Trình tự thủ tục thanh lý tài sản của doanh nghiệp Nhà nước được quy định ra sao? Mua sắm sản phẩm hàng hóa cho doanh nghiệp Nhà nước thì áp dụng hình thức đấu thầu nào?
Công ty anh là công ty nhà nước, có 2 chiếc xe, 1 chiếc 4 chỗ, 1 chiếc 12 chỗ. Anh muốn hỏi hướng dẫn giùm anh thủ tục thanh lý như thế nào? Khi thanh lý xong anh lấy tiền đó mua 1 xe mới thì thủ tục đấu thầu mua xe như thế nào, hướng dẫn luôn giúp anh?
Trình tự thủ tục thanh lý tài sản của doanh nghiệp Nhà nước được quy định ra sao?
Căn cứ Điều 27 Nghị định 91/2015/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 2 Điều 6 Nghị định 140/2020/NĐ-CP) quy định về việc thanh lý, nhượng bán tài sản cố định như sau:
“Điều 27. Thanh lý, nhượng bán tài sản cố định
…
3. Phương thức thanh lý, nhượng bán tài sản cố định:
a) Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện việc nhượng bán tài sản cố định bằng hình thức đấu giá thông qua một tổ chức có chức năng bán đấu giá tài sản hoặc do doanh nghiệp tự tổ chức thực hiện công khai theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản. Trường hợp nhượng bán tài sản cố định có giá trị còn lại ghi trên sổ kế toán dưới 100 triệu đồng, Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc quyết định lựa chọn bán theo phương thức đấu giá hoặc thỏa thuận nhưng không thấp hơn giá thị trường. Trường hợp tài sản cố định không có giao dịch trên thị trường thì doanh nghiệp được thuê tổ chức có chức năng thẩm định giá xác định giá làm cơ sở bán tài sản theo các phương thức trên.
b) Trường hợp chuyển nhượng tài sản cố định gắn liền với đất phải thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.
4. Trình tự, thủ tục thanh lý, nhượng bán tài sản:
a) Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty quyết định thành lập Hội đồng thanh lý, nhượng bán tài sản cố định tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Thành phần Hội đồng gồm: Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc, Kế toán trưởng, các trưởng phòng có liên quan; đại diện Ban Chấp hành công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp và một số chuyên gia am hiểu về tính năng kỹ thuật của tài sản cố định (nếu cần). Nhiệm vụ của Hội đồng thanh lý, nhượng bán tài sản cố định của doanh nghiệp gồm:
– Xác định thực trạng về kỹ thuật, giá trị còn lại của tài sản thanh lý, nhượng bán;
– Xác định nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan đến trường hợp tài sản cố định mới đầu tư không mang lại hiệu quả kinh tế phải nhượng bán nhưng không có khả năng thu hồi đủ vốn đầu tư, tài sản chưa khấu hao hết đã bị hư hỏng không thể sửa chữa được phải thanh lý, nhượng bán để báo cáo chủ sở hữu xử lý theo quy định;
– Tổ chức xác định hoặc thuê tổ chức có chức năng thẩm định giá để xác định giá trị có thể thu được của tài sản thanh lý, nhượng bán;
– Tổ chức bán đấu giá hoặc thuê tổ chức có chức năng bán đấu giá các loại tài sản thanh lý nhượng bán theo quy định của pháp luật có liên quan;
– Hội đồng thanh lý, nhượng bán tài sản tự kết thúc hoạt động sau khi hoàn tất việc thanh lý, nhượng bán tài sản cố định của doanh nghiệp.
b) Trường hợp khi doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện dự án đầu tư xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt, doanh nghiệp phải dỡ bỏ hoặc hủy bỏ tài sản cố định cũ thì việc thanh lý và hạch toán tài sản cố định cũ khi dỡ bỏ hoặc hủy bỏ của doanh nghiệp thực hiện như đối với trường hợp thanh lý tài sản cố định quy định tại Điều này.”
Theo đó, anh căn cứ vào quy định nêu trên để tiến hành thành lý tài sản (02 chiếc xe ô tô) của doanh nghiệp mình.
Trình tự thủ tục thanh lý tài sản của doanh nghiệp Nhà nước được quy định ra sao?
Mua sắm sản phẩm hàng hóa cho doanh nghiệp Nhà nước thì áp dụng hình thức đấu thầu nào?
Căn cứ các Điều 20, Điều 22 và Điều 23 Luật đấu thầu 2013 quy định về các hình thức đấu thầu như sau:
“Điều 20. Đấu thầu rộng rãi
1. Đấu thầu rộng rãi là hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong đó không hạn chế số lượng nhà thầu, nhà đầu tư tham dự.
2. Đấu thầu rộng rãi được áp dụng cho các gói thầu, dự án thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này, trừ trường hợp quy định tại các điều 21, 22, 23, 24, 25, 26 và 27 của Luật này.
Điều 22. Chỉ định thầu
1. Chỉ định thầu đối với nhà thầu được áp dụng trong các trường hợp sau đây:
…
e) Gói thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công, gói thầu có giá gói thầu trong hạn mức được áp dụng chỉ định thầu theo quy định của Chính phủ phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội trong từng thời kỳ.
Điều 23. Chào hàng cạnh tranh
1. Chào hàng cạnh tranh được áp dụng đối với gói thầu có giá trị trong hạn mức theo quy định của Chính phủ và thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Gói thầu dịch vụ phi tư vấn thông dụng, đơn giản;
b) Gói thầu mua sắm hàng hóa thông dụng, sẵn có trên thị trường với đặc tính kỹ thuật được tiêu chuẩn hóa và tương đương nhau về chất lượng;
c) Gói thầu xây lắp công trình đơn giản đã có thiết kế bản vẽ thi công được phê duyệt.”
Theo quy định trên nếu doanh nghiệp anh muốn dùng số tiền từ việc thanh lý tài sản để mua một chiếc xe ô tô mới theo hình thức đấu thầu thì có thể áp dụng hình thức chào hành cạnh tranh.
Giá trị của gói thầu theo hình thức chào hàng cạnh tranh tối đa là bao nhiêu?
Căn cứ Điều 57 Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định về phạm vi áp dụng chào hàng cạnh tranh như sau:
Điều 57. Phạm vi áp dụng chào hàng cạnh tranh
1. Chào hàng cạnh tranh theo quy trình thông thường áp dụng đối với gói thầu quy định tại Khoản 1 Điều 23 của Luật Đấu thầu có giá trị không quá 05 tỷ đồng.
2. Chào hàng cạnh tranh theo quy trình rút gọn áp dụng đối với gói thầu quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 23 của Luật Đấu thầu có giá trị không quá 500 triệu đồng, gói thầu quy định tại Điểm b và Điểm c Khoản 1 Điều 23 của Luật Đấu thầu có giá trị không quá 01 tỷ đồng, gói thầu đối với mua sắm thường xuyên có giá trị không quá 200 triệu đồng.”
Như vậy, doanh nghiệp của anh nên thực hiện gói thầu mua sắm hàng hóa theo chào hàng cạnh tranh thông thường. Giá trị gói thầu theo hình thức chào hàng cạnh tranh thông thường là từ 05 tỷ trở xuống sẽ thích hợp cho việc mua xe ô tô mới của doanh nghiệp.
Quy trình thực hiện chào hàng cạnh tranh thông thường thực hiện theo trình tự được quy định tại Điều 58 Nghị định 63/2014/NĐ-CP.