Trường Mầm non Phong Lạc thực hiện tốt công tác quản lý, vệ sinh an toàn thực phẩm tại bếp ăn cho trẻ

Trường Mầm non Phong Lạc thực hiện tốt công tác quản lý, vệ sinh an toàn thực phẩm tại bếp ăn cho trẻ

Đó là đánh giá của Đoàn khảo sát, giám sát Ban Kinh tế – xã hội HĐND huyện trong buổi làm việc tại Trường Mầm non Phong Lạc.

Trường Mầm non Phong Lạc được thành lập năm 2008 và vinh dự đón nhận bằng công nhận Trường Mầm non đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1 năm 2018; năm học 2020 – 2021, toàn trường có 17 cán bộ, giáo viên và nhân viên, 159 trẻ, số trẻ ăn bán trú tại trường là 110 trẻ. Xác định việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại bếp ăn là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, thể lực, trí tuệ của trẻ, trong những năm qua Trường Mầm non Phong Lạc luôn chú trọng công tác quản lý, vệ sinh an toàn thực phẩm tại bếp ăn cho trẻ.

Bà Nguyễn Thị Mai, Hiệu trưởng trường báo báo trong buổi làm việc với đoàn giám sát của Ban KT-XH HĐND huyện.

Theo báo cáo của bà Nguyễn Thị Mai, Hiệu trưởng Trường Mầm non Phong Lạc, bếp ăn của trường được xây với diện tích 50 m2, thiết kế đảm bảo từ khu tiếp phẩm, sơ chế, chế biến đến chia thức ăn đúng nguyên tắc bếp 1 chiều; nhà bếp được trang bị các thiết bị, dụng cụ chế biến, chia, cấp phát thức ăn, lưu mẫu thức ăn hàng ngày…đảm bảo theo tiêu chuẩn trường đạt chuẩn quốc gia và Điều lệ trường mầm non.

Hàng năm vào đầu năm học, nhà trường thực hiện tốt công tác triển khai, tuyên truyền các các văn bản quy định liên quan đến đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm bằng các hình thức đến tất cả giáo viên, nhân viên; đồng thời, thường xuyên phối hợp với Chi bộ, Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Ban đại diện cha mẹ trẻ em trong việc tổ chức thực hiện các nội dung về vệ sinh an toàn thực phẩm và lồng ghép tuyên truyền trong buổi họp Ban đại diện cha mẹ trẻ em kiến thức công tác phòng chống dịch bệnh, phòng tránh tai nạn thương tích; lựa chọn thực phẩm an toàn cho trẻ; hướng dẫn phụ huynh thực hành các bước rửa tay để cùng giáo viên thực hiện giáo dục vệ sinh cá nhân cho trẻ; chỉ đạo nhân viên cấp dưỡng, phụ trách y tế thực hiện đảm bảo đúng các quy định về kiểm thực 3 bước, lưu và hủy mẫu theo Quyết định 1246/QĐ-BYT hướng dẫn.

Nhà trường luôn tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm, cách chế biến các món ăn đa dạng, đẹp mắt, giàu dinh dưỡng. Đối với nhân viên cấp dưỡng, phụ trách y tế trước khi vào làm việc được nhà trường hướng dẫn tham gia lớp bồi dưỡng kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm trang bị một số kiến thức cơ bản về dinh dưỡng, nguyên tắc chế biến thực phẩm theo bếp 1 chiều, lưu và hủy mẫu, cách phòng chống ngộ độc thực phẩm, vệ sinh môi trường… và được Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện làm việc.

Bên cạnh đó, nhà trường thường xuyên kiểm tra định kỳ, đột xuất việc thực hiện nội quy nhà bếp của nhân viên cấp dưỡng từ khâu trang phục bảo hộ lao động, sắp xếp, sử dụng đồ dùng, vệ sinh các khu vực bếp, cách chế biến các món ăn. Nhà trường luôn sử dụng nước lọc để nấu ăn, đồng thời để phòng nhiễm bẩn thực phẩm, khi sơ chế các thực phẩm đều phải ngâm nước muối trước khi chế biến. Các loại thực phẩm được nhà trường ký hợp đồng với các cơ sở có uy tín cung cấp. Ngoài ra, nhà trường còn liên hệ với trạm y tế xin phân bổ các mẫu test nhanh để nhà trường thực hiện test thực phẩm nhằm sớm phát hiện ra các chất phụ gia có hại cho sức khỏe, nhằm chủ động trong công tác phát hiện phòng chống ngộ độc thực phẩm trong nhà trường.

Cuối mỗi tuần nhà trường tổ chức tổng lao động vệ sinh xung quanh trường lớp, bếp ăn; hàng tháng đánh giá việc thực hiện nền nếp, vệ sinh phòng bệnh. Thường xuyên khử trùng đồ dùng, đồ chơi, lau sàn nhà bằng Cloramin B; hướng dẫn trẻ rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh cá nhân sạch sẽ, sử dụng chén, ca, cốc, bàn chải, khăn …riêng biệt. Không cho trẻ mang quà vặt vào trường nhằm phòng tránh ngộ độc thực phẩm trong nhà trường.

Đối với trẻ, giáo viên giáo viên chủ nhiệm luôn hướng dẫn cho trẻ có thói quen ăn không nói chuyện, ăn hết suất, khổng để rơi vãi thức ăn, ăn chậm, nhai kỹ, sử dụng đúng đồ dùng cá nhân của mình, rửa tay đúng cách phòng, chống các bệnh, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Đối với phụ huynh, thông qua các giờ đón trẻ, giáo viên chủ nhiệm thường xuyên trao đổi cách lựa chọn sữa phù hợp với trẻ, cách chế biến món ăn cho trẻ tại gia đình phải đảm bảo đầy đủ 4 nhóm thực phẩm, thay đổi món ăn thường xuyên giúp trẻ phát triển cân đối.

Một lớp học tại trường.

Việc kiểm định chất lượng giáo dục được trường quan tâm thực hiện nghiêm túc, trường kết hợp cùng trạm y tế thăm, khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ cho trẻ 2 lần/năm; tổ chức cân, đo đánh giá tình trạng dinh dưỡng của trẻ 3 lần/năm. Kết quả cân đo, khám bệnh được giáo viên chủ nhiệm thông báo với gia đình để phối hợp cùng nhau chăm sóc trẻ phát triển tốt về thể lực cũng như trí tuệ.

Hằng năm, qua các đợt kiểm tra của UBND xã, trạm y tế xã, Trung tâm y tế huyện về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, trường được đánh giá thực hiện tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể. Đặc biệt, trong buổi làm việc với Đoàn khảo sát, giám sát của Ban Kinh tế – xã hội HĐND huyện về công tác quản lý, vệ sinh an toàn thực phẩm tại bếp ăn ở các trường mầm non, mẫu giáo trên địa bàn huyện, trường cũng được đánh giá thực hiện tốt công tác quản lý, vệ sinh an toàn thực phẩm tại bếp ăn cho trẻ.

Với những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, tin tưởng trong thời gian tới, Trường Mầm non Phong Lạc sẽ thực hiện tốt hơn nữa công tác giáo dục, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại bếp ăn cho trẻ, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe và sự phát triển cả thể lực, trí tuệ của trẻ sau này.