Trò chuyện cùng TS. BS.CKII Nguyễn Tri Thức – Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy: Giải thưởng to lớn nhất đó chính là SỰ TIN YÊU của người dân dành cho Bệnh viện

BS. Nguyễn Tri Thức

  • Tiến sĩ, Bác sĩ Chuyên khoa II

  • Tim mạch

  • Giám đốc

  • Bệnh viện Chợ Rẫy

Xem thêm thông tin

Nhớ lại thời điểm trung tuần tháng 7, khi dịch COVID-19 tại TP.HCM bắt đầu vào cao điểm, thì cũng là lúc Bệnh viện hồi sức 1.000 giường điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch được thành lập. Đây là thời điểm dịch diễn ra rất nhanh và chưa có Trung tâm hồi sức cấp cứu Trung ương hỗ trợ.

 TS. BS.CKII Nguyễn Tri Thức – Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy

Những ngày tháng không thể nào quên trong đại dịch COVID-19

1/ Nhớ lại thời điểm trung tuần tháng 7, khi dịch COVID-19 tại TP.HCM bắt đầu vào cao điểm, thì cũng là lúc Bệnh viện hồi sức 1.000 giường điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch được thành lập. Đây là thời điểm dịch diễn ra rất nhanh và chưa có Trung tâm hồi sức cấp cứu Trung ương hỗ trợ. Tại đây, giai đoạn cao điểm dịch bùng phát, bệnh viện Chợ Rẫy đã tiếp nhận, điều trị cho gần 800 bệnh nhân tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam chuyển đến. Nhận lệnh điều động lãnh đạo cơ sở chuyên điều trị bệnh nặng và nguy kịch lớn nhất thế giới vào giai đoạn ác liệt nhất của dịch COVID-19, lúc đó BS có thấy áp lực?

Bệnh viện hồi sức COVID-19

Khó khăn lúc đầu là chúng tôi được Bộ Y tế giao cho lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh phải điều trị cho bệnh nhân ở toàn Miền Nam, Miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Công việc lúc đó rất bộn bề vì phải chuẩn bị rất nhiều thứ. Giai đoạn cao điểm nhất tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM và Bệnh viện Hồi sức, số bệnh nhân nặng, nguy kịch khoảng 1300 người. Với Quốc tế, Trung tâm Hồi sức COVID-19 TP.HCM là lớn nhất trong lịch sử và lớn nhất thế giới. Bởi trên thế giới, không có một Trung tâm Hồi sức nào tiếp nhận đến 900 bệnh nhân nặng. Tôi nhớ lúc đó là khoảng 11h trưa, chúng tôi đang họp để chuẩn bị cho bệnh viện Chợ Rẫy thì một lãnh đạo thành phố điện thoại trao đổi về việc: bệnh viện Chợ Rẫy có thể hỗ trợ cho Bệnh viện Hồi sức COVID-19 và tôi có thể đảm nhận Giám đốc Trung tâm? Thật sự, lúc đó tôi vẫn chưa hình dung hết những công việc mà mình và đồng đội sẽ tham gia. Thời điểm đó cũng chuẩn bị họp Quốc Hội. Tôi trao đổi nhanh với lãnh đạo Bệnh viện và các bác sĩ. Chỉ 5 phút sau, tôi báo cáo với lãnh đạo Thành phố: “Em xin được nhận Bệnh viện Hồi sức COVID-19”. Với 1.000 giường hồi sức, thật sự rất khủng khiếp! 12 giờ trưa nhận lệnh tiếp nhận, tôi chỉ kịp ăn vội bữa cơm và 1 giờ là lên đường qua Bệnh viện Hồi sức COVID-19.

Tôi còn nhớ lúc đó, chỉ có khoảng 15 – 20 người, trưởng các khoa phòng liên quan từ lâm sàng, dinh dưỡng, kiểm soát nhiễm khuẩn, quản trị vật tư… Và bệnh viện đúng chỉ có 1.000 giường thôi, ngoài ra không có gì hết! Điều đó cũng là bình thường vì mới thành lập có 2 ngày mà thôi. Thời điểm đó là khó khăn vô cùng, nhất là trong 2 tuần đầu, khối lượng công việc khổng lồ và là giai đoạn khủng khiếp nhất. Thật sự mọi người rất lo, không đủ máy thở, máy monitor, máy siêu âm, bệnh nhân thì khoảng hơn 100 người. Phải nói là một trời khó khăn, không biết bắt đầu từ đâu! Tất cả gần như là con số 0, quá nhiều vấn đề cần giải quyết. Lãnh đạo thành phố tạo mọi điều kiện, tạo mọi cơ chế. Thời điểm đó cấp bách lắm, Bộ Y cho phép mở kho xuất thiết bị trước rồi báo cáo sau. Có trang thiết bị xong, chúng tôi phải “set-up” lại. Sau đó mở dần các phòng khoa. Mình mở tới đâu thì trang thiết bị tập kết tới đó. Qua hôm sau, với tốc độ dịch tăng nhanh và tốc độ bệnh nhân nặng cũng tăng rất nhanh, số chuyển nặng tăng nằm ngoài dự đoán, vượt qua rất nhiều so với tốc độ mình dự đoán. Ngày thứ hai qua đó, chúng tôi xác định: “Nếu như trong 2 tuần không có thiết lập một bệnh viện đủ 1.000 giường hồi sức bệnh nặng nguy kịch từ thở Mask, thở HFNC, rồi lên tới thở máy là xem như sụp đổ, là thất bại. Tôi còn nhớ rất rõ, thời điểm từ 14/7, mỗi ngày lượng bệnh nhân tại Trung tâm tăng từ 200 rồi 300 đến lên 400, 500 bệnh nhân… Sau 2 tuần đầu, chúng tôi đã mở thêm được 400 giường, Các cuộc họp giao ban càng ngắn có nghĩa là công việc tồn ít và bộ máy hoạt động càng trơn tru. Nói chung gần như là mình có thể yên được cái tâm của mình.

Bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy tại các bệnh viện cấp 2 của TP.HCM

2/ Có những quyết định mang tính chiến lược trong giai đoạn chống dịch, đó là: Trước tình trạng số lượng bệnh nhân nặng tăng cao, Ban lãnh đạo Bệnh viện Hồi sức COVID-19 đã quyết định thay đổi chiến lược, điều bác sĩ Chợ Rẫy đến các bệnh viện COVID-19 cấp 2 của TP.HCM cắm chốt để phát hiện sớm các bệnh nhân có diễn tiến nặng nhằm xử lý kịp thời, tránh tình trạng diễn tiến nặng, phải thở máy mới chuyển về Bệnh viện Hồi sức COVID-19. Bên cạnh đó, Bệnh viện cũng đã thiết lập hệ thống hội chẩn từ xa đến tất cả các bệnh viện tuyến quận, huyện và bệnh viện điều trị COVID-19 tầng 2. Những việc làm này có ý nghĩa như thế nào vào thời điểm đó, thưa BS?

 Bác sĩ hội chẩn đến các bệnh viện tuyến dưới

Bệnh viện Hồi sức COVID-19 lúc ấy số lượng bệnh nhân tăng nhanh, nhiều ca nặng dẫn đến tử vong nhưng các bác sĩ không làm được gì. Trong cuộc họp giao ban đầu tiên tại bệnh viện hồi sức COVID-19 ngày thứ 3 bệnh viện đi vào hoạt động, đội ngũ y bác sĩ quyết tâm: không thể để bệnh nhân nặng đến đây rồi chết, mà phải áp dụng phương pháp đánh chặn từ xa. Không phải ngồi chờ bệnh nhân nặng, bệnh nhân đặt nội khí quản, thở máy vì khi đó tỉ lệ tử vong rất cao. Bên cạnh đó, nhân lực, tài lực, thiết bị y tế tiêu hao rất nhiều nhưng hiệu quả không có, bệnh nhân một, hai tuần rồi cũng ra đi. Để đánh chặn từ xa, chúng tôi đã đưa y bác sĩ xuống bệnh viện tầng 2, thiết lập kênh hội chẩn online. Cử bác sĩ xuống bệnh viện tầng 2 sáng chiều theo dõi chứ không ngồi chờ mà phải chủ động trong việc ngăn chặn. Chúng tôi khám phát hiện trước, bệnh nhân vừa trở nặng là sẽ xử lý và chuyển lên đây. Bởi, nếu không chặn trước thì bệnh nhân sẽ dễ bị tử vong trên đường di chuyển lên tuyến trên. Mỗi sáng chúng tôi đều có giao ban các bệnh viện để kịp thời xử lý các ca bệnh chuyển biến nặng, có thể xử lý qua online hoặc trường hợp nặng hơn thì đội ngũ y bác sĩ phải xuống tuyến dưới để kịp thời cứu bệnh nhân, như vậy hiệu quả sẽ cao hơn. Đối với bệnh nhân COVID-19 thì chỉ cần trả lời 2 câu hỏi: khi nào bệnh nhân được thở oxy sớm nhất và khi nào bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện đúng thời điểm nhất? Đó mới là điều quyết định cứu sống được bệnh nhân vì ở thời điểm đó vẫn chưa có đủ vaccine và các thuốc đặc hiệu để điều trị.

 Thiết lập phòng ICU

3/ Ngoài tham vấn về phân luồng, thu dung, thiết lập điều trị bệnh nhân nhiễm bệnh, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã hỗ trợ chuyên môn về hồi sức cấp cứu cho bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch ở một số địa phương. BS có thể chia sẻ thêm về điều này?

Bệnh viện Chợ Rẫy thuộc Bộ Y tế phụ trách khu vực phía Nam. Chúng tôi đã thành lập 10 đoàn phản ứng nhanh gồm đầy đủ ekip. Trước đó Bệnh viện đã tiếp cận 2 ca COVID-19 đầu tiên tại Việt Nam nên có nhiều kinh nghiệm, khi tỉnh nào cần hỗ trợ thì chúng tôi xuống chia sẻ với các anh em ở địa phương. Chúng tôi đã khảo sát, lên phương án thành lập bệnh viện dã chiến cơ sở thu dung, thiết lập phòng ICU và ở lại trung bình một tuần đến 10 ngày để chuyển giao. Để không bị gián đoạn, sau đó chúng tôi vẫn thiết lập hội chẩn online liên tục và đã mang lại hiệu quả rất lớn.

4/ Sự nỗ lực không ngừng nghỉ của y bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy và các lực lượng tình nguyện đã góp phần đặc biệt quan trọng giữ lại sinh mạng cho hàng nghìn bệnh nhân tưởng như đã không thể qua khỏi vì COVID-19. Những kỷ niệm, ấn tượng nào mà BS nhớ nhất?

Những gì trong cuộc đời mình trải qua, cũng là dấu ấn để mình ghi nhớ dù không phải là kỷ niệm vui. Nhưng qua đợt dịch này, mình có thêm nhiều kinh nghiệm trong điều trị cho bệnh nhân. Trong cái khó ló cái khôn là đúng. Anh em trong bệnh viện Hồi sức cũng có nhiều sáng chế để đáp ứng nhu cầu thời điểm đó. Nhưng điều mà chúng tôi sẽ không bao giờ quên, chính là tình người trong tâm dịch.

Những dấu ấn đáng ghi nhận

Phẫu thuật tim – bắc 2 cầu mạch vành bằng xâm lấn tối thiểu, có nội soi tối thiểu

1/ Bệnh viện Chợ Rẫy đã xây dựng quản lý bệnh viện trong cuộc cách mạng 4.0, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật cho bệnh viện tuyến dưới, giảm tải bệnh viện, phẫu thuật robot, ghép tạng, an toàn bệnh nhân, chống nhiễm khuẩn… Kết quả cụ thể, BS có thể thông tin cùng độc giả? Hiện bệnh viện đã làm chủ nhiều công nghệ cao trên thế giới về can thiệp tim mạch, chấn thương sọ não, chấn thương, ghép tạng, các bệnh mạch máu, đột quỵ… BS có thể chia sẻ thêm về điều này?

Bệnh viện Chợ Rẫy là bệnh viện đa khoa, để phát triển được hết các lĩnh vực chuyên sâu, đầu ngành thì người lãnh đạo phải thực hiện được 3 mấu chốt quan trọng: Thứ nhất là về nhân lực; Thứ hai là tính đoàn kết vì phải cần có sự phối hợp của nhiều chuyên khoa trên một cơ thể người bệnh; Thứ ba là trách nhiệm, trách nhiệm với bệnh nhân, bệnh viện và đồng nghiệp. Khi tạo được ba chân kiềng đó sẽ tạo được sự vững chắc, phát triển và kịp thời nắm bắt các kỹ thuật chuyên sâu mang tầm khu vực và thế giới.

2/ Ngày 21/1/2022, Khoa Ngoại Tiết niệu Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện thành công kỹ thuật ghép thận bất tương hợp nhóm máu từ một trường hợp người vợ hiến thận cho chồng. Đây là trường hợp ghép thận không cùng nhóm máu đầu tiên tại Việt Nam. Thành công của ca ghép thận này mở ra một hy vọng rất lớn cho các bệnh nhân có bệnh lý suy thận mạn có chỉ định ghép thận. Độc giả rất muốn được biết thêm về thông tin này, thưa BS?

Ngày 29/12/2021, Bệnh viện Chợ Rẫy đã thực hiện cuộc mổ lấy và ghép thận cho vợ chồng bệnh nhân B. Cuộc phẫu thuật diễn ra thuận lợi, thận đã có nước tiểu tốt ngay tại bàn mổ, thận ghép tưới máu tốt, chức năng thận hồi phục nhanh. Ngày thứ 2, chức năng thận trở về bình thường, sau đó đã được xuất viện. Ngày 21/1/2022 khi trở lại tái khám, sức khỏe của cả hai vợ chồng ông B. và bà H. đều bình phục rất tốt. Người chồng sau khi được ghép thận đã ăn uống đi lại bình thường, tự sinh hoạt.

Trước đó, năm 2020, ông B. phát hiện cơ thể mình có nhiều biểu hiện bất thường. Khi đến kiểm tra tại bệnh viện, các bác sĩ xác định ông B. bị suy thận giai đoạn cuối. Các nỗ lực điều trị không mang lại kết quả, bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo. Sau một năm chạy thận, sức khỏe của bệnh nhân bị giảm sút nhiều và bệnh nhân đã đăng ký ghép thận.

Khoảng đầu tháng 12/2021, sau khi trải qua nhiều quy trình sàng lọc, xét nghiệm, kiểm tra sức khỏe của vợ ông B là bà Trần Thị H. (51 tuổi), cho thấy các chỉ số hoàn toàn phù hợp để có thể thực hiện ca ghép thận không cùng nhóm máu đầu tiên tại Việt Nam. Đây là trường hợp ghép thận không cùng nhóm máu được thực hiện thành công lần đầu tiên tại Việt Nam. Và đây cũng là đề tài nghiên cứu cấp Bộ của Bệnh viện Chợ Rẫy đăng ký với Bộ Y tế. Thành công của ca ghép thận này mở ra một hy vọng rất lớn cho các bệnh nhân có bệnh lý suy thận mạn có chỉ định ghép thận.

Bệnh viện Chợ Rẫy nhận giải thưởng Thương hiệu vàng 2021

3/ Bệnh viện vừa vinh dự nhận giải thưởng “Thương hiệu vàng TP.HCM” năm 2021, là 1 trong 30 Thương hiệu vàng lần thứ 2 năm 2021 được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh công nhận và trao giải thưởng, ghi nhận về những hoạt động trợ giúp Xã hội của bệnh viện. Có thể nói, các hoạt động xã hội của bệnh viện luôn đi vào những nội dung hữu ích, thiết thực cho người bệnh. Những “con số biết nói” về các hoạt động này, thưa BS?

Tất cả giải thưởng mà chúng tôi nhận được mang tính chất tượng trưng, giải thưởng to lớn nhất đó chính là sự tin yêu của người dân dành cho bệnh viện cũng như đội ngũ y bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy. Chúng tôi rất vui khi nhận được giải thưởng vì đây là sự công nhận của cộng đồng, đó là sự tự hào, đan xen với trách nhiệm phấn đấu để giữ được niềm tin đó ở nhân dân. Ngoài tính chuyên môn chúng tôi rất chú trọng về mặt công tác xã hội. Vì người bệnh đến với Chợ Rẫy đa số là người nghèo nên cần có sự hỗ trợ của phòng Công tác xã hội. Trong đó hoạt động lớn nhất là cung cấp 5.000 đến 6.000 suất ăn miễn phí đầy đủ dinh dưỡng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm dưới sự chung tay của các mạnh thường quân. Ngoài các hoạt động chung, mỗi khoa phòng đều có xây dựng các chương trình khám chữa bệnh miễn phí ở các điểm vùng sâu vùng xa và hoạt động xây nhà tình thương, tình nghĩa và chăm sóc Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Riêng đối với bệnh viện, chúng tôi đã gây quỹ nuôi 12 trẻ mồ côi trong đại dịch COVID-19, chăm sóc và bảo trợ cho các em đến khi tốt nghiệp đại học.

4/ Mới đây, Bệnh viện Chợ Rẫy đã đưa vào hoạt động Phòng khám Chống độc tại khoa Khám bệnh Bệnh viện Chợ Rẫy. Đây là phòng khám Chống độc đầu tiên ở khu vực phía Nam và cũng được xem là nền tảng bền vững cho việc thành lập Trung tâm Chống độc của Bệnh viện. Điều này mang lại những lợi ích gì cho bệnh nhân, thưa BS?

Trong ngành Y và ngay cả bác sĩ không phải ai cũng đánh giá đúng về vai trò của ngành chống độc. Trong khi đó, xã hội phát triển thì rất nhiều vấn đề kéo theo như an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường, tiếng ồn, chất thải công nghiệp. Trong chống độc, vấn đề nhiễm độc cấp, nhiễm độc putilinum là mình có thể nhìn thấy. Nhưng có những chất độc ngấm dần vào cơ thể, vào từng cơ quan mà ta không phát hiện được và dẫn đến quá muộn như nhiễm kim loại nặng. Khi đó chúng tôi mới thấy tầm quan trọng của phòng khám chống độc trong thời điểm hiện tại. Mục tiêu của chúng tôi là để người dân có đủ hiểu biết về nhiễm độc, nghi ngờ bản thân nhiễm độc để khám sớm, có được sự tư vấn và điều trị của Bác sĩ. Bên cạnh đó chúng tôi thành lập phòng khám chống độc nhằm mục tiêu nghiên cứu khoa học về nhiễm độc giúp ích cho người dân trong giai đoạn mới.

Hướng đến một trung tâm y tế kỹ thuật cao của cả nước, ngang tầm khu vực và bắt kịp các quốc gia có nền y học tiên tiến khác

 Ứng dụng kỹ thuật số trong khám chữa bệnh

1/ Đây là hướng phấn đấu của bệnh viện trong thời gian tới. Để làm được điều này, bệnh viện đã chuẩn bị gì, thưa BS?

Có 3 vấn đề quan trọng mà chúng ta cần thực hiện:

  • Thứ nhất là phải số hóa bệnh viện, số hóa các hoạt động y tế.
  • Thứ hai là đào tạo nhân lực, không chỉ đào tạo trong nước mà cả ở nươc ngoài. Chúng tôi đã xây dựng đề án đào tạo Bác sĩ trẻ ở nước ngoài. Bắt buộc mỗi khoa Bác sĩ nào làm việc dưới 5 năm sẽ phải học tại nước ngoài ít nhất 6 tháng. Vì khi du học nước ngoài sẽ nâng cao chuyên môn và có nhiều mối quan hệ với các Giáo sư lớn nhiều kinh nghiệm để luôn luôn cập nhật các kiến thức mới, tiếp cận các buổi hội nghị quốc tế, tiếp cận các nghiên cứu lớn trên thế giới và cứ thế quan hệ quốc tế sẽ được lan rộng ra. Hiện tại bệnh viện Chợ Rẫy là bệnh viện duy nhất tại Việt Nam có Bộ Tiêu chuẩn đánh giá trưởng khoa và điều dưỡng trưởng đã được đăng ký độc quyền và gửi đi dự thi quốc tế, được tổ chức các bệnh viện quốc tế khen thưởng vào năm 2021.
  • Thứ ba là trang thiết bị y tế phải hiện đại.

Trung tâm Kiểm tra sức khỏe Chợ Rẫy Việt Nhật – HECI.

2/ Bệnh viện Chợ Rẫy đã liên kết với Nhật Bản trong lĩnh vực kiểm tra sức khỏe chất lượng cao đẳng cấp quốc tế. Hướng đến thu hút người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam nói chung, TP.HCM nói riêng; cũng như là cơ sở y tế đáng tin cậy cho Việt kiều và người nước ngoài đến Việt Nam chữa bệnh, cũng là mục tiêu mà bệnh viện đang tập trung?

Trung tâm Kiểm tra sức khỏe Chợ Rẫy Việt Nhật – HECI là ý tưởng từ thời Giám đốc tiền nhiệm của Bệnh viện Chợ Rẫy là PGS.TS Nguyễn Trường Sơn. Hiện tại, Trung tâm được người dân và các vị lãnh đạo rất tin tưởng vì đây là trung tâm kiểm định sức khỏe đạt chuẩn 5 sao nhưng giá cả rất phù hợp cho người Việt. Thay vì đi Nhật Bản để khám thì chúng ta có thể khám tại đây vì 2 bên Việt – Nhật cùng phối hợp. Phòng khám dựa theo tiêu chuẩn của Nhật Bản, về mặt dịch vụ theo tiêu chuẩn 5 sao nhưng giá cả rất Việt Nam. Đây cũng là giải pháp tránh mất đi nguồn tài chính khi người dân ồ ạt ra nước ngoài khám sức khỏe.

Theo tôi đánh giá Bác sĩ Việt Nam ta rất giỏi, vừa giỏi vừa khéo tay, quan trọng hơn cả là kinh nghiệm lâm sàng. Nhưng làm thế nào để Bác sĩ tại Việt Nam thể hiện được năng lực của mình là rất khó, đó là bài toán cho người lãnh đạo để khai thác được tối ưu tay nghề của từng Bác sĩ.

3/ Tập trung cải thiện tình trạng quá tải bệnh viện là một trong những nội dung quan trọng trong thời gian tới. Điều này có quá khó khi bệnh viện Chợ Rẫy hiện là tuyến chuyên môn kỹ thuật cao nhất khu vực phía Nam?

Câu chuyện quá tải là câu chuyện khó cho bệnh viện tuyến cuối. Đó là vấn đề của rất nhiều người trong ngành y và cả bệnh nhân. Sự quá tải phải giải quyết theo lộ trình, để giảm quá tải phải tìm vấn đề ở tuyến trước. Muốn người dân vào khám bệnh thì phải có niềm tin vì đó là tính mạng của người bệnh, muốn xây dựng niềm tin trong nhân dân không phải đơn giản. Các bệnh viện cần phải xây dựng niềm tin về chuyên môn, y đức và thái độ giao tiếp… Theo tôi, yếu tố mấu chốt nhất vẫn là niềm tin của người bệnh vào các bệnh viện tuyến trước. Để giảm tải, chúng tôi cần chuyển giao kỹ thuật, đào tạo và phương pháp quản lý, thái độ với người bệnh. Các hình thức hội chẩn online, khám bệnh từ xa cũng giúp guiải quyết được sự quá tải như hiện nay.

4/ Việc duy trì các chương trình an toàn bệnh nhân, chống nhiễm khuẩn, chống lạm dụng kháng sinh… vẫn luôn được bệnh viện tập trung. Điều này có ý nghĩa như thế nào, nhất là với mục tiêu vì bệnh nhân?

Bệnh viện Chợ Rẫy có chương trình hợp tác với JICA của Nhật kéo dài khoảng 10 năm qua. Trong đó có 2 vấn đề đã được rút ra: Thứ nhất là vấn đề chống kháng kháng sinh, thứ hai là chương trình an toàn người bệnh. Trong chống kháng kháng sinh có kiểm soát nhiễm khuẩn, rất nhiều chương trình đào tạo của Nhật Bản được hướng dẫn và xây dựng các chương trình, mở lớp đào tạo… Khi dịch COVID-19 xảy ra, vai trò của kiểm soát nhiễm khuẩn vô cùng quan trọng trong việc phân luồng, tránh lây nhiễm. Kinh nghiệm cho thấy, Bệnh viện Chợ Rẫy là nơi điều trị COVID-19 và chia sẻ cho nhiều nơi, từ việc kiểm soát nhiễm khuẩn tốt nên đảm bảo được hoạt động của bệnh viện, an toàn cho bệnh nhân.

Người truyền cảm hứng

1/ Là Đại biểu Quốc hội khóa XV (nhiệm kỳ 2021 – 2026), điều mà BS trăn trở nhất và mong muốn được chuyển tải đến Quốc Hội là gì?

Qua đại dịch này, Quốc hội đã có nghị quyết nâng cao tăng cường năng lực y tế cơ sở ở các trạm y tế vùng sâu vùng xa và đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số để chăm sóc sức khỏe người dân ban đầu.

Thông qua đó tôi cũng có những ý kiến trình lên Quốc hội như sau:

Thứ nhất: Điều chỉnh và củng cố lại cơ chế mua sắm thiết bị y tế, thuốc, vật tư y tế tiêu hao… theo hướng đảm bảo công khai – minh bạch – rõ ràng, dễ dàng áp dụng trong thực tiễn và đảm bảo đáp ứng kịp thời cho cấp cứu và điều trị người bệnh.

Thứ hai: Cần ban hành hướng dẫn một cách rõ ràng, chi tiết trong liên doanh; liên kết trang thiết bị y tế; tăng cường xã hội hóa, hợp tác công – tư trong lĩnh vực y tế, nhằm giúp các bệnh viện kịp thời có trang thiết bị hiện đại mang tầm khu vực và thế giới để phục vụ điều trị người bệnh, phục vụ nghiên cứu khoa học và nâng tầm chuyên môn cho các bác sĩ VN.

Thứ ba: Thay đổi cơ chế giá viện phí sao cho đảm bảo đầy đủ cơ cấu giá. Đảm bảo tính đúng, tính đủ và không được lạm thu người bệnh. Bao gồm cả chính sách viện phí nhằm kích thích phát triển kỹ thuật mới cho các bệnh viện (ngay khi mới triển khai thí điểm thì bệnh viện có cơ chế thu theo quy định hoặc bệnh nhân được hưởng BHYT).

Thứ tư: Đầu tư phát triển y tế cơ sở hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm. Nhất là các trạm y tế xã ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xứng đáng là pháo đài vững chắc trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Thứ năm: Tăng cường phối hợp giữa Bộ Y tế và BHXH Việt Nam nhằm tạo sự thống nhất cao trong chi trả BHYT cho người bệnh, đảm bảo khách quan – công bằng – tuân thủ pháp luật tuyệt đối giữa cơ sở khám, chữa bệnh và cơ quan BHXH.

Thứ sáu: Rất mong Quốc hội, Chính phủ và Bộ Y tế ban hành các cơ chế, chính sách quy định cụ thể, rõ ràng hơn để bảo vệ những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sáng tạo vì lợi ích chung của ngành, của đơn vị, vì tính mạng của người bệnh (theo tinh thần chỉ đạo của Kết luận số 14-KL/TW ngày 22.9.2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung).

Mặt khác, ở trạng thái bình thường mới, chúng tôi cũng đề xuất thanh toán chi phí cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 khám tầm soát di chứng của COVID-19. Cụ thể là Bộ Y tế ban hành hướng dẫn và danh mục khám. Bình thường hóa dần cuộc sống thích ứng an toàn với dịch COVID-19 thì đơn giản hóa 5K thành 3K: khẩu trang – thói quen khử khuẩn – ý thức không tập trung (trong thực tế 2K còn lại không sử dụng hoặc sử dụng hình thức).

2/ Một trong những nội dung trong chương trình hành động của BS khi ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV là: Chuyển hướng “sức khỏe cho mọi người” thành “mọi người vì sức khỏe mỗi người”, điều này có ý nghĩa như thế nào, thưa BS?

Chuyển hướng “sức khỏe cho mọi người” thành “mọi người vì sức khỏe mỗi người”, tức việc chăm lo sức khỏe bao gồm trách nhiệm của Nhà nước, của toàn xã hội và của bản thân mỗi người dân. Bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của Nhân dân trong tham gia Bảo hiểm y tế. Đặt quyền lợi của người dân lên hàng đầu, với mục tiêu phấn đấu “một bệnh nhân khó khăn nhất khi vào cơ sở y tế có quyền được hưởng dịch vụ, phương pháp điều trị tiên tiến nhất và trang thiết bị hiện đại nhất.”

3/ Nhận nhiệm vụ là Phó trưởng khoa Y Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, truyền thụ kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn cho các sinh viên khoa Y của Trường. Theo BS, điều quyết định sự thành công đối với 1 bác sĩ tương lai là gì?

Y khoa là một ngành khoa học thực hành, người Bác sĩ phải trực tiếp trên cơ thể người bệnh. Người sinh viên y khoa muốn trở thành một Bác sĩ giỏi thì cần phải siêng năng thực hành lâm sàng, vì bệnh nhân là người thầy lớn nhất cho một Bác sĩ. Luôn tìm tòi học hỏi và có trách nhiệm với người bệnh để có nhiều giải pháp tốt nhất cho bệnh nhân. Điều quan trọng nữa là phải khiêm tốn học tập các người thầy đi trước, trau dồi Y đức. “Là một Bác sĩ phải giỏi chuyên môn và lòng nhân ái” đó là câu nói tôi tâm đắc nhất của Nguyên GĐ bệnh viện Chợ Rẫy PGS. TS. BS Trương Văn Việt.

 Trách nhiệm với cộng đồng và xã hội

4/ BS là 1 trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu VN năm 2007; Thầy thuốc trẻ tiêu biểu toàn quốc năm 2008, điều mà BS muốn nhắn gửi đến các bác sĩ trẻ và thanh niên trong giai đoạn hiện nay?

Tôi chỉ muốn nhắn gửi đến các bác sĩ trẻ hiện nay: Phải có trách nhiệm với cộng đồng và xã hội.

5/ Khép lại hành trình của một năm nhiều “giông bão”, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục bước vào năm 2022 với không ít thách thức mới. Đó là những thách thức nào, thưa BS? Và nhất là thách thức cho người đứng đầu một bệnh viện lớn như bệnh viện Chợ Rẫy?

Thách thức lớn nhất hiện nay là phải tổ chức hoạt động lại của bệnh viện trong trạng thái bình thường và đảm bảo mô hình bệnh viện là mô hình hai trong một, vừa điều trị bệnh nhân thường và bệnh nhân COVID-19.

Cám ơn Bác sĩ đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này!

Đại biểu Quốc hội, Thầy thuốc ưu tú

TS. BS.CKII Nguyễn Tri Thức

Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy

Theo Tạp Chí Sức Khỏe

Bạn muốn đặt câu hỏi cho
Nguyễn Tri Thức

Đặt câu hỏi cho bác sĩ