Trường Bách khoa Hà Nội chuyển thành đại học
Trường Đại học Bách khoa Hà Nội được chuyển thành Đại học Bách khoa Hà Nội, là đại học thứ sáu của Việt Nam.
Thay đổi trên được thực hiện theo Quyết định hôm 2/12 của Chính phủ. Với quyết định này, Việt Nam hiện có 6 đại học, gồm Đại học quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP HCM, Đại học Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng và Bách khoa Hà Nội.
Theo Luật Giáo dục đại học năm 2018, trường đại học và đại học là hai khái niệm khác nhau. Trường đại học, học viện là cơ sở đào tạo và nghiên cứu nhiều ngành. Còn đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều lĩnh vực, gồm các trường đại học, khoa thành viên.
Để chuyển từ trường đại học thành đại học, Nghị định 99 năm 2019 của Chính phủ quy định các đơn vị cần đảm bảo ba điều kiện: được tổ chức kiểm định hợp pháp đánh giá đạt chuẩn chất lượng; có ít nhất ba trường và 10 ngành đào tạo tiến sĩ, quy mô sinh viên chính quy trên 15.000; được cơ quan quản lý trực tiếp, các nhà đầu tư chấp thuận.
Trong thông cáo gửi báo chí, Đại học Bách khoa Hà Nội đánh giá việc chuyển lên mô hình đại học là dấu mốc quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển, phù hợp với xu hướng phát triển của giáo dục đại học trên thế giới. Người học bậc cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ và tiến sĩ, sau khi tốt nghiệp các trình độ, sẽ được cấp văn bằng tốt nghiệp của Đại học Bách khoa Hà Nội, nhằm đảm bào sự gắn kết giữa sinh viên, cựu sinh viên với vị thế và danh tiếng của trường.
Nói về khác biệt giữa mô hình đại học và trường đại học, trả lời VnExpress chiều nay, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn, nói mô hình đại học sẽ giúp các trường tăng tính tự chủ, thể hiện trong việc phân cấp quản lý, quản trị các trường đại học và khoa trực thuộc. Bên cạnh đó, khi trở thành đại học, cơ sở này có thể sáp nhập, hợp nhất một số khoa, viện thành trường thành viên. Ông Sơn cho biết việc thay đổi cơ cấu không chỉ xảy ra theo hướng cơ học, giảm bớt số ngành nhỏ lẻ, mà tạo ra các trường mang tính liên ngành nhiều hơn, giúp phát triển nghiên cứu khoa học, tăng chất lượng đào tạo.
Toà nhà C1, Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: HUST
Được thành lập năm 1956, Đại học Bách khoa Hà Nội là trường top đầu cả nước về đào tạo lĩnh vực kỹ thuật. Trường có 65 chuyên ngành trình độ đại học, 47 chuyên ngành thuộc trình độ cao học, 32 chuyên ngành bậc tiến sĩ.
Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã chuẩn bị trong nhiều năm cho việc “chuyển đổi” thành Đại học. Tháng 10 năm ngoái, Bách khoa Hà Nội đã thành lập ba trường gồm Trường Cơ khí, Điện – Điện tử, Công nghệ thông tin và Truyền thông. Theo lộ trình đặt ra, đến cuối năm 2022, cơ sở giáo dục đại học này sẽ thành lập 5-6 trường và 4-5 viện, trung tâm nghiên cứu; chuyển đổi, tái cấu trúc các phòng thành các ban thuộc Đại học; chuyển đổi các viện đào tạo còn lại thành khoa.
Mỗi năm, Đại học Bách khoa Hà Nội tuyển khoảng 7.000 sinh viên chính quy, tổng quy mô đại học và sau đại học khoảng 35.000 sinh viên và học viên, nghiên cứu sinh. Điểm chuẩn theo kết quả thi tốt nghiệp 2022 của trường từ 23,03 đến 28,29. Ngành Kỹ thuật máy tính có đầu vào cao nhất. Hai ngành có điểm chuẩn cao tiếp theo là Kỹ thuật Điều khiển – Tự động hóa 27,61 và Công nghệ thông tin (Việt – Nhật) 27,25.
Theo bảng xếp hạng QS 2023, Đại học Bách khoa Hà Nội thuộc nhóm 1.201-1.400 tốt nhất thế giới. Xét theo lĩnh vực, trường giữ hạng 360 thế giới về Kỹ thuật và Công nghệ – cao nhất Việt Nam, và góp mặt trong bốn nhóm khác là Kỹ thuật Điện – Điện tử; Kỹ thuật Cơ khí, Hàng không và Chế tạo; Khoa học máy tính và Hệ thống thông tin; Toán học; Khoa học Vật liệu.
Thanh Hằng