Trường ĐH Y Dược TP.HCM: Sinh viên khóa đầu tiên tốt nghiệp theo chuẩn năng lực
Lãnh đạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM và Trưởng Khoa Y trao bằng tốt nghiệp cho các tân bác sĩ y khoa.
Lần đầu tiên 372 sinh viên chuyên ngành bác sĩ y khoa hệ chính quy, thuộc Khoa Y, Trường ĐH Y Dược TP.HCM, tốt nghiệp theo chương trình đổi mới dựa trên chuẩn năng lực.
Ngày 20/11, Trường ĐH Y Dược TP.HCM tổ chức lễ tốt nghiệp cho 372 sinh viên chuyên ngành bác sĩ y khoa hệ chính quy, khóa 2016-2022, thuộc Khoa Y của trường. Đây là khóa đầu tiên đào tạo theo chương trình đổi mới dựa trên chuẩn năng lực tốt nghiệp.
Thế hệ thứ ba của giáo dục y khoa trên thế giới
Theo PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan – Trưởng Khoa Y, Trường ĐH Y Dược TP.HCM, đây là khóa sinh viên đầu tiên được đào tạo theo chương trình đổi mới dựa trên chuẩn năng lực. Cụ thể, chuẩn năng lực được xây dựng dựa trên chuẩn năng lực cơ bản của bác sĩ đa khoa, gồm sáu lĩnh vực: kiến thức y khoa, chăm sóc người bệnh, y đức và tính chuyên nghiệp, giao tiếp và cộng tác, thực hành dựa trên hệ thống và học tập, cải thiện dựa trên thực hành.
PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan – Trưởng Khoa Y, Trường ĐH Y Dược TP.HCM trao bằng tốt nghiệp cho các tân khoa.
“Chương trình học sáu năm, được chia làm hai giai đoạn, tiền lâm sàng trong ba năm đầu và lâm sàng trong ba năm sau. Tổng khối lượng học tập của chương trình là 212 tín chỉ. Số sinh viên được tuyển đầu khóa học là 394 (259 nam, 135 nữ) và số sinh viên còn lại ở cuối khóa học là 372. Kết quả của khối sinh viên khoa y 2016: 364 sinh viên dự thi tốt nghiệp. Có 358 sinh viên được công nhận tốt nghiệp bác sĩ y khoa (tỉ lệ 98,35%, trong đó có một sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc và 45 sinh viên loại giỏi). Bên cạnh đó, trong đợt tốt nghiệp này còn có 14 sinh viên của các khóa trước được công nhận tốt nghiệp. Như vậy tổng số sinh viên được công nhận tốt nghiệp năm 2022 là 372…” – PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan thông tin.
PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan cho biết thêm, các đặc điểm then chốt của chương trình mới bao gồm: (1) Các môn học được xây dựng thành những module tích hợp theo chiều dọc và chiều ngang; (2) Tiếp cận lấy sinh viên làm trung tâm. Đổi mới phương pháp giảng dạy và phương pháp học tập, tang tính chủ động của sinh viên trong học tập; (3) Nhấn mạnh vào chăm sóc ban đầu, tính chuyên nghiệp và giáo dục liên ngành; (4) Chú trọng đào tạo thực hành nhiều hơn so với lý thuyết; (5) Mở rộng từ thực hành dựa vào bệnh viện sang thực hành dựa vào cộng đồng và bệnh viện; (6) Rèn luyện cho sinh viên có năng lực học tập tự định hướng; (7) Giảm tải chương trình học, tăng thời gian tự học; (8) Lượng giá kết hợp cả lượng giá quá trình và lượng giá kết thúc. Giảng viên đưa ra phản hồi đúng thời điểm để sinh viên có thể cải thiện quá trình học tập, thực hành của mình.
Theo GS.TS Trần Diệp Tuấn – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Y Dược TP.HCM, sau 12 năm, từ khi thai nghén cho đến buổi lễ tốt nghiệp khóa đầu tiên năm nay, Khoa Y của trường đã từng bước tìm hiểu, tiếp cận, xây dựng và triển khai chương trình giáo dục bác sĩ y khoa dựa trên năng lực. Đây là thế hệ thứ ba của giáo dục y khoa trên thế giới hiện nay, nhằm tạo ra một thế hệ bác sĩ y khoa mới, đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân và có năng lực thích ứng với sự phát triển nhanh như vũ bão của khoa học kỹ thuật và một thế giới luôn biến động của thế kỷ 21.
Tiếp tục lan tỏa sự tiến bộ đến các chương trình khác
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan và Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn đã biểu dương tập thể Trường Đại học Y Dược TP.HCM trong việc nỗ lực, tiên phong đổi mới chương trình đào tạo bác sĩ y khoa dựa theo chuẩn năng lực.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tặng hoa chúc mừng tập thể lãnh đạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM và Khoa Y.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chia sẻ: “Kết quả của sự nỗ lực ngày hôm nay là 372 bác sĩ tân khoa được đào tạo theo chương trình đổi mới đã tốt nghiệp. Một thế hệ bác sĩ mới có đức, có tài, có năng lực đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và có năng lực thích ứng với sự biến động của thế giới trong thế kỷ 21”.
Các tân bác sĩ y khoa đọc lời tuyên thệ trước khi nhận bằng tốt nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn đề nghị nhà trường tiếp tục có những khảo sát đánh giá khóa sinh viên đầu tiên tốt nghiệp theo chương trình đào tạo bác sĩ y khoa dựa theo chuẩn năng lực. Đồng thời, tiếp tục xây dựng các chương trình đào tạo khác của trường dựa theo chuẩn năng lực và lan tỏa sự tiến bộ này đến các cơ sở giáo dục có đào tạo ngành khoa học sức khỏe để cùng nhau đưa chất lượng lượng đào tạo ngành khoa học sức khỏe ngày càng cao hơn.
“Nền giáo dục y học Việt Nam hiện đại bắt đầu từ đầu thế kỷ 20 và cho đến nay về cơ bản là theo mô hình của Flexner. Khi thế hệ thứ 2 của giáo dục y khoa dựa trên vấn đề bắt đầu lan tỏa trên phạm vi toàn cầu từ những năm 70s và kéo dài trong 3 thập kỷ tiếp theo của thế kỷ trước thì rất tiếc chúng ta đang trong giai đoạn bị cấm vận hoàn tòan, cách ly với thế giới bên ngòai, trong đó có đào tạo y khoa. Trước ngưỡng cửa bước sang thế kỷ 21, chúng ta đã có nhiều nổ lực tiếp cận với xu thế mới này thông qua các dự án về giáo dục y học với sự hỗ trợ của các chuyên gia và các nhà tài trợ quốc tế. Trong khi chúng ta vừa bắt đầu tiếp cận và hiểu hơn về giáo dục dựa trên vấn đề thì một mô hình mới đã được đề xuất, thế hệ thứ 3 nhấn mạnh đến giáo dục dựa trên năng lực.
GS.TS Trần Diệp Tuấn – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Y Dược TP.HCM phát biểu tại buổi lễ.
Tại Trường ĐH Y Dược TP.HCM, hành trình đổi mới bắt đầu từ hội nghị cán bộ chủ chốt được tổ chức tại TP. Đà Lạt vào tháng 6 năm 2010 với gần 200 đại biểu tham dự. Thầy Võ Tấn Sơn, nguyên Hiệu trưởng trường và tập thể giảng viên chủ chốt đã kêu gọi giảm tải chương trình đào tạo, tăng thời gian tự học cho sinh viên. Qua đó, hội nghị cũng đặt ra nhiều câu hỏi và thách thức, ví dụ như liệu những thay đổi trên có mang tính tổng thể và toàn diện chưa, sinh viên có biết cách tự học hiệu quả không, thế nào là một chương trình đào tạo y khoa tốt…” – GS.TS Trần Diệp Tuấn – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Y Dược TP.HCM.