Trình tự thanh toán khi doanh nghiệp phá sản | Kiểm toán AS

Khi nào doanh nghiệp bị xem là phá sản?

Theo luật phá sản 2014 thì doanh nghiệp bị phá sản được diễn giải là doanh nghiệp mất khả năng thanh toán các khoản nợ trong 3 tháng kể từ ngày đến hạn phải thanh toán bị tòa án quyết định tuyên bố phá sản.

Tài sản xử lý để trả nợ cho các chủ nợ khi phá sản là toàn bộ tài sản doanh nghiệp bao gồm: tài sản sở hữu, quyền sử dụng tài sản, tiền, khoản phải thu, khoản đầu tư, các khoản góp vốn của chủ sở hữu còn thiếu trong cam kết vốn góp doanh nghiệp.

Trình tự thanh toán nợ phải trả khi doanh nghiệp phá sản như sau:

Một, thanh toán các chi phí phá sản.

Hai, thanh toán các khoản nợ, liên quan đến người lao động.

Ba, thanh toán các khoản nợ, nhằm mục đích phục hồi kinh doanh.

Bốn, thanh toán các nghĩa vụ tài chính với nhà nước.

Năm, thanh toán các nợ khác.

Lưu ý, doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh là hai loại hình doanh nghiệp có chế độ chịu trách nhiệm vô hạn. Vì vậy, khi tài sản của doanh nghiệp không đủ trả các khoản nợ nêu trên thì tài sản tiếp theo dùng để trả nợ là tài sản cá nhân của chủ doanh nghiệp mặc dù tài sản này không tham gia vào sản xuất kinh doanh.

Theo thông lệ luật phá sản quốc tế, xét trên khía cạnh nhân đạo và khoa học trong luật học, có quy định một số tài sản cá nhân tối thiểu của doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh được miễn trừ khi giải quyết phá sản như: nhà ở tối thiểu của họ và gia đình; các khoản tiền tối thiểu, mà họ còn phải trang trải chi phí để tiếp tục sống và làm việc; các khoản lợi ích họ còn phải thu để trang trải cho bảo hiểm sức khỏe, trang trải chi phí học tập con trẻ, và các tiện ích cho cuộc sống cơ bản một gia đình.

Ngược lại, nếu tài sản doanh nghiệp phá sản mà còn dư lại sau khi đã trả hết nợ thì giải quyết như thế nào.

Pháp luật cũng thừa nhận và bảo vệ tài sản của doanh nghiệp quy định rằng, trường hợp giá trị tài sản của doanh nghiệp sau khi thanh toán đủ cho tất cả các chủ nợ mà vẫn còn dư thì thuộc toàn quyền của chủ sở hữu doanh nghiệp.

Tóm lại:

  • Đối với loại hình doanh nghiệp chịu trách nhiệm hữu hạn, Chủ sở hữu chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty

    . Hay nói cách khác là

    Pháp nhân thì chịu trả nợ, trên toàn bộ tài sản doanh nghiệp. Thể nhân chịu trả nợ trên phần góp vốn của mình, trong doanh nghiệp.

  • Đối với loại hình doanh nghiệp chịu trách nhiệm vô hạn, Chủ sở hữu chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp. Hay nói cách khác là Pháp nhân và thể nhân cùng chịu trả nợ

    , trên toàn bộ tài sản của doanh nghiệp và của thể nhân.

Phá sản doanh nghiệp không phải bao giờ cũng đồng nghĩa là chấm dứt hoạt động doanh nghiệp và cũng không phải khi tòa án, mở thủ tục phá sản là doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản. Doanh nghiệp mất khả năng thanh toán không nhất thiết phải mở thủ tục phá sản, và ngay khi tòa án mở thủ tục phá sản doanh nghiệp vẫn có thời gian thương lượng với chủ nợ.