Trung thu là gì? Nguồn gốc và ý nghĩa của ngày tết Trung thu?

Trung thu là gì? Các tên gọi khác của Tết Trung thu? Nguồn gốc của ngày Tết Trung thu? Ý nghĩa ngày Tết Trung thu?

Tết trung thu là một trong những dịp lễ quan trọng và có ý nghĩa của Việt Nam, là dịp để các gia đình đoàn viên, cùng ngồi bên nhau chia sẻ những câu chuyện dung dị trong cuộc sống. Tuy nhiên, không nhiều người biết Tết Trung thu có nguồn gốc như thế nào và ý nghĩa của ngày Tết Trung thu.

1. Trung thu là gì? Các tên gọi khác của Tết Trung thu:

Trung thu có nghĩa là giữa mùa thu, còn được gọi là Rằm tháng Tám, thường được tổ chức từ ngày 14 – 15 tháng 08 Âm lịch hằng năm.

Trung thu còn có nhiều tên gọi khác như Tết trông trăng, Tết Thiếu nhi (Tết trẻ con), Tết Đoàn viên, Tết hoa đăng.

Không chỉ là ngày lễ lớn tại Việt Nam, Tết Trung Thu còn là lễ hội tại các quốc gia khác tại Đông Á và Đông Nam Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Đài Loan, Singapore. Đối với các quốc gia như Đài Loan, Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc, Tết Trung Thu còn là ngày nghỉ lễ chính của quốc gia tương tự như các ngày nghỉ lễ, Tết được quy định tại Bộ luật Lao động 2019 của Việt Nam.

2. Nguồn gốc của ngày Tết Trung thu:

Có rất nhiều truyền thuyết về ngày Trung thu, do đó, đến thời điểm này, chưa ai khẳng định nguồn gốc chính xác của ngày Trung thu. Theo các nhà khảo cổ học, Tết Trung thu ở Việt Nam có từ thời xa xưa, đã được in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Còn theo văn bia chùa Đọi năm 1121 thì từ đời nhà Lý, Tết Trung thu đã được chính thức tổ chức ở kinh thành Thăng Long với các hội đua thuyền, múa rối nước và rước đèn. Đến đời Lê – Trịnh thì Tết Trung thu đã được tổ chức cực kỳ xa hoa trong phủ Chúa mà “Tang thương ngẫu lục” đã miêu tả.

Một số tích về ngày Trung thu thường hay được kể đến như sau:

2.1. Nguồn gốc ngày Tết Trung thu ở Việt Nam – “Sự tích Chú Cuội”:

Dân gian Việt Nam đã quen thuộc với hình ảnh chị Hằng và chú Cuội mỗi dịp Tết Trung thu đến, nhưng không phải ai cũng biết đến sự tích chú Cuội. Đó là sự sáng tạo thú vị của người Việt Nam xưa, theo đó, tích về chú Cuội được kể như sau:

Ngày xưa ở một miền nọ có một người tiều phu tên là Cuội. Một hôm, như lệ thường, Cuội vác rìu vào rừng sâu tìm cây mà chặt. Khi đến gần một con suối nhỏ, Cuội bỗng giật mình trông thấy một cái hang cọp. Nhìn trước nhìn sau anh chỉ thấy có bốn con cọp con đang vờn nhau. Cuội liền xông đến vung rìu bổ cho mỗi con một nhát lăn quay trên mặt đất. Nhưng vừa lúc đó, cọp mẹ cũng về tới nơi. Nghe tiếng gầm kinh hồn ở sau lưng, Cuội chỉ kịp quẳng rìu leo thoắt lên ngọn một cây cao. Từ trên nhìn xuống, Cuội thấy cọp mẹ lồng lộn trước đàn con đã chết. Nhưng chỉ một lát, cọp mẹ lẳng lặng đi đến một gốc cây gần chỗ Cuội ẩn, đớp lấy một ít lá rồi trở về nhai và mớm cho con. Chưa đầy ăn giập miếng trầu, bốn con cọp con đã vẫy đuôi sống lại, khiến cho Cuội vô cùng sửng sốt. Chờ cho cọp mẹ tha con đi nơi khác, Cuội mới lần xuống tìm đến cây lạ kia đào gốc vác về.

Dọc đường gặp một ông lão ăn mày nằm chết vật trên bãi cỏ, Cuội liền đặt gánh xuống, không ngần ngại, bứt ngay mấy lá nhai và mớm cho ông già! Mớm vừa xong, ông lão đã mở mắt ngồi dậy. Thấy có cây lạ, ông lão liền hỏi chuyện. Cuội kể lại đầu đuôi. Nghe xong ông lão kêu lên:

– Trời ơi! Cây này chính là cây có phép “cải tử hoàn sinh” đây. Thật là trời cho con để cứu giúp thiên hạ. Con hãy chăm sóc cho cây nhưng nhớ đừng tưới bằng nước bẩn mà cây bay lên trời đó!

Nói rồi ông lão chống gậy đi. Còn Cuội thì gánh cây về nhà trồng ở góc vườn phía đông, luôn luôn nhớ lời ông lão dặn, ngày nào cũng tưới bằng nước giếng trong.

Từ ngày có cây thuốc quý, Cuội cứu sống được rất nhiều người. Hễ nghe nói có ai nhắm mắt tắt hơi là Cuội vui lòng mang lá cây đến tận nơi cứu chữa. Tiếng đồn Cuội có phép lạ lan đi khắp nơi.

Một hôm, Cuội lội qua sông gặp xác một con chó chết trôi. Cuội vớt lên rồi giở lá trong mình ra cứu chữa cho chó sống lại. Con chó quấn quít theo Cuội, tỏ lòng biết ơn. Từ đấy, Cuội có thêm một con vật tinh khôn làm bạn.

Lần khác, có lão nhà giàu ở làng bên chạy đến tìm Cuội, xin Cuội cứu cho con gái mình vừa sẩy chân chết đuối. Cuội vui lòng theo về nhà, lấy lá chữa cho. Chỉ một lát sau, mặt cô gái đang tái nhợt bỗng hồng hào hẳn lên, rồi sống lại. Thấy Cuội là người cứu sống mình, cô gái xin làm vợ chàng. Lão nhà giàu cũng vui lòng gả con cho Cuội.

Vợ chồng Cuội sống với nhau thuận hòa, êm ấm thì thốt nhiên một hôm, trong khi Cuội đi vắng, có bọn giặc đi qua nhà Cuội. Biết Cuội có phép cải tử hoàn sinh, chúng quyết tâm chơi ác. Chúng bèn giết vợ Cuội, cố ý moi ruột người đàn bà vứt xuống sông, rồi mới kéo nhau đi. Khi Cuội trở về thì vợ đã chết từ bao giờ, mớm bao nhiêu lá vẫn không công hiệu, vì không có ruột thì làm sao mà sống được.

Thấy chủ khóc thảm thiết, con chó lại gần xin hiến ruột mình thay vào ruột vợ chủ. Cuội chưa từng làm thế bao giờ, nhưng cũng liều mượn ruột chó thay ruột người xem sao. Quả nhiên người vợ sống lại và vẫn trẻ đẹp như xưa. Thương con chó có nghĩa, Cuội bèn nặn thử một bộ ruột bằng đất, rồi đặt vào bụng chó, chó cũng sống lại. Vợ với chồng, người với vật lại càng quấn quít với nhau hơn xưa.

Nhưng cũng từ đấy, vợ Cuội tự nhiên thay đổi hẳn. Hễ nói đâu là quên đó, làm cho Cuội lắm lúc bực mình.

Một buổi chiều, chồng còn đi rừng kiếm củi chưa về, vợ ra vườn sau, không còn nhớ lời chồng dặn, cứ nhằm vào gốc cây quý mà tiểu tiện. Không ngờ chị ta vừa đái xong thì mặt đất chuyển động, cây đảo mạnh, gió thổi ào ào. Cây đa tự nhiên bật gốc, lững thững bay lên trời.

Vừa lúc đó thì Cuội về đến nhà. Thấy thế, Cuội hốt hoảng vứt gánh củi, nhảy bổ đến, toan níu cây lại. Nhưng cây lúc ấy đã rời khỏi mặt đất lên quá đầu người. Cuội chỉ kịp móc rìu vào rễ cây, định lôi cây xuống, nhưng cây vẫn cứ bốc lên, không một sức nào cản nổi. Cuội cũng nhất định không chịu buông, thành thử cây kéo cả Cuội bay vút lên đến cung trăng.

Từ đấy Cuội ở luôn cung trăng với cả cái cây quý của mình. Mỗi năm cây chỉ rụng xuống biển có một lá. Bọn cá heo đã chực sẵn, khi lá xuống đến mặt nước là chúng tranh nhau đớp lấy, coi như món thuốc quý để cứu chữa cho tộc loại chúng. Nhìn lên mặt trăng, người ta thấy một vết đen rõ hình một cây cổ thụ có người ngồi dưới gốc, người ta gọi cái hình ấy là hình chú Cuội ngồi gốc cây đa….

2.2. Nguồn gốc ngày Tết Trung thu theo tích Trung Quốc – “Sự tích chị Hằng trên cung Trăng”

Ngày xưa, trên trời xuất hiện mười ông mặt trời cùng chiếu xuống mặt đất nóng đến bốc khói, biển hồ khô cạn, làm khổ dân chúng. Chuyện này đã làm kinh động đến một anh hùng Hậu Nghệ. Anh đã trèo lên đỉnh núi Côn Lôn, dùng thần lực giương nỏ thần bắn rụng chín ông mặt trời. Hậu Nghệ đã lập được công trạng lớn, được tất thảy mọi người tôn kính và yêu mến. Các chí sĩ khắp nơi trong thiên hạ đã tìm đến xin Hậu Nghệ tầm sư học đạo, trong đó có Bồng Mông là một kẻ tâm thuật bất chính.

Không lâu sau, Hậu Nghệ lấy một người vợ xinh đẹp, tốt bụng, tên là Hằng Nga.

Một hôm, Hậu Nghệ đến núi Côn Lôn thăm bạn, trên đường tình cờ gặp được Vương mẫu nương nương đi ngang qua, bèn xin Vương mẫu thuốc trường sinh bất tử. Nghe nói, uống thuốc này vào, sẽ lập tức được bay lên trời thành tiên. Nhưng Hậu Nghệ không nỡ rời xa vợ hiền, đành tạm thời đưa thuốc bất tử cho Hằng Nga cất giữ. Hằng Nga cất thuốc vào hộp đựng gương lược của mình, không ngờ đã bị Bồng Mông nhìn thấy.

Ba ngày sau, Hậu Nghệ dẫn học trò ra ngoài săn bắn, Bồng Mông với tâm địa xấu xa đã giả vờ bệnh nặng, xin ở lại. Đợi Hậu Nghệ dẫn các học trò đi không lâu, Bồng Mông tay cầm bảo kiếm, đột nhập vào hậu viện, ép Hằng Nga phải đưa ra thuốc bất tử, trong lúc nguy cấp Hằng Nga đã vội vàng mở hộp gương lược, lấy thuốc bất tử ra và uống hết. Hằng Nga uống thuốc xong, thấy người bỗng nhẹ rời khỏi mặt đất, hướng về cửa sổ và bay lên trời. Nhưng do nhớ chồng nên Hằng Nga chỉ bay đến mặt trăng là nơi gần với nhân gian nhất rồi trở thành tiên.

Tối hôm đó, khi Hậu Nghệ về đến nhà, các thị nữ vừa khóc vừa kể lại câu chuyện xảy ra lúc sáng. Trong lúc đau khổ, Hậu Nghệ đã ngửa cổ lên trời đêm gọi tên vợ hiền. Khi đó, anh kinh ngạc phát hiện ra, trăng hôm nay đặc biệt sáng ngời, mà còn có thêm một bóng người trông giống Hằng Nga. Hậu Nghệ vội sai người đến hậu hoa viên nơi Hằng Nga yêu thích, lập bàn hương án, đặt lên đó những món ăn và trái cây mà bình thường Hằng Nga thích ăn nhất, để tế Hằng Nga nơi cung trăng đang nhớ đến mình.

Sau khi mọi người nghe tin Hằng Nga lên cung trăng thành tiên nữ, đều đã lần lượt bày hương án dưới ánh trăng, cầu xin Hằng Nga tốt bụng ban cho may mắn và bình an. Từ đó, phong tục trông trăng vào tết trung thu được truyền đi trong dân gian.

3. Ý nghĩa ngày Tết Trung thu:

Theo phong tục của người Việt, cũng như Tết Nguyên đán, Tết Trung thu cũng là dịp để các thành viên trong gia đình gác lại những âu lo, công việc để quây quần bên nhau cùng làm cỗ cúng gia tiên. Thông thường, vào thời khắc ánh trăng tròn nhất, sáng nhất, mặt đất ngập tràn ánh trăng vàng, gia đình, hàng xóm quây quần, người lớn tụ họp câu chuyện câu trò, cùng nhau ăn bánh nướng bánh dẻo, uống ngụm nước chè xanh, bày biện bánh kẹo, mâm ngũ quả cho trẻ em vui chơi, rước đèn Trung thu, múa lân, trông trăng và phá cỗ. Ánh trăng tròn là biểu tượng của sum họp và Tết trung thu cũng được gọi là Tết đoàn viên

Bên cạnh đó, Tết Trung thu còn là dịp để mọi người xem trăng tiên đoán mùa màng và dự đoán vận mệnh quốc gia. Nếu trăng thu màu vàng thì năm đó sẽ trúng mùa tằm tơ, nếu trăng thu màu xanh hay lục thì năm đó sẽ có thiên tai, và nếu trăng thu màu cam trong sáng thì đất nước sẽ thịnh trị.