Trung tâm Giống Thủy sản An Giang phát triển thủy sản bền vững gắn với ứng dụng công nghệ cao

An Giang là tỉnh đầu nguồn Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với lợi thế rất lớn về nông nghiệp, đất nông nghiệp chiếm đến 75% diện tích đất tự nhiên chủ yếu là đất phù sa ngọt ven sông Tiền và sông Hậu, đã tạo điều kiện thuận lợi cho An Giang phát triển mạnh ngành nông nghiệp.

An Giang không chỉ nổi tiếng về xuất khẩu lương thực mà còn vươn lên là một trong những tỉnh đứng đầu về xuất khẩu thủy sản của cả nước. Tuy nhiên, vì lợi nhuận trước mắt nên đã xuất hiện phong trào nuôi trồng thủy sản một cách ồ ạt, do đó làm cho nguồn lợi thủy sản tự nhiên có khuynh hướng giảm và môi trường nước có nguy cơ bị ô nhiễm, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, giá cả cạnh tranh không lành mạnh,… gây thiệt hại lớn cho người sản xuất. Bên cạnh đó, sau vụ kiện chống phá giá cá tra, cá basa của Mỹ đã gây rất nhiều khó khăn đối với ngành thủy sản An Giang. Ngành thủy sản ở An Giang cần phát triển bền vững với sự quản lý chặt chẽ về kế hoạch sản xuất, phân vùng nuôi trồng song song với thực hiện tốt việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản và bảo vệ môi trường nước để phát triển theo hướng sản xuất sản phẩm sạch, chất lượng cao, giá thành hạ nhằm tăng sức mạnh cạnh tranh và tạo uy tín cho hàng thủy sản An Giang nói riêng và thủy sản Việt Nam nói chung trên con đường hội nhập kinh tế thế giới.

Việc đưa con giống mới, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất thủy sản là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Trung Tâm Giống Thủy Sản An Giang (gọi tắt là Trung tâm), nhằm nghiên cứu các giống mới có năng suất, chất lượng phù hợp địa hình, thời tiết trong vùng, cũng như đã nghiên cứu, nhập ngoại nhiều loại giống mới đưa vào nuôi khảo nghiệm đạt kết quả tốt. Điển hình là con giống tôm càng xanh toàn đực được sản xuất theo công nghệ của Israel, con giống cá điêu hồng có nguồn gốc từ Ecuador và gần đây nhất là con giống cá rô phi dòng ND34. Các loài giống mới này đã được Trung tâm lần lượt đưa từ nước ngoài về Việt Nam nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm tại các Trại giống của Trung tâm và kết quả mang lại trên từng đối tượng đều rất thành công.

Ở An Giang, tôm càng xanh là đối tượng nuôi chủ lực của tỉnh, nghề nuôi tôm càng xanh đã hình thành và phát triển từ năm 2000. Với thế mạnh xuất khẩu và sự ưa chuộng trên thị trường tiêu thụ nội địa, nghề nuôi tôm càng xanh ở An Giang đã sớm thể hiện nhiều tiềm năng và cũng đã mang lại những cải thiện không nhỏ đối với kinh tế của các nông hộ. Nhằm cải tiến một số công đoạn trong qui trình kỹ thuật và áp dụng con giống tôm càng xanh toàn đực vào mô hình nuôi, năm 2013, Trung tâm đã triển khai thực hiện dự án “Nuôi tôm càng xanh toàn đực chuyển giới tính trong ao đất tại huyện Châu Phú”, chỉ cần thả nuôi với mật độ 10 con/m2 (chứ không cần phải thả tôm với mật độ 30 con/m2 so với mô hình trước đây), tôm càng xanh toàn đực là một con giống mới được sản xuất tại Trung tâm theo công nghệ của Israel. Việc sử dụng đàn tôm post toàn con đực để thả nuôi là giải pháp lý tưởng cho việc nâng cao năng suất của vụ nuôi, cải thiện kích cỡ tôm thu hoạch để có thể phục vụ cho xuất khẩu. Sau thời gian nuôi 6 tháng, các hộ nuôi đã thu được kết quả rất tốt, đặc biệt là tỷ lệ sống của mô hình đạt từ 39,07 – 45,37% (tăng 10-16% so với mô hình nuôi trước đây), năng suất đạt từ 2,2 – 2,7 tấn/ha, kích cỡ tôm thu hoạch bình quân từ 43-50 g/con, màu sắc tươi sáng, thân và các phụ bộ cân đối và rất sạch sẽ,…

Hiện nay, các giai đoạn thử nghiệm đã hoàn thành, vấn đề còn lại là định hướng cho các đối tượng này phát triển một cách bền vững, phát triển ổn định về số lượng theo qui hoạch nhưng ngày càng nâng cao về chất lượng sản phẩm, nâng cao về các tiến bộ kỹ thuật áp dụng vào đối tượng nuôi. Đến thời điểm hiện tại, có thể nói mô hình sản xuất giống tôm càng xanh toàn đực đã ổn định, thị trường rất thuận lợi và có nhiều tiềm năng, người dân đã dần dần hồi phục lại nghề nuôi của mình. Tuy nhiên, để giữ được nghề nuôi phát triển một cách bền vững, không tự phát ồ ạt rồi lại bỏ nghề, vấn đề cũ lại được đặt ra.

Để giải quyết vấn đề trên, Trung tâm đã phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện “Kế hoạch gói hỗ trợ kỹ thuật – tài chính – thị trường cho sản phẩm tôm càng xanh giai đoạn 2015 – 2016” và kế hoạch này đã được Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang phê duyệt theo Quyết định số 909/QĐ-UBND ngày 01 tháng 06 năm 2015, với mục tiêu cụ thể là:

+ Đến năm 2016, chuyển giao 01 công nghệ nuôi cải tiến giúp tăng năng suất, tăng kích cỡ thu hoạch cho ngư dân trong chi hội nuôi tôm, từ đó hướng dẫn ngư dân áp dụng thành công công nghệ vào sản xuất, đưa tổng diện tích nuôi tôm càng xanh ứng dụng công nghệ cao đạt 50 ha, năng suất đạt 1,5 – 2.5 tấn/ha/vụ; sản lượng nuôi đạt 75 – 125 tấn/năm, tăng lợi nhuận trên 30% so với mô hình nuôi truyền thống.

+ Từ năm 2016, năng lực cung cấp của Trung tâm có thể đáp ứng ít nhất 15 triệu con post/năm đủ cung cấp cho vùng nguyên liệu 100 ha theo quy hoạch phát triển thủy sản ứng dụng công nghệ cao đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

+ Cuối năm 2016 hoàn thành việc đánh giá chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP cho ít nhất 20 ha vùng nguyên liệu nuôi tôm cành xanh (chiếm 40% so với vùng nguyên liệu).

* Về mặt kỹ thuật:

– Tất nhiên, các công nghệ được áp dụng trong kế hoạch này cũng phải được lựa chọn kỹ càng, chỉ áp dụng những công nghệ đã được nghiên cứu, đã được xác thực mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất, như là:

+ Công nghệ sản xuất giống: Sản xuất giống tôm càng xanh toàn đực theo công nghệ Israel.

+ Công nghệ nuôi tôm càng xanh: Ứng dụng có cải tiến qui trình ương – nuôi thâm canh trong ao kết hợp nuôi luân canh trên ruộng lúa sử dụng con giống tôm càng xanh toàn đực.

+ Quy mô tham gia gói hỗ trợ kỹ thuật, tài chính, thị trường: Xây dựng và vận hành sản xuất vùng nguyên liệu nuôi tôm càng xanh ứng dụng công nghệ cao tại xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn đạt 50 ha.

– Thông qua kế hoạch này, Trung tâm cũng sẽ hướng dẫn, đào tạo, tấp huấn, tạo ra một đội ngũ cán bộ kỹ thuật, công nhân lành nghề và các ngư dân có kinh nghiệm và tâm huyết trong công tác sản xuất giống và nuôi thương phẩm tôm càng xanh, cụ thể là:

+ Đào tạo tập huấn qui trình ương – nuôi tôm càng xanh thâm canh trong ao kết hợp nuôi luân canh trên ruộng lúa (có cải tiến) cho ngư dân trong vùng nguyên liệu (Phú Thuận). Số lớp tổ chức: 02 lớp (30 người/lớp), thực hiện trong năm 2015.

+ Tập huấn về tổ chức sản xuất, công tác quản lý cho chi hội nuôi tôm Phú Thuận: 1 lớp × 30 người, thực hiện trong năm 2015.

+ Tổ chức 04 cuộc học tập kinh nghiệm các mô hình liên kết, sản xuất tôm càng xanh có hiệu quả, đặc biệt là mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực ứng dụng công nghệ cao, thực hiện trong năm 2015, cụ thể: (1) 02 cuộc (20 người/cuộc) học tập mô hình nuôi tôm càng xanh hiệu quả ở Bạc Liêu (1 cuộc) và Kiên Giang (1 cuộc) cho các ngư dân có tiềm năng trong vùng nguyên liệu; (2) 01 cuộc (5 người/cuộc) học tập mô hình liên kết sản xuất tôm càng xanh tiên tiến có hiệu quả cho thành viên quản lý chi hội nuôi tôm Phú Thuận; (3) 01 cuộc (3 người/cuộc) học tập công nghệ nuôi và sản xuất giống tôm càng xanh toàn đực ứng dụng công nghệ cao ở nước ngoài cho thành viên tổ tư vấn kỹ thuật (dự kiến học tập tại trại sản xuất giống ở Trung Quốc).

+ Quy mô thực hiện mô hình: Thực hiện 05 mô hình, trong đó 01 mô hình năm 2015 và 04 mô hình năm 2016, mỗi mô hình 2 ha, với định mức hỗ trợ như sau: (1) Năm 2015 xây dựng 01 mô hình trình diễn nuôi tôm càng xanh toàn đực ứng dụng công nghệ cao cho 01 hộ. Hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 30% chi phí con giống, thức ăn, thuốc, hóa chất, nhiên liệu, nhưng không quá 200 triệu/mô hình; (2) Năm 2016: Hỗ trợ nhân rộng 04 mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực ứng dụng công nghệ cao cho 04 hộ. Hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 8% con giống, thức ăn, thuốc, hóa chất, nhiên liệu, nhưng không quá 50 triệu/mô hình.

+ Tiêu chí chọn hộ tham gia mô hình: (1) Là thành viên trong chi hội nuôi tôm Phú Thuận, tham gia sản xuất trong vùng nguyên liệu, tuân thủ cơ chế quản lý hoạt động của Tổ hợp tác; (2) Trong vùng nguyên liệu có diện tích nuôi từ 02 ha trở lên; (3) Có giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ học nghề về kỹ thuật nuôi tôm càng xanh toàn đực; (4) Có tâm huyết với nghề, đảm bảo thực hiện nuôi tôm càng xanh theo đúng hướng dẫn và thực hiện đúng các điều khoản trong hợp đồng ký kết với đơn vị thực hiện kế hoạch; (5) Tuân thủ đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của bên tiêu thụ. Đồng thời, phải có cam kết đảm bảo thực hiện cho đến khi kết thúc mô hình.

+ Tổ chức hội thảo chuyển giao công nghệ và nhân rộng: Sau khi kết thúc mỗi mô hình nêu trên, tổ chức các cuộc hội thảo để tổng kết, chuyển giao công nghệ cho ngư dân. Số cuộc thực hiện: 05 cuộc × 50 người/cuộc.

– Mặt khác, để việc triển khai kế hoạch được thành công thì công tác tổ chức sản xuất cũng rất được chú trọng, kế hoạch sẽ hỗ trợ, hướng dẫn ngư dân trong Chi hội nuôi tôm càng xanh thực hiện quy trình nuôi tôm càng xanh toàn đực ứng dụng công nghệ cao. Các chính sách hỗ trợ ngư dân trong Chi hội:

+ Hỗ trợ chi phí mua giống cho ngư dân trong Chi hội.

+ Hỗ trợ chi phí tư vấn và đánh giá chứng nhận theo tiêu chuẩn GAP cho ngư dân có tham gia chứng nhận chứng nhận GAP theo tinh thần Quyết định số 848/QĐ-UBND ngày 26/5/2015 của UBND tỉnh đối với sản phẩm tôm càng xanh.

+ Đối với những hộ có nhu cầu vay vốn để đầu tư sản xuất (mà được chứng nhận mô hình công nghệ cao) và những hộ có nhu cầu mua máy móc để sản xuất theo quy trình GAP, thì được hỗ trợ thủ tục vay theo quy định tại nội dung Quy chế số 21/QCPH ngày 17/12/2014 về việc phối hợp công tác giữa Ban Điều hành Chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – chi nhánh tỉnh An Giang. Định mức và lãi suất vay ưu đãi được thực hiện theo quy định hiện hành.

* Về mặt tài chính:

– Xác định các công việc liên quan đến yếu tố tài chính cần hỗ trợ

+ Chi các hoạt động kỹ thuật: Tập huấn quy trình nuôi, tập huấn công tác quản lý, tổ chức tham quan, xây dựng mô hình công nghệ cao, nhân rộng mô hình công nghệ cao, hội thảo tổng kết mô hình.

+ Hỗ trợ chi phí thả giống trong vùng nguyên liệu.

+ Chi phí tư vấn và đánh giá theo tiêu chuẩn GAP.

+ Chi phí cải tạo cơ sở hạ tầng và nâng cấp cơ sở sản xuất tôm càng xanh.

+ Chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực.

+ Hỗ trợ chi phí quản lý và thực hiện kế hoạch.

– Nhu cầu tài chính cho gói kỹ thuật: Nhu cầu tài chính cần để hỗ trợ, thực hiện các hoạt động liên quan gói kỹ thuật giai đoạn 2015 – 2016 với tổng dự toán là 2.162,558 triệu đồng.

– Chính sách hỗ trợ cải tạo cơ sở hạ tầng và nâng cấp cơ sở sản xuất giống để nâng cao năng suất, chất lượng sản xuất giống và nuôi tôm càng xanh.

– Chính sách hỗ trợ nguồn nhân lực

+ Thuê 2 chuyên gia đầu ngành (học vị tiến sĩ): Tư vấn định hướng cải tiến qui trình sản xuất giống (1 Tiến sĩ) và nuôi thương phẩm tôm càng xanh (1 Tiến sĩ).

+ Tổ  kỹ thuật: Đào tạo ngoại ngữ, chuyên môn, nâng cao kỹ năng quản lý, điều phối sản xuất kết nối với thị trường. Số người được đào tạo: 9 người.

* Về thị trường: Sở Công Thương và Trung tâm Xúc tiến thương mại là đầu mối tìm kiếm và mời gọi đối tác tiêu thụ ổn định cho vùng nguyên liệu; xúc tiến thương mại thị trường trong và ngoài nước. Đặc biệt, là kết nối được ít nhất từ 02- 03 doanh nghiệp tham gia ổn định vào quá trình triển khai Kế hoạch này.

Hiện đã có 01 doanh nghiệp đồng ý tham gia đầu tư dịch vụ đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho 50 ha vùng nguyên liệu.

Với kế hoạch được xây dựng chi tiết và rỏ ràng từng hạng mục, các đơn vị thực hiện hy vọng sẽ phát triển sản phẩm tôm càng xanh nhằm tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất và thị trường tiêu thụ ổn định, bền vững; làm cơ sở thực hiện các chương trình sản xuất thuỷ sản ứng dụng công nghệ cao của tỉnh. Góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu ngành, đa dạng hoá đối tượng nuôi; mở rộng và phát triển đối tượng thủy sản nuôi phục vụ xuất khẩu, góp phần tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.