Trường Cao Đẳng Sư Phạm Trung Ương Thành Phố Hồ Chí Minh

TỔ CHỨC MÔI TRƯỜNG KHÁM PHÁ KHOA HỌC CHO TRẺ MẦM NON

Tổ chức môi trường khám phá khoa học cho trẻ mầm non/ Trần Nguyễn Nguyên Hân// Thông tin khoa học giáo dục nhà trường và thực tiễn giáo dục.- Số 12, 2015.- Tr. 19 – 22.

ThS. Trần Nguyễn Nguyên Hân

Khoa Giáo dục Mầm non – CĐSPTW TP.HCM

 

Hoạt động khám phá khoa học cho trẻ được tổ chức theo chủ đề, nội dung của hoạt động xuất phát từ nhu cầu và hứng thú của trẻ. Để tạo cơ hội cho trẻ được trải nghiệm tối đa trong hoạt động khám phá khoa học, giáo viên cần xây dựng môi trường cho trẻ hoạt động, đặc biệt môi trường ở góc Thiên nhiên (hay góc Khám phá). Một môi trường hiệu quả cho trẻ khám phá khoa học không chỉ giúp trẻ củng cố kiến thức mà còn phải giúp trẻ phát triển năng lực khám phá và thái độ đối với hoạt động khám phá khoa học. Để giúp giáo viên mầm non xây dựng tốt môi trường khám phá khoa học cho trẻ, bài viết trình bày nội dung cốt yếu về môi trường khám phá khoa học trong lớp và ngoài lớp cho trẻ mầm non tại trường mầm non Hàn Quốc hiện nay.

1. Môi trường trong lớp

Tùy theo diện tích lớp học và số lượng trẻ, giáo viên bố trí góc Khoa học cho phù hợp. Môi trường của hoạt động khám phá khoa học nên được tổ chức một cách linh hoạt. Ở tình huống hoạt động theo nhóm nhỏ, giáo viên nên bố trí bàn thấp cho khoảng 4 – 5 trẻ có thể ngồi xung quanh. Ngược lại, ở tình huống số trẻ tham gia nhiều hơn, giáo viên có thể tích hợp với góc hoạt động khác hay sử dụng một nơi có diện tích rộng hơn. Bàn quá rộng có thể cản trở hoạt động khám phá khoa học của trẻ, vì thế, giáo viên cần chọn bàn phù hợp để trẻ có thể thoải mái hoạt động mà vẫn tương tác có hiệu quả với các bạn trong nhóm.

Nếu trong lớp có nuôi động, thực vật, giáo viên nên sắp xếp ở vị trí gần cửa sổ để có thể lấy ánh sáng trực tiếp, sử dụng rèm hay màn cửa để có thể điều chỉnh ánh sáng cho phù hợp.

Ngoài ra, giáo viên cần chuẩn bị các loại sách liên quan đến chủ đề khám phá khoa học để cung cấp thông tin, kinh nghiệm cho trẻ. Các phương tiện, công cụ cho hoạt động đo lường, hoạt động thí nghiệm cũng rất cần thiết. Giáo viên nên bố trí phương tiện, vật liệu ở vị trí mà trẻ có thể lấy và sử dụng dễ dàng. Để trẻ có thể thể hiện kinh nghiệm trong hoạt động khám phá khoa học, giáo viên chuẩn bị các phiếu ghi chép để trẻ mô tả quá trình quan sát, thí nghiệm bằng tranh vẽ, kí hiệu hay chữ viết. Sau hoạt động, các phiếu ghi chép của trẻ được giáo viên thu thập lại và dán ở bảng để trẻ hay phụ huynh có thể nhìn thấy dễ dàng.

2. Môi trường ngoài lớp

Để tổ chức hoạt động khám phá khoa học ở ngoài lớp, giáo viên có thể bố trí vườn hoa, vườn cây kiểng, chuồng nuôi động vật để trẻ có cơ hội quan sát sự biến đổi của tự nhiên hay quá trình sinh trưởng của động thực vật theo mùa và khí hậu, quan sát và so sánh hình dáng của lá cây, vỏ cây, so sánh và phân loại màu sắc, hình dáng, kích thước của các loại quả. Ngoài ra, các đồ chơi, dụng cụ ngoài trời giúp trẻ có kiến thức khoa học phong phú. Giáo viên có thể tổ chức các hoạt động khám phá khoa học phong phú thông qua việc sử dụng cát, nước như chơi câu cá, chơi vật nổi, vật chìm, chơi đo mực nước, làm đồng hồ cát…

3. Công cụ và phương tiện vật liệu

Khi tham gia hoạt động khám phá khoa học, trẻ cần được trang bị phương tiện vật liệu cần thiết để có thể thực hiện quá trình quan sát, khám phá tìm hiểu, thí nghiệm. Trẻ có thể sử dụng đa dạng tất cả các phương tiện, dụng cụ, đồ dùng trong sinh hoạt hàng ngày khi tiến hành hoạt động khám phá khoa học. Tuy nhiên, giáo viên cần hướng dẫn cho trẻ biết phương pháp sử dụng và các yếu tố nguy hiểm để trẻ phòng tránh.

Theo An Hyon Jong (2011), công cụ và phương tiện vật liệu cần thiết cho hoạt động khám phá khoa học bao gồm:

Phân loại

Công cụ và phương tiện vật liệu

Dụng cụ thông thường

Kính hiển vi, kẹp gắp, bình, ly nhựa, đèn pin, pin, gương, nam châm, la bàn, quả lắc, vải vụn…

Dụng cụ đo lường

Công cụ đo chiều dài: chỉ, kẹp, dây, các loại thước…

Công cụ đo cân nặng: các loại cân (cân đồng hồ, cân điện tử…)

Công cụ đo thể tích: bình, chén, đồ dùng nhà bếp.

Công cụ đo thời gian: đồng hồ, đồng hồ cát, thiết bị hẹn giờ…

Công cụ đo nhiệt độ: nhiệt kế

Dụng cụ nghề mộc

Bàn để chơi trò chơi thợ mộc, búa, đinh, khối gỗ, kính bảo hộ, găng tay, ốc vít,…

Dụng cụ đặc thù

Kính hiển vi, kính lúp, ống nhòm, máy thu âm, tai nghe…

Pương tiện vật liệu thông thường

Giấy, bút chì, sách, bút chì màu, báo, kẹp, vật nổi – vật chìm, vật hút – vật không hút, dây lò xo, dây thun, tăm, xơ mướp, bông gòn, ống hút, băng keo, mút xốp, bông, chỉ, bong bóng, dập ghim, đồ dùng nấu bếp…

Phương tiện vật liệu khác

Sách tranh, ấn phẩm về động vật, thực vật, côn trùng,…

 

Tóm lại, để tổ chức hoạt động khám phá khoa học có hiệu quả, việc xây dựng môi trường cơ sở vật chất là rất cần thiết. Công cụ và phương tiện vật liệu cho trẻ khám phá khoa học rất phong phú. Giáo viên có thể sử dụng công cụ và phương tiện vật liệu trong sinh hoạt hàng ngày để tạo cơ hội cho trẻ được quan sát, khám phá, thử nghiệm. Ngoài ra, việc bố trí, xếp đặt môi trường góc khám phá trong lớp và ngoài trời cần phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện trường lớp, khả năng của giáo viên và trình độ của trẻ./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. An Hyon Young (2011). Xây dựng góc khoa học gây hứng thú cho trẻ nhằm giúp trẻ phát triển năng lực khám phá và thái độ liên quan đến khoa học của trẻ. Luận văn Thạc sĩ trường ĐH nữ Lee Hoa.
  2. Lee Min Young (2012). Giáo dục khoa học cho trẻ mầm non – Trọng tâm hoạt động thí nghiệm, Nxb Knowledge Community.