Trung tâm Giống Thủy sản An Giang: Đầu tư sản xuất con giống chất lượng cao vì mục tiêu phát triển bền vững

Được biết đến là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực tại địa phương, song những năm gần đây, thủy sản An Giang vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do rào cản của thị trường và việc xây dựng chuỗi liên kết bền vững cho các đối tượng thủy sản nuôi kết quả còn hạn chế. Trước thực trạng đó, tỉnh An Giang nói chung và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn An Giang nói riêng đã tích cực triển khai các giải pháp tăng cường liên kết đầu tư phát triển các sản phẩm nông nghiệp và thuỷ sản theo hướng bền vững, trong đó, đóng vai trò chủ chốt là tăng cường nguồn giống chất lượng cao và sự đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, góp phần quan trọng cùng địa phương phát triển nền nông nghiệp hiện đại với sự tăng trưởng mạnh về sản lượng và chất lượng cao, ổn định.

Là một đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn An Giang, Trung tâm Giống Thuỷ sản An Giang là đơn vị chủ lực của tỉnh trên lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào công tác sản xuất giống các đối tượng thuỷ sản nước ngọt. Với nhiệm vụ chính nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ Khoa học – Kỹ thuật trong sản xuất giống và nuôi thương phẩm các đối tượng thuỷ sản có tiềm năng kinh tế cao, trong gần hai mươi năm hoạt động, Trung tâm Giống Thuỷ sản đã có nhiều đóng góp ý nghĩa cho sự phát triển bền vững của ngành nuôi trồng thuỷ sản An Giang trong thời kỳ mới.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh – Giám Đốc Trung tâm giống Thủy sản An Giang, với lợi thế là tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, An Giang có nhiều thuận lợi trong việc phát triển nuôi trồng thủy sản quy mô lớn. Bên cạnh hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực là cá tra và cá basa, An Giang hiện đang phát triển thêm nhiều giống thủy sản nước ngọt có tiềm năng kinh tế cao, như lươn đồng, cá lóc, tôm càng xanh… với mục tiêu đa dạng hóa đối tượng nuôi với giá trị thương phẩm cao, phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Trên cơ sở xác định được các mặt hàng chủ lực và lộ trình phù hợp để phát triển các sản phẩm này, tỉnh An Giang đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển bền vững ngành nuôi trồng thủy sản tại địa phương.

Cụ thể, đối với cá tra, tỉnh đã có quyết định phê duyệt danh sách hộ nuôi cá tra theo chuỗi liên kết thí điểm của Công ty TNHH SX-TM-DV Thuận An (Tafishco). Đây là một trong những mô hình mẫu để phát triển sản phẩm cá tra. Vì vậy, mô hình này đã được UBND tỉnh đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho duy trì, mở rộng và nhân rộng trong phạm vi toàn tỉnh những năm tiếp theo. Riêng đối với Trung tâm giống thủy sản An Giang, hàng năm, Trung tâm có thể cung cấp trên 3 tỷ con cá bột chất lượng cao cho các hộ ương nuôi. Đồng thời, Trung tâm đã triển khai đề tài về tuyển chọn giống cá tra bố mẹ hậu bị tốt. Đến nay, Trung tâm đã xây dựng được đàn cá bố mẹ hậu bị rất tốt, giúp cải thiện di truyền về tốc độ tăng trưởng, cũng như sức sinh sản để phục vụ cho các vùng nuôi ở An Giang và một số tỉnh lân cận. Hơn nữa, Trung tâm còn là nơi cung cấp giống cá tra đủ điều kiện chứng nhập Global Gap, đảm bảo chất lượng từ khâu nuôi trồng đến chế biến và thành phẩm, cũng như có thể truy suất được nguồn gốc sản phẩm.

Đối với tôm càng xanh, từ năm 2013, Trung tâm đã thiết lập được mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với tập đoàn Tiran (Israel) trên lĩnh vực sản xuất giống tôm càng xanh toàn đực theo công nghệ Israel. Được biết, con giống tôm toàn đực từ chương trình hợp tác này hiện tại đã cho thấy nhiều ưu thế so với các công nghệ trước đây, như tỉ lệ tôm đực hơn 90%, tốc độ tăng trưởng và khả năng chống chịu với các điều kiện bất lợi tốt …; và được cung cấp cho người nuôi không chỉ ở An Giang, mà còn nhiều tỉnh khác ở khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long. Song song với việc cung cấp con giống chất lượng, Trung tâm Giống Thuỷ sản cũng đang từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm tôm càng xanh của An Giang thông qua việc nghiên cứu kỹ thuật nuôi tăng kích cỡ tôm thương phẩm, tăng hiệu quả kinh tế và thực hiện đánh giá chứng nhận VietGap cho vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao ở Phú Thuận, Thoại Sơn. Hiện tại đã thực hiện thành công bốn mô hình thí điểm nuôi tôm thích ứng với biến đổi khí hậu 2016; và Gói Tài chính – Kỹ thuật – Thị trường Tôm càng xanh giai đoạn 2015 – 2016 đã hoàn thành hầu hết các nội dung, dự kiến sẽ tiếp tục thực hiện giai đoạn 2017 -2020 với mục tiêu nâng cao chất lượng và sản lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chí của thị trường trong xu thế hiện đại. Ngoài ra, mô hình nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu do Trung tâm Giống Thuỷ sản An Giang xây dựng năm 2016 dự kiến sẽ được ứng dụng cho các vùng quy hoạch nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2017-2018.

Ngoài hai giống thủy sản trên, Trung tâm cũng đang tập trung triển khai các hoạt động nghiên cứu và phát triển con giống và nuôi thương phẩm đối với một số đối tượng thuỷ sản có tiềm năng kinh tế khác như lươn và cá lóc với lộ trình phát triển song song vừa ứng dụng công nghệ tiến bộ để cải thiện chất lượng, số lượng sản phẩm, vừa từng bước xây dựng thương hiệu và hình thành các chuỗi liên kết sản xuất- tiêu thụ, nhằm đa dạng hóa đối tượng nuôi, tận dụng diện tích mặt nước, tăng chất lượng và sản lượng đáp ứng đầy đủ cho nhu cầu cho thị trường nội địa tiêu dùng hàng ngày và hướng tới xuất khẩu.

Không chỉ đầu tư phát triển con giống thuỷ sản chất lượng cao, Trung tâm giống Thủy sản An Giang còn tăng cường các nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất và phát triển nguồn nhân lực nhằm triển khai tốt công tác nghiên cứu và phát triển các giống thủy sản chủ lực của tỉnh trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng và gắn kết với tiêu thụ bền vững. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng hoạt động tích cực trên lĩnh vực chuyển giao con giống và công nghệ sản xuất cho người nuôi ở các địa phương, đồng thời cũng hỗ trợ các vùng nuôi tìm kiếm đầu ra ổn định, góp phần nâng cao hiệu quả mô hình nuôi theo chuỗi liên kết theo chủ trương mà tỉnh đã và đang triển khai.

Trường Thành