Trốn thuế ngày càng gia tăng khi thương mại điện tử phát triển
Cục thuế xác nhận khó khăn lớn nhất trong công tác quản lý thuế thương mại điện tử là việc quản lý đầy đủ các nguồn thu, đối tượng nộp thuế (Hình minh hoạ)
Thương mại điện tử ở Việt Nam đang phát triển mạnh đặc biệt trong giai đoạn đại dịch COVID-19 bùng phát. Thực tiễn này khiến người tiêu dùng chuyển thói quen chi tiêu sang các nền tảng trực tuyến; tuy nhiên, khi doanh số bán hàng trực tuyến tiếp tục phát triển, việc trốn thuế cũng tăng theo.
Đó là thông tin được tờ The Japan News loan trong ngày 4/2 dẫn nguồn từ Cục Thuế Thành phố Hà Nội.
Cụ thể, Cơ quan này cho biết họ chỉ thu được 14 nghìn tỷ đồng Việt Nam (khoảng 618,2 triệu USD) tiền thuế từ các doanh nghiệp và cá nhân hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số trong năm 2021, chiếm chỉ 6% tổng thu.
Tờ the Japan News nhận định, số thu ít như vậy không phản ánh quy mô thực tế của hoạt động kinh doanh trên các nền tảng trực tuyến, đồng nghĩa với việc có những doanh nghiệp và các cá nhân liên quan đến việc trốn thuế.
Trong một trả lời với truyền thông Nhà nước mới đây, bà Nguyễn Thị Lan Anh – Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (thuộc Tổng cục Thuế) xác nhận, khó khăn lớn nhất trong công tác quản lý thuế thương mại điện tử hiện nay, đó là việc quản lý đầy đủ các nguồn thu, đối tượng nộp thuế.
Ông Nguyễn Minh Phong, một người bán hàng online tiết lộ trên tờ The Japan News rằng, các cá nhân kinh doanh trên mạng có nhiều chiêu để che giấu thu nhập thực tế. Họ có thể yêu cầu khách hàng thanh toán bằng tiền mặt, tạo các tài khoản khác nhau với các tên khác nhau để chia nhỏ doanh thu hoặc kê khai thu nhập thấp hơn. Hành vi trốn thuế, hàng năm gây thất thu lớn cho ngân sách Nhà nước. Ông này cũng cho rằng nhiều người sáng tạo nội dung trên các nền tảng trực tuyến khác nhau, bao gồm cả YouTube cũng đã tránh nộp thuế.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, đến cuối năm 2020, Việt Nam có khoảng 15.000 kênh kiếm tiền trên YouTube, trong đó có 350 kênh có trên một triệu người đăng ký. Tuy nhiên, cơ quan thuế chỉ có thể nắm được 5.000 kênh chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Số còn lại là không kê khai thu nhập, kê khai không trung thực hoặc trốn thuế qua cổng thanh toán quốc tế như Paypal và Payoneer.