Trò chơi dân gian ngày Tết

Việc cần sức khỏe, các cụ mời hội thanh niên trai tráng trong làng để phân công nhiệm vụ. Xưa cũng thế, mà nay cũng vậy. Tất nhiên, xưa thì có cảm giác rôm rả hơn và thời gian chuẩn bị cũng lâu hơn. Bây giờ, nhờ máy móc hỗ trợ, lại thêm nhiều thứ có thể sử dụng từ năm này qua năm khác, nên phần chuẩn bị cũng nhanh gọn hơn. Thế nhưng, cứ Tết đến, về các miền quê, làng trên xóm dưới thể nào cũng rộn ràng chuẩn bị các trò chơi dân gian để vui xuân đón Tết. Không chỉ khiến con người vui vẻ, hòa nhập và gần gũi, các trò chơi dân gian còn chứa đựng những nét đẹp văn hóa, thấm đẫm giá trị truyền thống của dân tộc, góp phần gắn kết cộng đồng dân cư.

tro choi dan gian ngay tet

Đấu vật ở hội Lim (Bắc Ninh)

Một trong những trò chơi đồng thời cũng là môn thể thao phổ biến, mang tính đồng đội, thường có mặt trong các dịp lễ, Tết, sự kiện sinh hoạt cộng đồng đó là trò chơi kéo co. Đây là trò chơi thu hút đông đảo mọi người tham gia. Cách chơi kéo co đơn giản, số người chơi bao nhiêu tùy ý, chia làm hai phe bằng nhau, làm mốc đánh dấu vạch vôi để bên nào kéo được đối phương sang qua vạch mốc bên kia là bên đó thắng. Trò chơi này có cả kéo co đứng và kéo co ngồi.

Trò chơi này thường được tổ chức ở vùng trung du, đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ. Năm 2015, UNESCO đã ghi danh nghi lễ và trò chơi kéo co ở Việt Nam vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cùng với một số quốc gia khác là Campuchia, Hàn Quốc và Philippines.

Đấu vật cũng là một trò chơi thượng võ, cũng là một môn thể thao rất phổ biến vào dịp Tết và lễ hội. Để khuyến khích tài năng cũng như sự rèn luyện của trai tráng, nhiều làng xã đã treo giải vật rất cao. Ngày xưa, giải thưởng có thể bằng tiền, bằng mâm đồng, nồi đồng hay một số thứ khác.

Quy định chung của cuộc đấu là người chiến thắng phải vật cho đối phương thua trắng bụng (ngã ngửa ra đất) hay nhấc bổng được đối phương lên. Trong môn vật này không chỉ đòi hỏi sức khỏe mà sự mưu trí và nhanh nhẹn đóng góp phần đáng kể.

Về kỹ thuật cũng có những “miếng” riêng như đệm, bốc, ghì… mà tùy theo từng hoàn cảnh và điều kiện đô vật phải biết lợi dụng triệt để các thời cơ để quật ngã hay bê bổng đối phương.

Đấu vật ngày xuân có thể gặp ở nhiều nơi, như ở hội Lim (Bắc Ninh), hay ở làng Bùng (xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội) – quê hương của Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan…

Trong ngày xuân, trò chơi đánh đu cũng được nhiều cộng đồng dân cư tổ chức. Từ trong Tết bên cạnh đình hay một thửa ruộng rộng rãi, khô ráo, người ta chuẩn bị các cột đu. Họ chọn cây tre to, dài, để trồng đu. Một cây đu có thể được trồng bởi 4-6 cây tre to. Cần đu cũng là những cây tre dài nhưng thon nhỏ, thường phải là tre đực để lúc người đu nắm vào cho gọn và chắc, tránh xảy ra trượt hay tuột tay lúc đu nhanh, mạnh.

Tùy theo sở thích mà người ta đu một hay đu đôi. Khi một người lên cần đu có thể nhờ một người khác đẩy cho mình có đà. Sau đó tự mình đu nhún tùy ý. Đẹp nhất là đu đôi, các đôi trai gái ưng ý lựa chọn nhau lên đu, người nhún người đẩy. Tài năng và lòng dũng cảm của các chàng trai, cô gái được phô bày ở đây như dịp tự thể hiện bản thân…

Thường thì sát sân đấu vật hay cạnh cây đu, trò chơi chọi gà thường diễn ra. Đây là một thú chơi có khởi đầu hết sức tao nhã, vừa có tính tiêu khiển lại vừa khuyến khích việc chăn nuôi của nhà nông xưa. Đó là một thú chơi mà hầu hết ở các ngày Tết, ngày hội đều có.

Nhiều làng nổi tiếng vì chơi gà chọi như Đình Bảng, Thổ Hà, Yên Phụ (Bắc Ninh), hay một số nơi khác ở cả ba miền đều có. Trò chơi chọi gà đòi hỏi một sự kỳ công lớn của người nuôi, từ việc chọn gà giống phải là gà chọi “nhà nòi”. Lựa chọn kỹ gà bố, gà mẹ rồi đến khi trứng nở ra gà con lại được lựa từ dáng vẻ chân, mỏ, mình, đầu… Những chú gà nòi được nuôi rất công phu và cho chúng tập luyện với các chú gà chọi khác để làm quen dần với những trận chiến đấu. Có những hiệp đấu của những cặp gà kéo dài tới hàng tiếng đồng hồ không phân thắng bại.

Một trò chơi dân gian khác hiện nay cũng vẫn được tổ chức ở nhiều nơi khi xuân về, đó là đập niêu đất. Trò chơi thường diễn ra ở sân đình. Trước khi chơi, người ta trồng ở giữa sân hai chiếc cột cách nhau 5m, buộc dây thừng nối 2 thân cột làm giá treo niêu. Một vạch mốc cách giá treo niêu khoảng 3 đến 5m được kẻ làm điểm xuất phát.

Trước khi chơi, trọng tài sẽ trao cho người chơi một chiếc gậy dài khoảng 50cm, những người tham gia chơi đứng dưới vạch mốc và bị bịt mắt nên họ phải định hình hướng đi và ước lượng khoảng cách treo niêu để đập cho trúng một trong những chiếc niêu đang treo trên dây. Người đập trúng niêu sẽ có được phần thưởng ghi trong mảnh giấy nhỏ trong chiếc niêu bị đập vỡ…

Trong khi đó, cờ tướng – cờ người là một trong những trò chơi dân gian đặc sắc, diễn ra trong các dịp lễ hội, đặc biệt là trong những ngày Tết Nguyên đán. Trò chơi này không đơn thuần chỉ để giải trí mà còn mang tinh thần thể thao trong một cuộc đấu đầy trí tuệ, mang đậm bản sắc dân tộc.

Cờ người thực chất là một môn cờ tướng do người đóng vai các quân cờ. Bàn cờ là sân đất rộng hoặc sân đình, chùa; mỗi ván cờ là 32 quân, gồm 16 nam, 16 nữ đeo biển (tên quân cờ) trước ngực, đứng vào vị trí. Hai tướng (tướng ông, tướng bà) mặc đẹp (như cờ tướng) có 2 cờ đuôi nheo cắm chéo sau lưng, được che lọng.

Mỗi lần đi một nước, đấu thủ (có tiếng trống khẩu) gõ một tiếng. Người chạy cờ tới nghe lệnh và chuyển quân trên bãi. Cứ mỗi lần ăn quân của đối phương thì quân cờ thể hiện bằng một bài biểu diễn song đấu hoặc một bài tự vệ… Cờ người còn mang đậm dấu ấn diễn xướng dân gian thông qua các điệu múa kèm theo những bài vè đặc trưng.

Mỗi ván đấu kéo dài khoảng 2 giờ. Nếu sau 2 giờ chưa kết thúc, ban tổ chức sẽ cho bốc thăm để phân chia thắng bại. Các đội thi đấu dưới hình thức vòng tròn, thường các giải đấu có bốn đội tham gia.