Trường Đại học Tây Đô – Tay Do University

NGÀNH THÚ Y

Mã ngành: 7640101

1. Giới thiệu

Thú y là một ngành học mang tính nghiên cứu, ngăn ngừa và tiến hành điều trị các bệnh của động vật. Người học sẽ được trang bị những kiến thức chuyên môn và các kỹ năng cần thiết như việc sử dụng thuốc thú y, vaccine; sử dụng dụng cụ thú y, phòng bệnh, chẩn đoán, điều trị bệnh, khai thác và pha chế tinh dịch, thực hành sản khoa, sản xuất thuốc thú y, thực hiện công tác thú y trong các cơ sở chăn nuôi, các trạm thú y, thực hiện công tác khuyến nông. Tham gia đi thị trường thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi, kinh doanh thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi, nhằm bảo vệ sức khỏe và phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi theo đúng pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả chăn nuôi, cung cấp cho xã hội các sản phẩm về vật nuôi an toàn. Từ đó, cung cấp cho sinh viên đầy đủ kiến thức và năng lực chuyên môn cần thiết để đáp ứng yêu cầu công việc sau khi tốt nghiệp.

Thực tế cho thấy ngành Thú y là ngành có mức thu nhập rất hấp dẫn đối với sinh viên sau khi tốt nghiệp. Mức thu nhập còn tùy thuộc vào vị trí công việc, địa điểm làm việc và đặc biệt là năng lực chuyên môn. Để tạo điều kiện cho sinh viên phát huy được năng lực chuyên môn thì một yếu tố quan trọng không thể nào thiếu đó là đội ngũ giảng viên. Đến học tại Trường Đại học Tây Đô, sinh viên ngành Thú y sẽ được học với những giảng viên có trình độ  Tiến sĩ, thạc sĩ, giàu kinh nghiệm và tâm huyết với nghề. Khi sinh viên tốt nghiệp sẽ có đủ năng lực chuyên môn để làm việc. Do đó, học sinh theo học ngành thú y ở Trường Đại học Tây Đô là một lựa chọn thông minh.

2. Cơ hội việc làm

Sinh viên ngành Thú y sau khi tốt nghiệp có thể làm việc ở các vị trí: các trang trại, công ty thuốc thú y, công ty chăn nuôi gia súc gia cầm, hoặc đứng ra kinh doanh cửa hàng thuốc thú y, mở bệnh xá thú y; mạng lưới thú y cấp xã/phường, trạm thú y cấp huyện/quận; các cơ quan nghiên cứu và chuyển giao công nghệ về thú y; Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, Sở Nông nghiệp và PTNT, Phòng Nông nghiệp, Chi cục thú y, Trung tâm giống nông nghiệp, Trung tâm khuyến nông tại các tỉnh, huyện… trạm Thú y, trạm khuyến nông ở các huyện, tham gia các dự án về thú y; các tổ chức Chính phủ và Phi chính phủ trong sản xuất kinh doanh chăn nuôi thú y; xây dựng, quản lý, điều hành các trang trại chăn nuôi, hợp tác xã…

3. Tuyển sinh đầu vào

Xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT Quốc gia  hàng năm với các tổ hợp môn:

  • Toán – Hóa – Sinh (B00);

  • Toán – Hóa – Địa (A06);

  • Toán – Sinh – Địa (B02);

  • Toán – Hóa – Văn (C02)

Xét tuyển học bạ THPT:

  • Xét dựa vào kết quả học tập của cả năm học lớp 12 (tổng điểm trung bình 3 môn trong tổ hợp xét tuyển theo quy định hàng năm).

  • Xét dựa vào kết quả học tập cả năm lớp 10, cả năm lớp 11, học kỳ I lớp 12 (tổng điểm trung bình cả năm lớp 10, cả năm lớp 11, học kỳ I lớp 12 của 3 môn trong tổ hợp xét tuyển theo quy định hàng năm).

4. Đối tượng tuyển sinh

  • Đã tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc tương đương

  • Có đủ sức khỏe để học tập và lao động theo quy định hiện hành của Liên Bộ Y tế – Giáo dục và Đào tạo.

5. Thời gian đào tạo: 09 học kỳ (4,5 năm)

6. Nội dung chương trình đào tạo

Chương trình đào tạo ngành Thú y được thiết kế 159 tín chỉ, gồm 03 khối kiến thức (Giáo dục đại cương; cơ sở ngành; chuyên ngành) được thiết kế tích hợp, cân bằng giữa lý thuyết và thực hành. Các học phần được sắp xếp khoa học theo một tiến độ hợp lý để sinh viên lựa chọn nhằm thúc đẩy hứng thú học tập của sinh viên ngay từ học kỳ đầu tiên.

Khối kiến thức giáo dục đại cương bao gồm: Lý luận Mác Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh; Khoa học xã hội – Nhân văn – Nghệ thuật; Ngoại ngữ; Toán – Tin học – Khoa học tự nhiên; Giáo dục thể chất – Giáo dục quốc phòng.

Khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp bao gồm: Kiến thức cơ sở và kiến thức ngành; Gồm: Các học phần cơ sở ngành: giải phẫu động vật; sinh lý động vật; Dược lý thú y; Chẩn đoán bệnh thú y; sinh lý bệnh thú y; Thụ tinh nhân tạo cho gia súc; Giải phẫu bệnh thú y; Các học phần về bệnh thú y: Vi sinh vật thú y; Bệnh truyền nhiễm gia súc, gia cầm; Bệnh ký sinh trùng thú y; Bệnh sản khoa; bệnh nội khoa; Dịch tễ học thú y; Miễn dịch học thú y; Ngoại khoa thú y; Bệnh chó mèo… Các học phần về chăn nuôi động vật như: Chăn nuôi trâu bò; Chăn nuôi heo; Chăn nuôi gia cầm. Các học phần hỗ trợ như: Luật thú y; Kiểm nghiệm sản phẩm động vật; Độc chất học thú y. Các học phần thực hành thực tập giúp sinh viên củng cố lý thuyết và vận dụng có sáng tạo lý thuyết vào thực tế sản xuất; Cuối khóa sinh viên làm khóa luận tốt nghiệp để nghiên cứu một vấn đề cụ thể trong ngành Thú y hiện nay.

7. Phương pháp dạy học

Để nâng cao chất lượng đào tạo, Khoa Sinh học ứng dụng không ngừng cải tiến phương pháp giảng dạy với các đặc điểm:

Trong quá trình giảng dạy, giảng viên sử dụng nhiều phương pháp giảng dạy tiên tiến; thảo luận nhóm, tình huống, báo cáo chuyên đề, tham quan thực tế, thực hành thực tế, thực tập tốt nghiệp, tiểu luận tốt nghiệp hoặc khóa luận tốt nghiệp.

Sử dụng nhiều trang thiết bị hỗ trợ thích hợp: phân mềm trình diễn Powerpoint, máy chiếu Projector, nhiều loại thiết bị ở phòng thí nghiệm như: máy siêu âm; máy phân tích cách chỉ tiêu sinh lý, sinh hóa… Tất cả các môn học đều có giáo trình, tài liệu giảng dạy và tài liệu tham khảo đầy đủ.

Kết hợp chặt chẽ học lý thuyết với thực hành thực tế: thường xuyên tổ chức đi tham quan, khảo sát thực tế ở các phòng mạch thú y, trại chăn nuôi, nhà máy sản xuất thuốc thú y, mời các chuyên gia trong và ngoài nước báo cáo thực tế cho sinh viên.

Tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học.

Kiến thức chuyên ngành luôn được đề cập theo chương trình đào tạo của các trường Đại học lớp trong nước và trên Thế giới.

Một số hình ảnh sinh viên thực hành, thực tập ngành Thú y

Lớp Thú y K12 thực hành môn Vi sinh đại cương

Lớp Thú y K12 thực hành môn Dược lý thú y​​​​​​​