến vật càng bị đẩy lên mặt nước.

* Tổ chức:

          Thí nghiệm bài Lực đẩy Acsimet

* Vật liệu:

          + Bong bóng.

          + Ống tiêm.

          + Van xe đạp.

*  Tiến hành:

Buộc van xe đạp vào bong bóng sao cho không khí chỉ có thể đi vào mà không đi ra.

Buộc vật nặng vào van để giữ quả bóng chìm trong nước.

Nối van với kim tiêm bằng một ống dây nhựa

Từ từ bơm khôngkhí vào trong quả bóng. Khi quả bóng nở ra thì quả bóng lại đi lên, chứng tỏ lực đẩy acsi met tỉ lệ với thể tích quả bóng.

Có thể điều khiển sao cho với một lượng không khí thích hợp thì quả bóng nằm lơ lửng trong nước.

3. Sự dẫn nhiệt của các chất

* Mục tiêu:

 Chứng minh các chất khác nhau dẫn nhiệt khác nhau

* Tổ chức:

Trong thí nghiệm bài Dẫn nhiệt

* Vật liệu:

          + Đinh dài 10 cm.

          + Giấy báo.

* Tiến hành:

Dùng giấy báo, cắt thành dải dài và cuốn thật sát vào chiếc đinh sao cho còn thừa một phần giấy ở hai đầu.

Đốt nóng phần giữa của đinh ta thấy giấy báo không cháy, chứng tỏ một phần nhiệt lượng đã bị đinh hấp thụ. Nếu ta đốt phần ngoài của giấy báo không tiếp xúc với đinh thì giấy báo bị cháy.

4.Thí nghiệm về độ lớn của áp suất khí quyển

* Mục đích:

         Mô phỏng lại thí nghiệm Macđơbua nhằm giúp HS hình dung độ lớn của áp suất khí quyển.

* Tổ chức:

Dùng trong thí nghiệm bài Sự tồn tại của áp suất khí quyển.

* Vật liệu:

+ Hai móc treo tường bằng cao su.

* Tiến hành:

Dùng móc treo áp chặt lên tấm gạch men hoặc tấm kính rồi xoay tấm gạch men theo mọi hướng ta thấy kết quả không đổi. Vậy áp suất khí quyển tác dụng lên vật theo mọi phương.

Dùng hai móc treo áp vào nhau thật sát, chúng hút lẫn nhau bằng một lực rất lớn. Để kéo chúng ra cần một lực rất mạnh thậm chí có thể làm hư móc treo mà vẫn không tách ra được.

5. Chế tạo con lắc nhiễm điện:

* Mục đích:

Dùng trong thí nghiệm bài Sự nhiễm điện do cọ xát.

* Vật liêu:

          + Giấy nhôm.                          +  Bóng bàn.

          + Sợi dây.                                + Bút chì.

          + Thước nhựa.                         + Vải nilông, vải len……

 

* Tiến hành:

Dùng tờ giấy nhôm dán kín quả bóng bàn.

Dùng sợi dây mảnh dài khoảng 15 cm cột vào đầu của một cây bút chì.

Đặt cây bút chì nằm cân bằng trên một giấy cao.

Dùng các loại thước cọ xát vào những vật khác nhau và nghiên cứu sự nhiễm điện của các vật này.

6. Cách làm một điện nghiệm đơn giản :

* Mục đích:

Dùng trong thí nghiệm bài Sự nhiễm điện do cọ xát.

* Vật liệu:

          + Giấy nhôm.

          + Giấy.

          + Sợi chỉ.

          + Vật nhiễm điện…

* Tiến hành:

Cắt một tờ giấy nhôm có kích thước 10cm x 20cm.

Gấp đôi tờ giấy lại và treo vào một sợi dây chỉ.

Đưa các vật bị nhiễm điện lại gần và quan sát hiện tượng xảy ra.

7. Pin chanh

* Mục đích:

Dùng trong thí nghiệm bài Dòng điện, Nguồn điện.

* Vật liệu:

          + Thanh dây nhôm.                 + Đồng, dây dẫn.

          + Quả chanh.                           + Vôn kế.

* Tiến hành:

Dùng hai thanh đồng và kẽm cắm vào một trái chanh.

Dùng vôn kế đo hai đầu của chanh ta thấy vôn kế chỉ một giá trị nào đó. Vậy trái chanh trở thành nguồn điện.

8. Cách làm một nam châm điện và một la bàn đơn giản .

* Mục đích:

          Dùng trong phần củng cố bài Tác dụng từ, tác dụng sinh lí, tác dụng hoá học của dòng điện.

* Vật liệu:

          + Dây điện có vỏ bọc vecni.                               + Đinh.

          + Pin                                                                  + Kim khâu. 

          + Miếng xốp.                                                     + Nước.

* Tiến hành:

Dùng dây điện có vỏ bọc vecni quấn khoảng một trăm vòng xung quanh chiếc đinh  .

Gắn hai đầu dây vào hai cực của viên pin. Khi đó chiếc đinh có thể hút các vật bằng sắt hoặc thép khác. Đinh trở thành một nam châm.

Đưa chiếc kim khâu lại gần chiếc đinh này, kim cũng trở thành một nam châm. Đặt chiếc kim này lên một miếng xốp nhỏ  rồi đặt miếng xốp trên mặt nước. Kim luôn quay về hướng bắc nam.

III.  Thí nghiệm chế tạo dụng cụ đo

1. Chế tạo lực kế:

* Mục đích:

Chế tạo lực kế bằng những dụng cụ dễ tìm.

* Vật liệu:

          + Một lưỡi cưa nhỏ.                 + Dây may xo.

          + Vỏ bút dạ .

* Tiến hành:

Dùng lữa cưa rạch một đường dài từ đầu trên của ống bút đến đầu dưới của bút khoảng 5 cm.

Cắt đoạn dây may xo dài 5 cm. Đầu trên của dây gắn với nắp bút, đầu dưới gắn với một sợi dây thép uốn thành chữ U để treo vật cần đo. Gắn một đầu thép nhỏ để làm kim chỉ thị. Gắn một móc treo vào nắp ống.

Luồn cả hệ thống vào trong ống viết sao cho kim chỉ thị có thể trượt trong khe.

Dùng các lực kế mẫu để khắc các độ chia trên thân bút.

2. Chế  tạo cân Rôbecvan:

* Mục đích:

Tìm hiểu nguyên tắc hoạt động của cân.

* Tổ chức:

Học sinh làm tại nhà sau đó đem đến lớp trình bày sản phẩm.

* Vật liệu:

          + Hai thước kẻ bằng nhựa.                + Hộp nhựa (có nắp).

          + Đinh.                          + Lưỡi cưa nhỏ.

* Tiến hành:

Hơ nóng đinh và dùi một lỗ ở phía giữa thước cho thật đối xứng. Thước này dùng làm cánh tay đòn.

Dùi một lỗ khác ở một đầu của thước còn lại. Thước này dùng làm trục đứng để giữ cánh tay đòn. Dùng hộp nhựa làm đế, ấn thước vào cột đường rạch nhỏ trên đáy hộp nhựa.

Lấy hai nắp hộp bằng nhựa như nhau, treo vào hai bên của cánh tay đòn. Để điều chỉnh cho cân thăng bằng, dùng cưa khía nhẹ cánh tay đòn, sau đó dùng một mẩu thép nhỏ cho trượt trên cánh tay đòn.

IV.  Thí nghiệm thư giãn.

1. Sách viết bí mật:

* Mục đích:

Vận dụng tính chất ảnh của một vật tạo bởi gương phẳng.

* Tổ chức:

Trò chơi vào cuối bài Ảnh của một vật tạo bởi gương phẳng

  Bạn có thể dùng mật mã gương để viết một bức mật thư cho người bạn thân.

* Cách làm như sau:

Để một miếng giấy trước cái gương, nhìn vào trong gương và cẩn thận viết thư trên giấy.

Khi bạn muốn giải mã bức thư, bạn có thể nhìn vào gương để đọc.

2. Làm một chiếc kính vạn hoa:

* Mục đích :

        Làm những kiểu hoa bên trong kính được hình thành bằng ánh sáng dội vào giữa các tấm gương bên trong.

* Tổ chức:

Trò chơi vào cuối bài Ảnh của một vật tạo bởi gương phẳng 

hoặc bài 10 Tổng kết chương I: Quang Học.

        Những kiểu hoa bên trong kính được hình thành bằng ánh sáng dội vào giữa các tấm gương bên trong.

* Vật liệu:

          + Ba gương nhỏ cùng cỡ.                                     + Băng keo.

          + Các hình bằng giấy mầu hoặc hột cườm.          + Bìa

* Tiến hành:

Dán các gương lại với nhau thành một hình tam giác.

Để đứng trên miếng bìa rồi kẻ xung quanh.

Cắt hình tam giác bìa và dán vào một đầu của tam giác bằng gương. Thả các giấy mầu và hột màu vào trong.

Nhìn vào trong kính vạn hoa của bạn. Bạn có thể trông thấy rất nhiều kiểu hoa khác nhau. Bạn có thể thay đổi hình hoa bằng cách lắc kính vạn hoa.

3. Làm một kính thiên văn

* Mục đích:

      Vận dụng Tính chất ảnh của một vật tạo bởi gương phẳng, kính lúp.

* Tổ chức :

Giao về nhà sau khi học xong bài Kính Lúp

* Vật liệu :

          + Một gương cạo râu.              + Gương phẳng nhỏ

          + Kính lúp.

* Tiến hành:

Dựng đứng gương cạo râu gần cửa sổ, hướng về phía sao hay trăng.

Đặt gương phẳng ở một vị trí thích hợp để bạn có thể trông thấy sự phản xạ của gương cạo râu vào giữa gương phẳng.

Dùng kính lúp nhìn ảnh phản chiếu trong gương phẳng. Các vì sao hay mặt trăng sẽ được trông thấy gần hơn rất nhiều qua kính lúp.

4. Trò chơi với bóng hình:

* Mục đích :

      Gây hứng thú cho học sinh khi nghiên cứu chương “ Quang Học”.

* Tổ chức:

      Làm tại nhà sau khi học bài “Ứng dụng định luật truyền thẳng của ảnh sáng”.

* Vật liệu:

          + Đèn pin.

* Tiến hành:

Chiếu đèn pin lên tường trong một phòng tối . Thử nhiều loại đồ vật và xem chúng tạo ra các loại bóng hình nào.

Chỉ dùng hai bàn tay, bạn có thể làm ra bao nhiêu hình dáng thú vật khác nhau. Bạn cũng có thể vẽ ảnh bóng đen của bạn bè hoặc thử làm một trò chơi khác bằng cách cắt nhiều hình ảnh trên giấy rồi dùng đèn pin để chiếu các hình cắt đó lên tường.

Cắt ra một hình ngộ nghĩnh (như chiếc tàu, máy bay hoặc thằng hề) bằng bìa rồi gắn lên đầu một cây gậy. Thử đưa hình ấy lại gần ánh sáng rồi lại đưa ra xa. Bạn để có để ý gì về kích cỡ của cái bóng?

5. Nướng một củ khoai

        Bạn có thể dùng tia hồng ngoại của Mặt trời để nấu ăn và làm bữa tiệc cho bạn. Những lò vi ba nấu thức ăn thường theo kiểu như vậy.

* Mục đích:

            Gây hứng thú cho học sinh khi nghiên cứu chương Quang Học.

* Tổ chức:

         Làm tại nhà sau khi học bài Ứng dụng định luật truyền thẳng của ảnh sáng.

* Vật liệu:

          + Giấy thiếc.

          + Một cái giỏ.

          + Cái đinh hay cái nĩa.

          + Củ khoai lang.

* Tiến hành:

Dùng giấy thiếc lót chiếc giỏ của bạn, để mặt láng ra ngoài. Vuốt giấy thiếc cho thật thẳng và dán lại, đừng cho xê dịch. (Để một lớp lót dưới giấy thiếc càng tốt).

Xiên một cái đinh hay cái nĩa qua giữa đáy giỏ và ghim củ khoai vào đấy. (Hãy nhờ một người lớn giúp bạn).

Đặt cái “lò” của bạn hướng theo Mặt trời. Muốn có kết quả tốt nhất bạn phải làm thí nghiệm lại vào một ngày nhiều nắng, lúc giữa trưa.

Mặt trời di chuyển, bạn phải xoay cái “lò  mặt trời” của bạn theo.

6. Làm một cửa sổ kính màu .

           Các cửa sổ kính màu cũng có tác dụng như tấm lọc màu. Bạn có thể tự  làm lấy với bìa mỏng và giấy kính màu hoặc giấy xốp.

* Mục đích:

     Vận dụng kiến thức về màu sắc của các vật và tác dụng của kính lọc màu.

* Tổ chức:

              Làm tại nhà sau khi học bài Màu sắc của các vật.

* Vật liệu:

          + Bìa mỏng

          + Giấy kính màu hoặc giấy xốp.

          + Băng keo (hồ).

* Tiến hành:

Chọn một mẫu hình đẹp để gắn lên cửa sổ phòng bạn. Nó có thể là bất cứ cái gì, từ một tên lửa cho đến một con ong.

Bạn vẽ hình bạn thích trên miếng bìa.

Tự quyết định lấy màu sắc và đánh dấu các vùng có màu sắc trên tấm bìa.

Cắt các hình ra khỏi miếng bìa nhưng phải nhớ chừa đủ chỗ giữa các vùng để có thể dán giấy kính màu hay xốp vào.

Cắt giấy kính màu hay giấy xốp cho vừa các lỗ đã chừa. Mỗi miếng giấy cho thừa ra một ít để dán vào miếng bìa.

Dán các hình màu vào miếng bìa với hồ hay băng keo và gắn “cái cửa sổ kính màu” vào cửa sổ nhà bạn.

PHẦN KẾT LUẬN

     Việc vận dụng các thiết bị dạy học hiện đại, cũng như các đồ dùng dạy học tự làm để cải tiến phương pháp dạy học đã và đang trở thành một phong trào sôi nổi ở các trường THCS trên cả nước. Nhưng đến nay, việc thiết kế các đồ dùng dạy học tự làm vào dạy học vẫn gặp nhiều khó khăn cả về cơ sở vật chất lẫn nguồn nhân lực. Thực tế tôi thấy các cấp quản lý Sở GDĐT, Phòng GD&ĐT, Ban giám hiệu các trường THCS vẫn luôn động viên các tổ, nhóm giáo viên thực hiện việc dạy học có sử dụng đồ dùng dạy học tự làm, mục đích trước mắt là để giáo viên và học sinh làm quen, gần gũi với nhau, học sinh thấy hứng thú, say mê với môn học hơn, và sau này các dụng cụ thí nghiệm tự làm đó được áp dụng thường xuyên trong  giảng dạy.

     Đề tài này tôi đã áp dụng trong một số tiết dạy tại lớp 7E, 8A, 8D, 9A, học sinh các nhóm tham gia rất nhiệt tình, sản phẩm được lưu tại phòng thí nghiệm và có thể dùng làm mẫu cho các năm sau. Tôi thấy, khi học sinh được tự làm các thí nghiệm do mình tạo ra, các em rất phấn khởi và vô cùng thích thú. Đặc biệt nhờ tiến hành làm các thí nghiệm bằng các dụng cụ tự làm học sinh khắc sâu kiến thức, vận dụng kiến thức vào thực tế và đời sống, bước đầu giúp các em hình thành phương pháp thực nghiệm. Vì vậy, tôi thấy rằng việc hướng dẫn học sinh làm các dụng cụ thí nghiệm tại nhà bằng cách sử dụng các vật liệu đơn giản ở nhà là rất cần thiết. Cách tiến hành nó rất đơn giản nhưng hiệu quả, cho kết quả rất cao. Những lúc đó, học sinh sẽ thấy tự tin hơn về kiến thức tiếp thu được, giúp cô trò chúng tôi gần gũi nhau hơn, trò tin tưởng ở cô, mạnh dạn phát biểu, mạnh dạn đưa ra ý kiến.

     Bản thân tôi sẽ tiếp tục dành nhiều thời gian hơn nữa để tiếp thu những tiến bộ mới, những đổi mới trong phương pháp dạy học vào giảng dạy môn Vật lí. Đồng thời tôi cũng cố gắng học hỏi nhiều hơn kinh nghiệm và chuyên môn của các đồng nghiệp, lắng nghe ý kiến chia sẻ của học sinh, phấn đấu có nhiều học sinh yêu thích và học giỏi môn Vật lí và có nhiều học sinh đoạt giải trong các kì thi học sinh giỏi do Phòng giáo dục Hoàng Mai và thành phố Hà Nội tổ chức.