Trồng rau trên sân thượng có mái che và kinh nghiệm chăm sóc cơ bản | Cleanipedia
Nội Dung Chính
1. Ưu điểm của trồng rau trên sân thượng có mái che
Trồng rau trên sân thượng có mái che hiện đang được rất nhiều gia đình lựa chọn như một cách để tận dụng không gian trống. Hơn hết, việc này cũng mang lại nhiều lợi ích cho chính gia đình của bạn. Có thể kể đến như sau:
1.1 Mang đến nguồn rau sạch, đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình
Rau xanh luôn là thực phẩm không thể thiếu trong mỗi bữa ăn. Và chắc hẳn ai trong các bạn cũng đều ý thức được tầm quan trọng của rau xanh đối với cơ thể. Tuy nhiên, trong thực tế vì nhiều lý do khác nhau mà dường như rau sạch bỗng trở nên khan hiếm và ít đi. Thay vào đó, các loại rau bẩn, không rõ xuất xứ được trồng với lượng hóa chất quá mức tràn lan trên thị trường lại rất đáng phải báo động. Điều đó cũng là hồi chuông cảnh báo về nguy cơ gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người.
Do đó, ý tưởng áp dụng mô hình trồng rau sạch tại nhà đã bắt đầu xuất hiện và dần chiếm được sự ưu ái của nhiều gia đình. Sử dụng rau sạch giúp bữa ăn trở nên ngon miệng hơn. Đồng thời, sức khỏe của bạn và gia đình sẽ luôn được bảo vệ một cách tốt nhất.
1.2 Trồng rau trên sân thượng có mái che giúp tiết kiệm chi phí sinh hoạt
So với vùng nông thôn nhiều rau xanh thì khi sống ở vùng đô thị, bạn sẽ phải tốn một khoản chi tiêu không hề nhỏ để mua rau cho mỗi bữa ăn. Hơn nữa, bạn cũng sẽ phải phân bố các khoản chi tiêu một cách dày đặc hơn khi sống ở các thành phố lớn. Do đó, để có thể tiết kiệm được khoản chi phí sinh hoạt hàng ngày thì việc lựa chọn hình thức tự trồng rau sạch trên sân thượng sẽ là giải pháp tốt nhất. Bạn chỉ cần tốn một khoản chi phí nhỏ để mua hạt giống gieo trồng và dành thời gian chăm sóc đúng cách. Một nguồn rau xanh ngay tại nhà sẽ làm tăng chất lượng cuộc sống của gia đình bạn.
1.3 Tạo tinh thần vui vẻ, thoải mái khi chăm sóc vườn rau
Bên cạnh những lợi ích trên thì việc trồng rau sạch trên sân thượng cũng giúp tinh thần vui vẻ và thư giãn hơn. Ngắm nhìn thành quả mà mình cất công gieo trồng chăm sóc từng ngày giúp xua tan đi mọi mệt nhọc, mọi vất vả cũng đều trở nên xứng đáng. Hơn nữa, tinh thần của bạn luôn tràn đầy năng lượng, tươi mới sẽ là yếu tố then chốt giúp tăng cường khả năng sáng tạo trong công việc và cuộc sống.
1.4 Trồng rau trên sân thượng có mái che giúp tạo không gian trong lành
Đối với những nơi có mật độ dân số đông và khói bụi ô nhiễm dày đặc như tại những thành phố lớn thì việc có một mảng xanh trên sân thượng là rất cần thiết. Thực tế, việc trồng rau trên sân thượng góp phần giúp cho không gian trở nên trong lành hơn. Đó là bởi rau xanh có tác dụng lọc sạch không khí, loại bỏ những tạp chất gây ô nhiễm trong môi trường.
Bên cạnh đó, mái che trên sân thượng ngoài tác dụng bảo vệ cho rau xanh, mái che còn có thể giúp cản bụi, cản nắng, tạo không gian mát mẻ cho bạn. Tóm lại, có thể khoảng không và quy mô trồng rau sạch trên sân thượng không quá lớn nhưng cũng đủ khiến bạn cảm thấy dễ chịu. Từ đó, chất lượng cuộc sống cũng được cải thiện hơn.
2. Cách trồng và chăm sóc cây rau trên sân thượng
Hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ sâu là những chế phẩm gây hại cho sức khoẻ và môi trường. Để có thể tự tay chăm sóc tốt nhất cho vườn rau mà không sử dụng đến những chế phẩm này, bạn cần bỏ túi ngay những bí kíp trồng rau trên sân thượng có mái che sau đây!
2.1 Chuẩn bị không gian trồng rau trên sân thượng có mái che
Để có thể trồng rau sạch trên sân thượng, đầu tiên bạn cần xem xét kỹ diện tích mình cần sử dụng. Điều này giúp bạn thuận lợi hơn khi chọn cách thiết kế vườn rau. Bạn có thể tham khảo cách thiết kế tiết kiệm diện tích trồng rau với 3 giàn trồng hiệu quả sau đây.
-
Giàn trồng rau thẳng đứng
Cách trồng rau trên sân thượng có mái che này được nhiều người ưa chuộng vì tiết kiệm được tốt đa diện tích và thích hợp để trồng nhiều loại rau khác nhau. Khi áp dụng phương pháp này bạn cần đáp ứng đủ ánh sáng và độ nắng để cây có thể phát triển toàn diện. Nếu lượng nắng quá ít hoặc không đủ, cây rau sẽ kém phát triển hơn.
Bên cạnh đó, để đạt hiệu quả hơn, bạn cần thiết kế và phân bố rau trồng thích hợp với từng vị trí tiếp xúc nắng. Chẳng hạn như: tầng dưới ít tiếp xúc với nắng bạn có thể trồng những loại rau không ưa nắng như: lá lốt, rau muống… Trong khi đó, với tầng trên thì bạn sắp xếp trồng những cây ưa nắng như: mồng tơi, rau đay, rau ngót.
-
Giàn trồng rau bậc thang
Thiết kế vườn rau này có thể tận dụng được tối đa ánh nắng mặt trời. Những gia đình có sân thượng rộng, mái che, bị thiếu nắng có thể áp dụng cách này. Tuy khá tốn diện tích nhưng bạn sẽ trồng được nhiều rau hơn và nguồn ánh sáng cũng được phân bổ đồng đều hơn đấy!
-
Giàn lưỡng tính
Mỗi cách vừa nêu trên có những ưu và nhược điểm riêng. Nên cách thiết kế vườn rau giàn lưỡng tính sẽ là sự kết hợp cả 2 cách trên để tạo nên sự bài trí hoàn hảo. Nếu sân thượng của bạn hẹp, thiếu ánh sáng, nhưng muốn trồng nhiều rau nhất thì bạn nên xem xét áp dụng nhé! Bên cạnh đó, so với 2 mẫu thiết kế trên thì cách thiết kế này có phần lợi hơn nhưng cũng gặp chút khó khăn khi chăm sóc vì có nhiều tầng bậc.
Ngoài ba cách nêu trên bạn có thể tham khảo thêm cách sau để tận dụng tối đa không gian của sân thượng. Bạn có thể trồng những cây dây leo như đậu, bí, bầu và các giống cà chua cao… gần tường và lan can. Điều này giúp bạn tiết kiệm không gian của sân thượng, giúp trang trí cho sân thượng đẹp và bắt mắt hơn. Đồng thời, những loại cây đó cũng sẽ đóng vai trò như mái che, giúp bảo vệ cây rau phát triển tốt hơn.
Ngoài ra, để tiết kiệm chi phí mua giàn bạn có thể tái chế những giá đỡ, kệ cũ để giữ chậu xung quanh các góc. Nếu bạn chịu khó dành một chút thời gian để nghiên cứu và sắp xếp thì mọi thứ sẽ trở nên vô vùng dễ dàng xứng đáng.
>>> Xem thêm: Cách trồng rau trên sân thượng cho nhà thành phố đơn giản
2.2 Chuẩn bị dụng cụ trồng rau
Để có thể trồng rau thành công trên sân thượng có mái che bạn cần chuẩn bị những dụng cụ và nguyên liệu cần thiết sau đây. Công cuộc trồng rau sẽ trở nên đơn giản hơn nhiều.
-
Thứ nhất là tìm mua nguồn nguyên liệu cơ bản nhất. Bạn có thể dễ dàng tìm kiếm những nguyên liệu như: đất trồng, mùn cưa phân vi sinh, hạt giống rau củ tại cửa hàng chuyên cung cấp sản phẩm trồng rau chất lượng, uy tín với nhiều sản phẩm đa dạng.
-
Thứ hai là vật liệu để trồng rau, bao gồm: chậu, thùng xốp, hộp gỗ, giàn trồng. Những dụng cụ này cần đảm bảo độ thoát nước nhất định, kích thước phải phù hợp với diện tích sân thượng.
-
Thứ ba là một số dụng cụ được sử dụng cho việc chăm bón rau như bình tưới, xẻng xúc đất, bút đo nồng độ…
2.3 Chọn và chuẩn bị hạt giống để trồng rau trên sân thượng có mái che
Hạt giống cây trồng là yếu tố quan trọng không thể thiếu khi bạn quyết định trồng rau trên sân thượng có mái che.
Chọn hạt giống
Bạn nên chọn những loại giống rau trồng theo mùa để cho cây rau điều kiện thích nghi và sinh trưởng tốt nhất. Đồng thời, điều này còn giúp tránh được tình trạng sâu bệnh gây hại. Bạn có thể tham khảo một vài loại rau dễ trồng trên sân thượng mà không cần chăm sóc quá nhiều sau đây:
-
Rau muống: dễ nảy mầm, sinh trưởng trong thùng xốp, chỉ cần thường xuyên phun nước, đảm bảo độ ẩm cho cây.
-
Rau họ cải: Có rất nhiều vitamin nên thường được trồng nhiều. Đất trồng chỉ cần tơi xốp, thùng xốp thoát nước tốt.
-
Rau mồng tơi: Loại cây rau giúp giải nhiệt, thanh mát cơ thể. Chỉ cần chọn trồng ở những nơi có ánh nắng chiếu thường xuyên là được.
-
Xà lách: Loại rau mà các gia đình hay ăn nhất đây. Trồng khoảng 35 ngày là cây rau đã phát triển đủ lớn để thưởng thức trong mâm cơm gia đình rồi!.
-
Cà chua: Thích hợp trồng và phát triển ngay cả trong điều kiện khắc nghiệt nhất của sân thượng. Đồng thời, cây cho ra quả các mùa trong năm. Bạn chỉ cần lưu ý trồng cây ở nơi thoáng mát, có diện tích đủ rộng để cây phát triển là được
-
Cà rốt: Trồng trong thùng xốp 3 tháng là thu hoạch được thành quả ngay.
-
Đậu que: Để trồng đậu, bạn sẽ cần một nơi có nhiều ánh nắng mặt trời, một cái chậu sâu tối thiểu 12 inch và một giàn leo để hỗ trợ. Bạn có thể trồng đậu trồng đậu trong một chậu rất lớn cùng với các loại rau như: cải xoăn, rau bina và cần tây ở gốc cây.
-
Dưa chuột: Bạn có thể trồng dưa chuột trên giàn trong một thùng lớn với diện tích chỉ 1-2 mét.
-
Ớt: ớt dễ trồng nhất trong các thùng chứa và ớt cũng cho năng suất cao nhất. Nếu bạn giữ chậu ở nơi có ánh nắng mặt trời và cung cấp đất và phân bón thích hợp vào thời điểm đó, loại cây này sẽ ra quả nhiều. Chậu lớn và có độ sâu tối thiểu 12 inch là tốt nhất.
-
Đậu hà lan: Đậu Hà Lan cần đất ẩm và thời tiết mát mẻ đến vừa phải để phát triển mạnh. Bạn cần chậu sâu 6-12 inch là đủ (tùy thuộc vào giống). Bạn có thể trồng 4-6 cây trong một thùng rộng 12 inch. Để chậu cây ở nơi có ánh nắng một phần nếu không thể tiếp cận được với ánh sáng mặt trời đầy đủ.
-
Cà tím: Để trồng cà tím, hãy chọn một chậu rộng và sâu 12 inch để có đủ không gian. Cà tím là một loại rau và trái cây rất năng suất nếu bạn cung cấp cho cây ít nhất 6-8 giờ ánh nắng trực tiếp hàng ngày.
-
Củ dền: Đây là một loại cây trồng phát triển nhanh và bạn không cần một thùng lớn để trồng. Một thùng chứa có kích thước trung bình sâu 8-10 inch là đủ. Đất bạn sử dụng phải dễ thấm và giàu phân hữu cơ.
-
Củ cải đường: Chậu trồng cây sâu 6 inch là đủ nhưng nếu bạn trồng các giống lớn hơn, hãy sử dụng chậu sâu 10 inch. Bạn có thể trồng củ cải gần nhau, để khoảng cách giữa mỗi cây là 2 inch trong một thùng rộng. Củ cải sẵn sàng cho thu hoạch trong 24-60 ngày, tùy thuộc vào giống.
Tóm lại, bạn có thể căn cứ vào nhu cầu và sở thích của gia đình mình cũng như diện tích của sân thượng để lựa chọn sản phẩm rau trồng phù hợp nhé!
Chuẩn bị hạt giống trồng rau trên sân thượng có mái che
Đây là khâu vô cùng quan trọng ảnh hưởng đến độ phát triển đồng đều của rau. Để thực hiện bạn cần tiến hành các bước sau
-
Thông thường, trước khi gieo hạt bạn cần phơi hạt dưới nắng nhẹ nhằm tiêu diệt mầm bệnh cho cây. Lưu ý ánh nắng không nên quá gắt như nắng buổi trưa.
-
Bạn tiến hành ngâm hạt giống với công thức nước lạnh và nước nóng theo tỉ lệ 3:2 và ngâm ủ trong khoảng 7 tiếng.
-
Sau đó, bạn vớt hạt ra ủ vào khăn ướt hoặc giấy trong khoảng một ngày. Điều này nhằm giúp hạt nứt nhanh, lúc hạt bắt đầu chồi rễ thì đem trồng sẽ hiệu quả hơn.
-
Tiến hành gieo trồng hạt. Bạn có thể trộn chút cát khô với hạt trước khi gieo.
-
Sau khi gieo hạt xong bạn có thể ủ một lớp trấu hoặc lớp đất mỏng lên trên. Thêm vào đó, bạn nên gieo hạt vào lúc chiều mát để cây đạt hiệu quả phát triển tốt nhất nhé! Nếu gieo vào buổi chiều tối thì cứ để mở thùng rau ra như vậy, để qua đêm cho sương xuống.
-
Đậy hở thùng xốp vào ngày hôm sau đến ngày thứ 3 thì mở ra.
-
Tưới nước đều đặn cho cây mỗi ngày bằng bình xịt để cây không bị ngã.
Một vài lưu ý khi chuẩn bị hạt hoặc cây con sẵn đối với từng loại như sau:
-
Đối với hạt rau muống: ngâm theo tỉ lệ 3 nước sôi : 1 phần nước lạnh. Tỉ lệ nước nóng nhiều hơn sẽ giúp hạt rau muống nảy mầm đồng đều.
-
Đối với hạt mướp: sau khi ngâm nước 1 ngày, bạn phải bẻ một chút đầu hạt ra – phần đầu nhọn thì mầm mới trồi lên nhanh được.
-
Trồng bằng cây hoặc cành bán sẵn như cần tây, ngò, hành lá thì bạn có thể cắt gần sát gốc. Sau đó, mang bộ rễ bị cắt một chút trồng xuống thùng xốp, khoảng 2 tuần sau thì giống bắt đầu nhú những lá mới. Củ sả mua về nên ngâm trong nước mấy ngày cho ra rễ, sau đó đem trồng thùng xốp, chỉ 1 tháng là tốt um lên.
>>> Xem thêm: Từ A đến Z bí quyết trồng rau trong thùng xốp luôn tươi xanh
Giai đoạn làm đất và ủ phân
Một công đoạn khác không kém phần quan trọng chính là làm đất và ủ phân. Trước khi trồng bạn cần phơi đất, trộn vôi bột, xới tơi đất, trộn phân đầy đủ thì việc trồng rau trên sân thượng có mái che sẽ đạt hiệu quả hơn. Tiếp theo đó là khâu ủ đất, bạn có thể chọn một trong hai phương pháp ủ đất sau:
-
Ủ bằng phân hữu cơ
-
-
Cách 1: Tạo phân hữu cơ tự ủ từ thức ăn thừa, ra, lá cây ủ hoai mục, xương cá, gà, vỏ trứng… Tất cả được cho vào thùng xốp, đậy nắp lại nhưng nên mở hé để thoáng khí, giúp phân hoai mục nhanh. Trong khoảng 1 – 1.5 tháng, bạn sẽ có thể sử dụng phân này. Ngoài ra, vỏ chuối cũng là nguyên liệu được ưa chuộng được sử dụng để tạo ra phân hữu cơ vì có nhiều Kali cực kì tốt cho cây vào thời kì ra hoa, quả.
-
Cách 2: Với cách này, bạn ủ phân bằng hoa quả và vỏ hoa quả thừa. Bạn cần cắt nhỏ những nguyên liệu này ra rồi ngâm vào nước cho lên men. Sau khoảng một tuần là bạn đã có thể dùng được, sau đó pha với nước sạch rồi tưới cho rau. Chắc chắn, rau sẽ phát triển cực kỳ tốt và khoẻ mạnh đấy!
-
-
Sử dụng phân NPK
Để bổ sung dưỡng chất và giúp cây được chắc khoẻ hơn thì bạn cũng có thể sử dụng phân NPK để bón cho cây rau trong giai đoạn ra hoa, quả. Trước 15 ngày thu hoạch bạn nên dừng bón phân để đảm bảo độ sạch cho cây rau.
Nếu bạn trồng mướp hoặc bầu hoặc những loại cây rau có khả năng hút nước và chất dinh dưỡng nhiều, bạn cần cung cấp nước và chất dinh dưỡng phù hợp. Cùng với đó, để trồng những loại cây có rễ chùm này đạt hiệu quả bạn nên nên trộn đất với 1kg phân lân, phân hữu cơ hoai mục và phân bò khô. Điều này, giúp đất trồng của bạn đạt chất lượng, có thể giúp rau được phát triển tốt nhất.
2.4 Hướng dẫn gieo trồng rau trên sân thượng có mái che
Thông thường, các mô hình đơn giản được áp dụng cho việc trồng rau trên sân thượng có mái che là trồng trong hộp xốp, khay chậu nhựa, chậu ghép, thùng gỗ và rau tháp. Căn cứ vào điều kiện và nhu cầu của mình mà bạn lựa chọn mô hình phù hợp nhất. Điều này vừa giúp tiết kiệm chi phí vừa đảm bảo cây rau sinh trưởng tốt. Khi bạn đã xác định rõ mô hình mình muốn áp dụng để trồng rau trên sân thượng có mái che, hãy thực hiện tiếp công đoạn gieo trồng. Bạn cần chú ý đến một vài yếu tố sau để việc trồng các loại rau sạch tại nhà dễ dàng, đơn giản và hiệu quả hơn:
-
Đảm bảo thực hiện đúng các bước trước khi gieo hạt.
-
Đảm bảo khoảng cách giữa các cây rau khi gieo hạt để cây có điều kiện phát triển.
-
Bạn cần nắm được kỹ thuật trồng rau sạch trên sân thượng cơ bản. Điều này góp phần quyết định đến chất lượng của rau. Bạn cũng có thể mua sách hướng dẫn trồng rau trên sân thượng để tìm hiểu sâu hơn.
2.5 Cách chăm sóc cây rau trên sân thượng có mái che hiệu quả
Sau khi hoàn tất những công đoạn cơ bản trên, điều quan trọng bạn cần làm là có phương pháp chăm bón cây rau hiệu quả. Dưới đây sẽ là một vài cách giúp bạn có thể chăm sóc vườn rau trên sân thượng của mình.
Chăm sóc rau tùy theo từng loại rau
Trước khi chăm sóc bạn cần am hiểu về loại rau đang được trồng trên sân thượng để có cách chăm sóc phù hợp. Thực tế, mỗi loại cây rau đều có những đặc điểm khác nhau chẳng hạn như: có cây ưa nắng, ưa bóng, chịu được nhiều nước và ít nước. Sau đây là một số lưu ý cơ bản bạn cần nắm:
-
Thứ nhất, tưới cây vào buổi sáng vào khoảng 7 -10 giờ. Đây là khoảng “thời gian vàng” để cung cấp nước cho cây. Bạn không nên thay đổi thời gian tưới nước cho cây vì như vậy sẽ làm xáo trộn giờ sinh lý của cây rau.
-
Thứ hai, bón phân đều đặn cho cây 1 – 2 lần/ tháng nhằm cung cấp kịp thời chất dinh dưỡng cho cây.
-
Thứ ba, loại bỏ rác bẩn và các điều kiện giúp mầm bệnh phát triển là điều vô cùng quan trọng mà bạn cần đặc biệt lưu ý.
-
Thứ tư, những lá khỏi và sâu cần được loại bỏ ngay tránh làm lây lan sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của cây rau.
-
Thứ năm, đảm bảo lượng ánh nắng đầy đủ và thích hợp cho từng loại rau, giúp rau phát triển và loại bỏ các bệnh nấm, phấn trắng cho cây, giúp cây nhanh ra hoa, ra quả.
Thụ phấn cho cây
Thực tế, với điều kiện trên sân thượng thì yếu tố gió sẽ đảm bảo cho quá trình tự thụ phấn diễn ra thuận lợi. Tuy nhiên, yếu tố côn trùng thì còn khá hạn chế. Chính vì vậy, giải pháp tốt nhất lúc này là bạn tự mình thụ phấn cho cây. Chẳng hạn như cây dây leo, mướp… có hoa đực là những bông hoa có phần bông hoa, còn hoa cái thì có thêm phần nhô ra phía sau rồi mới đến phần hoa. Sau khi thụ phấn thì hoa cái sẽ tạo thành quả, những bông hoa không thụ phấn thành công sẽ rụng đi. Với điều kiện trên sân thượng có mái che thì bạn nên áp dụng phương pháp thụ phấn chủ động cho cây. Các bạn cần canh đúng thời gian hoa nở để thực hiện thụ phấn đạt hiệu quả. Ví dụ: hoa mướp, dưa leo thì hoa thường nở vào khoảng 7, 8h sáng, hoa bầu thường nở vào lúc 17, 18h.
Tiêu diệt sâu bọ, bảo vệ sức khoẻ cho cây rau
Sâu bọ xuất hiện trong lòng đất từ ấu trùng trứng có sẵn nên bạn cần làm đất cẩn thận, phơi đất và trộn vôi bột cho đất. Ngoài ra, sâu bệnh còn xuất hiện từ những loại côn trùng, bướm. Để có thể tiêu diệt sâu bọ, bạn không thể chỉ đơn thuần giải quyết bằng phương pháp phun thuốc sâu được. Vì như vậy, chất lượng rau sẽ không được đảm bảo. Thay vào đó, bạn có thể thực hiện phương pháp diệt trừ sâu bọ đơn giản tại nhà bằng những nguyên liệu tự nhiên có sẵn như: tỏi, ớt, gừng. Bạn cần chuẩn bị 1 kg tỏ, 1 kg ớt, 1 kg gừng, 3 lít rượu và thực hiện theo các bước sau để tạo thành hỗn hợp thuốc trừ sâu hữu cơ an toàn nhé!
-
Bước 1: Giã tỏi, ớt, gừng thật nhuyễn trước khi trộn.
-
Bước 2: Ngâm chung hỗn hợp vừa giả với 3 lít rượu. Khi ngâm bạn cần bỏ vào thùng kín, không nên để thùng ở nơi nắng quá gắt. Trong khoảng thời gian 15 ngày khi các chất cay của nguyên liệu được trộn đều với rượu. Hỗn hợp này có thể sử dụng trong vòng 6 tháng.
Như vậy, bạn đã có dung dịch thuốc thảo mộc tự chế để phòng trừ sâu khoang, sâu tơ, bọ nhảy… hiệu quả. Sau đây là cách pha loãng khi sử dụng mà bạn cần biết:
-
Pha 200 – 300 ml với 5 lít nước với mỗi lần phun vào vườn rau.
-
Thông thường, để phòng bệnh thì bạn nên phun một lần trong khoảng 7 ngày đến 10 ngày là hiệu quả nhất nhé! Hoặc khi bạn phát hiện có dấu hiệu bị bệnh thì bạn hãy nhanh chóng tiến hành phun ngay.
-
Thuốc cần được phủ đều lên bề mặt lá.
-
Khi thực hiện việc phun thuốc triệt sâu bọ bạn nên lưu ý phun theo chiều gió để không bị cay mắt nhé!
-
Bạn cần sử dụng với liều lượng vừa đủ nếu không sẽ phản tác dụng, gây hại cho cây như bị cháy, táp lá, chết cây, lãng phí lượng không cần thiết.
Ngoài cách trên, bạn cũng có thể dùng tươi tỏi và gừng pha trong nước với tỷ lệ 10 g/lít nước, 2 muỗng dầu và một ít xà bông, tinh dầu của 2 nguyên liệu này có thể loại bỏ hiệu quả côn trùng, sâu bọ. So với gừng thì tỏi có hiệu quả giảm số lá bị thiệt hại bởi sâu ăn lá tốt hơn.
Từ những thông tin hữu ích trên, Cleanipedia hy vọng sẽ giúp bạn có động lực bắt tay vào thực hiện kế hoạch trồng rau trên sân thượng có mái che tại gia đình mình. Đừng quên theo dõi các bài viết khác của Cleanipedia để có thêm nhiều thông tin giá trị hơn nhé!
>>> Xem thêm: Ý tưởng trồng rau sạch tiết kiệm diện tích
Tác giả: Team Cleanipedia
Bản quyền thuộc về: Unilever Vietnam. Ghi rõ nguồn khi tham khảo